Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

PHÁT HIỆN MỚI VỀ LÝ THÔNG



                                                                                                Lương Phúc

Lý Thông không chết! Vâng, đúng như thế.
Quê tôi ở làng V xứ Kinh Bắc - đất rượu nổi tiếng cả nước. Một lần về uống rượu, tôi được các cụ truyền miệng chuyện này, xin mạn phép ghi lại để góp vui bạn đọc xa gần khi “trà dư, tửu hậu”.
Tục truyền rằng: Lý Thông vốn là anh bán rượu, nhưng chi tiết này ở Truyện Thạch Sanh chưa nói - Rượu anh ta cực ngon, không ai học theo được và đi đâu anh ta cũng dắt theo một bầu rượu bên mình. Ngày ấy, sau khi lừa đảo, cướp công Thạch Sanh nhiều lần, chuyện vỡ lở, Lý Thông bị cách tuột quan chức đuổi về quê, dọc đường bị Trời sai Thiên Lôi xuống đánh.
Theo truyền thuyết cũ thì Lý Thông và mẹ bị sét đánh chết biến thành bọ hung, nhưng sự thật thế này:
Đứng trước Thiên Lôi, biết mình sắp chết, Lý Thông xin một đặc ân được uống chén rượu cuối cùng, nhằm trì hoãn thời gian tìm kế thoát thân. Khi nút lá chuối khô của bầu rượu mở ra, một hương thơm ngào ngạt khiến Thiên Lôi phải chép miệng thèm vì dẫu rượu Quỳnh tương trên Thiên đình cũng không thể sánh kịp. Tuy mặt sắt đen sì song lại là tay bợm rượu, Thiên Lôi không thể nhịn được bèn hỏi:
- Nhà ngươi cho ta thử một chén được không?
Vốn là kẻ lanh lợi giảo hoạt, Lý Thông nắm được thóp Thiên Lôi bèn trả lời:
- Trong bầu chỉ còn đủ rượu cho tiện nhân thôi. Nếu ngài muốn uống xin hạ cố đến nhà kẻ hèn này.
Thế là Thiên Lôi theo Lý Thông về nhà. Gặp rượu ngon Thiên Lôi uống thả sức, say bí tỉ, quên cả việc thi hành án, rồi khật khưỡng về Trời.
 Ngọc Hoàng gọi vào hỏi tội. Thiên Lôi thành thật tâu trình. Ngọc Hoàng bắt Thiên Lôi phải có bằng chứng nếu không sẽ phạt nặng. Thiên Lôi lại xuống trần gian lần nữa, điệu cả Lý Thông với tất cả các vò rượu ngon lên. Cả Thiên đình không ai có thể chê nổi rượu của Lý Thông. Sau tiệc rượu tuyệt vời, Ngọc Hoàng phán:
- Tha phạt Thiên Lôi. Tha tội chết cho Lý Thông, nhưng bắt Lý Thông phải nộp toàn bộ bí quyết nấu rượu ngon cho Thiên đình rồi mới thả về nhà.

Bản nháp gốc (1993) và bản in trên LQ1130 (1994)
Trở lại cuộc sống xưa, Lý Thông tiếp tục sinh nhai bằng nghề bán rượu, lang thang mãi rồi định cư tại làng V tôi. Bí quyết đã bị Trời lấy hết, rượu Lý Thông tuy không còn ngon như xưa, nhưng nhờ còn bầu rượu cũ bên mình chưa kịp uống hết để gây men mới nên vẫn nổi tiếng.
Từ đó, rượu Thiên đình mới hơn hẳn rượu trần gian và kẻ tử tội trước khi chết được hưởng đặc ân cuối cùng. Con cháu Lý Thông sinh đàn sẩy lũ - nghề nấu rượu “lậu” lan tràn cả nước, nhưng gốc rượu ngon vẫn ở làng V. Và cũng từ đó, tệ tranh công, lừa đảo, hối lộ, tham nhũng (vì có ai bị “cẩu đầu trảm” đâu?) và nạn rượu chè, nhậu nhẹt cùng sinh sôi nảy nở theo dấu chân con cháu Lý Thông.
                                                            Ngọc Khánh, Tháng 10 năm 1994

Tái bút:

Lâu rồi thấy blog vắng vẻ quá, để thay đổi không khí xin tặng các bạn một câu chuyện tôi sáng tác đã 19 năm, đã từng kể hàng chục lần trong lúc trà dư tửu hậu khi giao lưu tại các đơn vị đến công tác trong Nam ngoài Bắc và khá được ngưỡng mộ. Có lần mình đã gửi đăng báo VHVN nhưng không được duyệt vì thời điểm chục năm trước nội dung “hơi bị” nhạy cảm, nay đăng để các bạn đọc cho vui.

Hà Nội, Tết Trùng Cửu 22g17’ 9/9/2013 (Tổng các chữ số = 36=3+6=9)

2 nhận xét:

  1. Theo bản nháp viết tay của Lương Phúc thì làng quê đó là Làng Vân nổi tiếng rượu ngon.
    Cám ơn anh Lương Phúc đã đưa ảnh các bản nháp- gốc để các bạn khác được rõ xuất xứ câu chuyện này. Sau này câu chuyện "Lý Thông" đã đi khắp dân gian...

    Trả lờiXóa
  2. Một truyện hay đầy ý nghĩa và lý thú lắm.

    Trả lờiXóa