Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

PHI CÔNG TIÊM KÍCH KHÔNG SỢ ĐÁNH B52



Nhân dịp ngày Quốc phòng toàn dân, ngày thành lập Quân đội NDVN  và kỷ niệm 40 năm trận "Điện Biên Phủ trên không" 12/1972 – 12/2012, xin chúc sức khỏe các CCB (kể cả dâu, rể) của lớp 10G. Gửi tới các bạn một bài viết của P về phỏng vấn anh hùng LLVT Lê Thanh Đạo -1 học sinh cũ của trường Xuân Đỉnh. Bài này đã đăng ở các trang 201-205 trong cuốn sách "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, Ký ức một thời" do Quân chủng PKKQ - NXB QĐND ấn hành 11/2012.

Cám ơn. Lương Văn Phúc.

Anh L.T.Đạo tại nhà riêng 2/2012
Bìa cuốn sách


Trang mở đầu cuốn sách


PHI CÔNG TIÊM KÍCH KHÔNG SỢ ĐÁNH B52
                                                                        Phỏng vấn Anh hùng LLVT Lê Thanh Đạo
Chiều xuân sớm Nhâm Thìn, trời mưa to nhưng đã có hẹn tôi vẫn đến gặp Anh hùng Lê Thanh Đạo tại nhà riêng ở làng Chèm, xã Đông Ngạc, Từ Liêm. Hỏi thăm từ xa 1km, người dân ai cũng biết và tận tình chỉ đường. Ra đón tôi tận cổng, anh cho biết mới ở trên trại Hòa Lạc về hôm qua. Trông anh tuy đã cao tuổi, nhưng vẫn còn dáng dấp nhanh nhẹn khỏe mạnh của một chiến sĩ lái máy bay tiêm kích thiện chiến năm xưa. Chúng tôi nhanh chóng quen thân ngay, vì tôi cũng là lính thời chống Mỹ, lại học sau anh 3 lớp ở trường Phổ thông cấp 3 Xuân Đỉnh. Anh là học sinh khóa 3 (1962- 1965) và vợ anh là chị Dung đều là học sinh của Trường cấp 3 Xuân Đỉnh.

Lương Phúc: Xin chào anh hùng Lê Thanh Đạo, xin anh cho biết trước và trong chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” của quân dân ta đánh thắng cuộc tập kích bằng B52 của đế quốc Mỹ, anh làm gì, ở đâu với cương vị nào?
Anh hùng Lê Thanh Đạo: Tôi là phi công lái máy bay tiêm kích đã tham gia nhiều trận đánh với máy bay Mỹ chủ yếu là loại F4H – “Con ma” của Hải quân. Còn trong trận “Điện Biên Phủ trên không” tôi lại không được trực tiếp tham gia chiến đấu bởi vì trước đó ngày 15-10 trong một trận chiến đấu ở vùng trời Phú Thọ tôi đã phải nhảy dù & bị thương ở chân. Trong những ngày “Điện Biên Phủ trên không” tôi nằm điều trị dưới chân Tam Đảo, nghe tiếng bom B52 đánh vào Hà Nội mà tim uất nghẹn vì không được cùng đồng đội trực tiếp tiêu diệt địch. Nhưng trước đó, chúng tôi đã được quân chủng cho tham gia nghiên cứu các phương án tác chiến đánh B52  nếu chúng dám vào Hà Nội, Hải Phòng, việc này đã được chuẩn bị từ rất sớm. Đối với chúng tôi thì phi công Mig21 không sợ gì B52. Với độ cao, với tốc độ Mig21, với mục tiêu B52 lớn như thế, thì khi tiếp cận được đó thực sự là một miếng mồi ngon.
Khi tham gia vào các phương án tác chiến, có người nói: B52 nó vào đánh Hà Nội mà cứ bật đèn sáng trưng có vẻ ngông nghêng không sợ gì, nhưng không quân chúng tôi cho rằng chẳng qua là nó muốn tăng hiệu quả tấn công khi mật tập đánh vào khu vực lớn, các B52 bay gần nhau, để nhìn cho rõ, tránh đâm vào nhau, sợ chết thì nó phải bật đèn cho dễ lái. Vì rằng mắt thần và rada cả của ta và địch không phân biệt được ánh đèn, chỉ xác định mục tiêu theo sóng điện từ và kim loại và từ đó chúng tôi nghiên cứu cánh đánh B52. Về cách đánh B52 các đồng chí đánh trực tiếp như các đồng chí Vũ Đình Rạng hay Phạm Tuân đã nghiên cứu kỹ nhưng chúng tôi ai cũng hiểu biết tường tận cách đánh B52. Chúng tôi thấy khó nhất là việc gây nhiễu của nó và các  máy bay hộ vệ đi kèm gồm cả sóng tích cực và sóng tiêu cực từ các sợi kim loại thả ra cản trở màn hình mà các chiến sĩ rada của ta phải căng mắt mò trong đám mây mù để phát hiện chính xác mục tiêu. Nhưng với không quân chúng tôi không ngại gì đám nhiễu đó vì đã nắm vững quy luật đường bay chúng vào và chính là phải vượt qua hàng rào tầng tầng lớp lớp phía trước phía sau F4 đi kèm hộ vệ. Đối với chúng tôi khi tiến đánh B52, từ xa  nhìn vào như một cụm ngôi sao di động dễ phát hiện vì trên độ cao đó không có mây và với lính tiêm kích nếu đã tiếp cận mục tiêu và quyết tâm đều có thể thực hiện được, nhưng có trận đã chưa thành công. Trận anh Vũ Đình  Rạng, khi đã tiếp cận mục tiêu với cự ly thích hợp anh phóng tên lửa, nhưng lẽ ra phải bắn 2 quả, anh chỉ bắn một nên nó chỉ bị thương cháy động cơ và lết về được Thái Lan mà hạ cánh. Sau đó về anh Rạng bị kiểm điểm ghê lắm (cười), thành ra anh là người đầu tiên bắn trúng, bắn cháy B52 lại không hoàn thành tốt nhiệm vụ (do không tuân thủ yêu cầu xạ kích – bắn 2 quả cho đủ sức công phá – hay anh tiết kiệm đạn?). Chính vì thế về sau khi Vũ Xuân Thiều và Phạm Tuân xuất kích đã rút kinh nghiệm và thành công. Riêng trận đánh của Vũ Xuân Thiều cả 2 máy bay rơi cùng một chỗ, khả năng có thể có va chạm gì đó. Có nhiều cách lý giải, hoặc là Vũ Xuân Thiều vào gần quá, mảnh vỡ B52 văng  vào máy bay. Như vậy ngại nhất là đám nhiễu, còn  khi đã phát hiện được mục tiêu, Mig21 sẵn sàng vượt qua hàng rào F4 để có thể tiêu diệt B52. Lúc đó chúng tôi xác định là sẵn sàng hy sinh kể cả với phương án cuối cùng coi máy bay của mình như một quả tên lửa lớn, lao thẳng vào quyết hạ tại chỗ B52. Thời điểm đó, tôi cùng một số chiến sĩ lái Mig21 chuyển từ bay ngày sang bay đêm, sẵn sàng chiến đấu, cuối năm 1972, cả hai phía ta và địch đều có quyết tâm cuối cùng ta đã vượt lên và chiến thắng.
Lương Phúc: Bình thường Không quân để đánh chắc thắng  ta có cần lực lượng để đánh dãn đội hình tiêm kích bảo vệ cho một lực lượng khác  vào đánh B52 không?
Anh hùng Lê Thanh Đạo: Chúng tôi tiếp cận ở phía trên hoặc dưới vùng mục tiêu vì nắm quy luật bay của địch, đối với đánh B52  thường là phía dưới. Khi đó chúng tôi tăng tốc vọt lên, vượt qua vòng bảo vệ F4 bay xung quanh, khi nắm được quy luật bay và trông thấy địch ta có hướng lượn vào tránh được các mũi bảo vệ. Ở trên không lính lái chúng tôi ngại nhất là không nhìn thấy địch, còn khi đã phát hiện được với tốc độ lớn, tùy tình huống, tùy vị thế, ta có thể xử lý không để chúng đánh được mình.
Lương Phúc: Tại thời điểm này, khi trận “Điện Biên Phủ trên không” đã qua 40 năm, anh có nhớ lại, suy nghĩ gì về tinh thần chiến đấu, ý chí quả cảm sáng tạo của từng chiến sĩ  ngày đó để vượt lên và chiến thắng? Với tinh thần đó, anh có suy nghĩ gì về tinh thần cảnh giác, khả năng sẵn sàng chiến đấu hiện nay của bộ đội Phòng không – Không quân với một cuộc chiến đấu tương tự nếu xảy ra?
Anh hùng Lê Thanh Đạo:  Cuộc chiến đấu 12 ngày đêm đánh B52 thực sự là một trận “Điện Biên Phủ trên không”. Mỹ cũng không nghĩ là lại bị bắn rơi nhiều B52 đến thế mà dù đã cố gắng vẫn phải kết thúc cuộc chiến trong thế thất bại. Lớp phi công chúng tôi có thuận lợi là các anh đi trước đã đánh nhiều, đúc rút kinh nghiệm tìm ra cách đánh phù hợp với vũ khí phương tiện của mình cũng như địa hình, môi trường chiến đấu sao cho hiệu quả nhất. Về tinh thần chiến đấu nói riêng, phi công chúng tôi luôn luôn vào trận với ý chí quyết chiến quyết thắng thật sự là không có sợ gì B52 cả. Bây giờ nghĩ lại vẫn tự hào là dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Không quân nhân dân Việt Nam chúng ta luôn đứng trên đầu thù với mọi tư thế, kể cả lúc rất khó khăn: máy bay không còn nhiều, phi công phải liên tục thay nhau trực, chúng ta vẫn vượt lên không hề sợ hy sinh, không hề sợ địch để chiến thắng. Hai là đánh trên đất mình, kể cả khi phải nhảy dù như tôi chả hạn cũng là ở trên đất mình được nhân dân bảo vệ, giúp đỡ lại trở về đội ngũ tiếp tục chiến đấu. Giặc cướp bay có nhiều thứ sợ, từ sợ không quân, tên lửa, cao xạ đến cả súng trường, rồi khi bị rơi lại sợ bị ta bắt không thì lạc trong rừng sợ thú dữ côn trùng, đói rét…
Bộ đội Phòng không – Không quân bây giờ được giao nhiệm vụ bảo vệ cả vùng trời, vùng biển, đảo; được Đảng, Nhà nước quan tâm trang bị các máy bay, phương tiện vũ khí, khí tài hiện đại hơn, tầm hoạt động rộng hơn. Tuy nhiên cùng với nhiệm vụ huấn luyện làm chủ vũ khí, kỹ thuật cần coi trọng rèn luyện nâng cao bản lĩn chính trị, tinh thần cảnh giác và ý chí quyết tâm chiến đấu, giữ vững kỷ luật cho bộ đội, đặc biệt là đội ngũ phi công để có thể đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền của đất nước.
Lương Phúc: Anh đã từng là một bí thư Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, anh có gì nhắn nhủ cho mỗi đoàn viên, mỗi chiến sĩ trẻ ngày nay?
Anh hùng Lê Thanh Đạo: Tôi phục vụ quân đội từ 1965 đến 1978, nhưng từ 1974 tôi tham gia Trung ương Đoàn và không bay nữa. Phải nói rằng 13 năm đó là khoảng thời gian tôi vô cùng tự hào, dù rằng về sau tham gia nhiều công tác, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau tôi đều cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình.
Thế hệ thanh niên chúng tôi nhiều người đã viết thư bằng máu xung phong ra tiền tuyến đánh giặc, cứu nước... Xin được nhắn nhủ tới các chiến sĩ trẻ nhất là trong Quân chủng Phòng không – Không quân rằng: Chúng tôi - những người đi trước luôn tự hào và tin tưởng vào các bạn, sự bình yên của bầu trời Tổ quốc Việt Nam đang trông chờ vào các bạn. Ngày nay đất nước ta đã thống nhất, đất trời bao la nhưng vẫn còn nghèo. Mỗi chiến sĩ đều phải rèn luyện cả về phẩm chất chính trị và bản lĩnh chiến đấu, cả về sức khỏe và tri thức, làm chủ khoa học kỹ thuật, làm chủ  được vũ khí trang bị, khí tài hiện đại để sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao...
Lương Phúc: Xin cám ơn anh. Chúc anh luôn mạnh khỏe và luôn phát huy được bản chất “anh bộ đội Cụ Hồ” trong cuộc sống.
                                                                          Lương Phúc phỏng vấn và ghi lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét