Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

MỘT NGÀY HÈ XUÂN ĐỈNH 1967



Đến hẹn lại lên, hôm nay đã 31/8 rồi ,chả nhẽ hẹn Tháng Tám gặp lại rồi nhỡ sang tháng Chín. Tiếp tục chương trình đưa lại hình ảnh 45 năm trước. Đây là Tổ 1, có nhóm sơ tán đông nhất của Trưởng ban Văn-Du hiện nay P.H.Quỳ và Nhị hổ: Hạnh-Hương.
 
Tổ 1 và Nhóm sơ tán đông nhất (trừ Khôi)

 
Hãy phóng to và nhìn cho kỹ, từ trái sang: Vũ Phúc, Tuấn, Tuyên, Ân, Nội, Hương, Cao, Hạnh, Quỳ, Vũ Lương, Minh Thắng.



 



Riêng ảnh 7 người, P không hiểu tại sao lại có Khôi ngồi lẫn giữa nhóm này, là chân gỗ dẫn vào Hiệu ảnh Quốc tế chụp chăng??? Còn tên tuổi đã quá rõ, xin không cần kể ra!  




 Đã có lúc nào của Hôm Nay, bạn từng tưởng tượng lại một ngày hè mình đã sống ở Xuân Đỉnh năm xưa không? Nếu chưa hoặc không nhớ nổi thì  lúc này khi ngồi trước máy vi tính xem blog 10G là dịp đấy, xin đừng bỏ lỡ. Các bạn hãy cùng tôi lên Máy thời gian của Mèo ĐÔRÊMON để trở về quá khứ, sống lại một ngày hè của 46 năm trước ở nơi sơ tán Xuân Đỉnh.
Ba bài thơ dưới đây tôi đã ghi lại 3 khoảnh khắc thời gian trong ngày của 3 ngày hè năm 1967 ở Xuân Đỉnh. Nào, chuẩn bị! Xuất phát!

RẠNG ĐÔNG

Vầng dương vừa ló – trời bừng sáng,

Bóng tối dần tan trả lại ngày,

Sương giọt long lanh cười với nắng,

Thôn quê bừng tỉnh giấc ngủ say...

            Bản nhạc thể thao vui trong sáng,

            Đầu nhà rộn rã tiếng người cày,

            Nhẩy vọt ra sân, lòng thanh thản,

            Xem mặt trời lên, ngắm cỏ cây...

                        Xuân Đỉnh, 05/07/1967

CẢNH TRƯA

Nắng trải khắp xóm làng,

Mướp leo vàng mặt lũy,

Ong bướm lượn khóm hoa hút nhụy,

Thảm cỏ xanh điểm tí sao vàng,

Mấy gian lá gió nam lộng thổi,

Gió vờn bên khóm chuối tâm tình,

Gốc phi lao reo cười trong gió,

Nắng lách qua khe cửa đùa chơi.

Hàng dậu lả lơi,

Thoảng mùi cơm chín tới,

Tiếng chim hót véo von nghe phơi phới,

Giếng long lanh vòi vọi trời cao...

            Con đường thôn đỏ quệch bỗng ồn ào,

            Bụng đã đói cồn cào.

                                                Xin dừng bút!

                        Xuân Đỉnh, 05/06/1967

ĐÊM HÈ

Ngàn vì sao lung linh nhấp nháy,

Trời trong xanh, mây bạc từ trôi,

Đêm tĩnh mịch, quạt đưa phe phẩy,

Trăng vàng treo sáng ngự bầu trời...

            Vẳng nghe tiếng súng xa xa vọng,

            Thấp thoáng bóng tre hát rì rào,

            Ngồi buồn giữa sân chờ gió mát,

            Ngẩng mặt ngắm trời, hỏi chuyện sao!

                        Xuân Đỉnh, 22/06/1967

Xin chào! Hẹn gặp lại vào Tháng Chín.

Hà Nội, 31/08/2013. L.Phúc

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

THĂM MỘT G-CƯ SĨ Ở HÒA LẠC



 Trưa thứ Năm 22/8 bỗng có cú mobi của Trưởng ban Văn-Du (văn hóa – du lịch) Phạm Hữu Quỳ: “Ngày Chủ nhật lên trại Hòa Lạc thăm Tuấn được không? Sẽ đi xe của Hiệu trưởng P.H.Phú.” Truyền âm phát đi từ Hội trà Bách thảo, nghe loáng thoáng có tiếng của Thuận, Nội... Chủ nhật này cả chiều và tối tôi đều có việc nhưng cũng trả lời ngay: “Tôi sẽ thu xếp để đi”. Đã lâu, cỡ hơn chục năm, thuở Tuấn còn làm đại diện tại Hà Nội cho cơ quan nào đó tận Quảng Ngãi, tôi còn mai mối cho 1, 2 cô trong đơn vị mà không thành, đến nay tôi chưa gặp lại.
Thứ Bảy, Nội lại gọi mobi hỏi có đi không và dặn mang theo 2 tấm hình gốc “4 chàng ngự lâm 2-7-1968” đã đăng trên blog 10G để đi phục chế. Chuẩn bị hành trang để sau khi ở Hòa Lạc về là đi luôn các việc chiều và tối. 8g05’ Chủ Nhật, từ nhà theo hướng Phạm Văn Đồng, ngược chiều nơi tập trung, chiếu chỉ dẫn của Quỳ lại chui nhầm vào Đại học Điện lực, phải vòng sang đường đi tiếp. Đến bia Hải Yến 212 Hoàng Quốc Việt chả thấy ai, đang loay hoay để xe với bảo vệ nhà bia và rút mobi ra gọi, thì Thuận ở quán nước gần đó chạy ra vẫy. Xe chưa tới, còn sớm được 8’. Gửi xe vào con ngõ cách đó 200m, cặp đôi nhà Tường đến sau cùng. Tất cả lên xe vừa tròn tiểu đội: Phú-Trưởng xe, Quỳ, Phúc Nội, Điều, Lân, Tuyên, Thuận, Thuận-phu nhân, Tường, Tường-phu nhân, lái xe (xin lỗi, vì mấy hôm nay cứ ám ảnh bài Văn tế Hà Tây có câu “Cô gái quê dịu hiền nơi bến đợi, đã sang sông xao xuyến một chuyến đò”, hai bạn nữ xuất giá tòng phu – thân còn chẳng tiếc, tiếc gì cái tên!). Đúng 8g35’ ngày 25/08/2013, đoàn lữ hành nhằm hướng Hòa Lạc thẳng tiến.
Qua cầu vượt Phạm Văn Đồng, xe bon theo đường trên cao, lướt qua những công trình “lộ cộ”: Bảo tàng Hà Nội, Khách sạn có dáng Tàu Sân Bay, TT Hội nghị quốc gia ... khiến mọi người phải đàm luận. Sáng mưa là thế mà bây giờ trời hửng đẹp, được dịp Hiệu trưởng Phú nổ: “đã bấm mãi chọn giờ đi”. Xe lướt trên Đại lộ Thăng Long với mênh mang đất trời Quốc Oai, Thạch Thất, để Tuyên không thể không cảm khái vài câu bài “Văn tế Hà Tây”.
Tới ngã ba hết đường cao tốc, rẽ theo hướng về Xuân Mai chừng 3 km, chưa đến 9g30’, tạt vào thăm một trang trại quen của Phú ở gần đó phía Hà Nội với 1 hoa tiêu dẫn đường. Trang trại cỡ 1ha khá đẹp, trồng toàn bưởi Diễn, nuôi lợn gốc Mỹ và gà, ngan, ngỗng, chim bồ câu... có 3 chú chó đen rất hiếu khách. Biệt thự vắng chủ nhà chỉ có người làm với nhiều đồ gỗ khá khủng. Thăm thú chụp vài tấm ảnh chúng tôi quay lại đường cũ, rẽ trái theo lối vào Thác Bạc, Suối Sao. Dọc đây toàn các biệt thự, trang trại dân Hà Nội ra lập. Tuyên lại cảm khái “Nhà ai cao ngất ngưởng giữa không trung, móng nào xây trên đất miền Hòa Lạc”. Vùng đất này vốn là 1 xã của huyện Lương Sơn, Hòa Bình được ghép vào Quốc Oai, Hà Nội.
Lợn gốc Mỹ và gà

Ở trang trại bạn bè - Foto LP (máy Điều)

Bưởi - chim bồ câu

Phút thanh thản, mơ về nơi xa lắm? Foto - VT

Quỳ thuyết hay quá, bảo vệ Mực cũng phải mê.

Chừng 1km lại rẽ trái qua NVH thôn Lập Thành, 9g55’ trang trại đây rồi. Chủ nhà Phú xuống xe mở 2 cánh cửa sắt xanh, ôto dừng trước sân. Một người quần sooc may ô, thấp béo trắng, râu kiểu thầy đề cười đón chúng tôi – Tuấn “cốt” đây mà! Đã lâu không gặp nên có vài người hắn quên mất tên. Tay bắt mặt mừng, không khí rộn rã lên ngay. Thế rồi, kẻ xách xuống thực phẩm, người chế biến bật bếp. Thuận lướt web qua 3G, Lân loay hoay dò sóng TV, Phúc và Điều lần theo bậc đá ong xuống vườn. Trại nằm lưng đồi nhỏ, tầm 2 mẫu Bắc Bộ, bao quanh bởi tường đá ong, phía dưới đồi có ao nhỏ hình chữ nhật xây thành sắc cạnh – là nơi chủ nhân đã vật đất đá ong làm gạch xây nhà ... Có mấy cây lộc vừng hoa rất đẹp thả mành lướt thướt, có nhiều quả và cánh hoa rơi đỏ thềm đất, Phúc và Thuận đã làm vài pô ảnh nghệ thuật tại đây. Căn nhà sàn cột vuông, xà dầm vuông, trên nền đá ong. Tầng một tường bao quanh gạch đá ong cắt khéo, sàn gỗ ghép trang trí hoa văn, tầng trên thấp, hai mái phải đi khom.
Đại tá nghĩ gì? Đầu tư chăng? - Foto V.Thuận

Dưới cây lộc vừng trổ hoa - Foto L.Phúc

Lơ thơ tơ Lộc vừng buông rèm - LP
Mầm non nghệ thuật - LP


Anh chụp tôi, tôi chụp anh - Foto V.Thuận
Em lên mây đây! Còn hai bác? - Foto Điều
 10g35, đội “hỏa đầu quân” hoàn thành nhiệm vụ, chiến bãi ẩm thực đã sẵn sàng. Lá vả non đi cùng dưa chuột nửa tươi, nửa hộp; pate Nguyên Sinh, giò gói Ước Lễ, bánh mì dài và đặc ruột, sốt vang bò với khoai tây cà rốt, lạc rang, rượu Black John Lào, rượu táo mèo, rượu mơ, bia lon Hà Nội đặc biệt hơn có ngô bung nấu đậu đen gạo nếp + muối vừng do chính Nội đạo diễn... bữa ăn dã chiến như thế quá được phải không? Thế rồi tửu nhập ngôn xuất, các hảo thực khách tha hồ chém gió, tiếc cho “máy nổ” BM Tân không có mặt để trổ tài. Tuy nhiên, “hào kiệt không thuở nào thiếu”, G-cư sĩ Tuấn đã phần nào tranh bá quần hùng. Đủ chuyện trên trời dưới biển, đông tây kim cổ, tư bản – macxit được khai lộ chiếm trên 1/3 thời lượng phát sóng – một sự vỡ òa của khối tư liệu mà Tuấn đã tích lũy bấy lâu nay. Câu chuyện lần đầu tiên Phú phát lộ về T.H.Cao buổi tối ra vườn tay hái hồng xiêm ương đã tăm tia từ ban ngày, chân ngắn tưới đất cứ giật cục đuổi theo coóng tiểu di động được MĐ Nội liên lạc trực tuyến với đương sự để xác nhận, tạo một trận cười chảy nước mắt. Rồi thơ Bút Tre, các bài hát quấy thuở thiếu niên, chuyện vui của Phú, thơ vui của Phúc... kéo dài sang lúc nghỉ trưa: kẻ nằm, người ngủ, bạn lim dim, tôi nói ... tạo thêm dư vị đặc sắc cho buổi du hí này.
Rộn rã đội hỏa đầu - LP

Nào nâng côc cho ngày hội ngộ - VT

Nổ vui quá -VT


Tiểu đội ... người (trừ 2) không kính
 
Cuộc vui nào cũng phải dừng, 13g40’ chúng tôi về Nội thành, Tuấn rất vui khoác áo vào để chụp ảnh lưu niệm. Chúng tôi muốn gọi anh là Lập Thành cư sĩ, lấy theo tên thôn anh đang ở. Lưu luyến, chia tay và hẹn ngày gặp lại. Chủ trại Phú tranh thủ giới thiệu đề án sản xuất rau sạch và trứng tươi tại hiện trường để mọi người nghiên cứu tham gia.

Chia tay G-cư sĩ, Người ơi... người ở, ta về. LP
 Mã hồi bao giờ cũng nhanh, những cơn mưa chợt đến trên Đại lộ Thăng Long. Thoắt chốc đã đến đường vành đai 3, đoàn rẽ phải theo đường Khuất Duy Tiến đến thăm cơ ngơi trường ĐH Thăng Long tọa lạc trên đường Nguyễn Xiển theo lời mời của Hiệu trường Phú. Những bước chân đầu tiên tôi đã cảm nhận một ngôi trường khang trang, hiện đại, trật tự trên khu đất 2ha. Đi thăm các hạng mục mới thấy hết cái tâm của những thành viên trong HĐQT với sự nghiệp đào tạo nhân tài. Từ thiết kế xây dựng, cách bố trí giảng đường, thư viện, phòng thực hành, nơi tự học, nơi rèn luyện thể chất đều tạo nên môi trường tốt nhất có thể cho sinh viên. Chả thế mà trường ở trong top đầu nếu không muốn nói là tốt nhất trong khối các trường ĐH dân lập, thậm chí nhiều trường ĐH công lập chưa chắc đã bằng về cả chất lượng đào tạo và năng lực cơ sở vật chất.



 Đi thăm cơ sở vật chất của trường








Khu rèn luyện thể chất

Người đi, kẻ còn mê mải ngắm

Bên sân bóng rổ

Trước đại sảnh của trường
 Cơn mưa đang đợi trên bầu trời, 15g35 Chúng tôi chụp một tấm hình trước đại sảnh của trường rồi trở về. suốt buổi tham quan, anh Nội tách đoàn nên lại phải rút mobi nháy gọi.
15g50, tới điểm xuất phát ban đầu, kết thúc hành trình. Xuống xe, chia tay, cám ơn BTC, cám ơn chủ nhà kiêm Hiệu trưởng Phú đã cho mọi người một chuyến đi rất vui vẻ, thú vị.
Hà Nội 23g25, ngày 25/08/2013. Lương Phúc.

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Nhớ Hà Tây xưa

A- Anh Lương Phúc - dân chính chủ huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Tây (cũ) - hoài cảm về vùng đất địa linh văn hiến bị xóa sổ lần hai, đã cất công chép bài "Văn tế Hà Tây" từ anh bạn Trannhuong.com và kỳ công bình về thể văn biền ngẫu này. Cám ơn cựu đại tá Lương Phúc văn võ toàn tài rất nhiều.



B- Tôi cũng là dân Phú Xuyên huyện, làng tôi cạnh làng anh Lương Phúc. Xót xa  với những thăng trầm của "Hà Tây tỉnh cũ" xin chép đoạn trường này:

Tỉnh Hà Tây có những bước thăng trầm sau:

1. Tỉnh Hà Tây được thành lập ngày 1 tháng 7 năm 1965 theo Quyết định số 103-NQ-TVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21 tháng 4 năm 1965 trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Sơn Tây và Hà Đông.

2. Ngày 27 tháng 12 năm 1975 hợp nhất với tỉnh Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình.
Năm 1978 hai thị xã Sơn Tây và Hà Đông, 5 huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức của tỉnh Hà Sơn Bình cùng một số xã của các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín được chuyển về Hà Nội. Tuy nhiên thị xã Hà Đông vẫn tạm thời là tỉnh lỵ tỉnh Hà Sơn Bình.

3. Theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII kỳ họp thứ 9 ngày 12 tháng 8 năm 1991, tỉnh Hà Tây được tái lập và 5 huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức cùng 2 thị xã Sơn Tây và Hà Đông được trả về cho Hà Tây, tổng cộng có 2 thị xã và 12 huyện.
Khi đó tỉnh có diện tích là 2.169 km², với dân số 2.086.926 người.

4a. Tháng 12 năm 2006 Thủ tướng chính phủ ký nghị định thành lập thành phố Hà Đông thuộc tỉnh Hà Tây với diện tích tự nhiên là 4.791,7ha, 228.715 nhân khẩu, có 15 đơn vị hành chính gồm bảy phường và tám xã.
4b. Tháng 8 năm 2007 Thủ tướng chính phủ ký nghị định thành lập thành phố Sơn Tây thuộc tỉnh Hà Tây có 15 đơn vị hành chính gồm 6 phường và 9 xã.
Từ 1/8/2008 hai đơn vị này trở thành quận Hà Đông và trở lại làm Thị xã Sơn Tây.

5. Từ 1 tháng 8 năm 2008, toàn bộ diện tích, dân số của tỉnh Hà Tây được sát nhập vào Hà Nội . Hà Nội mới có 29 đơn vị quận huyện thị xã.

Nhân sự kiện này ông Phạm Việt Long làm bài “Văn tế tỉnh Hà Tây” theo thể văn Biền ngẫu (Biền là cặp ngựa đi sóng đôi). “Biền ngẫu” là lối đặt câu như những cặp ngựa song song, nghĩa là gồm những câu dài ngắn như nhau, nhịp điệu tương đồng, ý nghĩa đối nhau từng cặp. 

Bài văn tế này gồm hơn bốn mươi cặp “Biền ngẫu”, nhiều cặp có thể còn chưa được chuẩn, còn chưa được chỉnh. Những câu “gối hạc” còn chưa thật sự đắt so với nhiều bài văn tế cổ. Song toàn bộ bài văn này vẫn là một áng Thiên cổ hùng văn, có giá trị về mặt nghệ thuật.

Đọc xong, thấy vô cùng xúc động vì tình cảm của tác giả đối với quê hương Xứ Đoài.

Mời các bạn đọc thêm bài "Bảo Tồn Tinh Hoa Xứ Đoài"của tác giả Mai Thục  ( http://newvietart.com/index3.4390.html ).

C- Anh bạn dân Phú Thọ TNc lại có mong muốn được về Thủ đô như anh Hà Tây, nên đã làm đơn xin nhập Đền Hùng về Hà Lội từ tháng 1/2009, mà đến nay chửa thấy các cơ quan chức năng trả lời. 
Xin chép lại đơn này để thấy tấm lòng tha thiết da diết của người Phú Thọ:



Đơn xin nhập Đền Hùng về Thủ đô


Khuyết danh





Thứ năm ngày 8 tháng 1 năm 2009 11:26 AM

 
 - Các em Phú Thọ kính gửi anh chị cả Hà Nội

Tin đâu vui đến ngỡ ngàng
Hà Tây cửa ngõ chuyển sang cửa.... nhà
Giá như dướn đến ngã ba
Thậm Thình* sung sướng cửa... nhà rộng hơn

Mộ Tổ là của triệu con
Anh chị cả giữ bát hương mới là
Bao năm anh chị đi xa
Giầu sang, phú quý giỗ cha không về

Chúng em út ít nhà quê
Quanh năm cuốc mướn cầy thuê giữ mồ
Sắn khoai bữa đói bữa no
Lắm khi giỗ chạp bàn thờ trống không
Thương cho các đấng sinh thành
Con nghèo, tủi cả vong linh ông bà

Bây giờ Hà Nội nới ra
Anh ngoặc thêm tí Trung Hà- Phong Châu
Vài ngàn mét đáng gì đâu
Tiếng thơm Hà Nội qua cầu càng thơm:
“rằng anh chị cả khói hương
là  đúng đạo nghĩa phúc bền dài lâu”
Nào ngờ anh ngại sông sâu
Để Thao giang cứ đỏ mầu ước mơ.

Lời quê thực dạ em thưa
Mồ cha, anh có bao giờ để tâm?
Đã Ba Vì, đã Đường Lâm
Đã Mê Linh cũ sao không Đền Hùng ?
Hẳn là anh nghĩ đất rừng
Đò giang cách trở bán không có lời.
Nhưng mà tủi lắm anh ơi
Người ta con cháu đầy vơi xum vầy
Nhà mình mang tiếng đủ đầy
Mà sao lạnh lẽo mồ thầy hả anh?

Phỉ phui câu dại, câu lành
Trẻ mỏ chi nữa mà anh ham giầu
Mẹ cha cô quạnh rừng sâu
Bốn ngàn năm vẫn âu sầu đợi anh
Ngàn tuổi anh đã trưởng thành
Xin anh nối lấy phúc lành Tổ tiên

Nghìn năm Hà Nội thăng thiên
Giỗ bố anh điện là rồng, tiên xuôi tầu.
Nôm na mách qué mấy câu
Mong anh suy tính trước sau vẹn toàn
                        Việt Trì ngày 2 tháng9 năm 2008

************
*Thậm Thình, ngã ba rẽ vào Đền Hùng được mệnh danh là ngã ba sung sướng
                                      .Khuyết danh 



Chào các bạn và phóng viên Lương Phúc, em về Cầu Giẽ đây!

(Vĩnh Thuận - Nam Phong - Phú Xuyên - Hà Tây/ Hà Nội - 24/8/2013 - 21h00)


Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

HOÀI CẢM MỘT VÙNG ĐỊA LINH, VĂN HIẾN



          Ngày xửa, ngày … 01/08/2008, vâng đã 5 năm rồi, một vùng “địa linh nhân kiệt Hà Đông – Sơn Tây” ta thường gọi nôm là xứ Đông, xứ Đoài sáp nhập về Thủ đô Hà Nội. Bản thân tôi vốn người Hà Đông dù đã mất gốc gần 1 thế kỷ, cũng đã quên – thật hổ thẹn, nhưng một người bạn lại không quên và gửi email cho tôi:
TNc: Ngày mai 1-8-2013, đúng 5 năm Hà Tây khuất bóng. Tôi là dân Phú Thọ mà sao cứ xa xót cho một vùng văn hóa lừng danh Xứ Đoài nay núp bóng Thăng Long. Nhân ngày này xin đưa lại bài Văn tế tuyệt hay của Phạm Việt Long.
            Thực tế đây là một bài Văn tế rất nổi tiếng, tôi và rất nhiều người đều đã nghe, đã có, song vào dịp Lễ Vu Lan, cháu con phải nhớ về Tổ tiên, cha mẹ nên dẫu có đăng lại cũng không thừa. Chẳng những thế, một áng văn hay, khi trà dư tửu hậu cần có một sự “bình loạn” mới cảm hết được cái sâu sắc của ngôn từ, ý tứ mà tác giả đã rút ruột, thả hồn vào đó. (Những chỗ đánh dấu là do tôi chua vào - LP).

       
Văn tế tỉnh Hà Tây

                                                                   Phạm Việt Long



Hỡi ôi!

Thế cục xoay vần, càn khôn dời đổi, bước thịnh suy hồ dễ mấy ai hay.

Mở cửa bốn phương Nam, Bắc, Đông, Tây, luồng gió mới thổi qua miền quê lụa.

Đã từng trải bao nhiêu sóng gió, tưởng vĩnh hằng trụ mãi với thời gian.

Ai ngờ đâu bèo dạt mây tan, một quyết định tiễn về miền ký ức.

Nhớ linh xưa!

Sừng sững Ba Vì trấn biên cương phía bắc, Thành Tản Viên uy ngự chốn linh thiêng.

Một dẻo Tây Nam, mây núi nước miên miên, Hương Tích động mở một trời phật pháp.

Dòng Đà Giang độc lưu lên phía Bắc, sông Tích hiền tuôn chảy xuống phía Nam.

Sông Đáy trong kết bạn với Nhuệ Giang, ôm ấp trọn cả bình nguyên trù phú.

Suối Yến Mơ ngọt ngào quyến rũ, nụ cười ai ngây ngất nón Ba Tầm.

Tiếng ai ca vắt vẻo giữa rừng xuân, trái mơ vàng mọng căng niềm mơ ước.

Chùa Tây Phương giữa một miền non nước, bao năm rồi La Hán vẫn lặng im.

Đất Bối Khê cung kính vị thánh hiền, nhận liền anh chùa Trăm Gian linh ứng.

Trúc Lâm môn bàn tay ai gây dựng. Vũ Khắc Trường ngồi đó với thời gian.

Vũ Khắc Minh kế tục hóa kim cương, chùa Đậu lành trở thành miền cổ tích.

Đền Đồng Quan thênh thang và cô tịch, khói hương say phơ phất bóng cửa trùng.

Tiếng đàn bay giữa Đại Lộ mênh mông, nhịp phách tiền nâng hồn người lên cõi.

Dòng Nhĩ Hà xôn xao sóng dội, phù sa hồng kết thành bãi Tự Nhiên.

Có ai người dội gáo nước thiêng, thăng hoa hết tình yêu và số phận.

Thấy đâu đây túp lều tranh yên ấm, trái tim vàng Chử Đồng Tử, Tiên Dung.

Sáo diều ai tha thiết giữa tầng không, hay khúc hát quần tiên ngày khánh hội.

Đất Đường Lâm bàn tay nào đắp đổi, đá ong xây ngôi vị của hai Vua.

Dòng sữa nào nuôi dưỡng từ ngàn xưa, Phủ Thường Tín sinh sáu ba Tiến Sĩ.

Núi sông hùng vĩ, đất anh linh vạn thủa vẫn anh linh.

Thiên địa tịch minh, đời khang thái muôn năm còn khang thái.

Lụa Hàng Vân bàn tay ai kết sợi, áng tơ mềm vấn vít đất Hà Đông.

Gạo tám thơm dâng ngan ngát hương nồng, ai là người ươm gieo miền Chợ Cháy.

Vành nón xinh nghiêng nụ cười con gái, ai là người cặm cụi giữa làng Chuông.

Bàn tay ai đơm kết sợi chỉ hồng, thu muôn sắc về khung thêu Quất Động.

Cả vũ trụ bao la thơ mộng, tranh sơn mài Duyên Thái gói vào trong.

Muôn thần linh Nam, Bắc, Tây, Đông, thợ Sơn Đồng gọi về từ gỗ đá.

Ai hữu duyên xin về miền Trạch Xá, tà áo dài bay hương sắc Việt Nam.

Đất Phú Vinh chau chuốt mỗi sợi nan, kết mây tre thành diệu huyền vĩnh cửu.

Mộc Chàng Sơn mang phụng long hoa điểu, châu tuần về tô điểm cõi linh thiêng.

Tiếng thoi ai rắc ngọc đất quê hiền, khách tha hồ nhặt gom từ Phùng Xá.

Con ốc nào mang trời mây biển cả, thổi hồn vào đó khảm Làng Chuyên.

Bàn tay nào nơi Thượng Hiệp bình yên, điểm linh nhãn cho muôn loài muông thú.*

Giang sơn quyến rũ

Nhân vật tài hoa.

Muôn năm rồi theo bước ông cha,

Vì Thủ Đô đem thân làm cửa ngõ.*

Tấm lòng son trời cao còn soi tỏ, gậy Trường Sơn in dấu đất quê hương.

Chiến tranh ư, trai tráng khắp làng thôn. Nắm tay nhau hát bài ca vệ quốc.

Bỏ lại sau mái tranh nghèo xơ xác, nguyện đem về cho Tổ Quốc vinh quang.

Hồn bay theo cánh gió đại ngàn, xá chi thân vùi sâu ba thước đất.*

Tấm bia lạnh nơi nấm mồ đóng chặt, lại mở ra cả chân lý tự do.

Hòa bình ư, lại khúc hát đưa đò, lái thuyền đời vào giữa dòng đổi mới.

Đất cha ông đã bao đời đắp đổi, nay hiến dâng cho sự nghiệp sang trang.

Dù chẳng còn đâu nữa lũy tre làng, dù sáo diều không còn nơi ca hát.

Dù thôn hương chẳng còn đường gạch lát, dù chơi vơi giữa thế giới thương trường.

Chỉ một tấm lòng chan chứa yêu thương, luôn đầy ắp dù đầy vơi cuộc sống.

Than ôi!

Núi cao trời xanh kia vẫn rộng, mà địa đồ rơi mất chữ Hà Tây.

Đông còn đây, Đoài vẫn còn đây, mà ngơ ngác giữa phố phường Hà Nội

Cô gái quê dịu hiền nơi bến đợi, đã sang sông xao xuyến một chuyến đò.

Niềm vui kia chẳng khỏa hết âu lo, phận làm dâu mấy người hay họa phúc.

Chốn quan trường bị một phen chen chúc, còn công đường hay kê ghế ngồi chơi.

Chốn dân thôn nghe ngóng khắp mọi nơi, còn ruộng đất hay hóa thành vô sản.

Đã chao đảo mấy phen hợp tán, liệu bền không khi biến ngõ thành nhà.

Hạnh phúc chăng khi thuyền mới ghé qua, phận làm hai đã bá truyền đại chúng.*

Ai bảo rằng cứ nhà cao cửa rộng, hạnh phúc hơn trong một mái tranh nghèo.

Ai bảo rằng kẻ cả chẳng gieo neo, khi chứng kiến nhà giàu kia cũng khóc.

Nhưng thôi thôi!

Chân đã bước có nề chi khó nhọc, ai bảo rằng phận dưới chẳng có công.

Hồi môn kia cả mảnh đất danh hương, ai dám nói Thủ Đô không nhờ cậy.

Sông Hồng dữ có hiền hòa sông Đáy, Ba Vì thiêng nâng đỡ núi Nùng linh.

Chùa Một Cột như một đóa hoa sen, được hái về từ Phật Đài Hương Tích.

Dáng ai đi trong ngàn năm thanh lịch, tà áo nào không phải lụa Hà Đông.

Nhà ai cao ngất ngưởng giữa không trung, móng nào xây trên đất miền Hòa Lạc.

Khách viễn du không chồn chân ngơ ngác, giữa bốn bề mái ngói xô nghiêng.

Tới Thủ Đô có thủy bộ đôi bên, dắt hồn người vào bao miền hương sắc.*

Đáo giang tùy khúc, luôn nhớ câu hữu xạ tự nhiên hương.

Nhất phẩm thiên lương, từng ghi dạ phúc đức tòng tại mẫu.

Đem thân về cùng Thủ Đô yêu dấu, cũng tự hào hộ đối môn đăng.

Bỏ lại sau lưng một quá khứ mênh mông, tránh sao khỏi chút niềm day dứt.*

Hà Tây ơi!

Đưa người về một miền ký ức, Quốc Hương còn “bóng chiếc thoi đưa”

Hay đời thường sớm nắng chiều mưa, chỉ “sông Tích, sông Đà giăng lụa”.

Nguyễn Khắc Hiếu còn ngồi đâu đó, gan Tản Đà sông núi hóa thành tên.

Ức Trai xưa vẫn còn đó uy nghiêm, tâm vẫn sáng như sao Khuê buổi sớm.*

Cánh hạc trắng bay về miền quên lãng, có ai người thổi đến một áng mây.

Chẳng thấy ai nâng chén rượu đưa cay, chỉ sương lạnh ướt đầm trên lọn cỏ.(1)

Tiễn người đi thắp hương lòng cháy đỏ, cho tình đời bát ngát một trời thương.

Cho lời ca tràn khắp nẻo văn chương, lập tượng đài trong chập chùng bể nhớ.

Dù ở đâu giữa đất trời muôn thủa

Xin Người về chứng giám Hà Tây ơi!

Thượng hưởng !

Tháng 9 Mậu Tý

(Nhân dịp nhập Hà Tây về Hà Nội)



TÂM SỰ CỦA TÔI:

          Quê tôi: bố Hà Tây, mẹ Hà Nội, thuở thiếu niên đã lấy tên chữ là Tây Hà – ghép tên hai quê bố mẹ. Ở đoạn trên tôi có nói quên, nhưng thực sự quên mỗi ngày 1/8/2008, còn sự kiện thì không thể quên vì bài hát “Hà Tây quê lụa” đã trở thành “Bài ca không quên” của tôi. Suốt 5 năm qua khoảng chục lần biểu diễn, giao lưu văn nghệ tại các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Phú Xuyên, TX Sơn Tây, q.Hà Đông… đều được yêu cầu phải hát bài đó và đã thể hiện rất cảm động.

            Dẫu biết sức văn có hạn, ngôn từ còn yếu, cũng xin được múa bút trước con dân nguyên quán và mọi bạn hữu yêu mến xứ Đông-Đoài chút thiển ý dưới đây về bài “Văn tế tỉnh Hà Tây”, có điều gì chưa vừa lòng mong miễn thứ.

            Trước hết phải nói tác giả Phạm Việt Long rất am hiểu về Thiên-Địa-Nhân Hà Tây thể hiện qua hình thái núi sông, các làng nghề, di tích và danh nhân văn hóa. Có thể gọi Phạm Việt Long là “Nhà Hà Tây học” được chăng?
            Văn tế là thể loại văn cổ, rất khó viết, phải tuân theo các quy tắc niêm luật chặt chẽ, nếu không đọc lên sẽ thấy trúc trắc, ngô nghê. Một số bạn thích gọi bài này bằng tên “Điếu Hà Tây Tỉnh” nghe có vẻ Hán-Nho hơn, nhưng xin thưa: Điếu văn chỉ có bố cục các phần – xin tạm gọi cho dễ hiểu là Nhập đề, Tiểu sử, Hoài cảm, An phận và Kết là giống Văn tế thôi, còn trong mỗi phần thường là văn xuôi, không theo niêm luật từng cặp 2 câu đối chọi. Trong cặp 2 câu này, nếu mỗi câu có 2 ý thì: câu 1 ý 1 kết bằng vần trắc, ý 2 vần bằng; câu 2 ngược lại, ý 1 bằng, ý 2 trắc. Tuy nhiên, kết ý 1 câu 1 lại phải kết vận với kết ý 2 của cặp 2 câu trước đó và kết ý 1 câu 2 phải đồng vận với kết ý 1 câu 1… chưa kể cặp ý 1 của câu 1 và câu 2 cũng như cặp ý 2, nếu để riêng rẽ cũng tương tự niêm luật của 1 đôi câu đối. Xin phép không bàn thêm về ý, vận này, tôi chỉ muốn làm rõ sự khác nhau giữa Điếu văn và Văn tế thôi. Các bạn đọc lại và chú ý từng cặp 2 câu sẽ thấy rõ điều này, mà cũng do tuân thủ niêm luật, mới tạo nên âm hưởng, nhịp điệu bi hùng của bài văn. Tôi đã từng viết cả Văn tế và Điếu văn. Tháng 4/1970, một bạn cùng khóa K13 ĐHBK Hà Nội, trong khi lao động tại trường cuốc phải một quả bom bi Mỹ và bị chết, tôi đã viết một bài Văn tế đầy 3 trang giấy ô ly (quen gọi là giấy 3 hào 6), khá được theo ý các bạn cùng khóa. Sau này toàn viết Điếu văn cho người thân gia đình và đồng đội cùng cơ quan.   
             Trong bài văn trên, cách dùng từ chắt lọc và hàm súc nhất là đoạn viết về các làng nghề. Nếu nói về cái hay, cái đẹp của ngôn từ, tứ thơ, ngữ điệu của bài văn, có lẽ cần ba bốn vị ngồi trà dư, tửu hậu, rung đùi mà tán, mà bình, kẻ tung người hứng hàng buổi mới hết được. Tự mỗi người đọc lại nhâm nhi cũng cảm thấy khá rõ rồi, nay xin nói thêm theo ý cá nhân một vài điểm chưa ưng ý:
-         7 vị trí đánh dấu * (ở câu 2 của cặp), cặp ý 1, hoặc cặp ý 2, hoặc chính 2 câu đó có số chữ khác nhau – sai luật! Tác giả mải chốt ý văn, quên luật hay bản này bạn gửi cho tôi viết sai? Tuy nhiên hoàn toàn có thể sửa dễ, song tôi không muốn.
-         Dòng 7 : “Sừng sững Ba Vì trấn biên cương phía bắc” từ biên cương chỉ dùng cho biên giới của nước, ở đây là địa giới tỉnh nên thay bằng từ khác như địa đầu, lũy thành, giới phần
            Hôm 20/8 (nhằm 14/7 âm) về quê ở Nam Triều, Phú Xuyên làm Lễ Vu Lan, trong khi uống rượu với anh em nội tộc, tôi có đọc lại bài “Văn tế tỉnh Hà Tây” với một giọng bi hùng. Đến đoạn đánh dấu (1) ở cuối bài cảm niềm tác giả than “Chẳng thấy ai nâng chén rượu đưa cay…”, chúng tôi đã cùng nâng chén rượu cạn hết như một sự đưa tiễn lại cố hương!
            Cũng như tác giả hoài cảm “Cô gái quê dịu hiền nơi bến đợi, đã sang sông xao xuyến một chuyến đò”.Theo phong tục làng xã ta, cô gái đã lấy chồng thì phải theo chồng, thân còn chẳng tiếc, tiếc gì cái tên? Sau hết, xin cám ơn tác giả Phạm Việt Long. Đây cũng là lời cuối của tôi, tránh mất thời gian của các vị.
            Rất mong bạn hữu gần xa có cao ý gì hay phiếm đàm với tôi có thể trao đổi qua Email:   phuclv2010@gmail.com.
            Thành tâm thỉnh giáo và cám ơn.
                                                Hà Nội, 23/08/2013. Lương Phúc.