Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

HOÀI CẢM MỘT VÙNG ĐỊA LINH, VĂN HIẾN



          Ngày xửa, ngày … 01/08/2008, vâng đã 5 năm rồi, một vùng “địa linh nhân kiệt Hà Đông – Sơn Tây” ta thường gọi nôm là xứ Đông, xứ Đoài sáp nhập về Thủ đô Hà Nội. Bản thân tôi vốn người Hà Đông dù đã mất gốc gần 1 thế kỷ, cũng đã quên – thật hổ thẹn, nhưng một người bạn lại không quên và gửi email cho tôi:
TNc: Ngày mai 1-8-2013, đúng 5 năm Hà Tây khuất bóng. Tôi là dân Phú Thọ mà sao cứ xa xót cho một vùng văn hóa lừng danh Xứ Đoài nay núp bóng Thăng Long. Nhân ngày này xin đưa lại bài Văn tế tuyệt hay của Phạm Việt Long.
            Thực tế đây là một bài Văn tế rất nổi tiếng, tôi và rất nhiều người đều đã nghe, đã có, song vào dịp Lễ Vu Lan, cháu con phải nhớ về Tổ tiên, cha mẹ nên dẫu có đăng lại cũng không thừa. Chẳng những thế, một áng văn hay, khi trà dư tửu hậu cần có một sự “bình loạn” mới cảm hết được cái sâu sắc của ngôn từ, ý tứ mà tác giả đã rút ruột, thả hồn vào đó. (Những chỗ đánh dấu là do tôi chua vào - LP).

       
Văn tế tỉnh Hà Tây

                                                                   Phạm Việt Long



Hỡi ôi!

Thế cục xoay vần, càn khôn dời đổi, bước thịnh suy hồ dễ mấy ai hay.

Mở cửa bốn phương Nam, Bắc, Đông, Tây, luồng gió mới thổi qua miền quê lụa.

Đã từng trải bao nhiêu sóng gió, tưởng vĩnh hằng trụ mãi với thời gian.

Ai ngờ đâu bèo dạt mây tan, một quyết định tiễn về miền ký ức.

Nhớ linh xưa!

Sừng sững Ba Vì trấn biên cương phía bắc, Thành Tản Viên uy ngự chốn linh thiêng.

Một dẻo Tây Nam, mây núi nước miên miên, Hương Tích động mở một trời phật pháp.

Dòng Đà Giang độc lưu lên phía Bắc, sông Tích hiền tuôn chảy xuống phía Nam.

Sông Đáy trong kết bạn với Nhuệ Giang, ôm ấp trọn cả bình nguyên trù phú.

Suối Yến Mơ ngọt ngào quyến rũ, nụ cười ai ngây ngất nón Ba Tầm.

Tiếng ai ca vắt vẻo giữa rừng xuân, trái mơ vàng mọng căng niềm mơ ước.

Chùa Tây Phương giữa một miền non nước, bao năm rồi La Hán vẫn lặng im.

Đất Bối Khê cung kính vị thánh hiền, nhận liền anh chùa Trăm Gian linh ứng.

Trúc Lâm môn bàn tay ai gây dựng. Vũ Khắc Trường ngồi đó với thời gian.

Vũ Khắc Minh kế tục hóa kim cương, chùa Đậu lành trở thành miền cổ tích.

Đền Đồng Quan thênh thang và cô tịch, khói hương say phơ phất bóng cửa trùng.

Tiếng đàn bay giữa Đại Lộ mênh mông, nhịp phách tiền nâng hồn người lên cõi.

Dòng Nhĩ Hà xôn xao sóng dội, phù sa hồng kết thành bãi Tự Nhiên.

Có ai người dội gáo nước thiêng, thăng hoa hết tình yêu và số phận.

Thấy đâu đây túp lều tranh yên ấm, trái tim vàng Chử Đồng Tử, Tiên Dung.

Sáo diều ai tha thiết giữa tầng không, hay khúc hát quần tiên ngày khánh hội.

Đất Đường Lâm bàn tay nào đắp đổi, đá ong xây ngôi vị của hai Vua.

Dòng sữa nào nuôi dưỡng từ ngàn xưa, Phủ Thường Tín sinh sáu ba Tiến Sĩ.

Núi sông hùng vĩ, đất anh linh vạn thủa vẫn anh linh.

Thiên địa tịch minh, đời khang thái muôn năm còn khang thái.

Lụa Hàng Vân bàn tay ai kết sợi, áng tơ mềm vấn vít đất Hà Đông.

Gạo tám thơm dâng ngan ngát hương nồng, ai là người ươm gieo miền Chợ Cháy.

Vành nón xinh nghiêng nụ cười con gái, ai là người cặm cụi giữa làng Chuông.

Bàn tay ai đơm kết sợi chỉ hồng, thu muôn sắc về khung thêu Quất Động.

Cả vũ trụ bao la thơ mộng, tranh sơn mài Duyên Thái gói vào trong.

Muôn thần linh Nam, Bắc, Tây, Đông, thợ Sơn Đồng gọi về từ gỗ đá.

Ai hữu duyên xin về miền Trạch Xá, tà áo dài bay hương sắc Việt Nam.

Đất Phú Vinh chau chuốt mỗi sợi nan, kết mây tre thành diệu huyền vĩnh cửu.

Mộc Chàng Sơn mang phụng long hoa điểu, châu tuần về tô điểm cõi linh thiêng.

Tiếng thoi ai rắc ngọc đất quê hiền, khách tha hồ nhặt gom từ Phùng Xá.

Con ốc nào mang trời mây biển cả, thổi hồn vào đó khảm Làng Chuyên.

Bàn tay nào nơi Thượng Hiệp bình yên, điểm linh nhãn cho muôn loài muông thú.*

Giang sơn quyến rũ

Nhân vật tài hoa.

Muôn năm rồi theo bước ông cha,

Vì Thủ Đô đem thân làm cửa ngõ.*

Tấm lòng son trời cao còn soi tỏ, gậy Trường Sơn in dấu đất quê hương.

Chiến tranh ư, trai tráng khắp làng thôn. Nắm tay nhau hát bài ca vệ quốc.

Bỏ lại sau mái tranh nghèo xơ xác, nguyện đem về cho Tổ Quốc vinh quang.

Hồn bay theo cánh gió đại ngàn, xá chi thân vùi sâu ba thước đất.*

Tấm bia lạnh nơi nấm mồ đóng chặt, lại mở ra cả chân lý tự do.

Hòa bình ư, lại khúc hát đưa đò, lái thuyền đời vào giữa dòng đổi mới.

Đất cha ông đã bao đời đắp đổi, nay hiến dâng cho sự nghiệp sang trang.

Dù chẳng còn đâu nữa lũy tre làng, dù sáo diều không còn nơi ca hát.

Dù thôn hương chẳng còn đường gạch lát, dù chơi vơi giữa thế giới thương trường.

Chỉ một tấm lòng chan chứa yêu thương, luôn đầy ắp dù đầy vơi cuộc sống.

Than ôi!

Núi cao trời xanh kia vẫn rộng, mà địa đồ rơi mất chữ Hà Tây.

Đông còn đây, Đoài vẫn còn đây, mà ngơ ngác giữa phố phường Hà Nội

Cô gái quê dịu hiền nơi bến đợi, đã sang sông xao xuyến một chuyến đò.

Niềm vui kia chẳng khỏa hết âu lo, phận làm dâu mấy người hay họa phúc.

Chốn quan trường bị một phen chen chúc, còn công đường hay kê ghế ngồi chơi.

Chốn dân thôn nghe ngóng khắp mọi nơi, còn ruộng đất hay hóa thành vô sản.

Đã chao đảo mấy phen hợp tán, liệu bền không khi biến ngõ thành nhà.

Hạnh phúc chăng khi thuyền mới ghé qua, phận làm hai đã bá truyền đại chúng.*

Ai bảo rằng cứ nhà cao cửa rộng, hạnh phúc hơn trong một mái tranh nghèo.

Ai bảo rằng kẻ cả chẳng gieo neo, khi chứng kiến nhà giàu kia cũng khóc.

Nhưng thôi thôi!

Chân đã bước có nề chi khó nhọc, ai bảo rằng phận dưới chẳng có công.

Hồi môn kia cả mảnh đất danh hương, ai dám nói Thủ Đô không nhờ cậy.

Sông Hồng dữ có hiền hòa sông Đáy, Ba Vì thiêng nâng đỡ núi Nùng linh.

Chùa Một Cột như một đóa hoa sen, được hái về từ Phật Đài Hương Tích.

Dáng ai đi trong ngàn năm thanh lịch, tà áo nào không phải lụa Hà Đông.

Nhà ai cao ngất ngưởng giữa không trung, móng nào xây trên đất miền Hòa Lạc.

Khách viễn du không chồn chân ngơ ngác, giữa bốn bề mái ngói xô nghiêng.

Tới Thủ Đô có thủy bộ đôi bên, dắt hồn người vào bao miền hương sắc.*

Đáo giang tùy khúc, luôn nhớ câu hữu xạ tự nhiên hương.

Nhất phẩm thiên lương, từng ghi dạ phúc đức tòng tại mẫu.

Đem thân về cùng Thủ Đô yêu dấu, cũng tự hào hộ đối môn đăng.

Bỏ lại sau lưng một quá khứ mênh mông, tránh sao khỏi chút niềm day dứt.*

Hà Tây ơi!

Đưa người về một miền ký ức, Quốc Hương còn “bóng chiếc thoi đưa”

Hay đời thường sớm nắng chiều mưa, chỉ “sông Tích, sông Đà giăng lụa”.

Nguyễn Khắc Hiếu còn ngồi đâu đó, gan Tản Đà sông núi hóa thành tên.

Ức Trai xưa vẫn còn đó uy nghiêm, tâm vẫn sáng như sao Khuê buổi sớm.*

Cánh hạc trắng bay về miền quên lãng, có ai người thổi đến một áng mây.

Chẳng thấy ai nâng chén rượu đưa cay, chỉ sương lạnh ướt đầm trên lọn cỏ.(1)

Tiễn người đi thắp hương lòng cháy đỏ, cho tình đời bát ngát một trời thương.

Cho lời ca tràn khắp nẻo văn chương, lập tượng đài trong chập chùng bể nhớ.

Dù ở đâu giữa đất trời muôn thủa

Xin Người về chứng giám Hà Tây ơi!

Thượng hưởng !

Tháng 9 Mậu Tý

(Nhân dịp nhập Hà Tây về Hà Nội)



TÂM SỰ CỦA TÔI:

          Quê tôi: bố Hà Tây, mẹ Hà Nội, thuở thiếu niên đã lấy tên chữ là Tây Hà – ghép tên hai quê bố mẹ. Ở đoạn trên tôi có nói quên, nhưng thực sự quên mỗi ngày 1/8/2008, còn sự kiện thì không thể quên vì bài hát “Hà Tây quê lụa” đã trở thành “Bài ca không quên” của tôi. Suốt 5 năm qua khoảng chục lần biểu diễn, giao lưu văn nghệ tại các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Phú Xuyên, TX Sơn Tây, q.Hà Đông… đều được yêu cầu phải hát bài đó và đã thể hiện rất cảm động.

            Dẫu biết sức văn có hạn, ngôn từ còn yếu, cũng xin được múa bút trước con dân nguyên quán và mọi bạn hữu yêu mến xứ Đông-Đoài chút thiển ý dưới đây về bài “Văn tế tỉnh Hà Tây”, có điều gì chưa vừa lòng mong miễn thứ.

            Trước hết phải nói tác giả Phạm Việt Long rất am hiểu về Thiên-Địa-Nhân Hà Tây thể hiện qua hình thái núi sông, các làng nghề, di tích và danh nhân văn hóa. Có thể gọi Phạm Việt Long là “Nhà Hà Tây học” được chăng?
            Văn tế là thể loại văn cổ, rất khó viết, phải tuân theo các quy tắc niêm luật chặt chẽ, nếu không đọc lên sẽ thấy trúc trắc, ngô nghê. Một số bạn thích gọi bài này bằng tên “Điếu Hà Tây Tỉnh” nghe có vẻ Hán-Nho hơn, nhưng xin thưa: Điếu văn chỉ có bố cục các phần – xin tạm gọi cho dễ hiểu là Nhập đề, Tiểu sử, Hoài cảm, An phận và Kết là giống Văn tế thôi, còn trong mỗi phần thường là văn xuôi, không theo niêm luật từng cặp 2 câu đối chọi. Trong cặp 2 câu này, nếu mỗi câu có 2 ý thì: câu 1 ý 1 kết bằng vần trắc, ý 2 vần bằng; câu 2 ngược lại, ý 1 bằng, ý 2 trắc. Tuy nhiên, kết ý 1 câu 1 lại phải kết vận với kết ý 2 của cặp 2 câu trước đó và kết ý 1 câu 2 phải đồng vận với kết ý 1 câu 1… chưa kể cặp ý 1 của câu 1 và câu 2 cũng như cặp ý 2, nếu để riêng rẽ cũng tương tự niêm luật của 1 đôi câu đối. Xin phép không bàn thêm về ý, vận này, tôi chỉ muốn làm rõ sự khác nhau giữa Điếu văn và Văn tế thôi. Các bạn đọc lại và chú ý từng cặp 2 câu sẽ thấy rõ điều này, mà cũng do tuân thủ niêm luật, mới tạo nên âm hưởng, nhịp điệu bi hùng của bài văn. Tôi đã từng viết cả Văn tế và Điếu văn. Tháng 4/1970, một bạn cùng khóa K13 ĐHBK Hà Nội, trong khi lao động tại trường cuốc phải một quả bom bi Mỹ và bị chết, tôi đã viết một bài Văn tế đầy 3 trang giấy ô ly (quen gọi là giấy 3 hào 6), khá được theo ý các bạn cùng khóa. Sau này toàn viết Điếu văn cho người thân gia đình và đồng đội cùng cơ quan.   
             Trong bài văn trên, cách dùng từ chắt lọc và hàm súc nhất là đoạn viết về các làng nghề. Nếu nói về cái hay, cái đẹp của ngôn từ, tứ thơ, ngữ điệu của bài văn, có lẽ cần ba bốn vị ngồi trà dư, tửu hậu, rung đùi mà tán, mà bình, kẻ tung người hứng hàng buổi mới hết được. Tự mỗi người đọc lại nhâm nhi cũng cảm thấy khá rõ rồi, nay xin nói thêm theo ý cá nhân một vài điểm chưa ưng ý:
-         7 vị trí đánh dấu * (ở câu 2 của cặp), cặp ý 1, hoặc cặp ý 2, hoặc chính 2 câu đó có số chữ khác nhau – sai luật! Tác giả mải chốt ý văn, quên luật hay bản này bạn gửi cho tôi viết sai? Tuy nhiên hoàn toàn có thể sửa dễ, song tôi không muốn.
-         Dòng 7 : “Sừng sững Ba Vì trấn biên cương phía bắc” từ biên cương chỉ dùng cho biên giới của nước, ở đây là địa giới tỉnh nên thay bằng từ khác như địa đầu, lũy thành, giới phần
            Hôm 20/8 (nhằm 14/7 âm) về quê ở Nam Triều, Phú Xuyên làm Lễ Vu Lan, trong khi uống rượu với anh em nội tộc, tôi có đọc lại bài “Văn tế tỉnh Hà Tây” với một giọng bi hùng. Đến đoạn đánh dấu (1) ở cuối bài cảm niềm tác giả than “Chẳng thấy ai nâng chén rượu đưa cay…”, chúng tôi đã cùng nâng chén rượu cạn hết như một sự đưa tiễn lại cố hương!
            Cũng như tác giả hoài cảm “Cô gái quê dịu hiền nơi bến đợi, đã sang sông xao xuyến một chuyến đò”.Theo phong tục làng xã ta, cô gái đã lấy chồng thì phải theo chồng, thân còn chẳng tiếc, tiếc gì cái tên? Sau hết, xin cám ơn tác giả Phạm Việt Long. Đây cũng là lời cuối của tôi, tránh mất thời gian của các vị.
            Rất mong bạn hữu gần xa có cao ý gì hay phiếm đàm với tôi có thể trao đổi qua Email:   phuclv2010@gmail.com.
            Thành tâm thỉnh giáo và cám ơn.
                                                Hà Nội, 23/08/2013. Lương Phúc.   
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét