Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

KỶ NIỆM VỀ THẦY CÔ XUÂN ĐỈNH

Lớp Toán đặc biệt Hà Nội 1968-1971, là lớp do Sở Giáo Dục Hà nội thành lập. Niên khóa 1968-1969, 1969-1970, lớp được đặt tại trường cấp III Xuân Đỉnh – là lớp 8D, 9D. Niên khóa 1970-1971, lớp được chuyển về trường cấp III Chu Văn An – lớp 10K. Lớp có Blog tại địa chỉ https://cthn6871.wordpress.com  để truyền tải thông tin, chia sẻ các trải nghiệm trong cuộc sống, và gắn kết các thành viên trong lớp. Xin giới thiệu bài viết của bạn Bạch Long Giang:


(Thăm Trường Xuân Đỉnh - 6/10/2012)


22 THÁNG 10 2012

Mình muốn nhắc lại đây, những người Thày, Cô đã dạy chúng mình hồi còn học ở Xuân Đỉnh. Đầu tiên phải nhắc tới là Thày Mai. Thày được Sở GDHN giao cho làm chủ nhiệm lớp bọn mình và dạy môn Toán là môn nặng cho khối chuyên Toán. Chuyện chuyên môn của Thày vững vàng, chắc khỏi phải nói, vì điều này các Thày trên Sở phải lo rồi, mà lớp ta học ta cũng biết rồi. Mình muốn nói về tính cách và những bài học mình học được từ Thày. Thày Mai tính điềm đạm, khi nói thường  hay cười. Kể cả khi bọn mình mắc khuyết điểm, cũng rất hiếm khi thày nổi nóng. Về phương pháp sư phạm, mình học hỏi được từ Thày rất nhiều. VD như để tăng khả năng tưởng tượng cho lớp, thày đã bắt mọi người giải Toán không dùng giấy bút, phấn bảng. Hoặc để rèn cho học trò khả năng tự học, tự nghiên cứu: Thày đã chỉ dẫn các đầu sách hay, sau đó khuyến khích học sinh tìm mua về đọc. Chính nhờ Thày Mai mà mình học được cách tự tìm tòi, học hỏi. Điều này giúp ích cho mình rất nhiều trong việc học hành và trong các vấn đề của cuộc sống sau này. Rất tiếc là khi lớp chuyển về Chu Văn An, Thày lại không về cùng lớp.

Người Thày thứ hai để lại cho mình nhiều kỉ niệm là Thày Phạm Tạo, dạy hóa. Mình vào lớp muộn (quãng 1 tháng gì đó). Khi lớp đã học khá nhiều về hóa, và thế là mình phải bơi. Tuy nhiên kết quả cuối cùng của học kì I là điểm 2 tròn chính cho môn hóa. Cay mũi, sang kì II, mình cho Thày biết tay, khi điểm nào cũng là điểm 5. Tổng kết cả năm của mình là 4-. Cái đáng nói là Thày từ rất ghét đã thay đổi cách nhìn. Mà thích nhất là hình ảnh ánh mắt cười cười sau cặp kính cận, dưới cái đầu to, trán dô (một đặc điểm nhận dạng không lẫn vào đâu được) của Thày. Mình thì cũng vui, vì đâu phải loại bất khả tri môn hóa!


Kế đến là Cô Phong, dạy Sinh vật lớp mình hồi lớp 8. Hồi đó lớp mình còn học ở khu nhà lá, xa trường. Chẳng hiểu sao, mà giờ học của Cô, mình cứ ngọ ngoạy không ngồi yên được. Đủ trò nghịch ngợm. Cô nhắc hoài không được, cáu quá cô phải nói: mình là một sinh vật tiền sử, chưa tiến hóa. Nghe cay mũi quá. Nhưng sau cú chích đó, mình cũng kịp nhận ra là đã đi quá giới hạn rồi. Đó cũng là bài học cho mình nhớ, để sau này đừng làm cái gì nó thái quá. Sau này mới được biết Cô đã mất khi đi thăm một ngôi chùa. Một nén hương lòng xin gửi tặng Cô.

Một kỉ niệm buồn với Thày Thân dạy môn Vật lí hồi lớp 9. Hôm đó trong giờ học môn Vật lí, Kim Bình ngồi cạnh mình nó đọc lẩm bẩm cái định lí gì đó của bài học hôm đó. Mình ngồi cạnh, trêu nó: mày lại đọc sách chứ gì? Ai dè mình nói hơi to, Thày Thân nghe được. Mà oái oăm là Thày lại tưởng mình nói Thày mới chết chứ. Thế là Thày dừng giảng, cho mình một bài học, vuốt mặt không kịp. Đúng là oan Thị màu. Ai bảo trong lớp không chịu nghe giảng, mà lại cứ chuyện trò linh tinh. Mong rằng sau này Thày hiểu, chẳng có trò nào lại dám nói như vậy với Thày đâu! Một bài học nhớ đời: đôi khi, dù là vô tình, mình đã làm tổn thương người khác, và mình đã phải nhận những cái đáng ra không phải nhận.

Dạy bọn mình còn một thày Tạo nữa là Tiến Tạo. Thày dạy môn chính trị. Chắc là biết môn của mình kém hấp dẫn, nên trông thày lúc nào cũng như cười xin lỗi. Chẳng biết có một kì thi hay kiểm tra học kì gì đó, Thày được phân công trông lớp mình. Thày bỏ ra ngoài, mặc kệ lớp muốn làm gì thì làm. Hết buổi thi, sau khi thu bài của lớp, nộp cho Thày, Thu cói phát biểu: Thày Tiến Tạo là tạo điều kiện cho chúng ta mắc khuyết điểm!!!

Dạy môn Lịch sử lớp mình là Thày Kính, nhà ở phố Lương Văn Can. Thày bị cận, mặt hơi bị tàn nhang. Thày giảng rất nhiệt tình, say sưa, giọng oang oang. Nói trong một lớp học chừng ba chục học sinh, nhưng giọng của thày với âm lượng, có thể đủ cho cả một Amphie Théatre cỡ nghìn người nghe được. Thỉnh thoảng, giữa các kiến thức về Lịch sử mà tháy phải truyền đạt, Thày còn nói thêm nhiều chuyện vui bên ngoài. Mình nhớ Thày giúp cách phân biệt giữa người các nước: Người Nga đọc tên lên cứ có Ốp, Ếp, người Pháp thì I, Oa, Ăng, Người Đức thì Ô, En,… Thày hay đùa: vì bị cận nên khi bỏ kính ra nhìn cô gái nào cũng xinh hết, vì cái nhìn lúc đó nó mờ mờ, cái thấy còn phải dựa vào cái tưởng tượng ra nữa. Không hiểu mấy bạn bị cận có chia sẻ với Thày điều này không?

Trái ngược với Thày Kính là Cô Hiên dạy môn Địa lý, một môn học tương đối khô khan, dưới con mắt của tụi mình. Cô dạy bọn mình 2 năm, lớp 8 và lớp 9. Cô nói rất nhỏ, kể cả lúc giảng bài, cũng như lúc ngoài giờ học. Giọng cô nhỏ nhẹ, phong cách lại khoan thai, nhẹ nhàng. Bọn mình hồi đó đủ kiểu nghịch ngợm, thế mà giờ của Cô, chẳng đứa nào ho he, mà cũng chẳng phải vì Cô đe nẹt, chẳng hiểu sao nữa. Có điều chắc là: nghịch thì hết nghe giảng. Ngoài việc dậy, Cô còn phụ trách khâu hậu cần cho lớp mình nữa. Mình nhớ năm lớp 9 được cô cử đi thi HSG thành phố môn Địa. Tiếc rằng mình chẳng mang được cái giải gì về cho trường.

Dạy văn lớp mình hồi lớp 8 là Cô Hợi, mình chẳng nhớ được nhiều về cô. Còn lớp 9, chúng ta học văn Thày Vinh. Hồi đầu tiên, khi Thày bước chân vào lớp, nhìn điệu bộ của Thày mình cứ buồn cười. Thày bước rất trịnh trong vào lớp, tay ôm cái cặp da màu vàng đậm to tướng, đầu đội cái mũ phớt. Bất chấp lớp đã đứng lên chào, Thày cứ bước thẳng đến bàn giáo viên, đặt cặp, bỏ mũ, ngồi nghiêm chỉnh rồi mới cười chào cả lớp. Điệu bộ Thày trông hơi trịnh trọng, buồn cười. Nhưng Thày giảng văn thì cực hay, nhiều hôm, ngồi nghe giảng cứ há mồm nghe, chả ghi chép gì được. Những lúc như vậy, Thày lại dừng lại, nhắc lớp ghi chép đi chứ. Sau này, khi bọn mình đã rời trường Xuân Đỉnh, thì Thày phải đi bộ đội, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Thật may mắn là bạn Hưng đã tìm lại được thày và có bài viết rất hay về thày (https://cthn6871.wordpress.com/2012/08/28/53/)

Một người không dạy lớp mình, nhưng cũng để lại cho mình sự ấm áp của tình thày trò: đó là Cô Phượng hiệu phó. Khác với vẻ lạnh lùng của Thày Duyến Hiệu trưởng, không phải là do Thày Duyến đã từng mẹc xà lù lớp mình đâu nhé. Mình cảm giác Thày khó gần. Còn trái ngược hẳn hình ảnh đó, là hình ảnh cô Phượng. Mỗi khi gặp Cô là mình thấy Cô cười, một nụ cười ấm áp, động viên. Nụ cười ấy cứ theo mình mãi.

BLGiang


(Thăm BGH nhà trường và tặng quà - Bạn Long Giang mặc áo đỏ ở hàng đứng)

(Vĩnh Thuận sưu tầm - Ngọc hà - 24/12/2012)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét