Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

TRUYỆN KIỀU VÀ TIN HỌC



                                                                                Lương Phúc
Nhớ lại bài báo đăng một chuyện đã xảy ra vào đầu xuân 23 năm trước.
Một buổi sáng đầu xuân, tại Tạp chí Tin học và Đời sống, chúng tôi ba bốn người cỡ “nhà”, “lều” tin học quây quần quanh bàn trà nóng. Ai nấy thả hồn phiêu diêu, mắt lim dim theo làn khói thuốc, ngỡ mình là bậc đại trí thức, quyết ra tay phát triển nền Tin học nước nhà. Có khách mới bước vào. Theo bản năng tôi đứng lên, định hỏi anh ta cần giúp đỡ gì về Tin học thì chợt nhận ra người quen – một “vila” tin học nổi tiếng trong và ngoài nước.
- Xin chúc mừng năm mới Tạp chí và các bạn! Anh “vila” chào trước.
Không khí nhộn nhịp hẳn lên. Mọi người sôi nổi chuyển qua đề tài Tin học và Đời sống. Bỗng anh “vila” hỏi tôi:
Một ấn phẩm truyện Kiều
 - Thư ký Tòa soạn có thể cho biết mối liên quan giữa Tạp chí Tin học và Đời sống với truyện Kiều không?
Bị quả phạt đền bất ngờ, tôi ngớ ra không thể trả lời được. Mọi người khác cũng chịu. Xưa nay anh vốn là người uyên thâm trong mọi vấn đề.
- Rất đơn giản! Anh tự trả lời: “Đây là một mối liên quan – Tổng biên tập Tạp chí và tác giả truyện Kiều cùng họ Nguyễn*, còn những liên quan khác, các bạn thử tìm xem.
Tất cả cùng cười ồ, vui quá! Sẵn ý hay, để gỡ lại quả phạt đền vừa xong, dù chưa có lời giải tôi cũng đố bừa:
          - Ba ngàn có lẻ câu Kiều,
             Nói về Tin học có điều nào chăng?
          Bóng bay về sân tất cả mọi người, tôi cũng tranh thủ nghĩ. Những “bộ óc” tin học còn đang duyệt tuần tự từng câu Kiều thì anh “vila” lại nói trước:
          - Nghề tin học tôi chưa rõ, song trong Kiều có nhiều kiểu tin. Này nhé:
          Tin xuân đâu dễ đi về cho năng” (câu 368),
rồi thì  Tin sương đồn đại xa gần xôn xao” (622),
            Tin nhạn vẩn lá thư bài” (945),
Thậm chí có cả “Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng” (535).
Tất cả còn đang gật gù tán thưởng và tiếp tục suy nghĩ thì người trẻ nhất – một “lều” tin học vừa ra trường – rụt rè nói:
- Em thấy trong truyện Kiều còn nhiều chỗ có tính Tin học rất rõ. Ví dụ:
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” (20),
hay “Của tin gọi một chút này làm ghi” (356),
hoặc “Tin vào gửi trước trung quân” (2461) …
- Ái chà, Chú mày khá lắm! Đúng là hậu sinh khả úy.
Mọi người đồng thanh khen. Một người khác tiếp lời:
- Tôi thì khẳng định rằng những người sau đây tuy chưa hẳn làm Tin học, nhưng chắc chắn đã học toán:
   * Thúy Kiều: “Vội vàng nào kịp tính gần tính xa” (2086)
   * Đề lại họ Chung: “Tính bài lót đó luồn đây” (611),
   * Mụ mối và Mã Giám Sinh: “Cò kè bớt một thêm hai” (647),
   và Thúc Sinh trình độ còn cao hơn đến mức dự báo toán học:
            Trăm năm tính cuộc vuông tròn” (1331).
Hay quá! Càng bới bèo - càng ra bọ, mọi người càng phấn chấn. Một “nhà” tin học lại có phát hiện mới:
- Từ Hải là một nhà lập trình, tuy rằng trình độ còn yếu!
- Thật không? Mọi người ngạc nhiên hỏi. Đợi không khí yên ắng trở lại, “nhà” tin học mới tiếp tục:
 - Chứng cứ là Từ Hải đã:
      . “Chiếu danh tầm nã bắt về hỏi tra” (2302)
      . “Lại sai lệnh tiễn truyền qua” (2303)
      . “Cũng sai lệnh tiễn đem tin rước mời” (2306).

Bìa và mục lục một số của Tạp chí TH&ĐS năm 1992
Tất cả lại cười rộ lên, vui vẻ vì 600 năm trước nghề Tin học đã được khai phá. Một ánh chớp lóe lên, tôi từ tốn góp lời cuối cùng:
- Nhưng theo tôi trình độ tin học cao nhất phải chăng là những người này: Đạm Tiên, Thúy Kiều và Kim Trọng.
Mọi người hướng về tôi chờ đợi. Tôi hắng giọng:
* Đạm Tiên – người quản trị cơ sở dữ liệu:
     . Thêm bản ghi: “Ví đem vào tập đoạn trường” (209),
     . Xóa tên trong thư mục: “Đoạn trường sổ rút tên ra” (2721).
* Thúy Kiều và Kim Trọng – các nhà tin học mạng – truyền thông:
    . “Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia” (366),
    . “Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa” (566),
    . “Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu” (498) …
- Thật bổ ích và lý thú! Mọi người cùng cười, tiếng vỗ tay lộp bộp. Mặt trời lại ló ra sau mùa đông rét mướt như chào mừng một phát hiện khảo cổ mới của Tin học nước nhà.
Theo đúng chức năng Thư ký, tôi chép lại câu chuyện này cùng bạn đọc. 
  
                                                                                  34C Lý Nam Đế, Hà Nội – 1/1992

(*) Tổng biên tập Tạp chí TH&ĐS khi đó là TS Nguyễn Thúc Hải

Tái bút: Bài này viết năm 1992, theo đúng trình độ Tin học chung thời điểm đó. Tôi đưa số hiệu câu vào để bạn đọc tiện tra cứu. Ngày ấy tôi làm Thư ký Tòa soạn, N.V.Thuận thỉnh thoảng vào lấy sách Tin học và đem bài báo của anh bạn (tôi quên mất tên) đang làm NCS đến đăng trên Tạp chí.   
Khoe một chút: Cuối năm 2009, trong lần cùng các bạn dự chơi “VUI - KHỎE – CÓ ÍCH’ MC Thu Trang ra câu hỏi cho khán giả: “Truyện Kiều có bao nhiêu câu thơ?” Nhường cho vài khán giả trả lời trước – một người đoán 800, người khác khoảng 2000… tôi giơ tay xin nói. MC cho phép trả lời gần đúng nhưng tôi đã nói: “nếu tôi không nhầm thì truyện Kiều có 3254 câu”. Khán phòng vỗ tay ầm ầm, MC phán “Chính xác tuyệt đối!” Tôi được nhận quà là một máy mat xa nhỏ chạy pin và 1 bàn chải răng rung tự động. Có lẽ vì viết bài này nên tôi đã nhớ kỹ con số 3254 chăng.    

Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

Sống cong (Đình Tài)

(BBT-07/1/2015) - Nhà văn trẻ U70 Đình Tài gửi tới BBT Blog 10GXuanDinh tiểu phẩm mới sáng tác trong mấy ngày đầu năm mới 2015. Nhà văn đã dùng "ngòi bút thẳng" để vẽ nên nét cong của xã hội đương đại.

Chúc PGS TS. Đình Tài sáng tác nhiều áng văn thơ tuyệt phẩm cho đời và cho gia đình bạn bè cùng thưởng thức.

Đồi chè "cong" ở cao nguyên Mộc Châu



SỐNG  CONG

  Nguyễn Đình Tài

Dự lễ truy điệu xong, bốn thằng chúng tôi rủ nhau ra quán cà phê gần nhà tang lễ.
-        Khổ thân thằng Trần Trực, đi hơi sớm, chưa kịp hưởng ngày hưu nào. – Mộng giọng thương cảm.
-        Xuất huyết não thời nay nó có chừa tuổi nào đâu mà hưu với chưa hưu! – Hoành phản biện.
-        Giá như nó mềm tính đi một tý, đừng thẳng quá thì chắc không có kết cục này. - Tôi nói.
-        Trên đời này muốn sống dai, dài, giàu thì phải sống “cong”, còn cứ sống “thẳng” như Trần Trực thì  “đoản” là cái chắc! – Lượn triết lý.
Chúng tôi dướn mắt nhìn hắn, thằng Lượn, tên đầy đủ là Mai Anh Lượn, hiện đang là Phó giám đốc  Công ty  Cầu đường Thành Công. Hồi học cấp 2 phổ thông hắn đã sớm bộc lộ  năng khiếu kinh doanh. Hắn đi nhặt nút chai bia, đập ra làm xèng, lấy đá mài xoáy đít ốc nhồi thành những hòn bi đá tròn xoe gạ bán cho lũ chúng tôi, học hành thì đội sổ, quậy nhất trường. Vậy mà, nay là Phó giám đốc một doanh nghiệp nhà nước có cỡ.
-        Sao cơ, sống cong là sống thế nào? – Mộng ngơ ngác.
-        Là phải biết đi cong, nghĩ cong, nhìn cong, nghe cong, nói cong, làm cong, hiểu chưa? -  Lượn đáp,
-        Mày nói rõ thêm xem nào! – Chúng tôi đồng thanh.
-        Được, các bố thấy ngay đây. Em ơi, lại đây anh nhờ tí! – Lượn giơ tay vẫy cô gái nhà quán.
Một cô gái có đôi môi cong tớn, hàm răng trên cong chìa ra ngoài môi trên và một đôi chân gầy cong đối xứng bước tới.
-        Dạ, Sếp cho gọi em ạ?
-        Ôi! Sáng ra đã gặp được em gái xinh như hoa hậu! Hên quá! Đẹp như em đáng ra phải làm MC truyền hình chứ không phải “đong đưa” ở quán này. Em làm ơn cho anh  bao ba số. - Lượn cười toét miệng.
Cô gái vui ra mặt:
-        Em cám ơn, nhưng Sếp xạo vừa thôi, ba số nhà hàng vừa hết rồi. À mà để em chạy ù sang quán bên lấy cho Sếp nha.
-        OK, đi nhanh nhanh người đẹp nhé!
-        Đấy, các bố thấy sức mạnh của nói cong chưa? Nếu như tao nói thẳng “Này, cô em có phải em là chị em sinh đôi với thị Nở không?” thì còn lâu nó mới phấn chấn chạy đi mua bao thuốc cho nhá. – Lượn đắc chí.
-        Cha này đúng là giỏi thật. – Hoành gật gù.
-        Bây giờ thì tao hiểu tại sao người ta nghe cong dễ chịu hơn nghe thẳng. -  Tôi nói.
-        Nói rõ hơn xem nào! – Mộng vẫn còn ngơ ngác.
-        Tại vì bản thân tai người cong giống tai khỉ, cong từ vành tai cong đến lỗ tai, bố hiểu chưa. – Hoành đáp thay Lượn.
-        Cha này tiến sĩ sinh vật có khác. – Lượn tán thưởng. - À, mà để hôm nào tao sẽ đãi chúng mày tới bến để rửa cái ghế Giám đốc.
-        Ô, mới tuần trước mày còn là Phó giám đốc cơ mà? Hay nói “tròn” cho oai? – Mộng ngạc nhiên.
-        Tuần trước khác, tuần này khác. Chúng mày chắc còn nhớ, ở Công ty tao, ngoài tao ra còn một cha Phó giám đốc khác. Hắn là tiến sĩ kỹ thuật, thâm niên công tác lâu hơn tao, kinh nghiệm và trình độ nghiệp vụ hơn hẳn tao. Tao đã tưởng cái ghế Giám đốc sẽ về mông hắn là cái chắc khi lão Giám đốc của Công ty được thuyên chuyển lên Bộ làm cấp vụ. Nhưng hắn đã phạm phải một sai lầm lớn. – Lượn trải lòng.
-        Là gì vậy? – Cả ba chúng tôi dỏng tai lên.
-        Đó là hắn có tật nói thẳng. Mỗi lần họp tổng kết hay bình bầu danh hiệu, đến mục góp ý cho Giám đốc hắn cứ “tồng tộc”: nào là Sếp bảo thủ, gia trưởng, nóng nảy, làm việc thiếu nguyên tắc, tùy tiện, quan hệ nam nữ không nghiêm túc, hay nhậu nhẹt trong giờ làm việc, v.v. Tóm lại, Sếp là một tấm gương không tốt cho cấp dưới. – Lượn thao thao giọng phấn chấn.
-        Thế ông ấy nói có đúng không, hay do có thâm thù cá nhân? – Tôi hỏi.
-         Đúng hay không phụ thuộc cách nhìn. Lão ấy nhìn thẳng, nói thẳng, còn tao nhìn cong, nói cong. Tất cả những điểm hắn phê Sếp tao biến thành ưu hết. Tao phát biểu: “Em thấy  Anh là con người kiên định, quyết đoán, nghiêm khắc, xử lý vấn đề linh hoạt, linh động, quan hệ quần chúng sâu sát và đặc biệt Anh biết tranh thủ mở rộng quan hệ với đối tác thông qua những buổi tiếp khách hoành tráng để tìm kiếm hợp đồng cho Công ty, v.v. Tóm lại, Anh là một tấm gương mẫu mực không thể tốt hơn cho cấp dưới học tập.” Đấy, cũng ngần ấy ý của cha Phó kia, tao “uốn lại” làm cho mặt lão Giám đốc nở rạng ra.
-        Cha này giỏi thật: bảo thủ thì bảo kiên định, gia trưởng thì nói quyết đoán, nóng nảy thì thành nghiêm khắc, làm việc thiếu nguyên tắc thì là xử lý vấn đề linh hoạt, linh động, gái gú thì hắn bảo Sếp quan hệ quần chúng sâu sát …- Hoành bình luận.
-        Và, nhậu nhẹt bù khú thì là tranh thủ mở rộng quan hệ với đối tác. – Tôi tiếp lời Hoành.
-        Và rồi, cái ghế Giám đốc lão ấy truyền cho mày như một tất yếu cong queo! – Mộng chốt.
Lượn ngửa cái đầu “đinh” cười ngất, rút chốt lon Ken tợp một hơi hết sạch, khuôn mặt chữ điền với đôi má xệ đỏ au vì bia giật giật vẻ đắc chí.
Ba đứa chúng tôi lặng một thoáng. Bây giờ thì không mấy ai còn hoài nghi chuyện nhiều khi theo đường cong lại đến đích nhanh hơn theo đường thẳng. Chưa kể, người có dáng đi cong cũng thường tiến thân nhanh hơn người đi thẳng đuồn đuột. Tại sao ư? Vì người đi cong thường bao quát và nhìn rõ những gì mình đang đạp lên, nên họ không bị sa bẫy hay đầu không bị vướng các vật thể lơ lửng ở trên. Còn người đi thẳng đuột thì trông rất khí khái ,hiên ngang,  mắt nhìn thẳng tắp về hướng lý tưởng, nhưng vấp ngã là cái chắc vì cứ yên chí lớn đường ta rộng thênh thang ta bước mà có biết đâu trái đất này cong chứ có phải thẳng như người xưa tưởng. Vậy là, trong nhiều trường hợp, hóa ra, đi cong tiến xa hơn đi thẳng, nhìn cong xa hơn nhìn thẳng, nghe cong thường “trúng mạch” hơn nghe thẳng (vì những điều nghe cong sau lưng thật hơn nhiều so với nghe trước mặt,). Còn nói cong ư? Nếu ai đó bảo bà xã của anh có vẻ hợp với mẹ chồng thì có nghĩa họ chờ bạn “xả” ra nỗi bực uất đầy ắp về cuộc chiến giữa hai vị đó. Hay cô bạn gái vợ khen “chồng mày chăm làm việc nhà nhỉ!” thì chắc chắn họ chờ bạn “tuôn” ra hàng đống “tính xấu của lão chồng vô tích sự”.
Rồi Lượn say sưa kể tiếp những “phi vụ” kinh doanh “cong” mà tay Giám đốc cũ cùng Lượn đã thực hiện trót lọt từ thời đổi mới. Hắn chứng minh cho chúng tôi biết làm cong chóng giàu hơn rất nhiều so với   làm thẳng. “Ôi, những đường cong mềm mại!”. Hắn thốt lên, rồi ngửa mặt cao hứng lên giọng như một kịch sĩ  “Ai đã từng qua miền trung du mới cảm nhận hết sự quyến rũ mê hồn của những con đường cong uốn lượn quanh các sườn đồi, những thửa ruộng bậc thang. Ngắm chúng tưởng như ngắm các đường cong của chị em, trừ đôi chân, làm mê mẩn phái mày râu còn các đường thẳng thì ngược lại, cũng trừ đôi chân, làm ta chán ngắt, êm đến nỗi ngồi trên xe không rung rinh, không cảm xúc, mắt díp lại, chán phè. Để rồi, cái đẹp của những đường cong mềm mại ấy được các kiến trúc sư, các công chức sư liên kết với các Tổng giám đốc bự đưa xuống miền đồng bằng. Chúng uốn lượn qua các biệt thự, các dinh thự, các khách sạn nhiều sao như những dòng thác “bạc” xối chảy vào những cái thùng không đáy. Chúng làm mát lòng, mát dạ các đại gia. ÔI những đường cong mềm mại!”,
-        À mà tao đang cho đổi tên Công ty của tao từ “Thành Công”  thành “Mai Công” mang họ Mai của tao! – Lượn dõng dạc.
-        Chữ “Công”, sang tiếng Anh, Ô bỏ “nón”  thành “Cong”, nghĩa là “Thành Cong” nghe hay thế còn muốn “Mai Cong” làm gì? – Tôi đùa.
-        Mày biết một mà không biết hai. Phải đọc là “Mãi Cong”, hiểu chưa? – Lượn đắc ý, cười hé hé.
-        Có  “Mai Còng” thì có! – Hoành đá móc.
-        Phủi phui cái mồm mày đi, tên là Hoành đúng là ngang. – Lượn ngửa cổ nốc nốt lon Ken, rồi bóp bẹp và ném cái coong xuống sàn.
-        Thôi, xin các bố, - Mộng dàn hòa, - Nói chung là cong hơn thẳng. Thẳng chỉ hơn được lúc chết, nằm thẳng mới nằm lọt hộp gỗ “sáu tấm”, còn chết cong chỉ còn nước bó chiếu. – Mộng triết lý.
-        Nhưng chết cong xuống âm phủ ném vào vạc dầu gọn gàng, vừa khít. – Hoành đá tiếp.
–  Thôi đủ rồi! Mất cả hứng, Chủ quán đâu, cho thanh toán! – Lượn nói như quát, xô ghế đứng dậy.
Uống hết cả két bia, bốn thằng liêu xiêu, cong cong người chui vào chiếc xe Mẹc đen xì mới coong của Lượn. Xe uốn éo theo hơi bia của Lượn trên con đường “cong mềm mại”. Lướt qua mắt tôi là những nụ cười hỉ hả, đắc chí trong các ngôi biệt thự lộng lẫy và nối đến những khuôn mặt héo khô, buồn tủi trong những ngôi nhà gạch xiêu vẹo, méo lệch.
Hà Nội, tháng 1 năm 2015

Đi thực tế vào "xã hội phẳng" để nắm bắt "đời sống cong"

Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

GS. Ng. Đức DÂN bàn về sách giáo khoa

(BBT-05.1.2015)- Đầu năm mới 2015, BBT nhận được email của Thầy DÂN từ Sài Gòn gửi ra:

"Thân gửi các bạn lớp G,

Nhân Tết dương lịch 2015, chúc các bạn thêm một tuổi "thọ", khỏe mạnh và nhiều niềm vui. 

Tôi gửi các bạn một bài viết về tiếng Việt trong SGK hiện nay (mới đăng). Hơi chuyên môn một chút, nhưng là về tiếng Việt nên với các bạn ai cũng thấy dễ đọc.

01.01.2015

NĐDân"

Xin giới thiệu bài viết của Thầy giáo yêu quý.

Nhân dịp năm mới 2015, BBT xin chúc Thầy Cô mạnh khỏe, Thầy có nhiều bài mới để đám học sinh U70 chúng em được đọc và học thêm.

Thầy và phu nhân (Tết 2007)

____________________
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/sggpt7/nhipsong/2014/12/369748/
Xin xem thêm: http://www.sggp.org.vn/saigonthubay/2007/1/82019/


Thầy Dân thăm nhà Nguyễn Xuân Thắng tại Ba Vì, Hà Nội

Tiếng Việt trong sách giáo khoa
và sách giáo khoa tiếng Việt [1]
Nguyễn Đức Dân
1. Gần đây, từ vụ bài thơ ‘Thương ông’ của Tú Mỡ khi đưa vào SGK lớp 2 đã bị sửa chữa, cắt xén, người ta nêu ra hàng loạt thơ văn của Đỗ Trung Quân, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Vũ Đình Minh, Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Phủ Ngọc Tường… cũng gặp những hiện tượng sai lệch tương tự khi đưa vào SGK.
Chọn lựa đưa vào SGK truyện ngắn, bài thơ của tác giả này hay tác giả khác cho phù hợp với mục đích dạy tiếng  Việt ở nhà trường là thẩm quyền của người biên soạn. Nhưng tác giả có tác phẩm được lựa chọn cũng có tác quyền mà người tuyển chọn phải tôn trọng.
Học sinh chẳng những cần được dạy những gì chuẩn mực về kiến thức mà còn cần mẫu mực về tính khoa học khi dùng một văn bản. Ngay từ tiểu học các em cần được hình thành thói quen nghiêm ngặt phân biệt nguyên tác và bản được biên tập lại. Người soạn SGK cũng cần theo đúng thao tác tối thiểu của một người làm khoa học: a) Khi tác phẩm được đưa vào SGK thì cuối tác phẩm cần chua tên tác giả và tác phẩm đứng trong ngoặc đơn. b) Khi cắt bớt một phần văn bản thì phần đó được thay bằng dấu ba chấm đứng trong ngoặc đơn: (…). c) Khi tóm lược một văn bản hay một đoạn văn, hoặc khi sửa chữa, thêm bớt câu chữ (tức là “biên tập” lại văn bản) của một tác giả ABC thì phần cuối đứng trong ngoặc cần ghi: (theo ABC).  
Rất nhiều “sạn” trong sách giáo khoa hiện nay

Có điều, khi biên tập lại một bài thơ người ta thường dễ phá hỏng bài thơ đó chứ không làm nó hay hơn theo ý nghĩ chủ quan của nhà biên tập. Khi sửa lại câu thơ “Quê hương là con diều biếc/Tuổi thơ con thả trên đồng” của Đỗ Trung Quân thành “Quê hương là con diều biếc/Chiều chiều con thả trên đồng”  (TV1,  II), người ta đã phá hỏng tứ thơ con diều tuổi thơ   thành một điều bình thường: con diều thả chiều chiều. Khi biên tập lại câu thơ “Trăng tròn như quả bóng/Đứa nào đá lên trời?” (Trăng ơi từ đâu đến?) của Trần Đăng Khoa thành “Trăng tròn như quả bóng/Bạn nào đá lên trời?” chắc người biên tập nghĩ rằng dùng từ “bạn” sẽ hay hơn, giáo dục các em ăn nói có “văn hóa” hơn, “lịch sự” hơn, nhưng lại quên rằng “đứa” là một từ hồn nhiên rất thật trong những góc sân chơi trẻ em.
2. SGK ngữ văn (NV) hiện nay, riêng phần tiếng Việt, có nhiều mục đưa vào những kiến thức ngôn ngữ học “hiện đại” nặng nề,  tràn lan, vội vã, tựa như muốn các em mai sau đều trở thành những nhà ngôn ngữ học.  Chẳng hạn:
Ở đầu lớp 9, các em đã phải học đến 3 bài về phương châm hội thoại của P. Grice. Sách (NV9, I) không dẫn đích danh đây là lý thuyết lô gích hội thoại của P. Grice, nhưng tôi khẳng định là như vậy. Grice dựa trên ý tưởng những người tham gia hội thoại là những tất nhiên duy lý, họ tuân theo một nguyên lý chung duy nhất là nguyên lý cộng tác, thể hiện trong 9 phương châm hội thoại được nhóm lại trong 4 phạm trù của Kant là số lượng, chất lượng, quan hệ (còn gọi là thích hợp) cách thức. Mà SGK trình bày cũng không chuẩn. Chẳng hạn đoạn ghi nhớ về phương châm lượng như sau: “Khi giao tiếp, cần nói cho có nội dung; nội dung của lời nói phải đáp ứng yêu cầu của cuộc giao tiếp, không thiếu, không thừa” (NV9, I, 9). Câu này đã gộp nguyên lý cộng tác với phương châm lượng chứ không chỉ là phương châm lượng. Hơn nữa, thế nào là “cần nói cho có nội dung”?  Hay đoạn ghi nhớ về phương châm chất: “Khi giao tiếp, đừng nói những điều mà mình không tin là đúng hay không có bằng chứng xác thực” (NV9,  I, 10). Viết vậy vừa nặng nề vừa dư thừa. Chỉ cần viết: “Khi giao tiếp, đừng nói những điều mình tin là sai hay không có bằng chứng”. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là những phương châm hội thoại của Grice không phải là khuôn vàng thước ngọc cho nguyên lý giao tiếp mà phải đưa vào SGK. Chẳng thế mà từ khi Grice công bố rộng rãi lý thuyết của mình (1975) chừng chục năm sau (1984) người ta đã phát hiện ra những điều chưa thỏa đáng trong các phương châm này và có những lý thuyết chỉnh sửa, rút gọn các phương châm của Grice và hình thành phái ngôn ngữ học hậu-Grice (post-Grice) rồi Grice-mới  (neo-Grice). Xin nêu một ví dụ. Khi nói “Bác sĩ cắt vào ngón tay” thì chúng ta biết đó là ngón tay của bác sĩ. Còn “Bác sĩ tìm thấy một ngón tay” thì ngón tay đó không phải của bác sĩ. Với câu “Nó đi vào một ngôi nhà” thì chúng ta biết ngôi nhà đó không phải của nó, còn “tôi đi vào nhà” thì hầu như được hiểu đó là nhà của tôi. Các phương châm hội thoại của Grice không giải thích được điều này. 
3. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của nhà trường là dạy học sinh trở thành những người biết độc lập suy nghĩ, có năng lực tư duy phản biện, thể hiện qua kỹ năng lập luận (argumentation). Học sinh tiếp thu và hình thành năng lực lập luận chủ yếu qua văn nghị luận. Trong bài văn nghị luận có luận điểm, luận cứ lập luận.  
SGK sính dùng thuật ngữ “thao tác”. Từ thao tác nghị luận, tới thao tác lập luận so sánh, thao tác lập luận phân tích, thao tác lập luận bác bỏ rồi thao tác lập luận bình luận. (!) Nhưng thao tác là gì?  “Thao tác nghị luận là những động tác được thực hiện theo trình tự và yêu cầu kĩ thuật được quy định trong hoạt động nghị luận.”  (NV10, II, 134).  Không có chỗ nào trong  NV10 hoặc NV các lớp trước giải thích thế nào là “động tác được thực hiện theo trình tự và yêu cầu kĩ thuật được quy định trong hoạt động nghị luận”. Vậy đây là một định nghĩa không chuẩn. Không thể dùng những điều chưa biết để định nghĩa một khái niệm.  Học sinh đành phải nhớ vẹt một định nghĩa “thao tác nghị luận” nghe có vẻ  uyên bác, hàn lâm nhưng lại rất mơ hồ này.
SGK nêu 9 “thao tác” nghị luận: phân tích, tổng hợp, diễn dịch, quy nạp và so sánh (NV10, II, bộ cơ bản), thêm chứng minh, giải thích (NV10, II, bộ nâng cao, 147), cuối cùng là lập luận bác bỏ lập luận bình luận (NV11, bộ cơ bản). Trong số này có những “thao tác” không đúng.
Phân tích, tổng hợp, diễn dịch, quy nạp so sánh…là những phương pháp dùng trong nghiên cứu khoa học tất nhiên cũng được dùng trong văn nghị luận. Về cơ bản, lập luận (LL) là xuất phát từ những tiền đề (còn gọi là luận cứ), dựa trên những lý lẽ để đi tới kết luận.  Chứng minh toán học là LL về một chân lý. Lý lẽ ở đây là những định lý đã biết. Lập luận là chứng minh. Khi chứng minh phải lập luận nên không có “thao tác” nghị luận chứng minh.Trong đời thường, dùng LL để thuyết phục, tạo niềm tin. Nói cốt sao người nghe thấy “lọt lỗ tai” rồi tin theo là LL thành công. Thuật ngữ thao tác LL dùng trong sách NV chính là phương pháp LL 
Nghị luận là dùng lý lẽ để nhận biết đúng sai, từ đó mà đánh giá, khen chê tốt xấu.   
LL là yếu tố then chốt trong văn nghị luận. Bình luận là nhận định, bàn bạc rồi đánh giá về một sự kiện. Đó là cũng lập luận. Có cần “thao tác” LL bình luận như (NV11, II, 71) không?
Cũng không có “thao tác lập luận bác bỏ” mà học sinh lớp 11 phải bỏ cả một tuần (thứ 21) để học. Thực ra chỉ cần nêu một vài ví dụ đơn giản là học sinh hiểu thế nào là bác bỏ. Ví dụ: SGK lớp 3 có bài Dại gì mà đổi. Đại ý: Có đứa con nghịch ngợm. Người mẹ dọa: - Mẹ sẽ đổi con lấy đứa bé ngoan. Đứa con đáp: - Mẹ không đổi được đâu. Chẳng ai dại gì đổi đứa bé ngoan lấy đứa con nghịch ngợm đâu (theo TV3, I). Thế là đứa con đã bác bỏ ý kiến người mẹ bằng một  lý lẽ rất đúng và thông minh. Khái quát là lý lẽ người ta chỉ đổi cái của mình lấy một cái tốt hơn.  Để bác bỏ ý kiến A người ta chỉ cần tìm lý lẽ cho thấy A là sai hoặc không thể xảy ra.
Muốn nâng cao năng lực phân tích, óc phê phán, phản biện của học sinh sinh viên, vai trò của lập luận cần đặt lên hàng đầu trong chương trình ngữ  văn. Mà dạy lập luận là dạy về lý lẽ.  
     
Có muôn mặt quan hệ xã hội và quy luật tự nhiên nên cũng có vô vàn lý lẽ về những quan hệ ấy, những lý lẽ liên quan tới đặc điểm xã hội, văn hóa, con người, phong tục... xuất hiện trong đời sống hàng ngày, trong diễn văn chính trị cũng như khoa học và trong tác phẩm văn học.

          Sáng tác ra tác phẩm hay là tài năng của nhà văn. Chọn ra tác  phẩm hay là công việc của nhà soạn SGK. Còn phân tích chỉ ra những điểm hay trong tác phẩm lại là nhiệm vụ của người thầy. Khi trình bày về văn nghị luận, lập luận, sách NV ít chú ý tới lý lẽ.

Dạy lý lẽ cần trình bày chặt chẽ, một cách rèn luyện tư duy lô gích cho học sinh. Có những câu tưởng như chẳng có lý lẽ gì, nhưng phân tích kỹ lại thấy chứa đựng nhiều lý lẽ sâu xa. Chúng ta minh họa qua câu của Trần Đăng Khoa:

          Có lần Nguyễn Khải tâm sự: “Cha Phùng Quán ghê lắm. Hồi ấy lão có tí tuổi đầu, nghe người ta kể mà làm được cái  Vượt Côn Đảo hay đến như thế.” Một ngòi bút tầm cỡ như Nguyễn Khải mà còn bái phục Vượt Côn Đảo thì không thể xem thường” (Chân dung và đối thoại, 270)

Nguyễn Khải khen “Phùng Quán ghê lắm” và chứng minh bằng 2 lý lẽ về thang độ. “Có tí tuổi đầu” thể hiện lý lẽ trẻ không bằng già về nhận thức và kinh nghiệm sống. Còn “nghe người ta kể” cũng thể hiện lý lẽ trăm nghe không bằng một thấy”. Gộp lại, tất phải nghĩ rằng ít tuổi và nghe kể sẽ không có tác phẩm hay được. Từ trỏ quan hệ nghịch nhân quả nên đã đảo hướng lập luận.  Kết quả là câu của Nguyễn Khải bộc lộ ý sau: Chỉ mới tí tuổi đầu và chỉ mới nghe mà đã viết hay vậy, nếu trưởng thành và trực tiếp thấy thì còn viết hay hơn rất nhiều: cha Phùng Quán ghê lắm!
Lời bình của Trần Đăng Khoa cũng là lý lẽ theo thang độ uy tín: Nguyễn Khải là ngòi bút tầm cỡ trong làng văn. Ông bái phục Vượt Côn Đảo thì đại đa số những người khác trong làng văn xếp thấp hơn ông trên thang độ cũng phải bái phục (không thể xem thường).
4. Cuối cùng, việc chọn những bài tiêu biểu để dạy về văn nghị luận, lập luận cũng rất quan trọng. Nên chọn một vài diễn từ chính trị kinh điển bất hủ đưa vào SGK. Chẳng hạn, nên chọn bài I have a dream (Tôi có một giấc mơ) của mục sư M.L. King ngày 28.8.1963. Đây là diễn văn được giới học giả bình chọn là đứng đầu bảng trong số 100 bài diễn văn xuất sắc nhất của thế kỷ XX[2] và sau hơn 50 năm, đến nay chưa hề mất tính thời sự nóng bỏng: cuộc đấu tranh giải phóng người da đen, chống nạn phân biệt chủng tộc. Bài này hội đủ các yếu tố của một diễn từ chính trị tuyệt vời, từ khung cảnh đọc (ở tượng đài kỷ  niệm tổng thống Abraham Lincoln), cấu trúc bài, tới chủ đề thời sự nóng bỏng trong xã hội Mỹ: tự do của người da đen, tới nghệ thuật trình bày, nghệ thuật ngôn từ và đặc biệt là những kiểu lập luận và chuỗi lập luận, nhiều câu trích từ Kinh Thánh, từ Tuyên ngôn giải phóng nô lệ của A. Lincoln. Bài diễn văn mở đầu cho cuộc tuần hành ngày  28.8.1963. 
             Lập luận có tầm quan trọng đặc biệt trong chương trình ngữ  văn. Lập luận cần được dạy xuyên suốt chương trình  ngữ  văn.
  
Đ/C:
Nguyễn Đức Dân
118/12 Trần Quang Diệu, Q.3, TP HCM
Đt: 0919 42 02 74




[1] Bài đã đăng trên tuần san Sài Gòn giải phóng thứ bảy, số ngày 13.12.2014
[2] Xem trang http://www.news.wisc.edu/misc/speeches