Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

Gặp Thầy DÂN 2015

(BBT - 17/10/2015 - thứ bảy) - Hàng năm cứ độ đầu tháng 10 - 11, Thầy Nguyễn Đức Dân lại ra Hà Nội dạy các lớp trên đại học cho Đại học KHXHNV (Đại học QG HN) hoặc có việc gia đình quê hương. Năm nay bạn Lê Vĩnh Thọ đã báo là ngày 7/10/2015 Thầy từ Sài Gòn bay ra. 

Ban Liên lạc Lớp G đã họp bàn tại nhà lớp trưởng Nguyễn Thị Ngọc về việc đón tiếp Thầy. Bạn Phạm Hữu Quỳ đề xuất mời Thầy Hàn Liên Hải và Thầy Hoàng Mai Định cùng dự cuộc gặp mặt. Bạn Lê Vĩnh Thọ thông báo sẽ mời Thầy Tuấn - chủ nhiệm lớp toán Yên Hòa - đến buổi giao lưu đầy ý nghĩa này. Như vậy đây sẽ là cuộc gặp mặt lịch sử khi mà có 4 thầy chủ nhiệm của 2 lớp toán đặc biệt (lớp Xuân Đỉnh và lớp Yên Hòa) lứa đầu tiên - khóa 1966-1968 - của thành phố Hà nội. Và buổi gặp gỡ đã diễn ra vui vẻ đầm ấm với đông đủ các bạn học trò "chuyên toán" ngày nào cùng bốn Thầy giáo.  

Sau cuộc gặp mặt, các bạn Lương Văn Phúc và Nguyễn Công Điều đã tích cực đăng ảnh lên các trang FB của mình. Xin cảm ơn các tác giả trang Phây và xin phép được trích lời văn và hình ảnh từ những trang FB của 2 cựu học sinh lớp G Xuân Đỉnh về buổi gặp mặt Thầy trò cảm động sau gần nửa thế kỷ gắn bó:


---------------------------------  



NHỮNG NGƯỜI THÀY CỦA TÔI 


49 năm rồi - những người thày thuở ấy, 

Vẫn hân hoan đến gặp mặt học trò...

Tóc bạc, da mồi, tay chống gậy,

Lại bồi hồi khi kể chuyện ngày xưa... 

                                                                                             Lg.Phúc - 14/10/2015




GẶP MẶT LỚP TOÁN ĐẶC BIỆT XUÂN ĐỈNH 

(FB của Lương Văn Phúc)

Chiều tối ngày 14/10/2015, lớp Toán G Xuân Đỉnh 1966-1968 đã họp mặt trong tiết cuối Thu tại nhà hàng Cảnh Hồ 171 đường Trường Chinh Hà Nội.

Buổi gặp mặt vinh dự lần đầu tiên có được cả 3 thày Chủ nhiệm lớp:  thày Dân (2/1966-8/1966), thày Hải (9/1966-1/1967), thày Định (2/1967-6/1968) và thày Tuấn – chủ nhiệm lớp toán Yên Hòa kết nghĩa. 

Tham gia gặp mặt còn có 23 thành viên của lớp đang sinh sống tại nhiều quận, huyện ở Hà Nội.

Thay mặt các bạn, lớp trưởng Nguyễn Thị Ngọc đã mừng thọ và chúc sức khỏe các thày nhân dịp Ngày Quốc tế hiến chương các Nhà giáo sắp tới. 

Buổi gặp mặt đã diễn ra vui vẻ, nhớ về những kỷ niệm xưa... và cùng hướng tới việc chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lớp Toán Đặc biệt Xuân Đỉnh 2/1966 – 2/2016.










(Nguyễn Huy Lâm - đứng đầu bên trái- lâu rồi mới gặp các bạn và Thầy giáo)



(Lớp trưởng Nguyên Thị Ngọc bên các Thầy)


(Trưởng ban tổ chức Phạm Hữu Quỳ phát biểu và chúc mừng các Thầy chủ nhiệm)


(Doanh nhân Nguyễn Khắc Sơn vui vẻ bên những bạn bè thuở cấp 3 xa xưa)






(Cựu Đại tá Lương Văn Phúc chào Thầy DÂN, trong khi Lê Vĩnh Thọ gửi Thầy Hải và Thầy Tuấn những tài liệu lịch sử)


(Hiệu trưởng ĐH Thăng Long Phan Huy Phú thăm hỏi Thầy Hàn Liên Hải)


(Bạn Khắc Sơn cố gắng từ Sài Đồng - quận Long Biên sang gặp các Thầy)


(Cựu giảng viên ĐH Mỏ Địa chất Mai Đình Nội mắc việc bận đến sau, nên không có mặt ở ảnh tập thể bên trên)








(Nguyễn Hữu Thông và Đỗ Xuân Thắng - bên phải sang-  vượt đường xa từ Đông Anh sang góp vui cùng bạn bè và gặp mặt Thầy giáo)









(Tổ 2 có sĩ số 10/41 của Lớp G khi tốt nghiệp tháng 5 năm1968, nhưng hôm nay có mặt 9 bạn (trong tổng số 23 dự vui tối nay), chỉ vắng Đỗ Bá Khôi.


*  *  *

Chia tay các Thầy. Hẹn gặp lại các bạn dịp kỷ niệm "Nửa thế kỷ Lớp Toán đặc biệt Hà nội 2/2016" :





----------------------------------------------------------------------------
(BBT - 17/10/2015 - biên tập từ FB của Lương Đức Văn Phúc và Nguyễn Công Điều)







Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

Gán nhãn chất lượng cho học hiệu,học hàm (thầy Dân)




2014-1 13


Cần đào thải những giáo sư, tiến sỹ "nằm vùng"


- Lời tòa soạn: Theo dõi tranh luận xung quanh câu chuyện Trường ĐH Tôn Đức Thắng thí điểm bổ nhiệm chức vụ chuyên môn, GS. TS. Nguyễn Đức Dân gửi tới VietNamNet bài viết "Gán nhãn chất lượng cho học hiệu, học hàm".
Từ năm 2003, GS.TS. Nguyễn Đức Dân đã đề nghị “Hãy đưa những học vị, học hàm này về từng cơ sở nghiên cứu và đào tạo như đã đưa các thương hiệu về từng công ty. Khi câu chuyện trở nên “sôi nổi” vào 12 năm sau, GS.TS. Nguyễn Đức Dân đã có những ý kiến của riêng mình. Dưới đây là bài viết của ông:
Học hàm, học vị như thương hiệu công ty
Tôi muốn đề nghị một cơ chế cụ thể: Gán nhãn chất lượng cho những sản phẩm giáo dục đại học và sau đại học.
Có một thực tế không thể bác bỏ là chất lượng giữa các trường đại học rất khác nhau, chất lượng giữa các loại hình đào tạo cũng rất khác nhau. Cấp một văn bằng, một học vị là cấp một giấy xác nhận về trình độ chuyên môn, năng lực khoa học để người có văn bằng đó được quyền hành nghề theo chuyên môn ghi trong đó. Nhưng có những người tìm kiếm một văn bằng không vì mục đích chuyên môn, không vì động cơ khoa học mà vì động cơ quyền lực và địa vị.
Nguyễn Đức Dân, giáo sư
Ảnh Văn Chung
Cần đào thải những người dùng bằng cấp tiến sĩ (TS) như một thứ hàng hóa, một thư “mác” làm “cần câu cơm”, dùng để “chạy sô” kiếm tiền nhanh hơn, nhiều hơn.
Hàng hóa dùng lâu thì mòn hỏng. Hàng hóa để lâu cũng “quá đát”, hết thời hạn dùng. Con người cũng vậy. Khoa học luôn luôn phát triển với tốc độ ngày một nhanh. Nhà khoa học không chịu nghiên cứu, tự bằng lòng với những kiến thức cũ mèm tất không đáp ứng nhiệm vụ được trao. Theo đúng quy luật phát triển của xã hội, họ cần bị đào thải.
Nhiều người sau khi được học vị TS, học hàm phó giáo sư (PGS), giáo sư (GS) thì không nghiên cứu gì nữa (GS Hoàng Tụy cho rằng số này chiếm hơn 2/3). Họ trở thành những nhà khoa học “nằm vùng”, cả chục năm không hề có một công trình khoa học. Nhưng họ vẫn đường đường có “mác” TS, PGS… như ai và xã hội không biết họ là TS thực, PGS thực… hay là “tiến sĩ giấy”, “PGS giấy”.
Cần đào thải những ai, những gì không còn thích hợp, không còn đáp ứng nhiệm vụ được giao phó. Để thực hiện điều này, ngoài những biện pháp hành chính tôi đề nghị một cơ chế dùng dư luận xã hội.
Không thể có một thương hiệu sơ mi Việt Nam, giày dép Việt Nam, cà phê Việt Nam …chung chung do nhà nước bao cấp để cạnh tranh với thiên hạ mà phải là “sơ mi Việt Tiến”, “giày Biti’s”, “giày Thượng Đình”, “cà phê Trung Nguyên”…
Các công ty theo quy luật của thị trường cạnh tranh nhau để tồn tại và phát triển. Vậy thì cũng không nên có những học vị, học hàm, TS, PGS, GS chung chung.
Cái “mác” chung chung như vậy đồng nghĩa với việc Nhà nước đã bao cấp chất lượng cho những học vị, học hàm này. Nếu như Nhà nước không thể bao cấp chất lượng cho các thương hiệu thì Nhà nước cũng không thể bao cấp chất lượng cho các học hiệu.
Cần theo đúng quy luật: Hãy đưa những học vị, học hàm này về từng cơ sở nghiên cứu và đào tạo như đã đưa các thương hiệu về từng công ty. PGS, GS là của từng trường cụ thể chứ không phải là PGS, GS Việt Nam chung chung.
Nhưng cần gán nhãn chất lượng học vị, học hàm cho từng giảng viên mỗi trường đại học. Có vậy xã hội mới có điều kiện tốt hơn trong việc bình giá chất lượng và do đó sàng lọc con người và sàng lọc các trường đại học.
“Dán nhãn” như thế nào?
Thiết tưởng ở đây chúng ta nên nhắc tới châm ngôn “publish or perish” (công bố hay tàn lụi, công bố công trình khoa học hay tự đào thải) trong giới khoa học Mỹ. Chúng ta nên dùng cơ chế công bố công trình khoa học như nhiều quốc gia đã thực hiện để gán nhãn chất lượng học hiệu, học hàm: Hằng năm mỗi trường đại học phải xuất bản niên giám khoa học công bố danh sách những công trình khoa học của những giảng viên cơ hữu trường mình trong 3 năm gần nhất.
Những giảng viên là GS, PGS, TS nhất thiết phải được ghi tên vào niên giám này dù không có công trình khoa học nào. Dễ dàng xây dựng được những quy định đảm bảo cho những niên giám này là trung thực.  
Bộ GD-ĐT cũng cần có niên giám chính thức cho các GS, PGS ở từng khối ngành. Khó khăn chính trong việc xuất bản những niên giám này không phải ở chỗ không có kinh phí xuất bản. Chỉ bớt đi vài bữa “tiếp khách” hay “mừng thành tích” là mỗi trường có đủ tiền để thực hiện. Khó khăn chủ yếu là có những GS, PGS không thích công bố niên giám này, trước hết là những GS quan chức ở các ban, bộ trên trung ương.
Tôi dùng “GS quan chức” để phân biệt với “GS đứng lớp”, theo cách dùng phân biệt “kiến trúc sư hành nghề và kiến trúc sư quan chức”. Thủ tướng, một mặt nên có những quy định miễn giảm công trình khoa học cho các GS quan chức – GS VIP, mặt khác cần có sự can thiệp trực tiếp bằng văn bản buộc các trường đại học phải công bố niên giám khoa học trường mình. Có thế cơ chế gán nhãn chất lượng học hiệu, học hàm mới có cơ may thực hiện được.
Một khi thực hiện được việc gán nhãn chất lượng học hiệu cho các trường, học vị, học hàm cho cá nhân, xã hội sẽ đòi hỏi mỗi giảng viên, mỗi trường đại học phải cố gắng nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy để xây dựng uy tín cho mình, cho trường mình tồn tại.  
2014-1 3
Xác định điều kiện trường xứng đáng
Quay trở lại với câu chuyện “GS trường”, tôi nhấn mạnh PGS, GS là của từng trường cụ thể chứ không phải là PGS, GS Việt Nam chung chung”.
Điều này đồng nghĩa với những trường ĐH đủ điều kiện có GS, PGS thì được quyền tự chủ phong. Có điều, cần ngăn chặn ngay từ đầu những hiện tượng tự phong quá đáng như đã xảy ra: Một người không đạt sau mấy lần đăng ký phong hàm PGS nay tự phong vọt lên thành GS! Vậy cần xác định điều kiện cần cho một trường xứng đáng có chức danh GS, PGS.
Thế nào là một trường ĐH đủ điều kiện có GS, PGS? Điều này liên quan đến việc phân loại, xếp hạng các trường ĐH ở Việt Nam. Cần có một tổ chức độc lập đánh giá, phân loại, xếp hạng các trường ĐH. Loại, hạng mà mỗi trường có được là điều kiện cần để một ngành, một trường có (hay không có) và có bao nhiêu GS, PGS… Điều này không thể làm được trong ngày một ngày hai, mà cần một lộ trình khoa học và nghiêm  túc.
Hệ quả thứ nhất khi có “GS trường” là: Không cần thiết tồn tại Hội đồng chức danh xét phong học hàm quốc gia nữa. Nó dần dần được thay thế bằng những hội đồng khoa học của những trường có đủ điều kiện tự phong GS, PGS.
Và hệ quả thứ hai, những GS, PGS đã về hưu và không còn tham gia đào tạo, hướng dẫn khoa học nữa, hoặc đã trở thành GS, PGS VIP, nếu vẫn muốn giữ danh hiệu này thì cần thêm chữ “nguyên” trước học hàm của mình.
2014-1 4

GS. TS Nguyễn Đức Dân, sinh 1936, cháu của cụ Nguyễn Khuyến.
Tốt nghiệp toán Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1958, về Sở Giáo dục Hà Nội, phụ trách môn Toán.
Cuối năm 1966, ông làm NCS ở Ba Lan. Vì không còn giáo sư toán học nào hướng dẫn, nên ông làm NCS về Ngôn ngữ. Về nước thầy được phân công về khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội dạy ngôn ngữ.
Năm 1996, Khoa Ngôn ngữ học được thành lập, và GS Ng. Đức Dân là người khai sinh bộ môn thống kê học ngôn ngữ ở Việt nam. Sau này GS.TS Ng. Đức Dân chuyển vào ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn, và nghỉ hưu tại đây.

Nhà giáo Nguyễn Đức Dân

--------------------------------------------------------------------------
Nguồn: http://m.vietnamnet.vn/vn/giao-duc/263552/can-dao-thai-nhung-giao-su--tien-sy--nam-vung-.html

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

Lấy bệnh nhân làm trung tâm (truyện của Đình Tài)



LẤY BỆNH NHÂN LÀM TRUNG TÂM

Nguyễn Đình Tài


Đi từ 5 giờ sáng mà mãi đến gần 9 giờ hai mẹ con mới đến được bệnh viện tỉnh. Trời oi nóng, đường đồi, bụi,  xóc, mẹ tôi mệt tơi tả. Tôi đỡ bà xuống xe, dìu bà ngồi tạm xuống vỉa hè, rồi dắt chiếc xe Honda 70 tã nát đi gửi. Lúc quay lại, lạ chưa, bà cụ đang được hai anh bảo vệ bệnh viện xốc nách, dìu vào phòng thường trực.

- Các anh làm gì thế này? – Tôi thất thanh.

- Kính chào quý anh, - Cả hai nở nụ cười tươi, - chúng tôi đón cụ vào bệnh viện đây.

Tôi chợt cảnh giác. Cũng hai thằng cha này, mới tháng trước, tôi đưa bố tôi đi khám, chúng còn hất hàm hỏi xẵng ông cụ “Ông vào đây làm gì? Con cháu đâu? Sao không có đứa nào đi áp tải?”. Tôi đi sau 3 bước vội dướn lên “Dạ, có em là con cụ đây.  Em đưa cụ đi khám bệnh ạ”. “ Vào đi” – Gã đầu đinh quát. Vậy mà lần này  mới lạ làm sao.

- Dạ, xin khỏi phiền các anh, các anh cứ để em đưa mẹ em vào. – Tôi vội lao vào, ôm lấy vai cụ.
- Ấy, ấy, chú em, để các anh cõng cụ vào phòng khám, cụ nhẹ thôi mà, giỏi lắm 5 chục cân. – Gã béo có một nhát sẹo bên má trái kéo tay cụ đưa về phía lưng mình.
“5 chục ư?”  Tôi chợt hiểu ra.




- Thôi, thôi, em xin các anh! – Vừa nói tôi vừa tay phải túm lấy cổ tay trái mẹ tôi, còn tay trái thò vào túi ngực rút ra phong bì 50 chục nghìn. – Đây, đây, các anh cầm tạm uống nước cho đỡ khát.
- Ấy chết, đừng em, - Gã đầu đinh đẩy tay phong bì tôi ra, - bọn anh không khát, nước vối có cả thùng trong góc phòng kia rồi. Chú em đừng “lăn tăn” gì.

Gã béo đặt cụ ngồi trước cửa Phòng đón tiếp bệnh nhân. Hai mẹ con tôi cúi rạp người cám ơn trong lòng đầy lo âu, ngờ vực.  Hai phút sau, một nữ y tá có đôi mắt lá răm đon đả bước ra, rồi lao tới, ôm hai vai mẹ tôi dìu vào làm thủ tục. Tôi sững người lại. Chết rồi, lần trước chính chị này quắc mắt mắng bố tôi xơi xơi khi ông buột mồm hỏi “Cháu cho bác hỏi đây có phải Phòng đón tiếp bệnh nhân không?” chị ta quát “Mù à! Biển treo lù lù trước cửa mà sao không thấy!”

- Dạ thưa mẹ, mẹ cho con biết quý danh của mẹ ạ? – Chị mắt lá răm nhẹ nhàng hỏi, bàn tay phải cầm cây bút bi chờ viết, bàn tay trái  múp míp nắn nắn vai mẹ tôi.
- Thưa chị, mẹ tôi tên là Lều Thị Dột ạ. – Tôi nhanh nhẩu đáp thay.
- Ôi, tên mế nghe thật thân thương. Thế năm nay mế thọ bao nhiêu tuổi ạ?
- Dạ, 78, người ta đùa là năm nay tôi thất bát. - Mẹ tôi đáp.
- Ôi chà, mế trông còn khỏe lắm, chắc phải sống đến 2 năm mươi!

Tôi giật mình, chợt hiểu, tay trái móc  vội 2 phong bì, mỗi bì 50 nghìn.
- Dạ, hôm nay đi vội, mẹ con em không kịp mua gì, chị cầm tạm mua quà cho các cháu. – Tôi dúi 2 phong bì vào cái túi dưới to tướng của chiếc áo blue trắng.
- Ấy chết, chị nói 2 năm mươi ý là cụ sẽ sống đến trăm tuổi chứ có phải đòi tiền đâu, không được, chị không lấy đâu! Các cháu nhà chị lớn cả rồi, không phải quà cáp gì hết. – Chị ta từ chối một cách quyết liệt, tay chỉ lên băng-rôn to tướng treo trên cửa “Lấy bệnh nhân làm trung tâm!”. Hai mẹ con tôi bối rối, lo lo.




- Bây giờ chú đưa mế đi xét nghiệm máu, xét nghiệm nước giải, đo điện tâm đồ, chụp X-quang, sau đó lên tầng 4 soi ổ bụng. – Chị y tá ân cần,
- Ô, nhưng mẹ tôi chỉ nhức răng không ăn, không ngủ được, chứ có gì nghiêm trọng đâu mà xét nghiệm nhiều thế? – Tôi hoảng, tay lần lần vào túi quần nhẩm kiểm tra lại số “đạn” mang theo.

- Chú thông cảm cho, đây là quy định bắt buộc, bệnh nhân vào đây phải được khám toàn diện.

Nói rồi, không để tôi phân bua thêm, chị ôm vai bà cụ dìu đến phòng xét nghiệm máu cách đấy 10 mét, đặt cụ ngồi vào cuối băng ghế ở hành lang, nơi đã có 4 vị bệnh nhân đang ngồi đợi. Vừa yên vị, bỗng xuất hiện một chị y tá trẻ hay điều dưỡng viên gì đó, mặt lốm đốm trứng cá, tay cầm chiếc quạt nan mới. Chị ta đứng giữa hành lang, trước ngay ghế băng và dang tay quạt. Năm bệnh nhân liếc nhìn nhau lo lắng.

- Chị ơi, khỏi phải quạt, chúng tôi không nóng đâu! – Cụ ông đầu hói, râu bạch tuộc muối tiêu lên tiếng.
- Sao lại không nóng hả ông, dễ ra cũng gần 40 độ đấy ạ, cứ để cháu quạt. – Chị ta tiếp tục lia quạt.

Nghe thế, đột nhiên, bà trung niên tóc búi ngược ngồi chính giữa, nghiêng cổ sang phía ông cụ râu bạch tuộc rồi lại nghiêng sang phía mẹ tôi thì thầm “Này, các bác có nghe thấy không, chị ấy nói phải gần 40 đấy. Nào, mỗi bác đưa nhanh tôi 40 nghìn, 5 người vị chi 2 trăm, rồi tôi sẽ đưa khéo cho chị ta.” Trong hành lang tối, chúng tôi mỗi người dúi vội bốn chục cho bà tóc búi.

- Em ơi, chúng tôi thấy mát lắm rồi, rất cám ơn em, không phải quạt nữa, em cầm tạm vài đồng đi uống cốc nước cho khỏi mệt. – Vừa nói, bà vừa dúi nắm tiền vào túi dưới áo blue xanh.
- Ấy, ấy, không được, không được - Chị ta giữ chặt tay bà này, đẩy cả tay cả tiền ra ngoài - các bác không nhìn thấy hàng chữ trên “băng dôn” to tướng trên tường hành lang à! “Lấy bệnh nhân làm trung tâm!”.  Nói rồi, chị ta dang tay quạt mạnh, và mồ hôi mọi người hình như chuyển hết từ lưng lên thái dương.




Đến gần 11 giờ rưỡi, các cuộc xét nghiệm rồi cũng xong, tôi dìu mẹ tôi đến Phòng khám răng hàm mặt.

Một cô y tá đẫy đà với 3 vòng đo bằng nhau bước ra, lễ phép mời:
- Xin mời mế Lều Thị Dột vào ạ.
- Xin mời bà ngồi. Anh là con trai bà à? Anh cứ ngồi cạnh bà cho bà khỏi lo. – Ông bác sĩ hộ pháp đầu cắt trọc như Lỗ Trí Thâm nhã nhặn.

Tôi đưa ông các tờ kết quả xét nghiệm và tấm phim X-quang khổ A3. Bác sĩ cầm lấy, không hề xem, để sang một bên.

- Thế bà đau gì?
- Dạ, đau răng ạ, 3  cái ở hàm trên và ho. – Mẹ tôi đáp.
- Bà há miệng ra để cháu xem.

Mẹ tôi há miệng. Đúng lúc đó, một chị mặc zíp đen ngắn củn, chân dài thẳng đuỗn, phấn hương  ngào ngạt bước vào.

- Chào, William Chu, anh chưa nghỉ ăn trưa à? Quên lời mời em rồi sao? – Chị ta ngúng ngoảy, vẻ không vui.
- Ôi, Emily, anh quên làm sao được. Em đến đây bằng gì? Có mệt lắm không?...




Thế rồi họ đong đưa, hỏi han nhau say sưa.  Còn mẹ tôi vẫn ngồi há miệng chờ. Tôi chợt nhớ câu chuyện có một vị bác sĩ nọ bắt bà bệnh nhân già ngồi há miệng trong suốt thời gian 15 phút ông ta ngồi kê đơn. Điều khó hiểu này chỉ lộ ra sau khi cô y tá trợ lý nói làm thế để bệnh nhân khỏi nói chuyện, hỏi han lằng nhằng, nhức đầu, nhất là các bà già. Tôi lấy hết can đảm cắt ngang:

- Thưa bác sĩ, bác sĩ cho phép mẹ em ngậm miệng lại một lúc được không ạ, cụ già yếu mà.
- Ôi chết, tôi xin lỗi, vâng vâng, tôi khám ngay đây. Emily, em chờ anh chút xíu nhé. – Nói rồi, ông ta đánh mắt vẻ xin lỗi về phía cô gái, thả ống soi trên đầu xuống mắt, tay cầm “mỏ lết” gõ nhẹ vào từng chiếc răng của bà cụ.

- Chà, 3 cái răng bà kêu đau đều sâu cả, phải nhổ đi trồng mới thôi. – Bác sĩ phán.
- Thế có tốn kém lắm không, bác sĩ? – Tôi lo lắng.
- Rẻ nhất thay răng sứ, mỗi cái gần 1 triệu, còn răng Titan thì gấp đôi. Nào, xem họng của bà nào, bà há mồm, thè lưỡi ra cháu xem!

Mẹ tôi há mồm, thè lưỡi.

- Thôi, anh bận thì em đi ăn một mình vậy. -  Chị chân dài giận dỗi hét lên.
- Ấy, ấy, Emily, chờ anh một chút nữa thôi. Thế em đã qua vòng sơ tuyển hoa hậu của tỉnh ta chưa?
- Trông em thế nào mà anh hỏi câu ngớ ngẩn thế!
- Anh xin lỗi, đúng đúng, xinh và dáng đẹp như em phải đặc cách! – Bác sĩ xuýt xoa.




Tôi nhìn mẹ tôi, bà cụ vẫn ngồi thè lưỡi. Tôi lại sực nhớ câu chuyện thứ hai cũng về vị bác sĩ kia có lần ông ta bắt một bà bệnh nhân già khác đứng trước cửa sổ, nhìn ra ngoài, thè lưỡi dễ đến 15 phút. Rồi cô y tá trợ lý cũng lộ ra cho biết vì phòng bên cạnh có tay bác sĩ đối thủ, ông này rất ghét, nên cho bà già thè lưỡi nhìn sang cho bõ ghét.
- Bác sĩ ơi, em sợ muỗi cắn sưng lưỡi mẹ em mất! – Tôi nhắc khéo.
- Ấy chết, xin lỗi bà, cháu mời bà thụt lưỡi vào ạ. Họng bà không sao cả, bà ho chẳng qua dị ứng thời tiết và cũng có thể do sâu răng. – Bác sĩ kết luận.

Mẹ tôi lẩy bẩy, lần lần tay mở kim băng, lấy từ túi ra 300 nghìn đưa bác sĩ.

- Ông cầm tạm, đây là tấm …tấm lòng thành của… của con. – Mẹ tôi lắp bắp.

- Chết, chết, sao bà lại xưng con với cháu. Bây giờ lương y không phải là mẹ hiền, bố hiền, bệnh nhân không phải là con mà là khách hàng, mà khách hàng là thượng đế. Chúng cháu có nghĩa vụ phục vụ thượng đế hết lòng, bà đừng lăn tăn gì nhé. Bà có nhìn thấy khẩu hiệu trên cửa phòng “Lấy bệnh nhân làm trung tâm!” không? – Nói rồi, anh ta gạt tay mẹ tôi, nhét lại tiền vào túi bà.



Hai mẹ con tôi cúi rạp người cám ơn.
- Không phải ơn huệ gì đâu. Bây giờ anh đưa bà ra quầy thanh toán tiền xét nghiệm và tiền khám bệnh. Nếu định trồng răng mới cho bà thì chiều nay qua tôi. – Vừa nói bác sĩ vừa cởi áo blue trắng xăm xăm tiến đến Emily mặt đang sưng lên với đôi mắt hình viên đạn.

Cô y tá đẫy đà le te chạy đến dìu mẹ tôi ra. Bà cụ lẩm bẩm:

- Hồi tôi 20 tuổi xinh đẹp, các bác sĩ khám rõ lâu, bắt cởi áo nghe tim, nghe phổi mãi, còn bây giờ há mồm, thè lưỡi một cái là xong.
- Vâng, khám cho các bà già chỉ thế thôi, bây giờ y học tiến bộ lắm rồi mế ạ. – Cô béo giải thích.

Tiền xét nghiệm và khám bệnh hết 2 triệu. Mặt mẹ tôi tái dại, miệng mếu máo:
- Con lợn bán được 3 triệu, thế mà có nửa ngày mẹ đã ăn hết 2 phần 3. Biết thế này ở nhà cho xong.
- Sao mẹ lại nói thế, ta ở lại, chiều con đưa mẹ đến trồng răng mới. – Tôi động viên.



- Còn có 1 triệu, 3  răng hỏng, anh định trồng cho tôi 1 răng à!? Thôi, thôi, không trồng trọt gì hết. Tôi già rồi, móm cũng có làm sao. Con trâu chỉ có mỗi hàm răng dưới mà sống khỏe cả đời, đây tôi còn hơn nó vài chiếc ở hàm trên. Để 1 triệu ấy mua đôi lợn con về nuôi. Cũng may, Bệnh viện người ta lấy bệnh nhân làm trung tâm, chứ không thì móng lợn cũng chẳng còn mà ăn.

Tôi đèo mẹ tôi về giữa trưa hè ngột ngạt, lòng nặng trĩu “Lấy bệnh nhân làm trung tâm! Không biết được làm trung tâm bao lâu đây? Bệnh nhân là Thượng đế! Nhưng Thượng đế có năm bảy loại Thượng đế. Đến bao giờ Loại Thượng Đế Nghèo như chúng tôi được ngẩng mặt đây?”.





Hà Nội, tháng 9 năm 2015
Nguyễn Đình Tài





Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

So sánh Đông Tây qua hình đồ họa


Bộ ảnh thú vị về sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây

http://edu.net.vn/media/p/456995.aspx

(Dân trí) - Phương Đông và phương Tây vốn luôn chứa đựng nhiều quan niệm khác biệt. Bộ ảnh đồ họa dưới đây sẽ đề cập tới sự khác biệt đó dưới góc nhìn gắn gọn, hài hước, thú vị, đầy tính chiêm nghiệm.

Một nghệ sĩ trẻ người Trung Quốc có tên Yang Liu hiện đang sinh sống tại Đức vừa cho ra mắt bộ ảnh đồ họa có tên “East Meets West” (Đông Tây gặp gỡ). Bộ ảnh cho thấy sự khác biệt trong đời sống văn hóa - xã hội giữa phương Đông và phương Tây.
“Đông Tây gặp gỡ” thể hiện cách nhìn vừa chính xác vừa hài hước về sự khác biệt muôn thuở. Nghệ sĩ Yang Liu cho biết: “Những thông tin được thể hiện trong bộ ảnh đồ họa này mang ý nghĩa tương đối cá nhân, dựa trên những trải nghiệm và cảm nhận của bản thân tôi sau gần hai thập kỷ sinh sống ở Châu Âu”.

Dưới đây là bộ ảnh thú vị của nghệ sĩ Yang Liu:

Cách thể hiện ý kiến cá nhânCách thể hiện ý kiến cá nhân: Người phương Tây quan trọng sự thẳng thắn. Người phương Đông đề cao sự khéo léo, mềm mỏng.

Phong cách sống
Phong cách sống: Người phương Tây đề cao cái Tôi, năng lực cá nhân, cá tính riêng… Người phương Đông trân trọng cái Ta, con người phải luôn biết hòa nhập với môi trường xung quanh để tạo nên sự hài hòa.


Vấn đề đúng giờ
Vấn đề đúng giờ: Đúng giờ là yếu tố rất được tôn trọng trong các cuộc gặp gỡ ở thế giới phương Tây. Người ta không cần đến sớm để thể hiện sự tôn trọng nhưng càng không nên đến muộn vì đó là hành động bất lịch sự. Người phương Đông thì khác, họ có thể xê dịch giờ hẹn đôi chút và điều đó không trở thành vấn đề lớn.


Cấp trên
Cấp trên: Trong thế giới phương Tây, sếp cũng là người đi làm kiếm sống như nhân viên, chỉ có điều cấp bậc, tầm nhìn và lương bổng của sếp cao hơn một chút. Ở phương Đông, sếp được coi là “người khổng lồ”.


Các mối quan hệ và sự kết nối trong xã hội
Các mối quan hệ và sự kết nối trong xã hội: Các mối quan hệ trong thế giới phương Tây không mang nặng tính “dắt dây” như trong xã hội phương Đông.


Cách thể hiện cảm xúc
Cách thể hiện cảm xúc: Người phương Tây vui buồn đều thể hiện khá rõ ràng còn người phương Đông có thể “trong héo ngoài tươi”.


Văn hóa xếp hàng
Văn hóa xếp hàng: Thực tế văn hóa xếp hàng đã dần hình thành tại nhiều nước phương Đông, đặc biệt tại các thành phố lớn. Tuy vậy, nhìn chung, nó chưa ăn sâu vào nếp sống của người phương Đông ở mọi lúc mọi nơi.


Nhìn nhận về bản thân
Nhìn nhận về bản thân: Người phương Tây rất quan trọng cái Tôi, đề cao tính cá nhân trong một số khía cạnh của đời sống. Họ đòi hỏi những người xung quanh phải tôn trọng những gì thuộc về vấn đề cá nhân. Ở phương Đông, cái Tôi thường nhỏ bé, dễ bị khỏa lấp và việc quên đi cái Tôi được cho là một đức tính đáng khen ngợi.


Đường phố ngày cuối tuần
Đường phố ngày cuối tuần: Những ngày cuối tuần, đường phố phương Tây thường vắng vẻ, họ không đổ ra đường mà thường có hai lựa chọn: một là ở nhà ngủ bù cho cả tuần lao động vất vả, hai là về miền quê vui chơi, hít thở không khí trong lành. Ở phương Đông, đặc biệt tại các thành phố lớn, người dân thường đổ ra đường, tới các khu vui chơi và trung tâm mua sắm để giải trí.


Tiệc tùng
Tiệc tùng: Tại những bữa tiệc trang trọng, người phương Tây thích đứng thành nhóm nhỏ, rủ rỉ trò chuyện. Người phương Đông thích ngồi thành những nhóm lớn, trò chuyện ồn ào, đó được coi là biểu hiện của sự hào hứng, vui vẻ. Tiệc càng ồn càng chứng tỏ tổ chức thành công.


Tiếng ồn trong nhà hàng
Tiếng ồn trong nhà hàng: Người phương Tây rất ngại việc nói to ở nơi đông người. Vì vậy, ở nơi công cộng như nhà hàng, quán ăn, họ nói nhỏ, chỉ đủ để người ngồi với mình nghe thấy. Ngay cả việc gọi nhân viên phục vụ cũng được thể hiện bằng ánh mắt và động tác tay. Người phương Đông khá vô tư trong việc này, họ có thể nói to, gọi nhau í ới ở nơi đông người.


Thức uống “lành mạnh”
Thức uống “lành mạnh”: Ở phương Tây, nếu ai đó bị yếu bụng hoặc đau dạ dày, khi dùng bữa, họ sẽ uống nước ngọt có gas, trong khi đó, người phương Đông sẽ gọi trà hoặc nước khoáng.


Đi du lịch
Đi du lịch: Người phương Tây đề cao việc quan sát và trải nghiệm thực tế trong suốt chuyến đi. Trong khi đó, đối với người phương Đông, việc lưu lại hình ảnh làm kỷ niệm trong từng chặng đường, từng địa điểm thăm quan là một việc quan trọng không kém.


Vẻ đẹp lý tưởng
Vẻ đẹp lý tưởng: Người phương Tây thích da nâu, người phương Đông thích da trắng.


Trẻ em trong gia đình
Trẻ em trong gia đình: Trẻ em ở phương Tây không được cả gia đình chăm lo, ưu ái như ở phương Đông. Trong gia đình phương Tây, trẻ em có vị trí ngang bằng như những thành viên khác trong nhà, cũng có quyền lợi và nghĩa vụ riêng. Ở phương Đông, em bé thường được coi là trung tâm thú vị của cả nhà và các thành viên sẽ xoay quanh “tâm điểm” này.


Giải quyết vấn đề
Giải quyết vấn đề: Người phương Tây coi trọng kết quả sau cùng, vì vậy, họ sẵn sàng đương đầu với vấn đề cản trở, cốt sao đạt được mục tiêu nhanh nhất. Người phương Đông quan trọng quá trình thực hiện. Vốn không thích đối đầu, xung đột, nên người phương Đông có thể chấp nhận đi vòng một chút, tuy mất thời gian hơn nhưng vẫn đạt được kết quả sau cùng và không tổn hao quá nhiều sức lực.


Các bữa ăn trong ngày
Các bữa ăn trong ngày: Người phương Tây thường ăn sáng vội vàng, ăn tối qua loa, thường dùng đồ ăn nhanh, bữa trưa vì vậy được coi là bữa ăn thư thái nhất trong ngày khi họ có thể rủ bạn bè ra tiệm dùng bữa. Người phương Đông đề cao tầm quan trọng của cả 3 bữa ăn trong ngày, họ thích sự nóng sốt. Ăn uống qua quýt theo kiểu “cơm đường cháo chợ” là điều không ai thích.


Phương tiện di chuyển
Phương tiện di chuyển: Trước đây, khi người phương Tây coi ô tô là phương tiện di chuyển hiệu quả nhất, người phương Đông còn đi xe đạp. Giờ đây, người phương Tây lại coi xe đạp là phương tiện di chuyển “lành mạnh” nhất, trong khi đó, người phương Đông đã chuyển sang đi ô tô (nếu có điều kiện).


Cuộc sống của người già
Cuộc sống của người già: Dạo chơi công viên ở phương Tây, bạn sẽ bắt gặp nhiều cụ già dắt thú cưng đi dạo. Ở phương Đông, bạn sẽ thấy các cụ già dắt cháu đi chơi.

Tắm táp
Tắm táp: Người phương Tây thích tắm sáng rồi mới đi làm. Người phương Đông thích tắm tối trước khi đi ngủ.


Ẩm thực sành điệu
Ẩm thực sành điệu: Người phương Tây sành điệu sẽ tìm tới các món Á. Người phương Đông “ăn chơi” sẽ tìm tới các món Âu.


Thời tiết và cảm xúc
Thời tiết và cảm xúc: Người phương Tây thích nắng, ghét mưa. Họ đặc biệt yêu những ngày nắng (có lẽ vì thế mà họ thích da nâu). Người phương Đông thích cả mưa và nắng. Nắng mưa đối với người phương Đông đều có nét đẹp, nét thú vị riêng.


Đông Tây trong mắt nhau
Đông Tây trong mắt nhau: Trong mắt người phương Tây, người phương Đông đặc trưng với nón lá, thích uống trà và ăn cơm. Người phương Đông ấn tượng với người phương Tây vì mũ nồi cao, xúc xích và bia.

Bích Ngọc
Theo Bored Panda

(Vĩnh Thuận sưu tầm từ FB của Quách Tuấn Ngọc - CN 4/10/2015)