Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

THẦY ĐỊNH về XUÂN ĐỈNH

(BBT- 30/01/2013)- Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Trường PT cấp 3 Xuân Đỉnh - 13/11/2010 - Thầy ĐỊNH có 1 bài viết trong quyển Kỷ yếu của Lễ kỷ niệm này. BBT xin copy bài của Thầy từ trang Web của Trường PTTH Xuân Đỉnh để các bạn Lớp G cùng đọc.



NHỮNG NGÀY ĐẦU VỀ XUÂN ĐỈNH
Hoàng Mai Định
(Giáo viên)
Hè năm 1962, sau khi kết thúc đợt đi thực tế tại Nông trường Cửu Long (Lương Sơn, Hòa Bình), tôi trở về trường Đại học Sư phạm và nhận được quyết định phân công công tác tại Hà Nội. Tại Sở Giáo dục Hà Nội, cầm tờ giấy giới thiệu về trường cấp III Xuân Đỉnh, tôi hết sức bỡ ngỡ vì cái tên trường nghe lạ quá. Hỏi ra mới biết, đó là một trường mới thành lập được 2 năm, ở ngoại thành, phía tây bắc thành phố. Thế là tôi khoác ba lô, hỏi thăm đường đến nơi nhận công tác.
Từ nhà, tôi ra chợ Đồng Xuân rồi đi tàu điện lên Bưởi. Từ Bưởi đi bộ khoảng 4 cây số nữa mới tới trường. Tuy trường ở cách trung tâm thành phố không xa nhưng con đường tới đó rất vắng vẻ, lại có phần heo hút. Trên đường Thụy Khuê, nhất là từ Tam Đa về Bưởi, cây cối bên đường mọc xòe ra, quét vào thân tàu điện soàn soạt. Chợ Bưởi tuy được xây khá đẹp và kiên cố với những dãy quán mái bê tông nằm nép mình dưới những cây đề cổ thụ nhưng vẫn mang dáng dấp chợ quê, chỉ đông vào ngày phiên. Từ Bưởi đi lên Trích Sài, Bái Ân, hai bên đường rợp bóng những cây bàng già nua, không biết đã bao nhiêu năm tuổi. Đi ngược lên nữa, không gian mở ra, bên phải là Hồ Tây mênh mông, bên trái là cánh đồng Xuân Tảo Sở bát ngát. Cảnh tượng ấy làm tôi phấn chấn, rảo bước nhanh hơn tìm đến trường.
Hỏi thăm đến đúng trường rồi mà tôi còn ngỡ ngàng. Đường vào trường, một bên là trường cấp II, vốn được xây dựng từ lâu, ngăn cách bởi một con mương nhỏ, một bên là 2 cái ao to liền nhau. Con đường rải đất lổn nhổn gạch vỡ, chỗ cao, chỗ trũng, xâm xấp nước từ ao sang mương. Trường hồi đó chỉ có 2 dãy nhà ngói đối diện nhau, mỗi dãy có 5 phòng học. Giữa hai dãy nhà là một sân đất rộng, cũng chẳng lấy gì làm phẳng phiu, mà hôm tôi đến, cỏ mọc um tùm sau mấy tháng hè không có học sinh đến học. Trên nền cỏ ấy, nhô lên những hàng cây xà cừ còn mới trồng. Trong mười phòng học, một phòng được ngăn làm đôi, nửa này được dùng làm phòng hội đồng, nửa kia là văn phòng, một phòng nữa được gọi là phòng thí nghiệm nhưng thực ra là một phòng để đồ dùng dạy học chung cho tất cả các bộ môn.

(Hai nhà giáo gắn bó cả cuộc đời trồng người với mái trường Xuân Đỉnh)

Trường không có khu tập thể cho giáo viên. Trừ các bác đứng tuổi như bác Ứng, bác Đỗ Hải… đã có gia đình riêng, hằng ngày đạp xe đi về thì còn lại đều ở nhờ trong nhà dân. Hôm tôi đến nhận công tác, nhà trường chưa kịp liên hệ được chỗ ở nên tối hôm đó, tôi tạm ngủ chung với hai anh Phạm Tạo và Triệu Hải trong căn buồng nhỏ nhà ông Quỳnh ngay phía trước trường. Hôm sau, có thêm Lê Tất Tôn, Phạm Văn Thư đến nhận công tác, nhà trường đã mượn cho ba chúng tôi một ngôi nhà nhỏ lợp rạ, vách đất của bà Tơ trong xóm.
Trường lúc đó cũng chưa có bếp ăn tập thể riêng mà vẫn ăn chung bếp với anh em giáo viên cấp II. Hàng bữa, bác Mọc và chị Út cấp dưỡng chia cho anh em chúng tôi mỗi người một suất ăn riêng để cho tiện, không phải chờ đợi nhau. Hồi đó, có lẽ chỉ có anh Nham, anh Huê có bộ cặp lồng bằng sắt tráng men Trung Quốc là nghiêm chỉnh, còn chúng tôi thì tiện gì dùng lấy. Vào buổi chiều, cánh giáo viên thanh niên thường rủ nhau cùng đi ăn. Từng người mang suất ăn của mình ra bãi cỏ “vườn địa lí” phía sau trường cấp II, vừa ăn, vừa tán đủ mọi chuyện trên đời.
Năm học 1962 – 1963, trường có 8 lớp: 2 lớp 10, 3 lớp 9 từ năm trước lên và 3 lớp 8 mới tuyển thêm. Ba anh em chúng tôi Định, Tôn, Thư, mỗi người được giao làm chủ nhiệm một lớp 8 mới. Đội ngũ giáo viên có khoảng hai chục người, hầu hết là thanh niên, trong đó, chỉ có một nữ là chị Nga dạy môn Sinh vật. Có hai tổ chuyên môn: tổ Xã hội do bác Ứng là tổ trưởng; tổ Tự nhiên do anh Mai làm tổ trưởng. Một năm học mới bắt đầu và đối với tôi cũng là khởi đầu cho sự gắn bó suốt đời với nghề dạy học, với trường cấp III Xuân Đỉnh và với vùng quê Xuân Đỉnh thân yêu.
Thấm thoát đã nửa thế kỉ trôi qua, cơ ngơi nhà trường giờ đây đã bề thế, to đẹp hơn trước bội phần. Với tôi, kí ức những ngày đầu về Xuân Đỉnh mãi mãi không bao giờ phai.
H.M.Đ




Trang Web của Trường PTTH Xuân Đỉnh:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét