Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

NỖI DAY DỨT 20 NĂM VÀ CA KHÚC “THÁNG BẢY”



                                                                                                     Lương Phúc
Chuyện năm ngoái kể lại: Sáng 6/7/2013, tôi đang ngồi tập mấy bài hát chuẩn bị phục vụ dịp 27/7, bỗng điện thoại reo lên vội cầm nghe:
- A lô, Lê Mây đây. Mời Đại tá nghệ sĩ xuống ngay để tham gia phỏng vấn của Truyền hình Quân đội giới thiệu ca khúc THÁNG BẢY.
Tôi chuẩn bị rất nhanh, đầy đủ lễ phục rồi lên đường, sau 20 phút đã có mặt tại nhà nhạc sĩ Lê Mây ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức. Tay bắt mặt mừng rồi ngồi chờ 15’ sau các phóng viên Truyền hình QĐND mới đến. Tôi quen nhạc sĩ Lê Mây qua vợ anh là chị Ngô Thúy Liên, một thành viên trong CLB Nghệ thuật Bạn Chiến Đấu Việt Lào do tôi làm Chủ nhiệm nên thường xuyên được tiếp xúc nhiều bài hát mới nhất của anh. Nhạc sĩ Lê Mây sinh năm 1942, tuổi Ngựa – đi như lồng. Anh viết nhiều, viết khỏe đặc biệt về khả năng ngẫu hứng với những “tứ” nhạc rất lạ không thể lẫn được điển hình như HÀ NỘI LINH THIÊNG HÀO HOA. Tháng 4 năm 2009 anh ra Trường Sa trên con tàu TiTan 8 ngày, viết một hơi 7 ca khúc và trực tiếp biểu diễn ở “Quần đảo bão tố” này.

Nghĩa trang Xuân Phương
Mộ LS Ngô Huy Hoàng















Anh kể lại: “Gần 20 năm tôi đi viếng mộ anh của vợ là Liệt sĩ Ngô Huy Hoàng – chiến sĩ Hải quân đã hy sinh trong trận đánh máy bay Mỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng ngày 5/8/1964 ở Lạch Trường, Thanh Hóa. Lần nào ra về tôi cũng thẫn thờ, đau đáu trong tim thấy như còn nợ một cái gì với người anh vợ chưa hề gặp mặt cũng như các liệt sĩ yên nghỉ ở đây. Nghĩa trang Xuân Phương Hà Nội còn có những liệt sĩ khá nổi tiếng với những cuốn nhật ký nóng bỏng như Anh hùng Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… 
 Thế rồi ngày 27/7/2012, tôi vừa cùng vợ viếng mộ Liệt sĩ Ngô Huy Hoàng xong, chợt thấy tâm bừng sáng. Tìm quanh không có bút giấy gì cả, tôi chạy vội vào phòng quản trang, mượn được cây bút bi và xé một mảnh bìa hộp đựng đồ lễ viếng, rồi ngồi ngay bên các nấm mộ liệt sĩ vạch khuông, thả nốt nhạc. Cảm xúc của 20 năm dồn nén cuồn cuộn tuôn ra, tôi viết một mạch trong khoảng nửa giờ hầu như không sửa gì rồi hát vang lên trên những phần mộ liệt sĩ. Nước mắt trào ra theo những ca từ nóng bỏng: “Ngã xuống cho nền Độc lập Tự do, Mãi mãi dòng máu ngàn năm ông cha, Các chị vẫn sống các anh vẫn sống trong câu thơ Nam Quốc Sơn Hà, Các chị vẫn sống các anh vẫn sống trong thiên Anh hùng ca!”
 
NS Lê Mây và bản nhạc gốc trên bìa hộp
Về nhà chỉnh trang in ấn lại, cho bạn bè xem, mọi người khuyên nên gửi đi thi, tôi đồng ý. Đầu năm 2013, tôi cùng vợ và Thiếu úy ca sĩ Cẩm Ly của Nhà hát VHNT Quân đội - người đã thể hiện rất hay ca khúc THÁNG BẢY được mời đến Nhà Hát Lớn Hà Nội nhận giải Nhất cuộc thi sáng tác tri ân Anh hùng Liệt sĩ năm 2012 của Bộ LĐTBXH và Hội Nhạc sĩ Việt Nam”.
Chúng tôi cùng Truyền hình Quân đội thực hiện một số cảnh quay tại nhà, sau đó ra Nghĩa trang Xuân Phương tái hiện lại phút sáng tác ngẫu hứng ca khúc THÁNG BẢY của nhạc sĩ Lê Mây. Ngày 14/7/2013, chương trình Văn hóa – Nghệ thuật QĐND trên kênh VTV1 đã phát sóng giới thiệu ca khúc này. Vì tôi có mặt trong clip và tham gia phỏng vấn nên trong dịp 27/7/2013 và sau đó tại các buổi biểu diễn kỷ niệm ngày TBLS hay bị khán giả đề nghị hát lại ca khúc THÁNG BẢY.
Ảnh chụp lại trên TV

Bản nhạc gốc Tháng Bảy











Nhân dịp tháng Đền ơn đáp nghĩa của toàn dân tộc và khí thế quyết chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trước họa xâm lấn ngoại bang, xin được giới thiệu ca khúc THÁNG BẢY như nén tâm nhang cho các AHLS đã ngã xuống vì Độc lập Tự do của non sông đất Việt.
Hà Nội 01/7/2014
Bài đăng trên http://trianlietsi.vn/new-vn/van-hoa-xa-hoi/3865/nhac-si-le-may-va-ca-khuc-thang-bay.vhtm
TB: Bạn nào cần ca khúc THÁNG BẢY xin gửi email về phuclv2010@gmail.com, tôi sẽ cung cấp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét