Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

Bài phát biểu của bạn QUỲ "50 năm Lớp G"




Kính thưa Các Thầy
Kính thưa BGH Trường THPT Xuân Đỉnh
cùng các Bạn Lớp G yêu quý !

Thế là đã 50 năm kể từ một ngày của Mùa xuân năm 1966 đó, chúng ta từ khắp các trường cấp 3 của Hà Nội ở nơi sơ tán tụ hội về mảnh đất Xuân Đỉnh này để hình thành nên lớp Toán đặc biệt đầu tiên của Hà Nội.
50 năm - nửa thế kỷ đã qua, cả quãng đời học hành và làm việc của một người đã qua, nhìn lại mà lòng bồi hồi bởi mọi chuyện diễn ra vẫn còn tươi mới trong ký ức…
50 năm, kể từ quãng thời gian đầu tiên đến với nhau - thời kỳ đầy gian khổ, thiếu thốn nhưng cũng là thời tuổi trẻ sôi nổi, đầy hy vọng và lãng mạn… 3 năm sống và học cùng nhau trên mảnh đất Xuân Đỉnh chỉ là giai đoạn sơ khai, là chặng đường đầu tiên chuẩn bị hành trang cho chúng ta bước vào cuộc sống, nhưng mọi cái đã qua không vô ích bởi vì tất cả những kỷ niệm về những con người và sự việc, những niềm vui và nỗi buồn, những thành công và thất bại… đều đồng hành với nhau, tạo cho chúng ta niềm tin, sức mạnh để phấn đấu trên con đường tiếp sau, vững vàng khẳng định mình với cuộc sống, để đến hôm nay nhìn lại, tuy vẫn còn những day dứt, tiếc nuối, kể cả những điều lỡ dở, mất mát nhưng cao hơn cả vẫn là niềm tự hào với chính mình, với những người bạn của mình và một truyền thống đã được gây dựng. 
Chúng ta trân trọng những kỷ niệm của một thời đáng nhớ mà tất cả chúng ta quen gọi một cách mộc mạc là “Thưở họ G”.  
Cái tên G thuở ban đầu hội ngộ, ai cũng khoái trí vì là “Giỏi”, nhưng cũng không kém phần ấm ức vì G cũng là “Gàn”, chịu làm sao được khi G còn bị coi là “Gấu” và chẳng đáng kể chút nào vì G còn là “Ghẻ” nữa. Ngần ấy từ thôi cũng đủ thâu tóm cả cuộc đời 3 năm học của chúng ta.
Những ngày đầu học tạm để chờ chính thức được tuyển chọn vào lớp, ai cũng cố tỏ cho ra vẻ “con nhà Toán”. Nói chuyện bằng ngôn ngữ Toán, sách vở toàn con số, đến nỗi nằm mơ cũng thấy …Toán. Nhớ có lần một bạn bị thày truy cuống quá đã biện luận nhầm “trường hợp Tam giác có 2 góc tù” làm cả lớp cười ầm lên chế diễu… 
Rồi thời gian qua, chúng ta vẫn lao vào học với một niềm đam mê và khát khao tích lũy cho mình kiến thức, sự gắn kết trong tập thể cũng dần hình thành rõ nét hơn. Một bạn đã viết trong bài thơ lưu niệm:
Ta nhớ ngày đầu học toán
Căng thẳng, miệt mài óc rạn dần ra
Còn nhớ thày Dân không hỡi bạn
Canh rau cần vẫn giỏi tính “Denta”

Những nhóm nội trú được hình thành từ những ngày đầu của Lớp G đã thành tên gọi cho những kỷ niệm về tình bạn. Nhóm Ngọc-Hạnh-Hương; nhóm Lân-Tài-Tường; nhóm Khôi-Tân-Phúc, nhiều nhóm khác nữa và đặc biệt là nhóm 7 tên: Nội-Quỳ-Tuyên-Thằng-Sơn-Tuần-Phúc. Cái nhóm 7 tên đó đặc biệt vì là nhóm đông nhất và là nhóm mạnh dạn nhất trong vấn đề ăn uống thời kỳ đó (…). Chúng tôi còn nhớ mãi hình ảnh mỗi tối, 7 mái đầu lại chụm quanh 1, 2 ngọn đén dầu đặt giữa giường để học bài. Thiếu thốn đèn dầu đến nỗi có bạn trong nhóm đã nằm mơ một cách ích kỷ là mình được riêng 1 ngọn đèn dầu để học. Lạ một điều là gần 3 năm học trong ánh đèn dầu như vậy mà không ai trong nhóm bị cận thị, riêng tôi đến giờ vẫn chưa phải đeo kính. Cách thức này có lẽ phải được truyền lại cho con cháu chúng ta, vì bây giờ sao chúng nó cận thị nhiều thế !?   
Thật tự hào vì chúng ta xứng đáng với chữ G thứ nhất, bởi lẽ ngoài giỏi Toán, nhiều bạn trong lớp chúng ta còn giỏi nhiều môn khác và đã tham gia trong các kỳ thi Học sinh giỏi môn Văn, môn Sử, môn Lý, môn Tiếng Nga ..v..v và cả điền kinh nữa. Đó chính là những bước khởi đầu cho thành công trong sự nghiệp sau này của các thành viên lớp chúng ta.
Kỷ niệm gắn với cảnh vật chẳng bao giờ phai nhạt trong ký ức :
Đó là Lớp học của Lớp G chúng ta: mái gianh, tranh tre, vách đất với bờ lũy bao quanh, với đường hào từ trong lớp dẫn ra cánh đồng tới từng hầm trú ẩn chữ A thời cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ còn ác liệt.
Đó là bếp ăn của Lớp chúng ta với những bữa ăn đơn sơ, đạm bạc mà vẫn ngon lành và đầm ấm.
Đó là giếng nước trong khu bếp do chính những con người lớp chúng ta đào. Chắc các bạn còn nhớ cái ngày chúng ta vạch một vòng tròn trên nền đất khô cứng và lổn nhổn gạch đá. Để rồi ngày tiếp ngày, tay nối tay, những học sinh Lớp Toán G ngày ấy nhẫn nại đào sâu vào lòng đất. Chúng ta đào từ lúc hoàng hôn về cho đến tối khuya, hết ca này đến ca khác, đào để hy vọng tìm thấy dòng nước trong lành. Tinh thần làm việc hăng say đến nỗi các bạn gái lớp ta cũng không thể ngồi yên, đã cố xin xuống giếng đào đất trong 1 giờ, để đến nỗi quần áo còn lấm lem vừa trèo lên khỏi miệng giếng đã bị các bạn trai kêu ầm lên là “động mạch”. Trong những ngày lao động miệt mài ấy, mồ hôi của chúng ta đã đổ nhiều và cả máu từ một cái đầu bướng bỉnh đã đổ sau 1 tai nạn lao động khi đang làm việc. Tất cả đã được đền đáp bằng dòng nước trong lành, mát rượi từ mạch ngầm của giếng, thấm đượm mãi trong chúng ta những kỷ niệm long lanh của một thời…
Kỷ niệm gắn với hoạt động : nào là hoạt động thể thao, bóng đá, vui chơi … nào là hoạt động văn nghệ, những vở kịch, những đêm biểu diễn…càng làm cho chúng ta gắn bó với nhau hơn.
Rồi ngày tốt nghiệp đã đến, kết thúc đời học sinh phổ thông. Tạm biệt Xuân Đỉnh, tạm biệt Lớp Toán G, tạm biệt những ngày vui thân ái, mang trong mình đầy ắp những kỷ niệm, những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ, chúng ta lên đường tiếp tục con đường học vấn. Lại những năm tháng miệt mài học tập và rồi là cả quãng đường dài để sống, để làm việc, để cống hiến trên mọi nẻo đường, trong mọi lĩnh vực, với nhiều cương vị. Những tháng năm đó, chúng ta phải đối mặt với nhiều gian khổ còn lớn hơn, nhiều thử thách còn cam go hơn, nhiều bão tố của cuộc đời hơn, Đó mới thực sự là sự tôi luyện và trưởng thành.
Dù bạn đã trở thành những giáo sư, tiến sĩ với những công trình được thế giới khoa học ghi nhận; dù bạn là nhà quản lý tài ba hay chỉ là người giáo viên, người nhân viên bình dị, thầm lặng nhưng tất cả đều đã góp công sức của mình, góp trí tuệ của mình cho cuộc sống này, cho mọi người, cho hiện tại và cho cả tương lai… Những thành công có được của mỗi người có lẽ cũng có phần được chuẩn bị từ những hành trang được hình thành trong những tháng năm của Lớp G Xuân Đỉnh
Tất cả chúng ta đều vui mừng vì vẫn còn nguyên vẹn niềm tin Thuở họ G.
Trong ngày vui hôm nay, chúng ta tưởng nhớ đến 2 người bạn của chúng ta đã ra đi, đó là bạn Võ Quí Toàn ra đi sớm từ năm 2001 và bạn Nguyễn Khắc Sơn vừa mới ra đi hôm 20/2/2016.
Xin các thày giáo và các bạn chúng ta dành 1 phút tưởng nhớ đến 2 người bạn của Lớp G đã ra đi.
(Bạn Toàn ơi, bạn Sơn ơi. Hôm này Lớp G chúng ta tổ chức Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Có nhiều bạn không đến được nhưng chúng tôi vẫn còn có cơ hội để gặp các bạn đó. Riêng 2 bạn, chúng tôi không bao còn được gặp lại nữa, nhưng chúng tôi vần nghĩ và nhớ đến 2 bạn, vẫn coi 2 bạn là những thành viên sống mãi cùng Lớp G của chúng ta)      

Có được truyền thống của một tập thể là do nhiều yếu tố, trong đó yếu tố con người là quyết định. Chúng ta trân trọng nhắc đến các thày giáo chủ nhiệm của Lớp G - những người thày đã dìu dắt chúng ta để có được ngày hôm nay.

Người thày chủ nhiệm đầu tiên là thày Nguyễn Đức Dân.
Thày Dân kính mến, những ngày đầu tiên đến với lớp, Thày như đã mở mang thêm cho chúng em thấy vẻ đẹp của những con số, gieo cho chúng em niềm tin vào sức lực của chính mình và tạo dựng cho chúng em một phương pháp học có hiệu quả. Thày quan tâm tới chúng em trong mọi chuyện. Còn nhớ đã có lần Thày gọi cán sự Văn đứng trước lớp kể tên các thày cô giáo dạy Văn trong Trường Xuân Đỉnh, hay Thày gọi một bạn (không ở nội trú) chỉ và nói tên các bạn trong lớp mình…Thày không muốn chúng ta chỉ biết chúi mũi vào việc học mà tạo nên sự xa cách. Thày muốn chúng ta phải biết quan tâm, chia sẻ và đồng cảm với nhau. Chúng ta đã không phụ lòng Thày, trả lời Thày bằng những việc làm - những việc làm tốt đẹp đóng góp xây dựng Trường Xuân Đỉnh, những việc làm tình nghĩa để giữ gìn Tình bạn của Lớp G trong suốt thời gian qua.
Em xin phép được nhắc lại một điều vô cùng ý nghĩa: vào Mùa Xuân 1978, chúng ta Hội lớp Kỷ niệm lần thứ 10 ngày ra trường, Thày Dân có viết trong cuốn Sổ Lưu niệm của chúng ta “Lớp G sẽ còn gặp mặt được bao lần nữa ?” Một bạn trong chúng ta đã viết ngay phía dưới “Xin phép thày cho em trả lời : Lớp G còn gặp mặt khi thày vần là thày Dân”. Vậy là đã qua những mốc 20, 30, 40 năm và hôm nay là 50 năm gặp mặt, sẽ còn đến những kỳ tiếp theo của 60, 70 năm …Thày mãi vẫn là Thày Dân của Lớp Toán G, của chúng em !



Sang năm học lớp 9, chúng ta đón nhận người thày thứ hai đến với chúng ta: Thày Hàn Liên Hải. Thày đã mang một phong cách dạy thật sự là dạy Toán, giúp cho chúng em hiểu rằng để đi đến kết quả của 1 bài toán hay của bất kể công việc gì cũng phải biết định hướng, tìm tòi suy nghĩ và giải quyết như thế nào. Phải nói rằng thời kỳ đó, nhiều bạn trong chúng em học toán với một sự tập trung cao độ, căng thẳng và lo sợ. Không biết vì sợ những bài toán khó hay vì sợ sự nghiêm khắc và yêu cầu cao của Thày. Nhưng cũng chính những ngày học đó đã giúp cho chúng em quen với cái sợ trước những bài tập toán, để mà biết cách tìm ra cách giải một cách hoàn hảo nhất. Nói như một số bạn nâng quan điểm lên là Thày đã tạo cho chúng ta quen và tìm cách vượt qua những cái sợ trước những khó khăn của cuộc đời.
Chỉ tiếc là thời gian Thày dạy lớp chúng em không được lâu. Song dù chỉ 1 học kỳ, nhưng chúng em vẫn vô cùng cảm ơn Thày, bởi vì đúng là Thày đã dạy cho chúng em dám đối mặt trước những khó khăn không chỉ của những bài toán khó…

Chúng ta tiếp tục năm học lớp 9 và năm cuối đời học sinh phổ thông với Thày Hoàng Mai Định. Chúng em vô cùng biết ơn Thày vì sự chăm sóc tận tình của Thày với chúng em, vì tấm lòng thương yêu, tin cậy chúng em, vì sự gương mẫu của Thày trong cuộc sống. Hình ảnh của Thày cặm cụi làm việc bên ngọn đèn con trong căn phòng nhỏ trong đêm khuya vắng, tưởng như chìm lẫn trong bóng đêm, nhưng với chúng em nó sáng lung linh và đậm mãi trong lòng, để sưởi ấm trong chúng em ngọn lửa của Tình người, của lòng say mê, của ý thức trách nhiệm và nghị lực sống trong những ngày sau đó.     
Bài thơ nhỏ Thày chép tặng trong 1 cuốn Sổ Lưu niệm trước ngày chúng em ra trường đã trở thành một lời mong muốn thiết tha, một nỗi niềm tâm sự đầy thương mến của một người anh lớn nhắc nhủ, cầu chúc cho chúng em trước lúc lên đường. Đã có lần Thày như muốn làm thêm, muốn thay đổi ý tứ của Bài thơ, song đối với chúng em Bài thơ nguyên bản năm ấy vẫn còn nguyên giá trị. Xin phép Thày được đọc lại Bài thơ _(…)

ĐÊM THÁNG NĂM
                                       Hoàng Mai Định


Đừng gấp lại
                em ơi 
                                         trang vở

                       Hãy cứ để nguyên
                                                            như khi em đang còn học dở
                                                                     một bài dài 
                                                                                           chưa hết

Để ngày mai
                       Cuộc sống sẽ thay anh
                                                   nối tiếp những lời
                   Và bão lửa sinh sôi
                                 sẽ viết thêm 
                                                                 nhiều trang sách mới
                    Rồi sẽ giảng cho em nghe
                                những bài thơ
                                                 ca ngợi
                                                                                              cuộc đời.                       
                                                                                    (5-1967)



Chúng em xin chân thành biết ơn các Thày đã đem đến cho chúng em những điều cần thiết cho cuộc đời mình. Chúng em biết ơn cả các thày cô giáo dạy tại Trường Xuân Đỉnh thời kỳ đó, dù có dạy chúng em hay không, nhưng đã giúp đỡ chúng em, mong muốn cho chúng em những điều tốt đẹp. Đó là thày Tôn, thày Mai cô Vân (dạy Toán); thày Tiến, cô Hợi, thày Vinh (dạy Văn); thày Quyến, cô Phong (dạy Sinh); thày Tạo (dạy Hóa); thày Thân (dạy Lý); thày Đạt, thày Kính (dạy Sử); cô Hiên (dạy Địa); thày Chinh, cô Lâm (dạy Tiếng Nga); thày Thu (dạy Thể dục), thày Triệu Hải (dạy Lý - Bí thư Đoàn trường)… Nhiều thày cô đã qua nhiều năm chúng em không gặp lại, nhiều thày cô đã không còn nữa…. Hôm nay, chúng em, một lần nữa xin gửi lời biết ơn chân thành tới các thày cô.
Xin cảm ơn mảnh đất Xuân Đỉnh này, cảm ơn mái trường Xuân Đỉnh thân yêu - nơi đã nuôi dưỡng và giúp cho chúng tôi trưởng thành. Biết bao thế hệ thày cô đã góp phần làm nên truyền thống đáng tự hào của Trường Xuân Đỉnh. Và hôm nay, thế hệ các thày cô mới trẻ trung, năng động vẫn đang tiếp nối một cách thành công truyền thống đó. Mãi mãi chúng ta vẫn có quyền tự hào vì chúng ta là những học sinh của Lớp Toán G - 1 lớp học của Trường Xuân Đỉnh.

Được phép của các bạn, tôi đã nói quá dài về chuyện của Lớp G chúng ta, thế mà cảm thấy vẫn còn quá ít. Xin dành cho các bạn tiếp tục, giờ chỉ xin ít phút có một chút của riêng mình. Tôi muốn nhắc lại vào thời điểm cuối Hè 1968, khi mà các bạn Lớp G đang lần lượt lên đường, tôi đã một mình trở lại Xuân Đỉnh vào một buổi tối thăm lại lớp học, bếp ăn, giếng nước, đi trên con đường quen thuộc năm xưa và ghi lại cảm xúc của mình trong tùy bút “Một tối về thăm Xuân Đỉnh”. Hôm nay tôi muốn mượn đoạn kết của tùy bút ấy để kết thúc bài phát biểu và thêm vào phần kết của đoạn kết đó cho đúng với những gì đang diễn ra của hiện tại.          
Trời khuya êm ả dịu dàng, một ngày đang trôi qua những giây phút cuối cùng của nó. Thời gian tưởng chừng như lắng đọng nhưng thực ra vẫn đang hối hả, cuồn cuộn trôi đi. Chân trời xa xa mờ mờ trong tấng mây, phía đó là bình minh nhưng mây dày lắm, có lẽ lại một cơn mưa nữa sắp đến. Trời sang thu như trút lại hơi hướng của mùa hè trong những trận mưa ào ạt cuối cùng. Ừ, cứ mưa đi, mưa rồi để sớm mai bình minh dậy rạng rỡ và trong trẻo hơn…
Và đoạn kết tiếp sau cùng
Trong một ngày qua, kể từ lúc bình minh dậy, chúng ta mang những khát vọng và niềm tin đó, từ những bước chập chững đầu tiên đã vững vàng đi tiếp, bất kể cho trời lúc nắng, lúc mưa, đem những điều hữu ích đến cho cuộc sống này. Lúc này, trời đã về chiều, hoàng hôn đã bắt đầu buông tím, nhưng vẫn nguyên vẹn niềm tin đó, chúng ta đến với buổi tối hôm nay để sống vui, sồng khỏe và vẫn còn có ích cho đời.

 Xin chân thành chúc sức khỏe và mọi điều tốt đẹp đến các thày giáo và các bạn.

 Xin trân trọng cảm ơn. 


Phạm Hữu Quỳ  
Trưởng BTC "Lễ hội 50 năm Lớp G"
(1/3 - 6/3/2016)


1 nhận xét:

  1. Xin Cám ơn Bài viết đầy cảm xúc, hành văn hay (cán sự Văn mà), nhớ lại một “Thuở Toán G” với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn tuổi học trò.
    Dẫu vậy đọc xong bài viết vẫn cảm thấy thiêu thiếu 1 cái gì đó, có thể là do chỉ xem mà không được nghe trực tiếp trong không gian hoài niệm, trang trọng của buổi Lễ kỷ niệm 50 năm Thành lập lớp chăng?
    Mang hơi hướng có tính tổng kết, bạn đã quên 1 chi tiết quan trọng, chúng ta đạt danh hiệu Lớp Nguyễn Văn Trỗi cấp Thành phố.
    Lương Phúc, HN 14g10' ngày 9/3/2016.

    Trả lờiXóa