Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Thầy ĐỨC DÂN trên báo ngày 20-11



Hôm nay mới mở hộp thư điện tử, mừng quá thấy có thư của thầy DÂN. Thầy gửi bài báo viết về Thầy: "Người Thầy toán dạy văn" đăng ở trang chủ của báo điện tử Công An TP HCM. 
Mừng thì mừng, nhưng nghĩ lại thì trò có lỗi lớn với Thầy, chẳng có lời nào chúc mừng Thầy nhân dịp Ngày Nhà Giáo. Thật đáng trách phạt.

Em xin lỗi Thầy và xin phép Thầy đưa bài báo lên Blog của lớp G để các bạn cùng đọc.

Kính chúc Thầy cùng gia đình đầy sức khỏe và hạnh phúc.





Email của Thầy DÂN:


2012/11/20 Nguyen Duc Dan <ngducdan@yahoo.com>

Thuận,
Sáng nay, 20.11.2012, trên báo Công an Tp HCM có bài Thầy toán dạy văn viết về tôi. Báo mạng của CA tp HCM đăng bài này ở ngay trang chủ. Thuận đọc cho vui. Tiếc là họ viết quá ít về lớp G của các bạn.
Trang điện tử: www.congan.com.vn



KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM


Thầy toán dạy văn
Thứ ba, 20/11/2012 09:24
(CATP) Giản dị và từ tốn, nhưng cái cẩn trọng của một nhà khoa học và sự nghiêm nghị của người thầy vẫn phát tiết ra bên ngoài, khiến cho không ít học trò phải sợ mỗi khi đứng trước mặt, dù có người cũng đã là tiến sĩ, giáo sư. Nghề giáo là nghề mô phạm, đạo đức mô phạm và kiến thức cũng phải mô phạm. Học trò sợ thầy trước hai điểm đó thì xem như không uổng một đời gắn với cái nghiệp trồng người. Ở tuổi 77 với 55 năm nghiên cứu và giảng dạy, đào tạo nhiều thế hệ học trò, GS.TS Nguyễn Đức Dân là một người thầy như thế.

 
Giáo sư Nguyễn Đức Dân trong ngày nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Đã 55 năm trong nghề dạy học. Buồn có nhưng vui nhiều. Nhiều kỷ niệm, nhưng kỷ niệm về những năm đầu vào nghề thầy mãi mãi không quên. Năm 1954, tốt nghiệp phổ thông 9 năm, lúc này chưa mở ĐH Tổng hợp, chàng trai Nguyễn Đức Dân thi vào Khoa Toán - Lý Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhập học khóa đầu tiên, đầu năm 1955, sau hòa bình được lập lại ở miền Bắc. Sau hơn nửa tháng trong  trường, cậu sinh viên được gọi đi học lớp “Bổ túc văn hóa”. Tên là vậy, nhưng đây là lớp học chuẩn bị cho học sinh đi học ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước Đông Âu. Năm tháng sau, gần cuối khóa chàng trai nhiều hoài bão bị trả về địa phương. Vì là con địa chủ, mặc dù bố là đảng viên, được Huân chương Kháng chiến hạng 2, và lúc đó cũng đang tham gia đội cải cách ruộng đất.

Nhưng rồi cậu sinh viên cũng trốn được lên thành phố Nam Định. Chờ thi lại vào sư phạm, cậu đi đẩy xe than cho Nhà máy dệt Nam Định chuẩn bị tái hoạt động. Vẫn thi lại khoa Toán - Lý, ĐHSP, trở thành sinh viên khóa 2, gọi là hệ 3 năm nhưng thực tế có hai năm rưỡi, hai kỳ học hè cũng thành một năm. Tháng 6-1957 tốt nghiệp. Trong giấy kê khai nguyện vọng công tác, chàng tân cử nhân xin về dạy tại thành phố Nam Định, nơi bố mẹ làm việc. Sau đó không có bất kỳ một “động tác” nào khác ngoài việc chờ và chờ...
Đầu tháng 8-1957, một hôm đang nằm khểnh trên giường tầng đọc truyện tại khu học xá Bạch Mai ĐHSP - thời Pháp gọi là Đông Dương học xá - thì một người đến tìm. Cầm giấy mời, cậu sinh viên vừa ra trường được nghe câu “Mời giáo sư tới họp Hội đồng giáo sư của trường”. Trong bộ dạng một người vừa tụt trên tầng hai xuống với quần xà lỏn và áo thun ba lỗ, ngượng chín cả người. Niềm vui òa tới, tân cử nhân được về dạy ở Hà Nội, lại được về Trường Chu Văn An - Trường Bưởi - một trường danh giá nhất Hà Nội thời đó. Kể từ đó, bắt đầu bổn phận của người thầy.

Giáo sư Nguyễn Đức Dân hồi đó đọc và học thêm rất nhiều về Toán sơ cấp. Chủ yếu là sách Nga và sách Pháp. Các lớp Lý thuyết hàm phức của GS Lê Văn Thiêm, vận trù học, lý thuyết quy hoạch... của GS Hoàng Tụy, cơ học lượng tử, vật lý lý thuyết của GS Hoàng Phương, chủ nhật dự các chuyên đề lý thuyết ôtômát, máy turing, Lô gích toán của GS Tạ Quang Bửu... Vì vậy, đôi khi bị đụng giờ học với những buổi đi họp. Bức xúc, khoảng tháng 5-1962, thầy viết một bài dài “Họp hành nhiều quá!” hơn nửa trang báo Thủ Đô Hà Nội, than phiền Sở GD tổ chức họp hành nhiều quá, không tạo điều kiện cho giáo viên học thêm. Theo giáo sư, hồi đó, cơ quan nào bị đưa lên mặt báo là nặng nề lắm. May mà thầy không bị trù dập gì cả. Sở vẫn tín nhiệm. Ông Phạm Quang Hiểu, Phó giám đốc, Bí thư Đảng Đoàn Sở GD, chỉ nói một câu “Tay ấy kêu như vậy, đưa tay ấy lên sở xem hắn sắp xếp họp hành thế nào”. Và thầy được điều lên Phòng Phổ thông, phụ trách chỉ đạo bộ môn toán cấp 3 của Sở GD Hà Nội. Năm ấy giáo sư mới 26 tuổi.

Về sở, thầy được thỏa sức thực hiện nguyện vọng của mình: bồi dưỡng học sinh giỏi toán và in (ronéo) được mấy số Bồi dưỡng toán học. Lớp “Bồi dưỡng toán” của Hà Nội được tổ chức. Những giáo viên giỏi của Hà Nội được mời dạy lớp này. Chủ yếu, thầy lấy từ những tài liệu tiếng Nga, những bài viết nâng cao từ tập san Matematika v szkole (toán học trong nhà trường), sau thêm tạp chí Kvant (lượng tử) và quyển Những suy luận có lý của Polya. Những lớp này có kết quả rõ rệt. Mấy năm liền đều giành giải cao nhất trong kỳ thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc. Hồi đó, mỗi tỉnh được cử một đội năm người. Riêng Hà Nội được cử ba đội. Năm 1963, ba đội của Hà Nội chiếm ba hạng đầu. Vũ Hoài Chương và Đoàn Trịnh Ninh chiếm hai giải nhất nhì. Trong những lớp này nhiều học trò về sau thành đạt về khoa học. Ở TPHCM, có GS.TSKH Phan Quốc Khánh từng làm Hiệu trưởng ĐHKH tự nhiên; GSTS Đào Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường ĐHCN Sài Gòn...

Năm 1965, Bộ GD cho thí điểm mở hai lớp chuyên toán của Hà Nội, thầy xin dạy lớp chuyên toán G đặt ở Trường cấp 3 Xuân Đỉnh. Nhiều học trò thành đạt, và lớp này gắn bó với nhau đặc biệt. Gần 40 năm  nay, vào ngày Tết mỗi năm các học trò lại gặp nhau tại Trường Xuân Đỉnh, thêm cả dâu, rể. Năm 1966, thầy được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Ba Lan. Số phận đưa đẩy thầy sang một môi trường khác: nghiên cứu ngôn ngữ học.

Nhưng nhờ vậy mà ngành ngôn ngữ học Việt Nam nhận được những đóng góp to lớn của giáo sư. Việc áp dụng kiến thức toán học trong các nghiên cứu về ngôn ngữ trên thế giới đã mang lại rất nhiều thành tựu. Riêng ở Việt Nam, ở các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn thì gặp nhiều khó khăn vì cả người học và người dạy ít chú trọng đến các phương pháp của toán học. Đọc các công trình của giáo sư Nguyễn Đức Dân bao giờ  người ta cũng thấy tính logic, lập luận chặt chẽ, và thường thì rất khó vì hàm lượng toán học trong đó. 55 năm tham gia công tác nghiên cứu giảng dạy, giáo sư Nguyễn Đức Dân đã đào tạo hàng ngàn sinh viên, gần 30 tiến sĩ. Và có thể nói, ở Việt Nam, giáo sư là chuyên gia đầu ngành về logic, ngữ nghĩa, lập luận. Ông cũng là nhà Chomsky học hiếm hoi ở nước ta đến thời điểm này (Chomsky là nhà ngôn ngữ học lừng lẫy nổi tiếng với công trình ngữ pháp tạo sinh. Các phát minh của ông còn ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực khác như Toán học, Vật lý học, Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo...).
Duy Trung




(Vĩnh Thuận - Ngọc hà - Hà nội - 21/11/2012)
Nguồn: 
http://congan.com.vn/?mod=detnews&catid=1101&id=483896

1 nhận xét:

  1. Rất tiếc hôm nay LP mới được đọc bài này, có lẽ hoạt động NT nhiều và lười vào blog Lớp. Xin nhận lỗi. Xin có mấy ý sau:
    Bài viết tốt. Thày hơi tiếc vì tác giả viết ít về lớp G, không sao cả. Tuy nhiên học sinh lớp G chúng em mới được biết nhiều về thời điểm xuất phát của Thày. Có thể nói rằng: Nghề, Nghiệp và Nghệ (hiểu như là nghệ nhân) đã chọnThày! Xin cám ơn.
    Hà Nội, 26/12/2012, Lương Phúc - 1 HS cũ lớp G.

    Trả lờiXóa