Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

THẦY DÂN bàn về CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT


(BBT- 29/12/2012) -  Thầy Dân có nhiều bài viết trên báo chí về ngôn ngữ ứng dụng và tiếng Việt. BBT mở 1 mục mới là "Thầy NG. ĐỨC DÂN" để các bạn biết về người "thầy toán dạy văn" rất kính trọng và tự hào của lớp G Xuân Đỉnh chúng ta. Xin giới thiệu bài viết đầu tiên trong mục này trên báo "Sài Gòn tiếp thị".



Ngày 27.12.2012, 09:55 (GMT+7)
http://sgtt.vn/Khoa-giao/173692/Tan-man-ve-“chuan-muc-chinh-ta-thong-nhat”.html


Không gian tiếng Việt

Tản mạn về “chuẩn mực chính tả thống nhất”

Nhân hội thảo quốc gia “Xây dựng chuẩn mực chính tả thống nhất trong nhà trường và trên các phương tiện truyền thông đại chúng” do hai trường đại học tại TP.HCM vừa phối hợp tổ chức, xin tản mạn đôi dòng để thấy sự phức tạp trong công việc cần thiết nhưng cũng đầy khó khăn này.

Không có quy tắc chính tả nào đúng tuyệt đối


Những quy tắc cho một chuẩn lý tưởng, ở mức độ thứ nhất là những quy tắc tuyệt đối đúng. Ở mức độ thứ hai, những quy tắc được mọi người chấp nhận cũng là chuẩn lý tưởng.
Những quy tắc cho một chuẩn thực tế là những quy tắc đúng cho hầu hết các trường hợp, trừ một số ít ngoại lệ, và được rất nhiều người chấp nhận. Chuẩn thực tế là chuẩn chấp nhận những biến thể. Một từ thuần Việt, một tên riêng, một từ vay mượn đều có thể có những biến thể được coi là chuẩn. Cái sai quen dùng thì được coi là chuẩn trên thực tế.
Quy tắc chính tả do con người đặt ra. Ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, không có cách viết nào là cố định, bất di bất dịch. Bởi vậy, dù có những nguyên tắc chính tả tuân theo một hệ thống khoa học chặt chẽ nào chăng nữa thì với thời gian sẽ luôn luôn tồn tại những hiện tượng ngoại lệ không theo lôgích nào cả. Vậy thì liệu có một hệ thống chính tả tuyệt đối đúng làm chuẩn mực được không?
Có nhiều quy luật chi phối chữ viết. Đôi khi, theo luật này lại mâu thuẫn với luật kia. Thế là sinh ra những ngoại lệ.
Quy tắc bỏ dấu thanh điệu xưa nay căn cứ vào ngữ âm: dấu thanh bỏ ở âm chính của vần. Gặp vần có nguyên âm đôi, không có chữ nào mang âm chính nên lại thêm quy tắc cảm tính “dấu thanh điệu bỏ ở vị trí “cân xứng”, “hài hoà”. Thực ra, đây là luật thẩm mỹ – một quy tắc bất thành văn – trong nhận thức về chữ viết của người Việt: “hình chữ phải đẹp”.
Có những trường hợp, tôn trọng quy tắc này lại vi phạm quy tắc kia. Bỏ dấu theo quy tắc ngữ âm, chúng ta viết hoà bình, loá mắt, trắng xoá, sức khoẻ, huỷ hoại, cổ suý, Thuý Kiều… Ấy vậy nhưng trong thâm tâm, nhiều người thích “hình chữ phải đẹp” nên vẫn viết hòa bình, lóa mắt, trắng xóa, sức khỏe, hủy hoại, cổ súy, Thúy Kiều… Vậy là trong những trường hợp trên, không thể có một chuẩn duy nhất, chúng ta chấp nhận có hai biến thể thực tế đều được coi là chuẩn.
Viết i hay y cũng liên quan tới luật thẩm mỹ. Theo quy định của bộ Giáo dục, phải viết kì lạ, lí luận, vật lí, mĩ vị, Nam Kì. Quy định này trái với cách viết trên báo chí thời xưa: Trong Gia Định báo năm 1881, 1882 hay trong Nông Cổ Mín Đàm năm 1902, chúng ta gặp: ký tên, thơ ký, trong kỳ 15 ngày, xem kỹ, Nam-Kỳ, kỳ nhứt, anh lấy làm kỳ, Lý văn Ngọc, chánh lý, chưởng lý, mạng lý, có lý lắm, làng Bình-hy…
“Hình chữ phải đẹp” trong thâm tâm người Việt là cần cân đối về độ cao giữa các con chữ trong một từ. Đại để là trong một từ, nếu con chữ một phụ âm đứng cạnh i nhô cao lên thì ta viết y nhằm tạo hài hoà trên dưới. Nhiều người thường “phá rào” ở quy định này. Viết lý thì phần trên và phần dưới chữ này cân đối với nhau, còn viết lí thì phần dưới chữ hơi bị hẫng. Và người ta viết quản lý, lý luận, lý lịch, vật lý, kỹ thuật, Hoa Kỳ... Những con chữ phụ âm nào cùng độ cao đứng trước i thì có khuynh hướng dùng i: si mê, mị dân, chim ri, rên rỉ, xanh rì, vi phạm, vì sao, vị trí…
Điều thú vị là viết nước Mỹ vẫn theo đúng luật thẩm mỹ: chữ M (viết hoa) nhô cao hơn chữ i nên không viết nước Mĩ.

Viết tên riêng nước ngoài thế nào?
Mỗi quốc gia ghi tên riêng theo hệ chữ viết của mình. Một tên riêng có nhiều biến thể, những biến thể lịch sử và những biến thể do quy luật tiết kiệm nội tại của ngôn ngữ. Nghĩa là không có một tên riêng duy nhất chuẩn.
Tên riêng nước ngoài nhập vào tiếng Việt trước hết qua tiếng Trung Quốc và được viết có dấu nối: Anh-Cát-Lợi, Ba-Lê, Luân-Đôn, Hoa-Thịnh-Đốn… Sau đó những dấu nối được bỏ đi.
Chịu ảnh hưởng của tiếng Pháp, tiếp đến là tiếng Anh, nhiều tên được chuyển lại theo cách đọc Pháp, rồi cách đọc Anh hoặc trở lại nguyên gốc: Pari, Oa sinh tơn. Nhưng vẫn gọi Luân Đôn vì âm khá gần với âm gốc London.
Do nguyên lý tiết kiệm trong ngôn ngữ, nhiều tên riêng tự động được rút gọn thành những tên một âm tiết nghe rất Việt Nam: Anh, Úc, Ý, Áo, Mỹ… Báo chí thường viết “HLV người Bồ Calisto” chứ ít viết “HLV người Bồ Đào Nha Calisto”.

Phiên âm hay giữ nguyên dạng?

Theo quan điểm phiên âm, sẽ gặp nhiều trở ngại. Có những từ nước ngoài phiên âm thế nào cũng dẫn tới cách đọc không đúng như từ gốc. Trong “hiệp định Genève”, nên phiên âm từ Genève thế nào: Giơ-ne, Giơ-ne-vơ hay Giơ-neo? Theo cách nào thì cũng đọc nhấn mạnh âm tiết đứng cuối ne, vơ, neo, nghe rất kỳ. Tiếng Việt thiếu nhiều vần có trong các thứ tiếng khác nên rất nhiều từ không thể có phiên âm chuẩn.
Nhiều tên riêng chứa đựng ý nghĩa, nếu phiên âm sẽ xoá đi nghĩa có trong nguyên ngữ. Ví dụ: “Khi còn cầm quyền, Tổng thống Pháp Sarkozy và bà Merkel đã hình thành liên minh “Merkozy” (báo Tuổi Trẻ, 8.5.2012). Phiên âm thế nào cái tên “Merkozy” (lấy phần đầu tên nữ Thủ tướng Đức Merkel nhập vào phần cuối tên ông Sarkozy) trong câu trên để nói được rằng đây là liên minh của hai chính khách trên?
Nguyên tắc cơ bản của việc viết tên riêng nước ngoài theo hệ chữ Latinh là phải viết đúng tới mức tối đa theo mặt chữ như nó vốn có.
Vậy còn tên riêng Trung Quốc thì sao? Đầu óc tôn ti của người Việt dẫn tới những mâu thuẫn khi viết tên riêng Trung Quốc. Trước đây bất kể tốt xấu, cao thấp, cứ tên riêng Trung Quốc là được phiên âm theo cách đọc Hán Việt: Bắc Kinh, Khổng Tử, Tôn Trung Sơn, “cầu thủ bóng bàn có quái chiêu Trương Nhiếp Lâm”… Trong sâu thẳm tâm thức, người Việt cảm nhận sự gần gũi thân thuộc khi đọc một tên Hán – Việt. Trong vòng mươi lăm năm gần đây, theo thông lệ quốc tế, tên riêng của người Trung Quốc hạng “bình dân” dần dần được viết bằng chữ Latinh và phiên theo âm Bắc Kinh. Tên của những nhà vô địch bóng bàn thế giới đã được viết là Kum Pu Ru, Wang Hao chứ không còn mấy ai viết là Khổng Lệnh Huy hay Quang Hạo. Đó là sự hội nhập quốc tế tích cực. Tuy nhiên, với đầu óc tôn ti người Việt vẫn gọi những người đứng đầu Trung Quốc theo tên Hán – Việt: Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình… Vậy là thiếu nhất quán. Hai tên này nên phiên là Hú Jǐntāo, Xí Jìnpíng.

GS.TS Nguyễn Đức Dân

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

PHI CÔNG TIÊM KÍCH KHÔNG SỢ ĐÁNH B52



Nhân dịp ngày Quốc phòng toàn dân, ngày thành lập Quân đội NDVN  và kỷ niệm 40 năm trận "Điện Biên Phủ trên không" 12/1972 – 12/2012, xin chúc sức khỏe các CCB (kể cả dâu, rể) của lớp 10G. Gửi tới các bạn một bài viết của P về phỏng vấn anh hùng LLVT Lê Thanh Đạo -1 học sinh cũ của trường Xuân Đỉnh. Bài này đã đăng ở các trang 201-205 trong cuốn sách "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, Ký ức một thời" do Quân chủng PKKQ - NXB QĐND ấn hành 11/2012.

Cám ơn. Lương Văn Phúc.

Anh L.T.Đạo tại nhà riêng 2/2012
Bìa cuốn sách


Trang mở đầu cuốn sách


PHI CÔNG TIÊM KÍCH KHÔNG SỢ ĐÁNH B52
                                                                        Phỏng vấn Anh hùng LLVT Lê Thanh Đạo
Chiều xuân sớm Nhâm Thìn, trời mưa to nhưng đã có hẹn tôi vẫn đến gặp Anh hùng Lê Thanh Đạo tại nhà riêng ở làng Chèm, xã Đông Ngạc, Từ Liêm. Hỏi thăm từ xa 1km, người dân ai cũng biết và tận tình chỉ đường. Ra đón tôi tận cổng, anh cho biết mới ở trên trại Hòa Lạc về hôm qua. Trông anh tuy đã cao tuổi, nhưng vẫn còn dáng dấp nhanh nhẹn khỏe mạnh của một chiến sĩ lái máy bay tiêm kích thiện chiến năm xưa. Chúng tôi nhanh chóng quen thân ngay, vì tôi cũng là lính thời chống Mỹ, lại học sau anh 3 lớp ở trường Phổ thông cấp 3 Xuân Đỉnh. Anh là học sinh khóa 3 (1962- 1965) và vợ anh là chị Dung đều là học sinh của Trường cấp 3 Xuân Đỉnh.

Lương Phúc: Xin chào anh hùng Lê Thanh Đạo, xin anh cho biết trước và trong chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” của quân dân ta đánh thắng cuộc tập kích bằng B52 của đế quốc Mỹ, anh làm gì, ở đâu với cương vị nào?
Anh hùng Lê Thanh Đạo: Tôi là phi công lái máy bay tiêm kích đã tham gia nhiều trận đánh với máy bay Mỹ chủ yếu là loại F4H – “Con ma” của Hải quân. Còn trong trận “Điện Biên Phủ trên không” tôi lại không được trực tiếp tham gia chiến đấu bởi vì trước đó ngày 15-10 trong một trận chiến đấu ở vùng trời Phú Thọ tôi đã phải nhảy dù & bị thương ở chân. Trong những ngày “Điện Biên Phủ trên không” tôi nằm điều trị dưới chân Tam Đảo, nghe tiếng bom B52 đánh vào Hà Nội mà tim uất nghẹn vì không được cùng đồng đội trực tiếp tiêu diệt địch. Nhưng trước đó, chúng tôi đã được quân chủng cho tham gia nghiên cứu các phương án tác chiến đánh B52  nếu chúng dám vào Hà Nội, Hải Phòng, việc này đã được chuẩn bị từ rất sớm. Đối với chúng tôi thì phi công Mig21 không sợ gì B52. Với độ cao, với tốc độ Mig21, với mục tiêu B52 lớn như thế, thì khi tiếp cận được đó thực sự là một miếng mồi ngon.
Khi tham gia vào các phương án tác chiến, có người nói: B52 nó vào đánh Hà Nội mà cứ bật đèn sáng trưng có vẻ ngông nghêng không sợ gì, nhưng không quân chúng tôi cho rằng chẳng qua là nó muốn tăng hiệu quả tấn công khi mật tập đánh vào khu vực lớn, các B52 bay gần nhau, để nhìn cho rõ, tránh đâm vào nhau, sợ chết thì nó phải bật đèn cho dễ lái. Vì rằng mắt thần và rada cả của ta và địch không phân biệt được ánh đèn, chỉ xác định mục tiêu theo sóng điện từ và kim loại và từ đó chúng tôi nghiên cứu cánh đánh B52. Về cách đánh B52 các đồng chí đánh trực tiếp như các đồng chí Vũ Đình Rạng hay Phạm Tuân đã nghiên cứu kỹ nhưng chúng tôi ai cũng hiểu biết tường tận cách đánh B52. Chúng tôi thấy khó nhất là việc gây nhiễu của nó và các  máy bay hộ vệ đi kèm gồm cả sóng tích cực và sóng tiêu cực từ các sợi kim loại thả ra cản trở màn hình mà các chiến sĩ rada của ta phải căng mắt mò trong đám mây mù để phát hiện chính xác mục tiêu. Nhưng với không quân chúng tôi không ngại gì đám nhiễu đó vì đã nắm vững quy luật đường bay chúng vào và chính là phải vượt qua hàng rào tầng tầng lớp lớp phía trước phía sau F4 đi kèm hộ vệ. Đối với chúng tôi khi tiến đánh B52, từ xa  nhìn vào như một cụm ngôi sao di động dễ phát hiện vì trên độ cao đó không có mây và với lính tiêm kích nếu đã tiếp cận mục tiêu và quyết tâm đều có thể thực hiện được, nhưng có trận đã chưa thành công. Trận anh Vũ Đình  Rạng, khi đã tiếp cận mục tiêu với cự ly thích hợp anh phóng tên lửa, nhưng lẽ ra phải bắn 2 quả, anh chỉ bắn một nên nó chỉ bị thương cháy động cơ và lết về được Thái Lan mà hạ cánh. Sau đó về anh Rạng bị kiểm điểm ghê lắm (cười), thành ra anh là người đầu tiên bắn trúng, bắn cháy B52 lại không hoàn thành tốt nhiệm vụ (do không tuân thủ yêu cầu xạ kích – bắn 2 quả cho đủ sức công phá – hay anh tiết kiệm đạn?). Chính vì thế về sau khi Vũ Xuân Thiều và Phạm Tuân xuất kích đã rút kinh nghiệm và thành công. Riêng trận đánh của Vũ Xuân Thiều cả 2 máy bay rơi cùng một chỗ, khả năng có thể có va chạm gì đó. Có nhiều cách lý giải, hoặc là Vũ Xuân Thiều vào gần quá, mảnh vỡ B52 văng  vào máy bay. Như vậy ngại nhất là đám nhiễu, còn  khi đã phát hiện được mục tiêu, Mig21 sẵn sàng vượt qua hàng rào F4 để có thể tiêu diệt B52. Lúc đó chúng tôi xác định là sẵn sàng hy sinh kể cả với phương án cuối cùng coi máy bay của mình như một quả tên lửa lớn, lao thẳng vào quyết hạ tại chỗ B52. Thời điểm đó, tôi cùng một số chiến sĩ lái Mig21 chuyển từ bay ngày sang bay đêm, sẵn sàng chiến đấu, cuối năm 1972, cả hai phía ta và địch đều có quyết tâm cuối cùng ta đã vượt lên và chiến thắng.
Lương Phúc: Bình thường Không quân để đánh chắc thắng  ta có cần lực lượng để đánh dãn đội hình tiêm kích bảo vệ cho một lực lượng khác  vào đánh B52 không?
Anh hùng Lê Thanh Đạo: Chúng tôi tiếp cận ở phía trên hoặc dưới vùng mục tiêu vì nắm quy luật bay của địch, đối với đánh B52  thường là phía dưới. Khi đó chúng tôi tăng tốc vọt lên, vượt qua vòng bảo vệ F4 bay xung quanh, khi nắm được quy luật bay và trông thấy địch ta có hướng lượn vào tránh được các mũi bảo vệ. Ở trên không lính lái chúng tôi ngại nhất là không nhìn thấy địch, còn khi đã phát hiện được với tốc độ lớn, tùy tình huống, tùy vị thế, ta có thể xử lý không để chúng đánh được mình.
Lương Phúc: Tại thời điểm này, khi trận “Điện Biên Phủ trên không” đã qua 40 năm, anh có nhớ lại, suy nghĩ gì về tinh thần chiến đấu, ý chí quả cảm sáng tạo của từng chiến sĩ  ngày đó để vượt lên và chiến thắng? Với tinh thần đó, anh có suy nghĩ gì về tinh thần cảnh giác, khả năng sẵn sàng chiến đấu hiện nay của bộ đội Phòng không – Không quân với một cuộc chiến đấu tương tự nếu xảy ra?
Anh hùng Lê Thanh Đạo:  Cuộc chiến đấu 12 ngày đêm đánh B52 thực sự là một trận “Điện Biên Phủ trên không”. Mỹ cũng không nghĩ là lại bị bắn rơi nhiều B52 đến thế mà dù đã cố gắng vẫn phải kết thúc cuộc chiến trong thế thất bại. Lớp phi công chúng tôi có thuận lợi là các anh đi trước đã đánh nhiều, đúc rút kinh nghiệm tìm ra cách đánh phù hợp với vũ khí phương tiện của mình cũng như địa hình, môi trường chiến đấu sao cho hiệu quả nhất. Về tinh thần chiến đấu nói riêng, phi công chúng tôi luôn luôn vào trận với ý chí quyết chiến quyết thắng thật sự là không có sợ gì B52 cả. Bây giờ nghĩ lại vẫn tự hào là dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Không quân nhân dân Việt Nam chúng ta luôn đứng trên đầu thù với mọi tư thế, kể cả lúc rất khó khăn: máy bay không còn nhiều, phi công phải liên tục thay nhau trực, chúng ta vẫn vượt lên không hề sợ hy sinh, không hề sợ địch để chiến thắng. Hai là đánh trên đất mình, kể cả khi phải nhảy dù như tôi chả hạn cũng là ở trên đất mình được nhân dân bảo vệ, giúp đỡ lại trở về đội ngũ tiếp tục chiến đấu. Giặc cướp bay có nhiều thứ sợ, từ sợ không quân, tên lửa, cao xạ đến cả súng trường, rồi khi bị rơi lại sợ bị ta bắt không thì lạc trong rừng sợ thú dữ côn trùng, đói rét…
Bộ đội Phòng không – Không quân bây giờ được giao nhiệm vụ bảo vệ cả vùng trời, vùng biển, đảo; được Đảng, Nhà nước quan tâm trang bị các máy bay, phương tiện vũ khí, khí tài hiện đại hơn, tầm hoạt động rộng hơn. Tuy nhiên cùng với nhiệm vụ huấn luyện làm chủ vũ khí, kỹ thuật cần coi trọng rèn luyện nâng cao bản lĩn chính trị, tinh thần cảnh giác và ý chí quyết tâm chiến đấu, giữ vững kỷ luật cho bộ đội, đặc biệt là đội ngũ phi công để có thể đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền của đất nước.
Lương Phúc: Anh đã từng là một bí thư Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, anh có gì nhắn nhủ cho mỗi đoàn viên, mỗi chiến sĩ trẻ ngày nay?
Anh hùng Lê Thanh Đạo: Tôi phục vụ quân đội từ 1965 đến 1978, nhưng từ 1974 tôi tham gia Trung ương Đoàn và không bay nữa. Phải nói rằng 13 năm đó là khoảng thời gian tôi vô cùng tự hào, dù rằng về sau tham gia nhiều công tác, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau tôi đều cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình.
Thế hệ thanh niên chúng tôi nhiều người đã viết thư bằng máu xung phong ra tiền tuyến đánh giặc, cứu nước... Xin được nhắn nhủ tới các chiến sĩ trẻ nhất là trong Quân chủng Phòng không – Không quân rằng: Chúng tôi - những người đi trước luôn tự hào và tin tưởng vào các bạn, sự bình yên của bầu trời Tổ quốc Việt Nam đang trông chờ vào các bạn. Ngày nay đất nước ta đã thống nhất, đất trời bao la nhưng vẫn còn nghèo. Mỗi chiến sĩ đều phải rèn luyện cả về phẩm chất chính trị và bản lĩnh chiến đấu, cả về sức khỏe và tri thức, làm chủ khoa học kỹ thuật, làm chủ  được vũ khí trang bị, khí tài hiện đại để sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao...
Lương Phúc: Xin cám ơn anh. Chúc anh luôn mạnh khỏe và luôn phát huy được bản chất “anh bộ đội Cụ Hồ” trong cuộc sống.
                                                                          Lương Phúc phỏng vấn và ghi lại.

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

KỶ NIỆM VỀ THẦY CÔ XUÂN ĐỈNH

Lớp Toán đặc biệt Hà Nội 1968-1971, là lớp do Sở Giáo Dục Hà nội thành lập. Niên khóa 1968-1969, 1969-1970, lớp được đặt tại trường cấp III Xuân Đỉnh – là lớp 8D, 9D. Niên khóa 1970-1971, lớp được chuyển về trường cấp III Chu Văn An – lớp 10K. Lớp có Blog tại địa chỉ https://cthn6871.wordpress.com  để truyền tải thông tin, chia sẻ các trải nghiệm trong cuộc sống, và gắn kết các thành viên trong lớp. Xin giới thiệu bài viết của bạn Bạch Long Giang:


(Thăm Trường Xuân Đỉnh - 6/10/2012)


22 THÁNG 10 2012

Mình muốn nhắc lại đây, những người Thày, Cô đã dạy chúng mình hồi còn học ở Xuân Đỉnh. Đầu tiên phải nhắc tới là Thày Mai. Thày được Sở GDHN giao cho làm chủ nhiệm lớp bọn mình và dạy môn Toán là môn nặng cho khối chuyên Toán. Chuyện chuyên môn của Thày vững vàng, chắc khỏi phải nói, vì điều này các Thày trên Sở phải lo rồi, mà lớp ta học ta cũng biết rồi. Mình muốn nói về tính cách và những bài học mình học được từ Thày. Thày Mai tính điềm đạm, khi nói thường  hay cười. Kể cả khi bọn mình mắc khuyết điểm, cũng rất hiếm khi thày nổi nóng. Về phương pháp sư phạm, mình học hỏi được từ Thày rất nhiều. VD như để tăng khả năng tưởng tượng cho lớp, thày đã bắt mọi người giải Toán không dùng giấy bút, phấn bảng. Hoặc để rèn cho học trò khả năng tự học, tự nghiên cứu: Thày đã chỉ dẫn các đầu sách hay, sau đó khuyến khích học sinh tìm mua về đọc. Chính nhờ Thày Mai mà mình học được cách tự tìm tòi, học hỏi. Điều này giúp ích cho mình rất nhiều trong việc học hành và trong các vấn đề của cuộc sống sau này. Rất tiếc là khi lớp chuyển về Chu Văn An, Thày lại không về cùng lớp.

Người Thày thứ hai để lại cho mình nhiều kỉ niệm là Thày Phạm Tạo, dạy hóa. Mình vào lớp muộn (quãng 1 tháng gì đó). Khi lớp đã học khá nhiều về hóa, và thế là mình phải bơi. Tuy nhiên kết quả cuối cùng của học kì I là điểm 2 tròn chính cho môn hóa. Cay mũi, sang kì II, mình cho Thày biết tay, khi điểm nào cũng là điểm 5. Tổng kết cả năm của mình là 4-. Cái đáng nói là Thày từ rất ghét đã thay đổi cách nhìn. Mà thích nhất là hình ảnh ánh mắt cười cười sau cặp kính cận, dưới cái đầu to, trán dô (một đặc điểm nhận dạng không lẫn vào đâu được) của Thày. Mình thì cũng vui, vì đâu phải loại bất khả tri môn hóa!


Kế đến là Cô Phong, dạy Sinh vật lớp mình hồi lớp 8. Hồi đó lớp mình còn học ở khu nhà lá, xa trường. Chẳng hiểu sao, mà giờ học của Cô, mình cứ ngọ ngoạy không ngồi yên được. Đủ trò nghịch ngợm. Cô nhắc hoài không được, cáu quá cô phải nói: mình là một sinh vật tiền sử, chưa tiến hóa. Nghe cay mũi quá. Nhưng sau cú chích đó, mình cũng kịp nhận ra là đã đi quá giới hạn rồi. Đó cũng là bài học cho mình nhớ, để sau này đừng làm cái gì nó thái quá. Sau này mới được biết Cô đã mất khi đi thăm một ngôi chùa. Một nén hương lòng xin gửi tặng Cô.

Một kỉ niệm buồn với Thày Thân dạy môn Vật lí hồi lớp 9. Hôm đó trong giờ học môn Vật lí, Kim Bình ngồi cạnh mình nó đọc lẩm bẩm cái định lí gì đó của bài học hôm đó. Mình ngồi cạnh, trêu nó: mày lại đọc sách chứ gì? Ai dè mình nói hơi to, Thày Thân nghe được. Mà oái oăm là Thày lại tưởng mình nói Thày mới chết chứ. Thế là Thày dừng giảng, cho mình một bài học, vuốt mặt không kịp. Đúng là oan Thị màu. Ai bảo trong lớp không chịu nghe giảng, mà lại cứ chuyện trò linh tinh. Mong rằng sau này Thày hiểu, chẳng có trò nào lại dám nói như vậy với Thày đâu! Một bài học nhớ đời: đôi khi, dù là vô tình, mình đã làm tổn thương người khác, và mình đã phải nhận những cái đáng ra không phải nhận.

Dạy bọn mình còn một thày Tạo nữa là Tiến Tạo. Thày dạy môn chính trị. Chắc là biết môn của mình kém hấp dẫn, nên trông thày lúc nào cũng như cười xin lỗi. Chẳng biết có một kì thi hay kiểm tra học kì gì đó, Thày được phân công trông lớp mình. Thày bỏ ra ngoài, mặc kệ lớp muốn làm gì thì làm. Hết buổi thi, sau khi thu bài của lớp, nộp cho Thày, Thu cói phát biểu: Thày Tiến Tạo là tạo điều kiện cho chúng ta mắc khuyết điểm!!!

Dạy môn Lịch sử lớp mình là Thày Kính, nhà ở phố Lương Văn Can. Thày bị cận, mặt hơi bị tàn nhang. Thày giảng rất nhiệt tình, say sưa, giọng oang oang. Nói trong một lớp học chừng ba chục học sinh, nhưng giọng của thày với âm lượng, có thể đủ cho cả một Amphie Théatre cỡ nghìn người nghe được. Thỉnh thoảng, giữa các kiến thức về Lịch sử mà tháy phải truyền đạt, Thày còn nói thêm nhiều chuyện vui bên ngoài. Mình nhớ Thày giúp cách phân biệt giữa người các nước: Người Nga đọc tên lên cứ có Ốp, Ếp, người Pháp thì I, Oa, Ăng, Người Đức thì Ô, En,… Thày hay đùa: vì bị cận nên khi bỏ kính ra nhìn cô gái nào cũng xinh hết, vì cái nhìn lúc đó nó mờ mờ, cái thấy còn phải dựa vào cái tưởng tượng ra nữa. Không hiểu mấy bạn bị cận có chia sẻ với Thày điều này không?

Trái ngược với Thày Kính là Cô Hiên dạy môn Địa lý, một môn học tương đối khô khan, dưới con mắt của tụi mình. Cô dạy bọn mình 2 năm, lớp 8 và lớp 9. Cô nói rất nhỏ, kể cả lúc giảng bài, cũng như lúc ngoài giờ học. Giọng cô nhỏ nhẹ, phong cách lại khoan thai, nhẹ nhàng. Bọn mình hồi đó đủ kiểu nghịch ngợm, thế mà giờ của Cô, chẳng đứa nào ho he, mà cũng chẳng phải vì Cô đe nẹt, chẳng hiểu sao nữa. Có điều chắc là: nghịch thì hết nghe giảng. Ngoài việc dậy, Cô còn phụ trách khâu hậu cần cho lớp mình nữa. Mình nhớ năm lớp 9 được cô cử đi thi HSG thành phố môn Địa. Tiếc rằng mình chẳng mang được cái giải gì về cho trường.

Dạy văn lớp mình hồi lớp 8 là Cô Hợi, mình chẳng nhớ được nhiều về cô. Còn lớp 9, chúng ta học văn Thày Vinh. Hồi đầu tiên, khi Thày bước chân vào lớp, nhìn điệu bộ của Thày mình cứ buồn cười. Thày bước rất trịnh trong vào lớp, tay ôm cái cặp da màu vàng đậm to tướng, đầu đội cái mũ phớt. Bất chấp lớp đã đứng lên chào, Thày cứ bước thẳng đến bàn giáo viên, đặt cặp, bỏ mũ, ngồi nghiêm chỉnh rồi mới cười chào cả lớp. Điệu bộ Thày trông hơi trịnh trọng, buồn cười. Nhưng Thày giảng văn thì cực hay, nhiều hôm, ngồi nghe giảng cứ há mồm nghe, chả ghi chép gì được. Những lúc như vậy, Thày lại dừng lại, nhắc lớp ghi chép đi chứ. Sau này, khi bọn mình đã rời trường Xuân Đỉnh, thì Thày phải đi bộ đội, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Thật may mắn là bạn Hưng đã tìm lại được thày và có bài viết rất hay về thày (https://cthn6871.wordpress.com/2012/08/28/53/)

Một người không dạy lớp mình, nhưng cũng để lại cho mình sự ấm áp của tình thày trò: đó là Cô Phượng hiệu phó. Khác với vẻ lạnh lùng của Thày Duyến Hiệu trưởng, không phải là do Thày Duyến đã từng mẹc xà lù lớp mình đâu nhé. Mình cảm giác Thày khó gần. Còn trái ngược hẳn hình ảnh đó, là hình ảnh cô Phượng. Mỗi khi gặp Cô là mình thấy Cô cười, một nụ cười ấm áp, động viên. Nụ cười ấy cứ theo mình mãi.

BLGiang


(Thăm BGH nhà trường và tặng quà - Bạn Long Giang mặc áo đỏ ở hàng đứng)

(Vĩnh Thuận sưu tầm - Ngọc hà - 24/12/2012)


Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

GẶP GỠ Ở ĐÔNG ANH

Ngày 30-11-2012 chúng tôi sang Thị trấn Đông Anh dự Lễ cưới 2 cháu Đài & Trang theo lời mời của gia chủ Đỗ Xuân Thắng. Anh chị Thắng Thanh và 2 cháu Đài Trang cùng chúng tôi (lớp Toán K13 Đại học Tổng hợp và lớp G Xuân Đỉnh) chụp kiểu ảnh ký niệm (xin bấm vào giữa ảnh để xem ảnh to và rõ nét hơn).





Hàng đứng từ trái sang.: Nội, Phú, anh Hóa (Lớp Đại học), Quỳ, cô dâu chú rể, cô Thanh, anh Dương (lớp đại học), anh Đỗ Thắng, Lưu, Tuyên, Ân, Bá, Lân, Điều, Tường.

Hàng ngồi từ trái sang: Tân, Thuận, chị Lan và chị Khương (lớp Toán K13 ĐHTH), chị Ngọc và chị Hạnh, vợ chông anh Thông   



Chúc mừng hạnh phúc hai cháu Đài Trang.

Xin chia vui với anh chị Thắng Thanh đã lo xong gia thất cho con trai đầu.

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Thầy ĐỨC DÂN trên báo ngày 20-11



Hôm nay mới mở hộp thư điện tử, mừng quá thấy có thư của thầy DÂN. Thầy gửi bài báo viết về Thầy: "Người Thầy toán dạy văn" đăng ở trang chủ của báo điện tử Công An TP HCM. 
Mừng thì mừng, nhưng nghĩ lại thì trò có lỗi lớn với Thầy, chẳng có lời nào chúc mừng Thầy nhân dịp Ngày Nhà Giáo. Thật đáng trách phạt.

Em xin lỗi Thầy và xin phép Thầy đưa bài báo lên Blog của lớp G để các bạn cùng đọc.

Kính chúc Thầy cùng gia đình đầy sức khỏe và hạnh phúc.





Email của Thầy DÂN:


2012/11/20 Nguyen Duc Dan <ngducdan@yahoo.com>

Thuận,
Sáng nay, 20.11.2012, trên báo Công an Tp HCM có bài Thầy toán dạy văn viết về tôi. Báo mạng của CA tp HCM đăng bài này ở ngay trang chủ. Thuận đọc cho vui. Tiếc là họ viết quá ít về lớp G của các bạn.
Trang điện tử: www.congan.com.vn



KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM


Thầy toán dạy văn
Thứ ba, 20/11/2012 09:24
(CATP) Giản dị và từ tốn, nhưng cái cẩn trọng của một nhà khoa học và sự nghiêm nghị của người thầy vẫn phát tiết ra bên ngoài, khiến cho không ít học trò phải sợ mỗi khi đứng trước mặt, dù có người cũng đã là tiến sĩ, giáo sư. Nghề giáo là nghề mô phạm, đạo đức mô phạm và kiến thức cũng phải mô phạm. Học trò sợ thầy trước hai điểm đó thì xem như không uổng một đời gắn với cái nghiệp trồng người. Ở tuổi 77 với 55 năm nghiên cứu và giảng dạy, đào tạo nhiều thế hệ học trò, GS.TS Nguyễn Đức Dân là một người thầy như thế.

 
Giáo sư Nguyễn Đức Dân trong ngày nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Đã 55 năm trong nghề dạy học. Buồn có nhưng vui nhiều. Nhiều kỷ niệm, nhưng kỷ niệm về những năm đầu vào nghề thầy mãi mãi không quên. Năm 1954, tốt nghiệp phổ thông 9 năm, lúc này chưa mở ĐH Tổng hợp, chàng trai Nguyễn Đức Dân thi vào Khoa Toán - Lý Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhập học khóa đầu tiên, đầu năm 1955, sau hòa bình được lập lại ở miền Bắc. Sau hơn nửa tháng trong  trường, cậu sinh viên được gọi đi học lớp “Bổ túc văn hóa”. Tên là vậy, nhưng đây là lớp học chuẩn bị cho học sinh đi học ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước Đông Âu. Năm tháng sau, gần cuối khóa chàng trai nhiều hoài bão bị trả về địa phương. Vì là con địa chủ, mặc dù bố là đảng viên, được Huân chương Kháng chiến hạng 2, và lúc đó cũng đang tham gia đội cải cách ruộng đất.

Nhưng rồi cậu sinh viên cũng trốn được lên thành phố Nam Định. Chờ thi lại vào sư phạm, cậu đi đẩy xe than cho Nhà máy dệt Nam Định chuẩn bị tái hoạt động. Vẫn thi lại khoa Toán - Lý, ĐHSP, trở thành sinh viên khóa 2, gọi là hệ 3 năm nhưng thực tế có hai năm rưỡi, hai kỳ học hè cũng thành một năm. Tháng 6-1957 tốt nghiệp. Trong giấy kê khai nguyện vọng công tác, chàng tân cử nhân xin về dạy tại thành phố Nam Định, nơi bố mẹ làm việc. Sau đó không có bất kỳ một “động tác” nào khác ngoài việc chờ và chờ...
Đầu tháng 8-1957, một hôm đang nằm khểnh trên giường tầng đọc truyện tại khu học xá Bạch Mai ĐHSP - thời Pháp gọi là Đông Dương học xá - thì một người đến tìm. Cầm giấy mời, cậu sinh viên vừa ra trường được nghe câu “Mời giáo sư tới họp Hội đồng giáo sư của trường”. Trong bộ dạng một người vừa tụt trên tầng hai xuống với quần xà lỏn và áo thun ba lỗ, ngượng chín cả người. Niềm vui òa tới, tân cử nhân được về dạy ở Hà Nội, lại được về Trường Chu Văn An - Trường Bưởi - một trường danh giá nhất Hà Nội thời đó. Kể từ đó, bắt đầu bổn phận của người thầy.

Giáo sư Nguyễn Đức Dân hồi đó đọc và học thêm rất nhiều về Toán sơ cấp. Chủ yếu là sách Nga và sách Pháp. Các lớp Lý thuyết hàm phức của GS Lê Văn Thiêm, vận trù học, lý thuyết quy hoạch... của GS Hoàng Tụy, cơ học lượng tử, vật lý lý thuyết của GS Hoàng Phương, chủ nhật dự các chuyên đề lý thuyết ôtômát, máy turing, Lô gích toán của GS Tạ Quang Bửu... Vì vậy, đôi khi bị đụng giờ học với những buổi đi họp. Bức xúc, khoảng tháng 5-1962, thầy viết một bài dài “Họp hành nhiều quá!” hơn nửa trang báo Thủ Đô Hà Nội, than phiền Sở GD tổ chức họp hành nhiều quá, không tạo điều kiện cho giáo viên học thêm. Theo giáo sư, hồi đó, cơ quan nào bị đưa lên mặt báo là nặng nề lắm. May mà thầy không bị trù dập gì cả. Sở vẫn tín nhiệm. Ông Phạm Quang Hiểu, Phó giám đốc, Bí thư Đảng Đoàn Sở GD, chỉ nói một câu “Tay ấy kêu như vậy, đưa tay ấy lên sở xem hắn sắp xếp họp hành thế nào”. Và thầy được điều lên Phòng Phổ thông, phụ trách chỉ đạo bộ môn toán cấp 3 của Sở GD Hà Nội. Năm ấy giáo sư mới 26 tuổi.

Về sở, thầy được thỏa sức thực hiện nguyện vọng của mình: bồi dưỡng học sinh giỏi toán và in (ronéo) được mấy số Bồi dưỡng toán học. Lớp “Bồi dưỡng toán” của Hà Nội được tổ chức. Những giáo viên giỏi của Hà Nội được mời dạy lớp này. Chủ yếu, thầy lấy từ những tài liệu tiếng Nga, những bài viết nâng cao từ tập san Matematika v szkole (toán học trong nhà trường), sau thêm tạp chí Kvant (lượng tử) và quyển Những suy luận có lý của Polya. Những lớp này có kết quả rõ rệt. Mấy năm liền đều giành giải cao nhất trong kỳ thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc. Hồi đó, mỗi tỉnh được cử một đội năm người. Riêng Hà Nội được cử ba đội. Năm 1963, ba đội của Hà Nội chiếm ba hạng đầu. Vũ Hoài Chương và Đoàn Trịnh Ninh chiếm hai giải nhất nhì. Trong những lớp này nhiều học trò về sau thành đạt về khoa học. Ở TPHCM, có GS.TSKH Phan Quốc Khánh từng làm Hiệu trưởng ĐHKH tự nhiên; GSTS Đào Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường ĐHCN Sài Gòn...

Năm 1965, Bộ GD cho thí điểm mở hai lớp chuyên toán của Hà Nội, thầy xin dạy lớp chuyên toán G đặt ở Trường cấp 3 Xuân Đỉnh. Nhiều học trò thành đạt, và lớp này gắn bó với nhau đặc biệt. Gần 40 năm  nay, vào ngày Tết mỗi năm các học trò lại gặp nhau tại Trường Xuân Đỉnh, thêm cả dâu, rể. Năm 1966, thầy được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Ba Lan. Số phận đưa đẩy thầy sang một môi trường khác: nghiên cứu ngôn ngữ học.

Nhưng nhờ vậy mà ngành ngôn ngữ học Việt Nam nhận được những đóng góp to lớn của giáo sư. Việc áp dụng kiến thức toán học trong các nghiên cứu về ngôn ngữ trên thế giới đã mang lại rất nhiều thành tựu. Riêng ở Việt Nam, ở các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn thì gặp nhiều khó khăn vì cả người học và người dạy ít chú trọng đến các phương pháp của toán học. Đọc các công trình của giáo sư Nguyễn Đức Dân bao giờ  người ta cũng thấy tính logic, lập luận chặt chẽ, và thường thì rất khó vì hàm lượng toán học trong đó. 55 năm tham gia công tác nghiên cứu giảng dạy, giáo sư Nguyễn Đức Dân đã đào tạo hàng ngàn sinh viên, gần 30 tiến sĩ. Và có thể nói, ở Việt Nam, giáo sư là chuyên gia đầu ngành về logic, ngữ nghĩa, lập luận. Ông cũng là nhà Chomsky học hiếm hoi ở nước ta đến thời điểm này (Chomsky là nhà ngôn ngữ học lừng lẫy nổi tiếng với công trình ngữ pháp tạo sinh. Các phát minh của ông còn ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực khác như Toán học, Vật lý học, Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo...).
Duy Trung




(Vĩnh Thuận - Ngọc hà - Hà nội - 21/11/2012)
Nguồn: 
http://congan.com.vn/?mod=detnews&catid=1101&id=483896

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

THĂM THẦY ĐỊNH nhân dịp 20-11

Nhân dịp 20-11 năm nay, chúng tôi rủ nhau đi lên Xuân Đỉnh thăm Thầy Hoàng Mai ĐỊNH.
Sáng nay thứ Hai 19-11-2012, anh Bùi Minh Tân đến Ngọc Hà đón tôi và hẹn anh Vũ Phú Tường lên thẳng thôn Đông chờ nhau. Đúng 10h00, anh Tân chở tôi lên đến đầu thôn, sau vài phút, anh Tường đến nơi hẹn. Ba chúng tôi vào nhà Thầy Định.

Trên FB www.facebook.com/thuan.nguyenvinh.39 tôi viết: Lớp "toán đặc biệt" 8-9-10G chúng tôi được Sở GD Hà nội thành lập ở Trường PT cấp 3 Xuân Đỉnh năm 1966-1968. Thầy chủ nhiệm đầu tiên là Nguyễn Đức Dân, sau đó là thầy Hàn Liên Hải và 2 năm cuối là thầy Hoàng Mai Định. Sáng nay 19-11-2012 chúng tôi đi thăm Thầy Hoàng Mai Định và vợ là cô Được ở thôn Đông, xã Xuân Đỉnh. (www.facebook.com/media/set/?set=a.193849037418554.49007.100003803780138&type=1 )


Xin bấm vào giữa ảnh để xem ảnh to và rõ hơn.

Thầy Định và cô Được tiếp học trò cũ ở ngôi nhà tại thôn Đông - xã Xuân Đỉnh.



Cây Lộc vừng trước cửa nhà Thầy:

Hoa (Lộc vừng) và Trái (Quất) nhà Thầy Cô:

Cô Được là học sinh Xuân Đỉnh, tốt nghiệp khoa Sử ĐHSP HN1 (cùng lớp với nhà văn Ng. Huy Thiệp) và về Trường cũ dậy học cho đến khi nghỉ hưu. Hai Thầy Cô gắn bó suốt đời dạy học với ngôi trường PTTH Xuân Đỉnh.

Anh Bùi Minh Tân lần đầu tiên đến thăm nhà Thầy xây mới to đẹp:

Cô Được mời trà ba chúng tôi - các học sinh cũ của Thầy:

Thầy trò ôn lại chuyện ngày xưa:

Cô Được xem tấm ảnh Thầy Định chụp cùng cả lớp G trong Hội Xuân đầu năm 2012 ở Vườn Xoài - Đông Anh:

Thầy vui mừng với sự thành đạt của các trò lớp G:

Anh Tường chụp cho tôi tấm ảnh ngồi cạnh Thầy:

Anh Tân và Tường kể với Thầy về tình hình các bạn trong lớp:

Trước khi ra về anh Tân và Tường chụp cùng Thầy Cô bức ảnh kỷ niệm:

Chúng tôi nhờ 1 cháu SV Đại học Nội vụ (CĐ Văn thư - lưu trữ cũ) chụp Thầy Cô với 3 trò cũ 1966-1968, thời bom đạn Mỹ đánh phá miền Bắc:

Chúng tôi chào Thầy Cô để ra về và kính chúc Thầy Cô mạnh khỏe và hạnh phúc

Hoa Lộc vừng nở trong sân nhà Thầy Định:



(Vĩnh Thuận - 19/11/2012)