Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

TRUYỆN KIỀU VÀ TIN HỌC



                                                                                Lương Phúc
Nhớ lại bài báo đăng một chuyện đã xảy ra vào đầu xuân 23 năm trước.
Một buổi sáng đầu xuân, tại Tạp chí Tin học và Đời sống, chúng tôi ba bốn người cỡ “nhà”, “lều” tin học quây quần quanh bàn trà nóng. Ai nấy thả hồn phiêu diêu, mắt lim dim theo làn khói thuốc, ngỡ mình là bậc đại trí thức, quyết ra tay phát triển nền Tin học nước nhà. Có khách mới bước vào. Theo bản năng tôi đứng lên, định hỏi anh ta cần giúp đỡ gì về Tin học thì chợt nhận ra người quen – một “vila” tin học nổi tiếng trong và ngoài nước.
- Xin chúc mừng năm mới Tạp chí và các bạn! Anh “vila” chào trước.
Không khí nhộn nhịp hẳn lên. Mọi người sôi nổi chuyển qua đề tài Tin học và Đời sống. Bỗng anh “vila” hỏi tôi:
Một ấn phẩm truyện Kiều
 - Thư ký Tòa soạn có thể cho biết mối liên quan giữa Tạp chí Tin học và Đời sống với truyện Kiều không?
Bị quả phạt đền bất ngờ, tôi ngớ ra không thể trả lời được. Mọi người khác cũng chịu. Xưa nay anh vốn là người uyên thâm trong mọi vấn đề.
- Rất đơn giản! Anh tự trả lời: “Đây là một mối liên quan – Tổng biên tập Tạp chí và tác giả truyện Kiều cùng họ Nguyễn*, còn những liên quan khác, các bạn thử tìm xem.
Tất cả cùng cười ồ, vui quá! Sẵn ý hay, để gỡ lại quả phạt đền vừa xong, dù chưa có lời giải tôi cũng đố bừa:
          - Ba ngàn có lẻ câu Kiều,
             Nói về Tin học có điều nào chăng?
          Bóng bay về sân tất cả mọi người, tôi cũng tranh thủ nghĩ. Những “bộ óc” tin học còn đang duyệt tuần tự từng câu Kiều thì anh “vila” lại nói trước:
          - Nghề tin học tôi chưa rõ, song trong Kiều có nhiều kiểu tin. Này nhé:
          Tin xuân đâu dễ đi về cho năng” (câu 368),
rồi thì  Tin sương đồn đại xa gần xôn xao” (622),
            Tin nhạn vẩn lá thư bài” (945),
Thậm chí có cả “Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng” (535).
Tất cả còn đang gật gù tán thưởng và tiếp tục suy nghĩ thì người trẻ nhất – một “lều” tin học vừa ra trường – rụt rè nói:
- Em thấy trong truyện Kiều còn nhiều chỗ có tính Tin học rất rõ. Ví dụ:
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” (20),
hay “Của tin gọi một chút này làm ghi” (356),
hoặc “Tin vào gửi trước trung quân” (2461) …
- Ái chà, Chú mày khá lắm! Đúng là hậu sinh khả úy.
Mọi người đồng thanh khen. Một người khác tiếp lời:
- Tôi thì khẳng định rằng những người sau đây tuy chưa hẳn làm Tin học, nhưng chắc chắn đã học toán:
   * Thúy Kiều: “Vội vàng nào kịp tính gần tính xa” (2086)
   * Đề lại họ Chung: “Tính bài lót đó luồn đây” (611),
   * Mụ mối và Mã Giám Sinh: “Cò kè bớt một thêm hai” (647),
   và Thúc Sinh trình độ còn cao hơn đến mức dự báo toán học:
            Trăm năm tính cuộc vuông tròn” (1331).
Hay quá! Càng bới bèo - càng ra bọ, mọi người càng phấn chấn. Một “nhà” tin học lại có phát hiện mới:
- Từ Hải là một nhà lập trình, tuy rằng trình độ còn yếu!
- Thật không? Mọi người ngạc nhiên hỏi. Đợi không khí yên ắng trở lại, “nhà” tin học mới tiếp tục:
 - Chứng cứ là Từ Hải đã:
      . “Chiếu danh tầm nã bắt về hỏi tra” (2302)
      . “Lại sai lệnh tiễn truyền qua” (2303)
      . “Cũng sai lệnh tiễn đem tin rước mời” (2306).

Bìa và mục lục một số của Tạp chí TH&ĐS năm 1992
Tất cả lại cười rộ lên, vui vẻ vì 600 năm trước nghề Tin học đã được khai phá. Một ánh chớp lóe lên, tôi từ tốn góp lời cuối cùng:
- Nhưng theo tôi trình độ tin học cao nhất phải chăng là những người này: Đạm Tiên, Thúy Kiều và Kim Trọng.
Mọi người hướng về tôi chờ đợi. Tôi hắng giọng:
* Đạm Tiên – người quản trị cơ sở dữ liệu:
     . Thêm bản ghi: “Ví đem vào tập đoạn trường” (209),
     . Xóa tên trong thư mục: “Đoạn trường sổ rút tên ra” (2721).
* Thúy Kiều và Kim Trọng – các nhà tin học mạng – truyền thông:
    . “Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia” (366),
    . “Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa” (566),
    . “Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu” (498) …
- Thật bổ ích và lý thú! Mọi người cùng cười, tiếng vỗ tay lộp bộp. Mặt trời lại ló ra sau mùa đông rét mướt như chào mừng một phát hiện khảo cổ mới của Tin học nước nhà.
Theo đúng chức năng Thư ký, tôi chép lại câu chuyện này cùng bạn đọc. 
  
                                                                                  34C Lý Nam Đế, Hà Nội – 1/1992

(*) Tổng biên tập Tạp chí TH&ĐS khi đó là TS Nguyễn Thúc Hải

Tái bút: Bài này viết năm 1992, theo đúng trình độ Tin học chung thời điểm đó. Tôi đưa số hiệu câu vào để bạn đọc tiện tra cứu. Ngày ấy tôi làm Thư ký Tòa soạn, N.V.Thuận thỉnh thoảng vào lấy sách Tin học và đem bài báo của anh bạn (tôi quên mất tên) đang làm NCS đến đăng trên Tạp chí.   
Khoe một chút: Cuối năm 2009, trong lần cùng các bạn dự chơi “VUI - KHỎE – CÓ ÍCH’ MC Thu Trang ra câu hỏi cho khán giả: “Truyện Kiều có bao nhiêu câu thơ?” Nhường cho vài khán giả trả lời trước – một người đoán 800, người khác khoảng 2000… tôi giơ tay xin nói. MC cho phép trả lời gần đúng nhưng tôi đã nói: “nếu tôi không nhầm thì truyện Kiều có 3254 câu”. Khán phòng vỗ tay ầm ầm, MC phán “Chính xác tuyệt đối!” Tôi được nhận quà là một máy mat xa nhỏ chạy pin và 1 bàn chải răng rung tự động. Có lẽ vì viết bài này nên tôi đã nhớ kỹ con số 3254 chăng.    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét