Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

Cảm giác mạnh (Đình Tài sáng tác)





CẢM GIÁC MẠNH

Nguyễn Đình Tài

Thị trấn Tăng Động một thời nổi tiếng có truyền thống cách mạng, vậy mà từ ngày đổi mới đến nay trở nên đơn vị bi bét, tụt hậu, đứng nhất từ dưới lên trong bảng xếp hạng của tỉnh, đặc biệt yếu là chỉ tiêu văn hóa. Thanh niên thị trấn nổi tiếng quậy phá, cứng đầu cứng cổ, gây gổ, hung hăng.
Năm ngoái, Tỉnh cử về một Chủ tịch mới, ông Quách Phí Lực nguyên là Chi cục trưởng  kiểm lâm, thay cho Chủ tịch UBND Thị trấn Tăng Động về hưu. Nghe nói Chủ tịch Lực được thưởng bằng khen cấp Bộ vì thành tích trấn áp lâm tặc.



Ngay sau hôm nhậm chức, Chủ tịch triệu tập cuộc họp toàn thể mở rộng của Ủy ban. Ông đi ngay vào vấn đề nóng:
- Tôi được biết, thanh niên Thị trấn ta thuộc loại đầu gấu, bất trị. Nhưng tôi không tin là không thể trị được. Tất cả là do môi trường. Tôi có thằng con trai, từng là đứa ngỗ nghịch quậy nhất tỉnh, vậy mà cho sang Mỹ sống được vài năm, lấy vợ, đẻ con và giờ là công dân gương mẫu của Hoa Kỳ. Mà không riêng gì nó, hầu như tất cả những đứa “sừng vẩy”, “có số má” sang trời Tây trở nên ngoan cả. Vợ chồng tôi sang Mỹ chơi, thằng con đưa ô tô đi khắp nơi, cứ hễ thấy đèn đỏ là dừng tắp lự, kể cả lúc nửa đêm phố vắng không một bóng người chứ đừng nói có cảnh sát. Vậy, vấn đề là ta phải tìm ra lối thoát, tạo ra môi trường để lớp trẻ thể hiện hết tài năng và bản năng của chúng.



- Nhưng chúng cháu vẫn thường xuyên thông qua Đoàn, Đội giáo dục tư tưởng, mở các lớp học chính trị, tuyên truyền nếp sống lành mạnh đến chúng nó…-  Bí thư Đoàn thị trấn Bùi Thư Thả rụt rè lên tiếng.
- Biết rồi, Biết rồi, - Chủ tịch Lực cắt lời, - Nhưng không ăn nhằm gì phải không? Món ấy thời này chúng nó khó “tiêu hóa” lắm. Bản chất vấn đề không hẳn ở tư tưởng, đạo đức, mà là ở cảm xúc, cảm giác. Chú hiểu chưa.
- Dạ chưa ạ. – Cậu Bí thư bối rối, hai mắt cụp xuống.
- Nếu vậy, tôi hỏi chú Trưởng phòng Văn hóa – Thể thao, một khi no cơm, ấm cật,  mà không có chỗ xả thì sao?
- Dạ, thưa anh, thì “dậm giật chân tay ạ”. – Trưởng phòng Phó Mặc Điền trả lời.
- Còn hơn cả dậm giật! Một khi thừa kalo, dư năng lượng, không việc làm thì, nói như các cụ, “Nhàn cư vi bất thiện”. Chú hiểu chưa?
- Dạ, em hiểu ạ. – Trưởng phòng Văn hóa- Thể thao thị trấn lí nhí.
- Thế chú đã làm những gì để lôi cuốn bọn trẻ vào các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh, có ích, xả bớt năng lượng?
- Dạ, thì chúng em cũng cho sửa sang lại sân vận động, bổ sung vài điểm vui chơi trong công viên,… Trưởng phòng Phó Mặc Điền ấp úng.



- Tôi lạ gì cái đu quay lừ đừ, ọp ẹp “siêu tốc rùa bò” của công viên nhà chú. Loại ấy chỉ thích hợp cho trẻ U6 và các bô lão U90 thôi. Còn sân vận động Thị trấn thì chỉ thấy mấy cụ lão niên đứng vẩy tay, hít thở bên cạnh đàn bò gặm cỏ chứ có mống thanh niên nào đâu! Các vị phải nhớ rằng  thanh niên đa phần đều thích cảm giác mạnh. Nhất là thời này, no đủ, thừa kalo không biết xả vào đâu, nên một lũ thanh niên tụ tập đua xe, lũ khác bài bạc, đá gà, đập phá, chặn đường trêu ghẹo phụ nữ… Tội của chúng nó thì rõ rồi, nhưng không phải không có lỗi của chúng ta. Vì vậy, tôi đề nghị ngành văn hóa, thể thao của tỉnh phải tìm ngay các giải pháp xả kalo cho lũ trẻ, tạo cho chúng cơ hội hưởng cảm giác mạnh. – Chủ tịch kết luận.

Cả thị trấn Tăng Động sôi lên. Các sáng kiến nảy nở tưng bừng như con gà rừng. Chiếc đu quay ọp ẹp được thay bằng một tàu điện đu quay xoắn hiện đại, uốn lượn các kiểu như sóng thần, với nhiều góc thẳng đứng hay gần thẳng đứng, tốc độ quay 200 km/giờ. Dây bảo hiểm nilon được thay bằng sợi xích sắt chân voi. Bây giờ thì lũ thanh niên đầu cua người văng ra hàng mét khi tàu lao nhanh, miệng rú gào như đang rơi xuống vực sâu. Chiếc cầu treo bằng gỗ bắc qua con sông chảy xiết ngăn đôi thị trấn nay được thay bằng cây cầu sắt lớn. Giữa cầu xây một bệ cầu nhảy không phải cho vận động viên nhảy ván nghệ thuật mà để chơi món buộc dây chun vào cổ chân lao người xuống sông. Từ độ cao 15 mét, các nam thanh nữ tú một cẳng chân buộc dây bay liệng như chim bói cá hụp đầu xuống nước, rồi ngóc lên, hụp xuống theo sự co dãn của dây chun trong tiếng rú man rợ, sung sướng. Dưới chân cầu, một đội dịch vụ cứu hộ  mặc sẵn bộ quần áo lặn, chỉ chờ có vị nào phi xuống đáy sông do đứt chun thì xuống cứu hoặc mò vớt xác. Còn sân vận động được thiết kế lại thành trường đua xe máy phân khối lớn. Đường đua địa hình được đào, bồi thành các gò đống, ổ trâu, ổ voi. Hàng tuần, vào tối thứ bảy, hàng nghìn người dân thị trấn mua vé vào xem cuộc đua của các tay lái trẻ, trước đây đã từng là các tay đua xe bất hảo, bất trị của thị trấn này, giờ mặc giáp mũ kín mít, đeo số sau lưng hiên ngang cưỡi trên  xe Harley đen xì đã tháo bô và phanh. Dọc theo hai khán đài đặt sẵn một loạt vòng hoa tang và mấy cỗ quan tài phòng khi có “chiến sĩ” nào chẳng may bỏ mạng thì đã có ngay dịch vụ tang lễ tại chỗ. Người xem  ngất ngây như con gà tây  vì những cú xe lộn nhào như xiếc trong tiếng động cơ gầm rú. Một nhà thi đấu Kick-boxing (vừa đấm vừa đá) được xây dựng ngay bên cạnh Trung tâm chỉnh hình – nắn xương của Bệnh viện đa khoa thị trấn. Từ nay, những “người hùng” máu lạnh thả sức gào thét, đấm đá, bẻ xương , bẻ cổ nhau, mà không phải lo bị nằm bỏ đói, lãng quên.



Thị trấn Tăng  Động trở nên yên bình trong sôi động. Đám thanh niên “đầu bò, cộm cán” giờ thì một số đã sang thế giới bên kia một cách yêng hùng, một số gãy sống lưng nằm liệt giường, số khác ngồi “bắt chuồn chuồn” do chấn thương sọ não. Lớp trẻ Thị trấn bây giờ thỏa sức thử cảm giác mạnh trong kỷ luật và tổ chức, không làm khổ ai ngoài tự làm khổ chính mình. Kinh tế thị trường phát triển lên trông thấy: dịch vụ tang lễ tăng đột biến, nghề trồng hoa (đặc biệt hoa tang) “nở rộ”, nghề mộc (đặc biệt nghề đóng áo quan) trở nên “hot”, nghề sản xuất dây chun, áo lặn mở ra khắp nơi, Bệnh viện thị trấn (đặc biệt Trung tâm chỉnh hình) trước đây thưa vắng như chùa Bà Đanh nay đứng trước nguy cơ quá tải vì bệnh nhân – khách hàng trẻ nhập vào tấp nập.



Ông Chủ tịch thị trấn được cả Tỉnh ngưỡng mộ, tấm tắc, tôn vinh như người anh hùng thời kỳ đổi mới. Để nhân rộng mô hình mới này, ông được điều chuyển lên tỉnh làm Giám đốc sở văn hóa – Thể thao. Nhưng nghe đâu, sau khi dẹp được nạn quậy phá của các loại “chíp hôi” ở thành phố, thủ phủ của Tỉnh, đồng chí Quách Phí lực nhận được quyết định về hưu sớm ở tuổi 55 vì lý do sức khỏe. Nhưng có người bảo không phải “zậy”, chẳng qua sáng kiến của đồng chí đã dẫn đến những mất mát đã dự liệu là trong số các cậu con trai quý tử của các đồng chí Lãnh đạo tỉnh một số hy sinh oanh liệt trong các cuộc đua xe khủng khiếp, một số mất tích dưới sông sâu vì dây chun buộc cổ chân tự đứt nay vẫn chưa tìm được, số khác nằm liệt giường do gãy xương sống trong các trận kick – boxing chí tử. Than ôi! Chiến công nào cũng có giá của nó!

                                                                                         Hà Nội,  tháng 5 năm 2015



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét