Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Ngày Tết nói về chữ "THẦY"

BBT- Lớp G có nhiều bạn là Cô giáo, Thầy giáo. BBT xin chia sẻ bài viết của GS. Trần Văn Nhung - cựu học sinh chuyên toán A0 - bàn về khái niệm "Người Thầy" và "Giáo dục" thời hiện đại:

(Thầy Nguyễn Đức Dân với lớp G - Hà nội, 2008)

GS.TSKH Trần Văn Nhung nói về chữ "Thầy" trong mùng 3 Tết
 Dân trí  -  Thứ Tư, 10/02/2016 - 19:1

“Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”. Trong quan niệm truyền thống phương Đông, người thầy giữ vai trò thứ hai trong cương thường. Trong thời điểm tống cũ nghênh tân, GS.TSKH Trần Văn Nhung (Tổng Thư kí Hội đồng Chức danh GS Nhà nước, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) đã chia sẻ với PV Dân trí về chữ “Thầy” hiện nay.

Chuyển từ vai trò “người đơn ca” sang “người đệm đàn”.

Ngay từ cổ Phương Đông, Việt Nam và phương Tây, người ta đều đã từng nói, từng bàn rất nhiều đến chữ "Thầy". Nhưng hiện nay, tức khoảng cuối thế kỉ XX, sang đầu thế kỷ XXI, quan niệm về chữ “Thầy” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã làm thay đổi ít nhiều ý nghĩa của nó. Thay vì dùng chữ " Người Thầy" (Teacher) người ta hay dùng "Người hướng dẫn" (Tutor). Hiện nay vẫn còn đang bàn luận và chưa hoàn toàn thống nhất với quan điểm mới này của UNESCO.
Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ một kỷ niệm vui nhưng sâu sắc về GS. Tạ Quang Bửu, cố Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Câu chuyện là thế này: GS BT Tạ Quang Bửu đích thân và trực tiếp tham gia giảng dạy và giúp chúng tôi chuẩn bị các kiến thức cơ sở để nghe chuỗi bài giảng về Lý thuyết Kỳ dị, vì đây là lĩnh vực mới và liên quan đến nhiều kiến thức đa ngành như giải tích, đại số, lý thuyết số, hình học vi phân, tô pô vi phân, vật lý lý thuyết, ...
GS Lê Dũng Tráng, khi đó còn rất trẻ và rất hăng hái ủng hộ Việt Nam, cũng tham gia cùng GS Tạ Quang Bửu giảng bài giúp chúng tôi chuẩn bị kiến thức cơ sở. GS B. Malgrange và GS F. Phạm là hai giảng viên chính. GS Tráng và GS A. Chenciner là hai thanh niên giảng phối hợp.
Một hôm, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đang dạy chúng tôi về đa tạp khả vi (differentiable manifolds), nhìn xuống thấy chúng tôi có vẻ không hiểu, GS Tạ Quang Bửu hỏi: "Các anh các chị có hiểu không?" Chúng tôi trả lời ấp úng: "Thưa thầy chúng em chưa hiểu mấy". GS cười nói ngay: "Thế là các anh các chị chưa hiểu rồi!" Và ông nói tiếp:"Không sao! Đây là một khái niệm, một lý thuyết mới, khó hiểu. Vả lại chính tôi đang giảng bài này cũng chưa hiểu kia mà". Rồi Ông cười vang và cả lớp chúng tôi cũng cười theo. GS Bửu có điệu cười rất riêng, rất vang, tự tin và sảng khoái.

(Thầy Hoàng Mai Định và phu nhân tại nhà riêng - thôn Đông, Xuân Đỉnh - 19/11/2012)

Qua câu chuyện nhỏ này ta thấy những người thực tài thường rất khiêm tốn. Mặt khác đây không chỉ là câu chuyện vui. GS Tạ Quang Bửu không chỉ nói cho vui. Mãi sau này, sau một phần tư thế kỷ, cho đến cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI, khi đọc UNESCO tôi mới hiểu thêm về tầm nhìn Tạ Quang Bửu.
Theo UNESCO và Báo cáo của Hội đồng Delors năm 1996 về giáo dục toàn cầu trong thế kỷ XXI, nhiều nội hàm của chữ "thầy giáo/teacher" đã được thay bằng "người hướng dẫn/tutor". Một khái niệm hiện đại hơn, mở hơn, "động" hơn. “Giáo viên phải xác lập mối quan hệ mới với người học, chuyển dịch từ vai trò “người đơn ca” sang vai trò “người đệm đàn” và chuyển dịch từ nhấn mạnh việc truyền bá thông tin sang việc giúp đỡ người học tìm tòi, sắp xếp và vận dụng hiệu quả kiến thức, hướng dẫn họ chứ không đúc họ theo khuôn”.
Thầy không chỉ dạy cho trò cái mình biết mà ngoài ra còn hướng dẫn, khêu gợi cho trò cái mình chưa hoàn toàn hiểu, nhưng linh cảm thấy nó sẽ trở nên quan trọng trong một tương lai gần. Thầy và trò, anh và em có thể cùng nhau khám phá những cái mới, lĩnh vực khoa học mới, thám hiểm chân trời mới, bỡ ngỡ đấy, rủi ro đấy, nhưng hứa hẹn những phát hiện, phát minh mới thú vị và có giá trị về lý thuyết lẫn ứng dụng.
Hình chóp tam giác giáo dục
Quan điểm giáo dục mới này cũng còn bị một số người phê phán và chưa tán thành. Điều đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng ít nhất quan điểm mới này có lợi cho học sinh phổ thông lớp trên, cho sinh viên đại học, học viên cao học, nghiên cứu sinh và những người tự học, tự nghiên cứu là chính. Đối với học sinh các lớp dưới, đương nhiên, việc dạy và học một cách bài bản, chuẩn mực và hệ thống là cần thiết. Nói như vậy không có nghĩa ở lứa tuổi này chưa cần gợi mở và khuyến khích tìm tòi, sáng tạo cùng với bè bạn và thầy cô.
Lâu nay chúng ta đều biết rằng: Ba yếu tố gia đình, nhà trường và cộng đồng/xã hội đóng vai trò quyết định cả quá trình hình thành và phát triển suốt cuộc đời của mỗi con người. Ba yếu tố này tạo thành ba cạnh của một tam giác mà ta tạm gọi là tam giác giáo dục.
Nhưng nếu để ý chúng ta thấy còn một yếu tố thứ tư có vai trò quan trọng quyết định hơn cả, đó là khả năng tự học của mỗi người. Bốn yếu tố này tạo thành bốn đỉnh của một khối tứ diện hoặc một hình chóp tam giác trong không gian ba chiều, tạm gọi là “hình chóp tam giác giáo dục”.


Các khái niệm “tự học” và “học suốt đời” cũng đã được UNESCO đưa ra và cần phải được hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa đầy đủ của nó, tức là không chỉ tiếp tục học kiến thức mà cả văn hoá, đạo đức, kỹ năng sống,... trong suốt cuộc đời. Chính yếu tố thứ tư, yếu tố về khả năng tự học, tự thẩm thấu, đã tạo điều kiện để cho ba yếu tố trước (học từ gia đình, nhà trường và xã hội) được phát huy tối đa, để tạo nên một con người hoàn chỉnh.
Tự giáo dục còn quyết định và quan trọng hơn cả sự giáo dục nhận được từ gia đình, nhà trường và xã hội. Con người ta hơn nhau nhờ khả năng tự học này. Sự phân biệt giữa hai đứa con trong cùng một gia đình (thậm chí giữa một cặp sinh đôi), giữa hai học sinh trong cùng một lớp học và giữa hai công dân trong cùng một cộng đồng, trước hết phụ thuộc vào khả năng, vào gen di truyền trên các cá thể đó, sau đấy phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tự học, tự thẩm thấu, tự điều chỉnh, tự thích nghi, tự hoàn thiện của chúng.
Như vậy, nhiệm vụ và sứ mệnh quan trọng, cao cả nhất và cũng là khó khăn nhất của người thầy là “truyền cảm hứng” cho học trò, cho người học, làm sao biến được giáo dục thành tự giáo dục, học thành tự học. Vì thế Anatole France đã nói: “Chín phần mười của giáo dục là động viên khích lệ” và William A. Warrd: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh hoạ, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. Kết luận: Gia đình + Nhà trường + Cộng đồng + Tự học = Con người.


(Thầy Hàn Liên Hải, Vợ chồng thầy Hoàng Mai Định và 2 lớp Xuân Đỉnh + Yên Hòa - 1/3/2014)

Mỹ Hà (ghi)
(Email:myha@dantri.com.vn)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét