Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

Lấy bệnh nhân làm trung tâm (truyện của Đình Tài)



LẤY BỆNH NHÂN LÀM TRUNG TÂM

Nguyễn Đình Tài


Đi từ 5 giờ sáng mà mãi đến gần 9 giờ hai mẹ con mới đến được bệnh viện tỉnh. Trời oi nóng, đường đồi, bụi,  xóc, mẹ tôi mệt tơi tả. Tôi đỡ bà xuống xe, dìu bà ngồi tạm xuống vỉa hè, rồi dắt chiếc xe Honda 70 tã nát đi gửi. Lúc quay lại, lạ chưa, bà cụ đang được hai anh bảo vệ bệnh viện xốc nách, dìu vào phòng thường trực.

- Các anh làm gì thế này? – Tôi thất thanh.

- Kính chào quý anh, - Cả hai nở nụ cười tươi, - chúng tôi đón cụ vào bệnh viện đây.

Tôi chợt cảnh giác. Cũng hai thằng cha này, mới tháng trước, tôi đưa bố tôi đi khám, chúng còn hất hàm hỏi xẵng ông cụ “Ông vào đây làm gì? Con cháu đâu? Sao không có đứa nào đi áp tải?”. Tôi đi sau 3 bước vội dướn lên “Dạ, có em là con cụ đây.  Em đưa cụ đi khám bệnh ạ”. “ Vào đi” – Gã đầu đinh quát. Vậy mà lần này  mới lạ làm sao.

- Dạ, xin khỏi phiền các anh, các anh cứ để em đưa mẹ em vào. – Tôi vội lao vào, ôm lấy vai cụ.
- Ấy, ấy, chú em, để các anh cõng cụ vào phòng khám, cụ nhẹ thôi mà, giỏi lắm 5 chục cân. – Gã béo có một nhát sẹo bên má trái kéo tay cụ đưa về phía lưng mình.
“5 chục ư?”  Tôi chợt hiểu ra.




- Thôi, thôi, em xin các anh! – Vừa nói tôi vừa tay phải túm lấy cổ tay trái mẹ tôi, còn tay trái thò vào túi ngực rút ra phong bì 50 chục nghìn. – Đây, đây, các anh cầm tạm uống nước cho đỡ khát.
- Ấy chết, đừng em, - Gã đầu đinh đẩy tay phong bì tôi ra, - bọn anh không khát, nước vối có cả thùng trong góc phòng kia rồi. Chú em đừng “lăn tăn” gì.

Gã béo đặt cụ ngồi trước cửa Phòng đón tiếp bệnh nhân. Hai mẹ con tôi cúi rạp người cám ơn trong lòng đầy lo âu, ngờ vực.  Hai phút sau, một nữ y tá có đôi mắt lá răm đon đả bước ra, rồi lao tới, ôm hai vai mẹ tôi dìu vào làm thủ tục. Tôi sững người lại. Chết rồi, lần trước chính chị này quắc mắt mắng bố tôi xơi xơi khi ông buột mồm hỏi “Cháu cho bác hỏi đây có phải Phòng đón tiếp bệnh nhân không?” chị ta quát “Mù à! Biển treo lù lù trước cửa mà sao không thấy!”

- Dạ thưa mẹ, mẹ cho con biết quý danh của mẹ ạ? – Chị mắt lá răm nhẹ nhàng hỏi, bàn tay phải cầm cây bút bi chờ viết, bàn tay trái  múp míp nắn nắn vai mẹ tôi.
- Thưa chị, mẹ tôi tên là Lều Thị Dột ạ. – Tôi nhanh nhẩu đáp thay.
- Ôi, tên mế nghe thật thân thương. Thế năm nay mế thọ bao nhiêu tuổi ạ?
- Dạ, 78, người ta đùa là năm nay tôi thất bát. - Mẹ tôi đáp.
- Ôi chà, mế trông còn khỏe lắm, chắc phải sống đến 2 năm mươi!

Tôi giật mình, chợt hiểu, tay trái móc  vội 2 phong bì, mỗi bì 50 nghìn.
- Dạ, hôm nay đi vội, mẹ con em không kịp mua gì, chị cầm tạm mua quà cho các cháu. – Tôi dúi 2 phong bì vào cái túi dưới to tướng của chiếc áo blue trắng.
- Ấy chết, chị nói 2 năm mươi ý là cụ sẽ sống đến trăm tuổi chứ có phải đòi tiền đâu, không được, chị không lấy đâu! Các cháu nhà chị lớn cả rồi, không phải quà cáp gì hết. – Chị ta từ chối một cách quyết liệt, tay chỉ lên băng-rôn to tướng treo trên cửa “Lấy bệnh nhân làm trung tâm!”. Hai mẹ con tôi bối rối, lo lo.




- Bây giờ chú đưa mế đi xét nghiệm máu, xét nghiệm nước giải, đo điện tâm đồ, chụp X-quang, sau đó lên tầng 4 soi ổ bụng. – Chị y tá ân cần,
- Ô, nhưng mẹ tôi chỉ nhức răng không ăn, không ngủ được, chứ có gì nghiêm trọng đâu mà xét nghiệm nhiều thế? – Tôi hoảng, tay lần lần vào túi quần nhẩm kiểm tra lại số “đạn” mang theo.

- Chú thông cảm cho, đây là quy định bắt buộc, bệnh nhân vào đây phải được khám toàn diện.

Nói rồi, không để tôi phân bua thêm, chị ôm vai bà cụ dìu đến phòng xét nghiệm máu cách đấy 10 mét, đặt cụ ngồi vào cuối băng ghế ở hành lang, nơi đã có 4 vị bệnh nhân đang ngồi đợi. Vừa yên vị, bỗng xuất hiện một chị y tá trẻ hay điều dưỡng viên gì đó, mặt lốm đốm trứng cá, tay cầm chiếc quạt nan mới. Chị ta đứng giữa hành lang, trước ngay ghế băng và dang tay quạt. Năm bệnh nhân liếc nhìn nhau lo lắng.

- Chị ơi, khỏi phải quạt, chúng tôi không nóng đâu! – Cụ ông đầu hói, râu bạch tuộc muối tiêu lên tiếng.
- Sao lại không nóng hả ông, dễ ra cũng gần 40 độ đấy ạ, cứ để cháu quạt. – Chị ta tiếp tục lia quạt.

Nghe thế, đột nhiên, bà trung niên tóc búi ngược ngồi chính giữa, nghiêng cổ sang phía ông cụ râu bạch tuộc rồi lại nghiêng sang phía mẹ tôi thì thầm “Này, các bác có nghe thấy không, chị ấy nói phải gần 40 đấy. Nào, mỗi bác đưa nhanh tôi 40 nghìn, 5 người vị chi 2 trăm, rồi tôi sẽ đưa khéo cho chị ta.” Trong hành lang tối, chúng tôi mỗi người dúi vội bốn chục cho bà tóc búi.

- Em ơi, chúng tôi thấy mát lắm rồi, rất cám ơn em, không phải quạt nữa, em cầm tạm vài đồng đi uống cốc nước cho khỏi mệt. – Vừa nói, bà vừa dúi nắm tiền vào túi dưới áo blue xanh.
- Ấy, ấy, không được, không được - Chị ta giữ chặt tay bà này, đẩy cả tay cả tiền ra ngoài - các bác không nhìn thấy hàng chữ trên “băng dôn” to tướng trên tường hành lang à! “Lấy bệnh nhân làm trung tâm!”.  Nói rồi, chị ta dang tay quạt mạnh, và mồ hôi mọi người hình như chuyển hết từ lưng lên thái dương.




Đến gần 11 giờ rưỡi, các cuộc xét nghiệm rồi cũng xong, tôi dìu mẹ tôi đến Phòng khám răng hàm mặt.

Một cô y tá đẫy đà với 3 vòng đo bằng nhau bước ra, lễ phép mời:
- Xin mời mế Lều Thị Dột vào ạ.
- Xin mời bà ngồi. Anh là con trai bà à? Anh cứ ngồi cạnh bà cho bà khỏi lo. – Ông bác sĩ hộ pháp đầu cắt trọc như Lỗ Trí Thâm nhã nhặn.

Tôi đưa ông các tờ kết quả xét nghiệm và tấm phim X-quang khổ A3. Bác sĩ cầm lấy, không hề xem, để sang một bên.

- Thế bà đau gì?
- Dạ, đau răng ạ, 3  cái ở hàm trên và ho. – Mẹ tôi đáp.
- Bà há miệng ra để cháu xem.

Mẹ tôi há miệng. Đúng lúc đó, một chị mặc zíp đen ngắn củn, chân dài thẳng đuỗn, phấn hương  ngào ngạt bước vào.

- Chào, William Chu, anh chưa nghỉ ăn trưa à? Quên lời mời em rồi sao? – Chị ta ngúng ngoảy, vẻ không vui.
- Ôi, Emily, anh quên làm sao được. Em đến đây bằng gì? Có mệt lắm không?...




Thế rồi họ đong đưa, hỏi han nhau say sưa.  Còn mẹ tôi vẫn ngồi há miệng chờ. Tôi chợt nhớ câu chuyện có một vị bác sĩ nọ bắt bà bệnh nhân già ngồi há miệng trong suốt thời gian 15 phút ông ta ngồi kê đơn. Điều khó hiểu này chỉ lộ ra sau khi cô y tá trợ lý nói làm thế để bệnh nhân khỏi nói chuyện, hỏi han lằng nhằng, nhức đầu, nhất là các bà già. Tôi lấy hết can đảm cắt ngang:

- Thưa bác sĩ, bác sĩ cho phép mẹ em ngậm miệng lại một lúc được không ạ, cụ già yếu mà.
- Ôi chết, tôi xin lỗi, vâng vâng, tôi khám ngay đây. Emily, em chờ anh chút xíu nhé. – Nói rồi, ông ta đánh mắt vẻ xin lỗi về phía cô gái, thả ống soi trên đầu xuống mắt, tay cầm “mỏ lết” gõ nhẹ vào từng chiếc răng của bà cụ.

- Chà, 3 cái răng bà kêu đau đều sâu cả, phải nhổ đi trồng mới thôi. – Bác sĩ phán.
- Thế có tốn kém lắm không, bác sĩ? – Tôi lo lắng.
- Rẻ nhất thay răng sứ, mỗi cái gần 1 triệu, còn răng Titan thì gấp đôi. Nào, xem họng của bà nào, bà há mồm, thè lưỡi ra cháu xem!

Mẹ tôi há mồm, thè lưỡi.

- Thôi, anh bận thì em đi ăn một mình vậy. -  Chị chân dài giận dỗi hét lên.
- Ấy, ấy, Emily, chờ anh một chút nữa thôi. Thế em đã qua vòng sơ tuyển hoa hậu của tỉnh ta chưa?
- Trông em thế nào mà anh hỏi câu ngớ ngẩn thế!
- Anh xin lỗi, đúng đúng, xinh và dáng đẹp như em phải đặc cách! – Bác sĩ xuýt xoa.




Tôi nhìn mẹ tôi, bà cụ vẫn ngồi thè lưỡi. Tôi lại sực nhớ câu chuyện thứ hai cũng về vị bác sĩ kia có lần ông ta bắt một bà bệnh nhân già khác đứng trước cửa sổ, nhìn ra ngoài, thè lưỡi dễ đến 15 phút. Rồi cô y tá trợ lý cũng lộ ra cho biết vì phòng bên cạnh có tay bác sĩ đối thủ, ông này rất ghét, nên cho bà già thè lưỡi nhìn sang cho bõ ghét.
- Bác sĩ ơi, em sợ muỗi cắn sưng lưỡi mẹ em mất! – Tôi nhắc khéo.
- Ấy chết, xin lỗi bà, cháu mời bà thụt lưỡi vào ạ. Họng bà không sao cả, bà ho chẳng qua dị ứng thời tiết và cũng có thể do sâu răng. – Bác sĩ kết luận.

Mẹ tôi lẩy bẩy, lần lần tay mở kim băng, lấy từ túi ra 300 nghìn đưa bác sĩ.

- Ông cầm tạm, đây là tấm …tấm lòng thành của… của con. – Mẹ tôi lắp bắp.

- Chết, chết, sao bà lại xưng con với cháu. Bây giờ lương y không phải là mẹ hiền, bố hiền, bệnh nhân không phải là con mà là khách hàng, mà khách hàng là thượng đế. Chúng cháu có nghĩa vụ phục vụ thượng đế hết lòng, bà đừng lăn tăn gì nhé. Bà có nhìn thấy khẩu hiệu trên cửa phòng “Lấy bệnh nhân làm trung tâm!” không? – Nói rồi, anh ta gạt tay mẹ tôi, nhét lại tiền vào túi bà.



Hai mẹ con tôi cúi rạp người cám ơn.
- Không phải ơn huệ gì đâu. Bây giờ anh đưa bà ra quầy thanh toán tiền xét nghiệm và tiền khám bệnh. Nếu định trồng răng mới cho bà thì chiều nay qua tôi. – Vừa nói bác sĩ vừa cởi áo blue trắng xăm xăm tiến đến Emily mặt đang sưng lên với đôi mắt hình viên đạn.

Cô y tá đẫy đà le te chạy đến dìu mẹ tôi ra. Bà cụ lẩm bẩm:

- Hồi tôi 20 tuổi xinh đẹp, các bác sĩ khám rõ lâu, bắt cởi áo nghe tim, nghe phổi mãi, còn bây giờ há mồm, thè lưỡi một cái là xong.
- Vâng, khám cho các bà già chỉ thế thôi, bây giờ y học tiến bộ lắm rồi mế ạ. – Cô béo giải thích.

Tiền xét nghiệm và khám bệnh hết 2 triệu. Mặt mẹ tôi tái dại, miệng mếu máo:
- Con lợn bán được 3 triệu, thế mà có nửa ngày mẹ đã ăn hết 2 phần 3. Biết thế này ở nhà cho xong.
- Sao mẹ lại nói thế, ta ở lại, chiều con đưa mẹ đến trồng răng mới. – Tôi động viên.



- Còn có 1 triệu, 3  răng hỏng, anh định trồng cho tôi 1 răng à!? Thôi, thôi, không trồng trọt gì hết. Tôi già rồi, móm cũng có làm sao. Con trâu chỉ có mỗi hàm răng dưới mà sống khỏe cả đời, đây tôi còn hơn nó vài chiếc ở hàm trên. Để 1 triệu ấy mua đôi lợn con về nuôi. Cũng may, Bệnh viện người ta lấy bệnh nhân làm trung tâm, chứ không thì móng lợn cũng chẳng còn mà ăn.

Tôi đèo mẹ tôi về giữa trưa hè ngột ngạt, lòng nặng trĩu “Lấy bệnh nhân làm trung tâm! Không biết được làm trung tâm bao lâu đây? Bệnh nhân là Thượng đế! Nhưng Thượng đế có năm bảy loại Thượng đế. Đến bao giờ Loại Thượng Đế Nghèo như chúng tôi được ngẩng mặt đây?”.





Hà Nội, tháng 9 năm 2015
Nguyễn Đình Tài





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét