Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

PGS. Nguyễn Bá Ân và con đường khoa học

 Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

TIN KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ TRONG NƯỚC



PGS. Nguyễn Bá Ân và con đường khoa học


.

Năm 2014, một năm đặc biệt của ngành khoa học và công nghệ Việt Nam, đồng thời cũng là năm đặc biệt của Viện Hàn lâm KHCNVN khi tổ chức và tham dự 3 sự kiện lớn diễn ra trong tháng 5 vừa qua: Kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Viện HLKHCNVN (20/05/1975-20/05/2014); năm đầu tiên kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/05); năm đầu tiên tổ chức trao giải thưởng Tạ Quang Bửu (17/05) - Giải thưởng danh giá của ngành Khoa học & Công nghệ Việt Nam.

Một trong những người góp phần mang đến điều đặc biệt đó cho Viện Hàn Lâm cũng như góp phần nâng cao vị thế của cộng đồng khoa học Việt Nam trên trường quốc tế là PGS.TS Nguyễn Bá Ân, một trong hai tác giả được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên với công trình “Đồng viễn tạo trạng thái lượng tử thông qua các trạng thái W hoặc kiểu W” đăng trên tạp chí Opt. Commun. năm 2010.

Thành công của PGS. Ân đã được mọi người biết, nhưng quá trình làm việc thầm lặng của ông trong 40 năm nghiên cứu khoa học để đạt được nó thì không phải ai cũng biết. Chúng tôi đã liên hệ với PGS. Ân và Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu để được chia sẻ đôi lời trong bài viết này về chặng đường mà PGS. Ân đã trải qua trên suốt cuộc hành trình đi tìm “cái mới, cái đẹp” trong khoa học.
nba1PGS. Nguyễn Bá Ân
Năm 1966, PGS. Ân trúng tuyển vào học lớp Toán đặc biệt khóa đầu tiên của Hà Nội, đặt tại trường cấp 3 Xuân Đỉnh. Đó là thời gian mà ông đã học được cách tư duy logic, cách hệ thống hóa và tổng quát hóa vấn đề. Trong lời phát biểu nhân dịp nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu ông đã nhắc đến thầy Dân, thầy Hải và thầy Định, những người thầy mà công lao của họ ông không bao giờ quên.

Vật lý hạt cơ bản là chuyên ngành mà PGS. Ân lựa chọn khi học khoa Vật lý, ĐH Tổng hợp Azerbaijan (Liên Xô cũ). Tại đây, ông nổi tiếng là học giỏi, được đánh giá rất cao trong quá trình học cũng như khi làm luận văn tốt nghiệp. Vì vậy, năm 1975, sau khi tốt nghiệp, ông đã được chọn làm chuyển tiếp sinh để trở lại Liên Xô làm luận án Phó tiến sĩ. Nhưng, về nước ông đã thay đổi quyết định, sau khi gặp một người mà sau này có vai trò rất lớn trong sự nghiệp của ông. Đó là VS. Nguyễn Văn Hiệu (lúc đó là Viện trưởng Viện Vật lý, Phó Viện trưởng Viện KHVN - ngày nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ). Theo lời VS. Hiệu: “Lúc ấy, niềm vui miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước còn chưa dứt thì tôi lại có thêm một niềm vui khác, niềm vui được gặp một người đặc biệt, đó là anh Nguyễn Bá Ân. Bao khó khăn sau ngày giải phóng đất nước cũng không làm nản lòng chàng sinh viên vừa tốt nghiệp loại xuất sắc này. Thay vì sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh như đã được chọn, mọi việc đều thuận lợi, anh lại nhận lời đề nghị của tôi ở lại quê hương, chấp nhận thách thức, đi theo một đề tài hoàn toàn mới với anh: Quang học vật lý chất rắn”.
nba2
Thầy Hiệu trong một chuyến công tác tại KIAS theo lời mời của trò Ân, khi đó là GS của KIAS (Hàn Quốc)
Ở giai đoạn đầu trên con đường khoa học của PGS Ân, khi đất nước còn trong thời kỳ bao cấp, khó khăn về điều kiện vật chất thường trực ở mọi nơi. Đối với những người yêu khoa học, khó khăn nhất không phải là miếng cơm manh áo mà là điều kiện nghiên cứu. Ông hồi tưởng: “Hồi đó, hàng ngày phải đến thư viện Khoa học Kỹ thuật ở phố Lý Thường Kiệt viết các phiếu yêu cầu nhỏ bằng bàn tay để mượn những chồng tài liệu cao vượt đầu, rồi ngấu nghiến đọc, mong sao 'hấp thụ' được ít nhiều”. Song, sát cánh bên ông còn có những đồng nghiệp và một người luôn dõi theo ông trên từng bước đi. Đó là thầy Hiệu. Thầy đã dẫn dắt các học trò rất tận tình, và nỗ lực của thầy trò cũng đã được đền đáp sau nhiều năm lao động miệt mài và sáng tạo. Đến cuối những năm 70 đầu những năm 80, cùng với thầy Hiệu và các đồng nghiệp là Nguyễn Toàn Thắng và Nguyễn Ái Việt, ông đã có những công trình về vật lý chất rắn được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế danh tiếng như Phys. Rev. B, Ann. Phys., Nuovo Cimento, J. Physique, phys. stat. sol. (b),... Vào thời điểm đó có bài đăng trên các tạp chí như thế là vô cùng vẻ vang. Năm 1983, sau 8 năm làm việc trong nước, ông bảo vệ luận án Phó tiến sĩ về lý thuyết polariton trong các chất bán dẫn tại Viện Vật lý, Hà Nội. Sau đó, ông “tự tu nghiệp” liên tục thêm gần 10 năm nữa trước khi Việt Nam bắt đầu mở cửa. Từ năm 1992 ông được một số viện nghiên cứu ở nước ngoài mời sang làm việc từng đợt ngắn hạn. Trong những chuyến công du ông mới thấy những năm tháng tu luyện trong nước thật sự đáng giá. Hành trang mà ông tích lũy được từ những năm tháng đó đã giúp ông đạt được kết quả tốt ngay từ lần xuất ngoại đầu tiên và liên tục như thế trong các lần tiếp theo, cho đến tận bây giờ.

Theo hướng nghiên cứu của các cơ sở mời, ông đã làm và có nhiều công bố tốt về exciton-polariton trong bán dẫn khối và các hệ thấp chiều, về động lực nghịch pha trong laser đa mode, về lưỡng ổn định quang học, về các hiện tượng hỗn loạn và tự tổ chức trong môi trường phi tuyến,... Tuy nhiên vẫn có một mảng ông độc lập quan tâm từ đầu và không liên quan trực tiếp với các cơ sở mời, đó là Quang lượng tử, lĩnh vực mà ông đã giành để hướng dẫn thành công một số nghiên cứu sinh. Khoa học Thông tin lượng tử là một lĩnh vực rất mới có tính cách mạng trong cả tư duy và công nghệ. Nó rất “nóng” vào những thập niên cuối của thế kỷ XX và có liên quan mật thiết với Quang lượng tử. Vì vậy, từ năm 2000 ông đã tập trung gần như toàn bộ thời gian chỉ để tìm hiểu về vấn đề này. Năm 2002 ông đưa ra các trạng thái phi cổ điển mới như trạng thái “cái quạt”, trạng thái rối kết hợp bộ ba,… và được mời làm Giáo sư của Viện nghiên cứu cao cấp Hàn Quốc (KIAS). Viện này khi đó muốn triển khai hướng nghiên cứu về Thông tin lượng tử, vì vậy ông cùng một giáo sư Hàn Quốc đã khởi đầu một nhóm nghiên cứu mới về lĩnh vực này. Từ đó đến nay, mối quan tâm duy nhất của ông là Thông tin lượng tử và Máy tính lượng tử.
nba3
Thăm công viên Khoa học Công nghệ - ĐH Arizona
Viện KIAS do chính phủ Hàn Quốc thành lập nhằm tập trung nghiên cứu khoa học cơ bản ở trình độ cao ngang tầm với các nước phát triển. Khẳng định chỗ đứng trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp như ở KIAS thật chẳng dễ chút nào! PGS. Ân kể lại: “Là một trong hai giáo sư của nhóm nghiên cứu về Thông tin lượng tử, thực sự thời gian đầu mình rất lo lắng. Cái Tết đầu tiên ở Hàn quốc (đầu năm 2003) KIAS thu xếp cho mình về Việt Nam ăn tết, nhưng mình đã không dám về vì mới sang chưa làm được gì. Rất may, sau đó bài báo ‘đầu tay’ của mình về Viễn chuyển lượng tử các trạng thái ‘con mèo Schrodinger’ đã được đăng trên Phys. Rev. A vào tháng 8 năm 2003 và, vì thế, mình đã về ‘ăn tết’ vào tháng 9 năm đó”. Nhờ nỗ lực vượt bậc, thành công lại đến tiếp với ông. Một năm sau, bài báo về Hội thoại lượng tử lại xuất hiện trên Phys. Lett. A. Theo ông tâm sự, đó là hai bài báo mà ông “tâm đắc” nhất, mặc dù cho đến nay số công trình về Thông tin lượng tử của ông là khá nhiều, đều được đăng trên các tạp chí ISI uy tín cao.

Từ năm 2006, ông chủ yếu làm việc trong nước, chỉ sang Hàn Quốc mỗi năm khoảng 2-3 tháng với tư cách là Giáo sư mời. Năm 2008, ông cùng một đồng nghiệp Hàn Quốc đề xuất một loại giao thức mới được đặt tên là “Đồng viễn tạo trạng thái lượng tử”, đăng trên J. Phys. B, mở ra một hướng nghiên cứu mới. Năm 2010, công trình được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu vừa qua, với nhan đề “Đồng viễn tạo trạng thái lượng tử thông qua các trạng thái W hoặc kiểu W”, đăng trên tạp chí Opt. Commun., là thuộc cụm gồm nhiều công trình về chủ đề “Đồng viễn tạo trạng thái lượng tử”. Đến hôm nay, đã có hơn 140 công trình của PGS. Ân được công bố trên các tạp chí ISI uy tín cao về vật lý chất rắn, vật lý laser, quang phi tuyến, quang lượng tử, thông tin lượng tử và máy tính lượng tử. Thành tích đáng kể đó lại không hề xuất hiện một cách ồn ào mà là kết quả của một quá trình lâu dài âm thầm làm việc. Ngoài những dịp tham gia hội nghị, hội thảo hay seminar, thì giao tiếp với cộng đồng là tối thiểu: ông chủ yếu “trò chuyện” với chính mình, “bầu bạn” với sách vở, tài liệu và “cặp kè” với máy tính. Có bạn đã hỏi: “Trong khi mọi người đang hưởng biết bao ‘cái hay’ trên đời mà ông vẫn cứ làm hết bài báo này đến bài báo khác, sao lại thế?” Ông đã không trả lời bạn đó, mà chỉ tự lý giải: “Chắc đó là một trong những ‘cái hay’ mà mình đang được hưởng!”
nba4
PGS. Ân tham dự một Hội thảo khoa học về Thông tin lượng tử
Tuy bận bịu với công việc nghiên cứu nhưng ông luôn giành thời gian cho gia đình, nhất là cho mẹ già và các cháu nội ngoại. Ông “bật mí” rằng nhiều bài báo đã được hoàn thành trong khi đang “trông cháu”. Phát biểu sau khi nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu sáng 17/5 tại Hà Nội, ông đã xúc động nói: “Gia đình đã luôn là điểm tựa và cũng là động lực để tôi tập trung làm khoa học suốt 40 năm qua”.
nba5
PGS. Ân cùng mẹ và gia đình con trai

      nba6
PGS. Ân cùng vợ và con gái
nba7
PGS. Ân cùng các cháu nội, ngoại
Thành tích như của PGS. Ân ít người có thể đạt được. Nhưng, đó lại chẳng hề là điều bất ngờ đối với những ai đã từng làm việc với ông, với họ trong ông hội đủ những yếu tố cần thiết để cộng hưởng tạo nên một nhà khoa học Nguyễn Bá Ân. Khi được hỏi về người học trò của mình và về giải thưởng Tạ Quang Bửu, VS. Nguyễn Văn Hiệu nhận xét: “Anh Ân là một người đặc biệt bởi con người anh hội tụ đủ năm đặc điểm mà ít nhà khoa học nào có được. Đó là lòng đam mê nghiên cứu khoa học; nghị lực và ý chí; sự thông minh nhạy bén; sự cẩn thận chu đáo trong khi làm nghiên cứu và tài thuyết trình. Bằng chứng xác thực nhất cho những thành quả có được từ những phẩm chất ấy là giải thưởng Tạ Quang Bửu – một giải thưởng mà chất lượng của nó được khẳng định bằng phương thức làm việc khoa học theo một quy trình bình chọn nghiêm ngặt. Đây là lần đầu tiên có việc đánh giá các nhà khoa học, đánh giá các công trình khoa học hoàn toàn theo các chuẩn mực quốc tế, theo các quy trình quốc tế, rất chính xác, rất khoa học, rất khách quan, lấy chất lượng làm đầu”.
Kim Anh - Trung tâm Thông tin - Tư liệu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét