Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Thầy DÂN thăm Hà nội 10-2014

Cuối tháng 10-2014 Thầy Nguyễn Đức Dân ra thăm Hà nội. Lớp G đã tổ chức cuộc gặp mặt với Thầy chiều tối ngày 18/10/2014 tại nhà hàng Quang Minh ở đường Láng. Bạn Nguyễn Bá Ân đến dự liên hoan và được Thầy tặng sách.














Bạn Nguyễn Xuân Thắng không đến dự cuộc gặp mặt hôm 18/10 được, đã mời Thầy đến thăm nhà mới của bạn. 
Chiều ngày 24/10/2014 Thầy Dân được các bạn Lớp G tháp tùng lên nhà bạn Xuân Thắng và nhà vườn bạn Mai Đình Nội. 
Chủ tịch Hiệp hội UNESCO VN Xuân Thắng đã vào bếp nấu ăn chiêu đãi Thầy cùng các bạn. 


















Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

RA BẮC VÀO NAM (Ng. Đức DÂN)



Triết lý tiếng Việt trong ‘vào Nam ra Bắc
                                                                                          Nguyễn Đức Dân
http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20140401/triet-ly-tieng-viet-trong-vao-nam-ra-bac/600871.html

1.             RA, VÀO là hai từ chỉ vận động định hướng trong không gian
Tại sao nói ‘vào Nam ra Bắc’ nhưng  không thể nói ‘*vào Bắc ra Nam’? Tại sao một  em bé mới sinh được gọi là ‘mới ra đời’ còn những sinh viên tốt nghiệp và rời trường thì được gọi là ‘bước vào đời’? Những câu hỏi này liên quan tới hiện tượng chuyển nghĩa rất thú vị của các từ  ra, vào.
          Ra, vào là những vận động định hướng. Về ý nghĩa chúng có liên hệ chặt chẽ với hai từ  trỏ vị trí trong, ngoài: ‘Người xấu duyên lặn vào trong/ Bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài. (ca dao)
Từ thời xa xưa  tổ tiên chúng ta nhận ra trong hang thì hẹp và ngoài hang thì rộng. Nói ‘đi ra ngoài hang, đi vào trong hang’ rồi khái quát thành: đi ra là đi từ một không gian hẹp tới một không gian rộng hơn, như em bé từ bụng mẹ ra đời; còn đi vào là đi từ một không gian rộng tới một không gian hẹp hơn. Từ trong ứng với không gian hẹp, từ ngoài ứng với không gian rộng.  Nhưng không gian nào rộng, không gian nào hẹp? Quan hệ trong-ngoài, hẹp-rộng chỉ là tương đối có  trong tâm thức người Việt và  được sắp xếp theo quy ước. Chẳng hạn:  buồng hẹp hơn  nhà , nhà hẹp hơn sân, sân hẹp hơn  vườn, vườn hẹp hơn  ngõ …
Vậy nên chỉ cần nghe “đi ra sân” là chúng ta biết ai đó từ buồng, từ bếp, từ nhà đi ra sân. Còn khi nghe “đi vào sân” là hiểu ngay ai đó từ vườn, từ ngõ…  đi vào sân.
2.             Cách  nói theo điểm nhìn trong  tiếng  Việt
một ông ngồi trong phòng khách. Tiếng  Việt và tiếng  Anh có cách nói giống nhau về vị trí của người này so với phòng khách: “Ông ấy đang đợi  ở   phòng khách” và “He is waiting in the living room”.
Người Việt còn có cách nói theo điểm nhìn rất đặc sắc. Đó là  lấy vị trí của mình so với vị trí của người đàn ông để nói. Đang ở  trên lầu cao thì nói ‘Ông  ấy đang đợi dưới  phòng khách’. Nếu ở dưới bếp thì nói ‘Ông ấy đang đợi trên  phòng khách’. Còn như đang ở trong buồng thì phải nói ‘Ông ấy đang đợi ngoài phòng khách’. Và ‘Ông ấy đang đợi trong phòng khách’ là cách nói của những ai đang ở ngoài sân, ngoài vườn.

3.             Mở rộng nghĩa I: Dùng  khuôn mẫu của quan hệ không gian hình học cho những quan hệ khác
Đội bóng,  trường học,  xí nghiệp,  hội đồng quản trị,  ban chấp hành,  đoàn thể, quân đội, công sở, làng xóm,  tuần lễ, tháng, năm học… đều là những tập hợp. Chúng tạo thành những không gian xã hội trừu tượng được  nhận thức như những  không gian hình học. Ấy thế là có cách dùng vào, ra, trong, ngoài y như trong không gian hình học: cũng có quan hệ trong-ngoài (bao chứa, thuộc vềkhông   thuộc về ), ra khỏi đi vào:
Chạy được một chân trong ban chấp hành; trong (dịp) Tết giá tăng chóng mặt;  nói trong khoảng 5 phút;  thi vào đại học;  được gọi vào đội tuyển; đường vào làng; xung phong vào bộ đội; vào tuần sau mới có kết quả;  vào mùa mưa;  đã ra khỏi  đảng ủy; lễ ra quân chiến dịch mùa hè xanh; cô ấy ra trường đã 3 năm; bị chấn thương, cầu thủ A đã ra (khỏi) sân… Con người chuyển động trong không gian cũng là chuyển động trong thời gian. Kết thúc một năm – kết thúc một tập hợp – chúng ta ra khỏi tập hợp đó. Vậy nên có lối nói ra giêng (ngày rộng tháng dài); ngoài giêng; ngoài giám đốc và kế toán trưởng không ai được biết quỹ riêng của công ty…

4.             Mở rộng nghĩa  II:  Nhận thức về thuộc tính của quan hệ không gian
Hàng loạt nghĩa mới của hai từ ra, vào được hình thành liên quan đến nhận thức: a) Trong-ngoài là quan hệ hẹp-rộng, khép-mở, chúng tạo ra những quan hệ về thuộc tính, và b) Hướng chuyển động chuyển thành thuộc tính.  Đi vào là đi tới nơi hẹp, nơi bị khép lại,  còn đi ra là đi tới nơi rộng mở.   
Quan hệ  hẹp – rộng chuyển thành quan hệ  kín – rõ. Mà kín là bí mật, không thấy được. Ấy vậy nên, từ vào để chỉ những sự việc hoặc hành động bí mật, không thấy được: Đảng rút vào hoạt động bí mật; Tên gian đã lẩn vào đám đông; vấn đề đi vào ngõ cụt. Từ ra để chỉ những sự việc hoặc hành động  thấy được; công khai: tiến ra sân khấu, cầu thủ A đã được đưa ra sân thay thế cho cầu thủ B.
Chuyển động ‘ra’ là chuyển động từ không gian khép sang không gian mở, là chuyển động theo hướng ly  tâm như: giang tay ra, duỗi chân ra, mở gói ra, cởi áo ra, bàn ra, tháo ra, thuyền ra khơi xa… Khái quát lên là từ thu hẹp sang phát triển. Khái quát nữa là sự vật chuyển thuộc tính  từ tiêu cực (âm) sang tích cực (dương). Điều này được  thấy trong các lối nói trắng ra , béo ra, trẻ ra, khỏe ra, đẹp ra, tươi ra, đỏ đắn ra, xinh ra, tỉnh ra, ăn nên làm ra…
Ngược lại, từ vào dùng cho những hoạt động hướng tâm: co tay  vào, nhìn thẳng vào sự thật,  nhảy vào cuộc, nói vun vào, lãnh đạo cần gương mẫu để cho quần chúng còn nhìn vào…    
 Quan hệ không thấy được – thấy được chuyển thành quan hệ  chưa biết – biết, phát hiện; giữ kín – bộc lộ. Từ ra để chỉ những gì ta biết, ta phát hiện: tìm ra đáp số; tìm ra thủ phạm; chỉ ra những chỗ sai; nhận ra người quen; nổ ra cuộc tranh luận. Từ ra còn trỏ những gì được bộc lộ: hiện ra, bày ra, làm   ra... Trong cờ tướng, “ra xe” là quân xe chuyển tới một vị trí mở (bộc lộ) rất rộng đường đi.  Ý nghĩa “bộc lộ , phát hiện”  của từ ra được xuất hiện trong hầu hết các quán ngữ, thành ngữ có từ ra: té ra, hoá ra, thì ra là, thế ra, ra bộ, ra mặt, ra tay, ra cái điều, ra đầu ra đũa, ra môn ra khoai… Từ vào để chỉ những gì chưa biết. Nói tên lửa bay lên vũ trụ vì vũ trụ là không gian cao trên đầu chúng ta; nhưng cũng nói tên lửa bay vào vũ trụ vì trước đây chúng ta hầu như  chưa biết gì về vũ trụ. Chúng ta nói những sinh viên tốt nghiệp đại học và đi làm, nhưng chưa biết gì về cuộc sống, là những sinh viên mới vào đời.  

Tới đây, chúng ta giải thích được lối nói ra Bắc vào Nam: Trong quá trình phát triển, dân tộc Việt Nam đi từ phía Bắc xuống phía Nam. Chúng ta sinh sống ở phía Bắc. Nơi ta sống là nơi ta biết. Đi tới phía Bắc trên đất nước ta là đi tới nơi ta biết nên mới nói  ra Bắc. Ông cha ta đi khai khẩn, khám phá phía Nam là nơi chưa từng sinh sống nên chưa biết. Đi tới phía Nam là đi tới nơi ta chưa biết nên mới nói  vào Nam. Mặt khác, tiến về phương Nam chủ yếu là tiến về nơi rừng núi rậm rạp cũng là chưa biết.  Thế là hình thành  lối nói “vào Nam ra Bắc”. 

--------------------------------------
Lời xin lỗi:
BBT (17/10/2014) - Thầy Dân ra Hà Nội mùa thu trời đẹp. Lớp G tổ chức gặp mặt với Thầy vào chiều tối thứ bảy 18-10-2014 tại nhà hàng Quang Minh (524 đường Láng).
Hồi tháng 4-2014 Thầy gửi cho Blog XĐ một bài viết, BBT quên mất, giờ đây giở lại hộp thư "xuandinh10g@gmail.com" thấy bài "Ra Bắc vào Nam" của Thầy.
Ban biên tập chúng em xin lỗi Thầy và xin đăng bài của Thầy Dân lên Blog lớp G:


Mười ngày sau, Thầy gửi tiếp bài "Làm trai cứ nước hai mà nói", bạn Lương Phúc đã đăng lên Blog (xin xem "Tật xấu người Việt qua tục ngữ" ngày 14/5/2014  )


------------------------------------------------------------

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Lớp G với lớp học tình thương ở An Dương

Dù đã 82 tuổi, bà giáo Hồ Hương Nam (cựu giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám -Hà Nội) vẫn theo đuổi nghiệp cầm phấn với tâm nguyện giúp những học sinh mắc chứng bệnh tự kỷ, đao, rối loạn vận động hòa nhập cộng đồng. 17 năm đứng lớp, không thu một đồng học phí, bà giáo Nam được nhiều người ghi nhận như “người lái đò” chở “thuyền chữ” đến với những cuộc đời khó khăn, bất hạnh.


Sau nhiều lần chuyển địa điểm lớp học, trường THCS An Dương đã dành 1 lớp học để bà giáo Hồ Hương Nam dạy cho các cháu bị khuyết tật.

Năm 2010, lần đầu tiên Hà Nội tổ chức vinh danh 10 “Công dân Thủ đô ưu tú”. Danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” được xét tặng dựa trên các tiêu chí: cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu, tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo trên mọi lĩnh vực như: an ninh - quốc phòng, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, văn hóa - nghệ thuật, y tế, giáo dục và đào tạo... Từ đó đến nay, cứ vào dịp kỉ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10-10, lại có thêm 10 Công dân Thủ đô ưu tú được vinh danh.
Năm nay, trong danh sách 10 cá nhân dự kiến đề nghị xét “Công dân Thủ đô ưu tú” có: Bà Hồ Hương Nam (1932), phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, nguyên là giáo viên trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám; hiện nay là giáo viên lớp học tình thương tại trường THCS An Dương (Hà Nội). 
 co-giao-4-1354191386_500x0.jpg

Trích bài trên báo Lao động ngày 16/9/2014:
10 cá nhân được đề cử xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2014

Có 10 cá nhân được đề xuất xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2014 và sẽ trao tặng danh hiệu cho các công dân ưu tú này vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10.10.2014


5. Bà Hồ Hương Nam - phường Yên Phụ, quận Tây Hồ (SN 1932): Nguyên là giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám. Sau khi nghỉ hưu, bà tham gia công tác xã hội. Học sinh của bà đều thuộc dạng khuyết tật như trẻ em câm, điếc bẩm sinh, trẻ em tự kỷ.
Bà đã được Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen năm 2013; kỷ niệm chương “Vì trẻ em khuyết tật” do Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam tặng; UBND TP.Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, Việc tốt” tiêu biểu năm 2013; nhiều năm liền bà được UBND phường Yên Phụ, quận Tây Hồ tặng giấy khen.



Nhân dịp đầu năm học 2014-2015 đoàn đại diện cựu học sinh Lớp toán đặc biệt Xuân Đỉnh (khóa 1966-1968) do anh Phạm Hữu Quỳ dẫn đầu đã đến thăm lớp học tình thương đặc biệt của 18 cháu tại Trường THCS An Dương và tặng quà cho các cháu. Món quà khiêm tốn gồm 1 chiếc đài cát xét chạy đĩa VCD, các sách vở bút truyện phục vụ học tập và bánh Trung Thu để bà giáo cùng các cháu học sinh liên hoan mừng năm học mới.


Bà giáo Nam cùng cháu lớp trưởng đại diện nhận quà và phát biểu cám ơn tấm lòng của các bác cựu học sinh Xuân Đỉnh trong sự chứng kiến của các cha mẹ học sinh đặc biệt này.



Hòa cùng không khí vui vẻ đầu năm học, các cháu đã hát tặng bà giáo, cha mẹ và các bác cựu học sinh Lớp G một bài hát.





(An Dương 4/9/2014 – Ngọc hà 5/10/2014)

------------------------------------------
Ghi chú: Xin đưa tài chính công khai về việc tặng quà các cháu:

1-     Thu: 2.720.000 (hai triệu. bẩy trăm hai mươi ngàn đồng – xem bài "GS Bá ÂN gặp mặt Thầy và Bạn Lớp G Xuân Đỉnhhttp://xuandinh10g.blogspot.com/2014_08_01_archive.html )

2-     Chi: Đài cát xét 1,7 triệu – Sách vở bút truyện 600.000 đồng – Bánh Trung Thu 395.000
Còn lại 25.000 đưa vào Quỹ CLB Trà Café Bách Thảo



BTC xin cảm ơn tấm lòng của các bác cựu học sinh Lớp toán G đặc biệt Xuân Đỉnh đối với các cháu hoàn cảnh đặc biệt và bà giáo già 82 tuổi.