Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

ĐÂU LẠI VÀO ĐẤY (Đình Tài sáng tác)

BBT (9/4/2015) - Phó giáo sư, Nhà văn, Nhà giáo U70 Đình Tài gửi tới BBT một sáng tác mới để hưởng ứng chiến dịch "Kây Sanh Hà Lội" đúng ngày 01/04/2015. Vì lý do tế nhị, sợ gây hiểu lầm, BBT để đến hôm lay mới công bố truyện ngắn cực kỳ hot và siêu humour này. Xin giới thiệu cùng các Bạn Lớp G Xuân Đỉnh:



ĐÂU LẠI VÀO ĐẤY

( hay là “CÁI KHÓ LÓ BẠC TỶ” )

Nguyễn Đình Tài

Lãnh đạo chủ chốt tất cả các bộ phận của Bệnh viện được lệnh họp gấp. Mọi người nôn nóng, đã nửa giờ rồi mà Giám đốc vẫn chưa xuất hiện. Đây rồi, người tất tả đi vào, mặt khó đăm đăm. Chắc có chuyện chẳng lành.

- Tôi thông báo ngay cho các đồng chí lệnh của Bộ, - Chưa kịp đặt mông xuống ghế, Giám đốc đã mở miệng, - Trong vòng một tuần, bắt đầu hôm nay,  Bệnh viện chúng ta sẽ phải là một trong số các bệnh viện của Trung ương không quá tải. Và, tuần sau, Bộ sẽ cử đoàn thanh tra về giám sát chặt chẽ. Nếu chúng ta không thực hiện được thì…

- Thì sao ạ!? – Chúng tôi ồ lên.
- Thì sao à? Nhẹ thì cảnh cáo, còn nặng thì cách chức!
“Tưởng gì, cách chức ai? Còn lâu mới cách chức được ai!” Chúng tôi nghĩ.
- Nào, bây giờ Trưởng phòng Hành chính báo cáo cho biết tình hình quá tải ở Bệnh viện ta như thế nào và giải pháp giảm tải. - Giám đốc Mai Xong Cả  hướng về phía ông Lại Tái Quả, Trưởng phòng Hành chính.

- Dạ vâng, báo cáo anh Cả và toàn thể Hội nghị. Quá tải ở Bệnh viện ta ở cấp độ 3, tức là tầm 3 bệnh nhân trên 1 giường. So với tình hình chung hiện nay, thì đây là mức trung bình, không quá nghiêm trọng. Với cơ thể nhỏ nhắn của người Việt, đặc biệt lại cơ thể của các bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới, thì 3 người trên 1 giường sắt cũng không phải là quá chật,…

- Thôi, thôi, đây không phải là lúc phân bua, giải thích. Vấn đề lúc này là các giải pháp thực hiện lệnh của Bộ - GIẢM TẢI! Giảm ngay 2/3 số bệnh nhân trong vòng 1 tuần!



- Dạ, vâng, vậy em vào đề luôn ạ. Theo em, giải pháp đầu tiên bây giờ là cho xuất viện tất cả bệnh nhân từ các tỉnh ngoài về, không tiếp nhận  bất cứ bệnh nhân mới nào, kể cả trong lẫn ngoại tỉnh.

- Ấy chết, không được, không được! Làm thế thì Bệnh viện ta thất thu lớn, doanh thu và lợi nhuận sẽ giảm 300% từ các  khâu viện phí, dịch vụ chụp chiếu, nhất là bảo hiểm y tế, rồi  “cả làng đói to  ”. – Kế toán trưởng Phạm Đa Luật chồm lên.
- Nhà bếp cũng sẽ lỗ to, số khách ăn sẽ giảm 4 lần, vì bớt mỗi bệnh nhân sẽ bớt đi ít nhất 1 người nhà, tức là bớt đi 2 miệng ăn. Sẽ không có 3 bữa ăn miễn phí cho các bác sĩ đâu nhá. – Bếp trưởng Đậu Pha Lạc mặt đỏ gay đứng dậy tiếp lời.

- Còn dịch vụ trông xe sẽ thất thu mỗi ngày tầm 50 triệu đồng không kém! – Thủ trưởng Tổ trông giữ xe gào lên.
 - Im nào! – Giám đốc lấy chiếc thìa inox gõ keng keng vào cốc nước cam vừa uống cạn. - Vậy vị nào có sáng kiến gì cứu Bệnh viện thì nói ra. Chỉ có điều tôi chỉ chấp nhận sáng kiến nào không làm giảm nguồn thu của chúng ta, còn nếu tăng thu càng tốt.

- Tôi đề nghị  ta cho thay giường đơn bằng giường sắt 3 tầng như ở ký túc xá sinh viên. –Phạm Y Đức, Trưởng khoa Cận lâm sàng, lên tiếng.
- Không được, bệnh viện có phải trại lính hay tàu hỏa giường nằm đâu mà đặt giường tầng. Nhà xác thì đặt thế được, chứ ở phòng bệnh nhân thì cho dù không phải nằm ghép, nhưng vẫn lồ lộ “món quá tải”. – Giám đốc xua tay.

Không khí hội nghị bỗng lắng xuống, mọi người ngơ ngác, chìm trong tư duy, một số vị suy tư quá đà nên hai mắt díp cả lại, đầu gật lên gật xuống. Bỗng một cánh tay múp míp dơ lên và tiếp đến là một tấm thân đẫy đà thẳng dậy, miệng cười toét:

- Tôi xin có kế này! – Mọi người đổ dồn mắt vào Đào Bằng Được, Chủ tịch Công đoàn bệnh viện, nguyên là bác sĩ phẫu thuật biết nghề, phải tội hay đãng trí nên 10 lần mổ thì 9 lần bỏ quên thứ gì đó trong bụng bệnh nhân, lúc thì dao, lúc thì kéo, lúc thì bông, gạc... Bị phê bình nhắc nhở và bỏ qua nhiều lần, cho đến một ngày nọ, mổ ruột thừa xong, Sir để quên cả chiếc di động Nokia trong bụng một bệnh nhân nữ, đến mức người yêu của Được réo rắt lời yêu thương trong bụng bệnh nhân thì buộc Giám đốc, dù cùng ngồi chiếu tá lả hàng đêm với Được,  buộc phải cho Sir thôi làm chuyên môn, thuyên chuyển sang làm Chủ tịch công đoàn.

- Sao, nhà phẫu thuật “thiên tài đãng trí”, có gì nói ra mau! Chỉ có điều, mưu sâu kế hiểm gì không biết, nhưng không được giảm số lượng bệnh nhân, không được làm giảm lợi nhuận và thu nhập của “đồng đội”! Rõ chưa? – Giám đốc chỉ đạo.

- Dạ, rõ ạ, kế này của em sẽ giảm tải 2/3 mà lại không giảm bệnh nhân, lại còn tăng thu! – Được phấn chấn.  



- Tốt, -Giám đốc Cả mắt sáng lên,-  nói ngay đi!
Cả hội nghị dướn mắt nhìn Được. Được tiếp lời:
- Tôi hỏi các vị cái giường sinh ra để làm gì?
- Để ngủ chứ còn để làm gì! – Mọi người đồng thanh.
- Vậy, một người ngủ mấy giờ một ngày là đủ?
- Thì 7 đến 8 giờ. – Chúng tôi sốt ruột.

- Vậy cớ gì mà ta lại để họ nằm lì trên giường suốt 24 giờ? Cớ gì để họ giữ lấy giường làm của riêng, rồi nằm đó trên chục giờ nhìn mạng nhện? Vừa hại người lại phản khoa học! Vì vậy, tôi đề nghị chia làm 3 ca sử dụng giường, mỗi ca 8 giờ và chỉ để ngủ. Bệnh nhân ta cũng chia thành 3 tốp: tốp 1 gồm các nam thanh nữ tú; tốp 2 là các bô lão; và tốp 3 là đám đàn bà trẻ con.  Tốp 1 sẽ ngủ vào ca đầu từ 4 giờ sáng đến 12 giờ trưa; tốp 2 ngủ từ 1 giờ trưa đến 8 giờ tối; còn tốp 3 từ chin giờ tối đến 3 giờ sáng.
- Nghe hay đấy! Cậu nói rõ thêm nào! Tại sao đám trai trẻ lại cho đi ngủ muộn vậy, còn cánh già thì ngủ ngày? – Giám đốc khích lệ.

- Dạ, thưa anh Cả, lũ trẻ thời nay có mấy đứa đi ngủ sớm đâu. Suốt đêm chúng nó hết nhảy nhót, lên mạng rồi lại bài bạc, đến khi mệt rũ mới lăn ra ngủ thì cũng tầm 4 giờ sáng rồi. Còn các cụ thì có mấy người ngủ đêm được. Đêm xuống, các cụ cứ lăn bên này, trở bên kia, hết dậy uống thuốc ngủ lại lọ mọ đi đái đêm. Vậy chẳng thà tổ chức cho các cụ câu lạc bộ trà đạo, ngâm thơ đêm, tập thái cực quyền, nhảy híp hốp dưỡng sinh buổi sáng. Sau đó, ăn cơm trưa xong, ta để các cụ ngủ một mạch đến bữa tối. Còn đám đàn bà  trẻ con, diện ưu tiên, ban ngày cho đi siêu thị, la cà buôn chuyện ngoài chợ, trong công viên, tối về ngủ sớm giữ sức khỏe.

- Hay! Tớ thấy được! – Giám đốc phấn khởi.
- Nhưng, thưa đồng chí Đào Bằng Được, khoa tôi có những bệnh nhân nằm liệt, thậm chí sống thực vật thì làm sao? – Trưởng khoa Lâm sàng, Mai Chuyển, lên tiếng.
- Câu hỏi hay! Nhưng không lo đâu đồng chí Chuyển ạ. – Chủ tịch Được giải thích, - Hội ấy ta tạm chuyển sang Nhà lạnh, dĩ nhiên tắt điều hòa đi thôi.
- Đám bệnh nhân nữ cho đi chơi thì phí quá. Tôi đề nghị tuyển một số sang làm phụ bếp miễn phí. – Bếp trưởng đề xuất.
- Tốt! Tôi đồng ý. – Giám đốc Cả cười tươi.
- Tôi xin có ý kiến. – Một cánh tay xương xẩu, đen đủi giơ lên.
- Gì thế bác Tịch, Nhà xác cũng quá tải à? – Giám đốc lo lắng hỏi ông quản lý Nhà xác.
- Dạ vâng, thương quá. – Bác Tịch sụt sùi, - Tôi chỉ đề nghị Giám đốc cho tuyển một số bệnh nhân không có tiền sử bệnh thần kinh tham gia cùng tôi công tác lau rửa, trang điểm cho người quá cố trong Nhà xác. – Bác Tịch lẩy bẩy lấy tay quẹt mắt, run run ngồi xuống.

- Bác không phải lo, không cụ nào trong Đoàn thanh tra dám chui vào Nhà xác của bác để đếm người đâu. Và tôi ủng hộ sáng kiến tuyển nhân lực của bác. Bây giờ tôi tuyên bố thành lập Hội đồng Xóa quá tải do Phó giám đốc Tôn Thất Thế làm chủ tịch, Chủ tịch Công đoàn Đào Bằng Được làm Phó chủ tịch với các Ủy viên là trưởng các bộ phận trong bệnh viện. Và  bắt đầu từ ngày mai,  đề nghị tất cả các bộ phận của Bệnh viện ra quân triển khai chiến dịch mang tên “Xóa quá tải".

Ngày hôm sau, cả Bệnh viện sôi lên sùng sục như chuẩn bị đối phó với sóng thần. Bệnh nhân được cho xếp hàng dọc, phân thành 3 “trung đoàn” với hàng chục “đại đội”. Các đội trẻ được đưa đi ra các sân vận động cổ vũ bóng đá, bóng chuyền, các đội già tiến thẳng ra công viên, đoàn phụ nữ, trẻ em rồng rắn đi siêu thị, một tốp nữ tiến vào Nhà bếp, tốp  hiệp sĩ nam khác âm thầm thâm nhập vào Nhà xác,…Buổi tối, hội trường, hành lang bệnh viện vang rền tiếng hát, tiếng thơ, tiếng nhạc hip – hop, ráp – rốp, tiếng zô – zô của cánh thanh niên, tiếng nghiến răng ken két của hội đánh phỏm hòa trong tiếng rên rỉ của mấy vị bệnh nhân kém ý thức.

Một tuần sau, đúng như hẹn, Đoàn thanh tra ào ào kéo về. Nhưng họ bị bất ngờ, sững sờ, choáng váng, vì không tìm thấy một giường nào quá một bệnh nhân. Có vị thanh tra bò xuống sàn nhà, soi đèn pin vào từng gầm giường, nhưng ngoài chuột và gián ra, không tìm thấy gì hết. Còn các vị bệnh nhân thân thương thì nằm ngủ li bì, miệng trễ ra như đang nở nụ cười bí hiểm của nàng Mona Lisa. 


(Bức tranh nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci )

Tin Bệnh viện của Giám đốc Mai Xong Cả xóa quá tải hoàn toàn làm chấn động dư luận còn hơn cả vụ chặt 6.500 cây xanh ở Thủ đô. Báo chí, truyền hình vây chặt cứng Giám đốc Cả phỏng vấn, tung hô, nhưng ông vẫn điềm tĩnh, khiêm nhường:

- Không có gì ghê gớm đâu các bạn. Bí quyết của thành công là nhờ có chủ trương đúng đắn, sự chỉ đạo sát sao, cụ thể và kiên quyết  của tất cả các cấp lãnh đạo cộng với sự chủ động, sáng tạo, đổi mới và tinh thần tiến công của tập thể Bệnh viện chúng tôi. Đứng trước mọi khó khăn, lạm phát hay tái lạm phát, quá tải hay tái quả chúng tôi cứ tái cấu trúc là thành công.

Hà Nội, Tháng 4 năm 2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét