Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

LIÊN HOAN TẤT NIÊN của CLB TRÀ BÁCH THẢO 2014

Ngày thứ sáu 26/12/2014 CLB Trà Bách Thảo đã tổ chức gặp mặt tất niên năm 2014.

Cuộc liên hoan nhẹ được anh Phùng Quang Nhượng (anh em cọc chèo với Võ Quý Toàn) tài trợ. Hơn mười anh em (Quỳ, Quý Phương, Tường, Lân, Tân, Điều, Thuận, Đỗ Thắng, Lương Phúc, Lê Vĩnh Thọ cùng anh Sở - ĐHQGHN, anh Khánh - báo Nhân Dân và anh Mai Huy Tân - GĐ Cty ĐứcViệt) có mặt tuy thời tiết có đợt gió lạnh bổ sung. Chúng tôi nhâm nhi bên cốc bia HN nhắm với mực nướng anh Nhượng mang đến, cùng xúc xích Đức và lạc rang húng lìu. Trà San tuyết và nước lá vối tươi với kẹo lạc làm đậm đà chất quê hương.



Câu chuyện râm ran từ Kinh Dịch, bói toán đến chăm sóc sức khỏe nhờ tài liệu anh Lân mang đến tặng bạn bè về cây Lược vàng quý giá (sách "Tự chữa bệnh bằng cây Lược vàng" do Bùi Huy Bằng biên soạn, NXB Lao động, 166 trg, HN 2014 - http://buihuybang.blogtiengviet.net/2011/06/08/cacy_ladarpc_vanng_quaf_nhad_vanng  và http://song-khoe.blogspot.com/2013/04/cay-luoc-vang-va-nhung-ieu-ki-dieu.html)


Như mọi năm, bạn Đỗ Xuân Thắng lại mời anh em liên hoan trưa tại nhà hàng 19C Ngọc hà. Bên vại bia hơi, chúng tôi bàn kế hoạch đi sang Thụy Lâm - Đông Anh dự đám cưới con trai bạn Thông.












Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

HẬU MỸ TRINH - KỶ NIỆM CUỘC ĐỜI



                                                                                                 Lương Phúc
          Con người ta có những kỷ niệm đầy hoa thơm quả ngọt, có những kỷ niệm xót xa, cay đắng và cũng có những kỷ niệm luôn day dứt, trăn trở mà mỗi khi nhớ lại thường hiển hiện những dấu ? lớn về kết cục cuối cùng ta chưa được biết. Suốt mấy chục năm làm việc sau này, bất chợt có khi đêm khuya tĩnh tâm nhìn lại cuộc đời đã đi qua, tôi thường nhớ về một kỷ niệm khắc khoải như một món nợ lớn mà chưa trả được. Sau khi nghỉ hưu, cảm giác về kỷ niệm nợ vay này trong tôi càng day dứt hơn bao giờ hết.
Hậu Mỹ Trinh - mảnh đất ân tình năm ấy
Tháng 3 năm 1972, đơn vị chúng tôi tham gia chiến dịch Lộc Ninh. Ngày 7/5/1972, Lộc Ninh hoàn toàn giải phóng, đơn vị tiếp tục nhận lệnh đánh chiếm Thị xã Phước Long. Đúng ngày kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ 19/05/1972, Thị xã Phước Long được giải phóng thì đến 22/05/1972 Trung đoàn (e)3- sư đoàn (f)5 được lệnh xuống Miền Tây Nam Bộ chiến đấu tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang ngày nay.
Trong một trận chiến đấu, tôi và anh Quách Đại Liên – khi đó là tham mưu trưởng e3 cùng 10 đồng chí khác thuộc Hậu cần, Thông tin, Trinh sát, Đặc công mang tiền và thiết bị thông tin xuống bổ sung cho d8-e3. Khoảng hơn 10 giờ đêm ngày 20/07/1972 chúng tôi rơi vào ổ phục kích tại ngã ba kênh Xéo với kênh Cà Răm, 2 đồng chí hy sinh tại chỗ, 8 đồng chí bị địch bắt, tôi bị thương vào đùi và bụng cùng anh Quách Đại Liên chém vè chống trả quyết liệt, hơn 2 giờ sau đã thoát khỏi vòng vây. Tôi và anh Quách Đại Liên bò lên được vườn chuối Ba Oanh thuộc ấp Hậu Mỹ Trinh A, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang ngày nay, sau đó được cô Bé Hai là du kích xã, con của tía Nguyễn Văn Tư và má Đồng Thị Tươi đem về nhà đào hầm cất giấu và chạy chữa vết thương.
Suốt 7 tháng trời tôi được cô Bé Hai và gia đình má Tươi chăm sóc (anh Quách Đại Liên chỉ bị thương nhẹ đã tìm về đơn vị trước), ngày thì cõng ra vườn chuối, tối lại đưa về nhà xuống hầm. Có lần giặc càn vào bất ngờ, cô Bé Hai đã phải đưa tôi xuống kênh giấu trong các đám lục bình. Vết thương chưa kịp phục hồi lại bị nhiễm trùng, cô Bé Hai đã phải tốn bao công sức để điều trị tiếp. Thời gian này, nhà má Tươi là trạm phẫu dã chiến của e24- phân khu Miền Tây, lúc cao điểm nuôi dưỡng và điều trị 12 thương binh. Để đảm bảo đủ thuốc men điều trị, có đợt cô Bé Hai đã chèo xuồng ra thị xã thu gom thuốc tây giấu kín trong 9 bao trấu chở về qua bao bốt gác của địch an toàn. Tôi biết hiện nay có nhiều đơn vị hàng năm vẫn về tổ chức giỗ cho 22 đồng chí thương binh đã điều trị và mất tại đây.
Cuối tháng 2 năm 1973 vết thương đã lành, tôi bắt được liên lạc và được gia đình má Tươi giúp đỡ trở về đơn vị. Tôi tiếp tục tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Ninh cho đến khi bị thương lần thứ hai vào cột sống và được chuyển ra điều trị ở Miền Bắc. Kể từ đó tôi hoàn toàn mất liên lạc với gia đình má Tươi, những người ân nhân đã cứu sống tôi mà suốt đời này tôi không thể nào quên.

Kênh rạch miền Đông Nam bộ
 Tìm kiếm và trở về
Nhiều năm sau tôi luôn nhớ về những người dân đã cưu mang, đùm bọc tôi trong tháng ngày chiến đấu năm xưa ở Hậu Mỹ Trinh, lại càng đau đáu hơn khi nghe lời hát “Miền Nam ơi, Miền Nam! Hỡi những dòng sông soi bóng dừa xanh...” (Đường chúng ta đi - Huy Du). Năm 2004 tôi có liên lạc với người thân là ông Tân, biên tập viên của Đài truyền hình Cần Thơ để tìm địa chỉ ông Tư, bà Tươi và cô Bé Hai. Sau thời gian dài tìm kiếm, chắp nối với sự giúp đỡ của rất nhiều đồng đội, bạn bè và chính quyền địa phương, chúng tôi đã liên lạc được với gia đình má Tươi. Do hoàn cảnh bản thân và khoảng cách địa lý, đến 07/2009 tôi mới thu xếp được thời gian để vào thăm lại mảnh đất ân tình và những ân nhân của mình. Trước ngày trở lại, tôi đã tìm hiểu và nhận được thông tin về hoàn cảnh gia đình của họ. Tôi chuẩn bị khá nhiều quà là thuốc bổ, quần áo, đồ dùng sinh hoạt... dù biết rằng chẳng có quà tặng nào sánh được ân nghĩa năm xưa của gia đình má Tươi đã dành cho tôi.       
Tôi có mặt tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 10/7/2009, tìm gặp bạn chiến đấu f5 và chuẩn bị mọi thứ trước khi về Hậu Mỹ Trinh. Trong 2 ngày chờ đợi cuối cùng của thời gian dằng dặc 37 năm kia mà lòng tôi nôn nao, khắc khoải tưởng tượng mãi cảnh ngày hội ngộ sẽ ra sao? Thế rồi cái gì phải đến đã đến.
Cuộc hội ngộ của tôi, anh Quách Đại Liên và gia đình má Tươi với sự có mặt của chính quyền địa phương, bà con xóm giềng và cả anh Sáu Coọc nguyên Trung đoàn phó e3-f5 nữa, đã diễn ra đầy xúc động, nghẹn ngào, “Nước mắt” đã “chỉ dành cho ngày gặp mặt”(thơ Nam Hà). Càng xúc động, nghẹn ngào hơn khi chúng tôi được biết những sự việc xảy ra tiếp theo với gia đình má Tươi.
Vài ngày sau khi chúng tôi rời về đơn vị, quân địch bất ngờ ập vào khám nhà và phát hiện một số dấu vết, hiện vật Quân giải phóng còn sót lại đã bắn chết luôn cô Năm Mỹ là em ruột cô Bé Hai. Nhà cửa bị đốt, đồ đạc bị đập phá hết. Ông Tư bị bắt về chi khu đánh đập tra khảo dã man: nhổ hết răng bằng kìm, đóng đinh vào hai đầu gối và bị giam giữ cho đến ngày Giải phóng Miền Nam 30/04/1975.
Hiện tại cụ ông Tư đã 87 tuổi, cụ bà Tươi ở tuổi 84, được con cháu dựng cho một ngôi nhà lợp ngói, tường che bằng tàu lá dừa để ở, gia đình được công nhận là có công với cách mạng. Cô Năm Mỹ được công nhận là liệt sĩ. Còn cô Bé Hai, từ một thiếu nữ duyên dáng đằm thắm năm xưa nay trở thành là một phụ nữ nghèo, nét mặt in đậm nỗi gian truân vật lộn với cuộc sống mà chưa được nhận chút danh hiệu nào từ cuộc kháng chiến đầy hy sinh gian khổ của dân tộc. Có một con gái đã xây dựng gia đình nhưng hai vợ chồng bà Bé Hai không có nhà, hàng ngày phải sống trên ghe, lênh đênh mưu sinh khắp sông nước quanh vùng.
Chúng tôi đề nghị với UBND xã Hậu Mỹ Trinh cần tạo điều kiện giúp đỡ gia đình bà Bé Hai - thành viên của một gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng được vào diện hộ nghèo. Chúng tôi cũng đã vận động Hội CCB và bạn chiến đấu, tìm kiếm các đơn vị quân đội liên quan cùng cơ quan chính sách để đề nghị công nhận bà Bé Hai - người tham gia nuôi dưỡng, chữa trị nhiều thương binh Quân giải phóng là người có công với cách mạng. Với những việc nhỏ này, chúng tôi mong sao trả lại sự công bằng và phần nào bù đắp cho tinh thần hy sinh dũng cảm của bà Bé Hai đã góp sức mình trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.
Vĩ thanh
Khi kể lại chuyện này, chúng tôi được biết UBND xã Hậu Mỹ Trinh đã xác nhận các văn bản mà chúng tôi đề xuất và gửi lên cơ quan có trách nhiệm huyện Cái Bè và tỉnh Tiền Giang để xem xét giải quyết chế độ chính sách cho bà Bé Hai.
Trong lần trở về này, chúng tôi cũng đã rất vất vả tìm lại được mộ phần và xác định danh tính của 5 đồng đội đã hy sinh ngày ấy. Câu chuyện đi tìm đồng đội xin được kể lại vào một dịp khác.
                                                                         CCB Lương Văn Phúc
Ghi lại theo lời kể của: Vũ Ngọc Bút, CCB e3(e174A1), f5 QK7
                   21 ngõ 512 Đường Láng, 04.35620462, 0913.021248
Tái bút:
Người viết bài này xin được thông báo thêm: Ngày 30/04/2010, đồng chí Bút cùng đồng đội f5 đã bàn giao ngôi nhà tình nghĩa rộng 70 m2 – xây dựng bằng tiền cá nhân và đồng đội quyên góp cho cô Trúc là con của bà Bé Hai tại huyện Cai Lậy, Tiền Giang. Ngày 29/05/2010, chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” trên VTV3 nói về f5-QK7, đã đưa toàn bộ tin này. Vào dịp 27/7/2012, câu chuyện trên đây về CCB Vũ Ngọc Bút đã được kể trên chuyên mục Cà phê Sáng của VTV3.
Chúng tôi được biết đồng chí Bút cùng đồng đội f5 đã tiếp tục quyên góp đã xây ngôi nhà tình nghĩa thứ 2.  Hội Bạn chiến đấu f5 cắt băng khánh thành và bàn giao năm 2013 cho gia đình bà Bé Hai tại Hậu Mỹ Trinh.. 
Nhân dịp Ngày Hội Quốc phòng toàn dân, Ngày kỷ niệm 70 năm thành lập QĐ NDVN, xin đăng lại bài viết này như một nén tâm nhang kính viếng hương hồn nữ liệt sĩ Năm Mỹ và những người dân, chiến sĩ đồng đội của tôi đã hy sinh, đổ máu trên mảnh đất Hậu Mỹ Trinh ân tình năm ấy.
Chúng tôi vừa được biết cụ ông Tư và cụ bà Tươi mới mất, xin thành tâm kính viếng và khắc ghi công lao của gia đình đối với đồng đội của chúng tôi trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc.
          Cũng nhân dịp này chúc sức khỏe các CCB của lớp G cùng gia đình mãi mãi hạnh phúc gặp nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Bài đã đăng trên http://trianlietsi.vn/new-vn/goc-luu-niem/4286/hau-my-trinh---tham-duom-tinh-nguoi.vhtm
VP BLL Hội Bạn chiến đấu e174A1 (e3-f5) phía Bắc: 04.37320184, 0904.730739
          Nguyễn Cao Phong, 51/23 ngõ Thông Phong, Hàng Bột, Hà Nội 

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Chỉ tại biến đổi khí hậu (Đình Tài sáng tác)



(BBT- 20/11/2014) Sau chuyến đi Mộc Châu cùng Lớp G Xuân Đỉnh có bà xã đi kèm, nhà văn trẻ mới nổi U70 Đình Tài thấm đẫm tình yêu thiên nhiên môi trường trong lành của đất và người cao nguyên vùng Tây Bắc. Về Hà thành ngột ngạt, nhà văn sáng tác tiểu phẩm mới về môi trường và biến đổi khí hậu. BBT xin mời các bạn Lớp G thưởng thức tuyệt phẩm này. Xin cám ơn bạn Đình Tài và xin cám ơn phu nhân nhà văn đã tạo cảm hứng cho PGS. Nguyễn Đình Tài ra đời các tác phẩm để đời . 
Nhân dịp ngày lễ 20-11 xin chúc mừng 2 nhà giáo Tài Nhung. 
Chúc 2 bạn sức khỏe và hạnh phúc.



CHỈ TẠI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

                                                                           Nguyễn Đình Tài

Tôi hăm hở rẽ vào phố lớn thị xã đến nhà Khuất Tất Triệu, thằng bạn thuở học cùng mẫu giáo bé. Từ bàn tay trắng chạy từ Thủ đô vào mà bây giờ hắn đường đường là một Giám đốc công ty xây dựng có cỡ - một đại gia của cái tỉnh Miền Trung nắng gió này.
Cuối thu đầu đông rồi mà trời đất ở đây vẫn rất đẹp, khô ráo, mát  mẻ. Chẳng bù cho giờ này năm ngoái, mưa lũ ào ạt, trời long, đất lở,  đường xá lầy lội, nhớp nháp. Ghé qua nhà hắn tâm trạng tôi lúc đó thật chán chường, “nhớp nháp” hơn cả thời tiết chết tiệt ấy. Vậy mà, gặp Triệu mọi sự buồn chán trong tôi bay đi hết trước thái độ hân hoan, phấn khích của hắn. Hắn ôm chặt lấy tôi, phả hơi bia nồng nặc, khủng khiếp vào mặt tôi, cười sằng sặc bắn cả một mẩu thịt tái dê giắt răng vào má tôi. Ghê quá, nhưng tôi vẫn phải nhịn thở, cười lớ phớ theo, còn hai tay tìm cách gỡ bàn tay múp míp của hắn ra khỏi lưng.  Đại gia có khác, mặt mày đỏ au, cổ to bành hai ngấn, bụng bự, còn giọng nói choang choang bẹt bẹt đến là oai. Hắn bắt tôi bỏ béng mấy cái ngày hội thảo khoa học  dở hơi nửa mùa đó đi và dẫn tôi đi du hí, thăm trang trại của hắn, đi hát, đi mátxa, đi nhậu nhà hàng xả láng,…
Tôi bấm chuông nhà hắn, ngôi biệt thự  hao hao giống lầu năm góc với một góc nở hậu phình to hơn bốn góc kia.
- Sĩ đấy à! Vào đi. - Giọng hắn uể oải. Ngay lúc đó, con chó Nhật màu cháo lòng lao ra ôm lấy chân hắn. Bùm! Hắn dùng chân trái đá một phát trời giáng làm con chó con bay đúng vào bụng bà vợ. Bà này, phản xạ như Rônanđô, dùng chân phải đạp một nhát tiếp, rồi làu bàu đi vào bếp. Con chó đáng thương ngã vật, kêu ăng ẳng. Người tôi như bị mất điện.
          – Xin lỗi! Có lẽ tôi đến không đúng lúc!?
– À không, vào đi, làm vài lon bia nhá? - Không đợi tôi trả lời, hắn kéo thùng  bia Sài Gòn dưới gầm bàn ra và “rút chốt”. Không còn tâm trạng, nhưng tôi cũng nhếch nụ cười gượng  và ngồi xuống đi văng.
- Sao, công việc của ông thế nào? – Tôi mào đầu câu chuyện.
- Chẳng ra thế nào cả! Đang lết bết như sắp chết đây.
- Sao thế, tôi thấy thị xã của ông ngày càng “ngon ra”, đẹp như tranh, không lầm than, lam lũ như hồi năm ngoái, chắc có công của Công ty ông. Chưa kể, trời đất  năm nay đẹp làm sao! – Tôi tuôn ra một hơi cảm xúc.
- Đấy, đấy, chết ở cái câu cuối ông vừa thốt ra đấy. – Triệu chồm lên.
- Sao cơ, trời đẹp thì có làm sao?
- Làm sao à?  Tôi, à đúng ra là Công ty tôi, sống được là nhờ trời xấu, ăn theo mưa lũ, ông hiểu chưa?
- Chưa! – Tôi  thộn mặt ra.
- Công ty tôi chuyên xây đường xá cho thị xã, mà đường đất thì có hạn, nếu chúng không hỏng nhanh  thì chúng tôi không việc, mà không việc thì đói.
- Vẫn chưa “thủng” lắm. – Tôi vẫn ngơ ngác.
- Thế mà cũng không hiểu! Muốn chúng hỏng nhanh thì cần mưa, cần bão, cần lũ, hiểu chưa! - Triệu nói như quát.



- Rồi, vậy là mưa lũ sẽ bóc lòi con đường các bố xây ẩu,  đá lẫn đất, nhựa đường mỏng lét và khi dân kêu, thanh tra chưa kịp đến thì tang vật đã “trôi” hết rồi chứ gì. Đổ hết cho Trời.
- Ờ, cha này, té ra cũng loại “luôn luôn lắng nghe lâu lâu cũng hiểu”! – Triệu bóp bẹp lon bia rỗng nhằm con cho Nhật ném bụp vào đầu nó. – Chỉ tại biến đổi khí hậu. Tôi căm thù “thằng cha biến đổi khí hậu”!
- Hả? – Tôi lại đần mặt.
- Giá như không có thằng ấy thì   Miền Trung này cứ bão lụt đều, thì thằng này túi cũng căng đều. Đằng này trời đẹp mới chết chứ. Rõ chán! – Triệu thở dài, ngán ngẩm. – Năm nay Thanh tra nó vào thì chỉ còn nước ngồi bóc lịch.
- Ờ,  “Thằng cha biến đổi khí hậu” thật đáng ghét!  Không biết đâu mà lần.  Cái sướng của người này hóa ra là cái khổ của người khác và ngược lại.  – Tôi giở giọng triết lý phụ họa cảm thông, nhưng trong đầu lại điên tiết nghĩ đến hình ảnh những khuôn mặt đắc ý của các đại gia cầu đường Sài Thành trong những cơn triều cường vì biến đổi khí hậu. Chết tiệt!




Chia tay Khuất Tất Triệu, tôi quay về dự hội thảo khoa học “nửa mùa” của mình. Trời nắng sáng thật đẹp soi rõ từng ổ gà, ổ voi và những kẽ nứt toác nhựa bong lòi đá của con đường đôi phố chính của thị xã. Bỗng hự, hự,… chiếc xe máy của tôi  nhảy tưng lên rồi gục xuống như con ngựa già quá sức hất tôi xuống hố cống không nắp.  Mở mắt, tôi thấy mồm mình đang bị chụp bình thở ô-xy. Trong tai tôi vẳng lên giọng cười choang choang, bẹt bẹt của Triệu. Đồ biến thái! Tất cả chỉ tại biến đổi khí hậu!



Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Thầy DÂN thăm Hà nội 10-2014

Cuối tháng 10-2014 Thầy Nguyễn Đức Dân ra thăm Hà nội. Lớp G đã tổ chức cuộc gặp mặt với Thầy chiều tối ngày 18/10/2014 tại nhà hàng Quang Minh ở đường Láng. Bạn Nguyễn Bá Ân đến dự liên hoan và được Thầy tặng sách.














Bạn Nguyễn Xuân Thắng không đến dự cuộc gặp mặt hôm 18/10 được, đã mời Thầy đến thăm nhà mới của bạn. 
Chiều ngày 24/10/2014 Thầy Dân được các bạn Lớp G tháp tùng lên nhà bạn Xuân Thắng và nhà vườn bạn Mai Đình Nội. 
Chủ tịch Hiệp hội UNESCO VN Xuân Thắng đã vào bếp nấu ăn chiêu đãi Thầy cùng các bạn. 


















Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

RA BẮC VÀO NAM (Ng. Đức DÂN)



Triết lý tiếng Việt trong ‘vào Nam ra Bắc
                                                                                          Nguyễn Đức Dân
http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20140401/triet-ly-tieng-viet-trong-vao-nam-ra-bac/600871.html

1.             RA, VÀO là hai từ chỉ vận động định hướng trong không gian
Tại sao nói ‘vào Nam ra Bắc’ nhưng  không thể nói ‘*vào Bắc ra Nam’? Tại sao một  em bé mới sinh được gọi là ‘mới ra đời’ còn những sinh viên tốt nghiệp và rời trường thì được gọi là ‘bước vào đời’? Những câu hỏi này liên quan tới hiện tượng chuyển nghĩa rất thú vị của các từ  ra, vào.
          Ra, vào là những vận động định hướng. Về ý nghĩa chúng có liên hệ chặt chẽ với hai từ  trỏ vị trí trong, ngoài: ‘Người xấu duyên lặn vào trong/ Bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài. (ca dao)
Từ thời xa xưa  tổ tiên chúng ta nhận ra trong hang thì hẹp và ngoài hang thì rộng. Nói ‘đi ra ngoài hang, đi vào trong hang’ rồi khái quát thành: đi ra là đi từ một không gian hẹp tới một không gian rộng hơn, như em bé từ bụng mẹ ra đời; còn đi vào là đi từ một không gian rộng tới một không gian hẹp hơn. Từ trong ứng với không gian hẹp, từ ngoài ứng với không gian rộng.  Nhưng không gian nào rộng, không gian nào hẹp? Quan hệ trong-ngoài, hẹp-rộng chỉ là tương đối có  trong tâm thức người Việt và  được sắp xếp theo quy ước. Chẳng hạn:  buồng hẹp hơn  nhà , nhà hẹp hơn sân, sân hẹp hơn  vườn, vườn hẹp hơn  ngõ …
Vậy nên chỉ cần nghe “đi ra sân” là chúng ta biết ai đó từ buồng, từ bếp, từ nhà đi ra sân. Còn khi nghe “đi vào sân” là hiểu ngay ai đó từ vườn, từ ngõ…  đi vào sân.
2.             Cách  nói theo điểm nhìn trong  tiếng  Việt
một ông ngồi trong phòng khách. Tiếng  Việt và tiếng  Anh có cách nói giống nhau về vị trí của người này so với phòng khách: “Ông ấy đang đợi  ở   phòng khách” và “He is waiting in the living room”.
Người Việt còn có cách nói theo điểm nhìn rất đặc sắc. Đó là  lấy vị trí của mình so với vị trí của người đàn ông để nói. Đang ở  trên lầu cao thì nói ‘Ông  ấy đang đợi dưới  phòng khách’. Nếu ở dưới bếp thì nói ‘Ông ấy đang đợi trên  phòng khách’. Còn như đang ở trong buồng thì phải nói ‘Ông ấy đang đợi ngoài phòng khách’. Và ‘Ông ấy đang đợi trong phòng khách’ là cách nói của những ai đang ở ngoài sân, ngoài vườn.

3.             Mở rộng nghĩa I: Dùng  khuôn mẫu của quan hệ không gian hình học cho những quan hệ khác
Đội bóng,  trường học,  xí nghiệp,  hội đồng quản trị,  ban chấp hành,  đoàn thể, quân đội, công sở, làng xóm,  tuần lễ, tháng, năm học… đều là những tập hợp. Chúng tạo thành những không gian xã hội trừu tượng được  nhận thức như những  không gian hình học. Ấy thế là có cách dùng vào, ra, trong, ngoài y như trong không gian hình học: cũng có quan hệ trong-ngoài (bao chứa, thuộc vềkhông   thuộc về ), ra khỏi đi vào:
Chạy được một chân trong ban chấp hành; trong (dịp) Tết giá tăng chóng mặt;  nói trong khoảng 5 phút;  thi vào đại học;  được gọi vào đội tuyển; đường vào làng; xung phong vào bộ đội; vào tuần sau mới có kết quả;  vào mùa mưa;  đã ra khỏi  đảng ủy; lễ ra quân chiến dịch mùa hè xanh; cô ấy ra trường đã 3 năm; bị chấn thương, cầu thủ A đã ra (khỏi) sân… Con người chuyển động trong không gian cũng là chuyển động trong thời gian. Kết thúc một năm – kết thúc một tập hợp – chúng ta ra khỏi tập hợp đó. Vậy nên có lối nói ra giêng (ngày rộng tháng dài); ngoài giêng; ngoài giám đốc và kế toán trưởng không ai được biết quỹ riêng của công ty…

4.             Mở rộng nghĩa  II:  Nhận thức về thuộc tính của quan hệ không gian
Hàng loạt nghĩa mới của hai từ ra, vào được hình thành liên quan đến nhận thức: a) Trong-ngoài là quan hệ hẹp-rộng, khép-mở, chúng tạo ra những quan hệ về thuộc tính, và b) Hướng chuyển động chuyển thành thuộc tính.  Đi vào là đi tới nơi hẹp, nơi bị khép lại,  còn đi ra là đi tới nơi rộng mở.   
Quan hệ  hẹp – rộng chuyển thành quan hệ  kín – rõ. Mà kín là bí mật, không thấy được. Ấy vậy nên, từ vào để chỉ những sự việc hoặc hành động bí mật, không thấy được: Đảng rút vào hoạt động bí mật; Tên gian đã lẩn vào đám đông; vấn đề đi vào ngõ cụt. Từ ra để chỉ những sự việc hoặc hành động  thấy được; công khai: tiến ra sân khấu, cầu thủ A đã được đưa ra sân thay thế cho cầu thủ B.
Chuyển động ‘ra’ là chuyển động từ không gian khép sang không gian mở, là chuyển động theo hướng ly  tâm như: giang tay ra, duỗi chân ra, mở gói ra, cởi áo ra, bàn ra, tháo ra, thuyền ra khơi xa… Khái quát lên là từ thu hẹp sang phát triển. Khái quát nữa là sự vật chuyển thuộc tính  từ tiêu cực (âm) sang tích cực (dương). Điều này được  thấy trong các lối nói trắng ra , béo ra, trẻ ra, khỏe ra, đẹp ra, tươi ra, đỏ đắn ra, xinh ra, tỉnh ra, ăn nên làm ra…
Ngược lại, từ vào dùng cho những hoạt động hướng tâm: co tay  vào, nhìn thẳng vào sự thật,  nhảy vào cuộc, nói vun vào, lãnh đạo cần gương mẫu để cho quần chúng còn nhìn vào…    
 Quan hệ không thấy được – thấy được chuyển thành quan hệ  chưa biết – biết, phát hiện; giữ kín – bộc lộ. Từ ra để chỉ những gì ta biết, ta phát hiện: tìm ra đáp số; tìm ra thủ phạm; chỉ ra những chỗ sai; nhận ra người quen; nổ ra cuộc tranh luận. Từ ra còn trỏ những gì được bộc lộ: hiện ra, bày ra, làm   ra... Trong cờ tướng, “ra xe” là quân xe chuyển tới một vị trí mở (bộc lộ) rất rộng đường đi.  Ý nghĩa “bộc lộ , phát hiện”  của từ ra được xuất hiện trong hầu hết các quán ngữ, thành ngữ có từ ra: té ra, hoá ra, thì ra là, thế ra, ra bộ, ra mặt, ra tay, ra cái điều, ra đầu ra đũa, ra môn ra khoai… Từ vào để chỉ những gì chưa biết. Nói tên lửa bay lên vũ trụ vì vũ trụ là không gian cao trên đầu chúng ta; nhưng cũng nói tên lửa bay vào vũ trụ vì trước đây chúng ta hầu như  chưa biết gì về vũ trụ. Chúng ta nói những sinh viên tốt nghiệp đại học và đi làm, nhưng chưa biết gì về cuộc sống, là những sinh viên mới vào đời.  

Tới đây, chúng ta giải thích được lối nói ra Bắc vào Nam: Trong quá trình phát triển, dân tộc Việt Nam đi từ phía Bắc xuống phía Nam. Chúng ta sinh sống ở phía Bắc. Nơi ta sống là nơi ta biết. Đi tới phía Bắc trên đất nước ta là đi tới nơi ta biết nên mới nói  ra Bắc. Ông cha ta đi khai khẩn, khám phá phía Nam là nơi chưa từng sinh sống nên chưa biết. Đi tới phía Nam là đi tới nơi ta chưa biết nên mới nói  vào Nam. Mặt khác, tiến về phương Nam chủ yếu là tiến về nơi rừng núi rậm rạp cũng là chưa biết.  Thế là hình thành  lối nói “vào Nam ra Bắc”. 

--------------------------------------
Lời xin lỗi:
BBT (17/10/2014) - Thầy Dân ra Hà Nội mùa thu trời đẹp. Lớp G tổ chức gặp mặt với Thầy vào chiều tối thứ bảy 18-10-2014 tại nhà hàng Quang Minh (524 đường Láng).
Hồi tháng 4-2014 Thầy gửi cho Blog XĐ một bài viết, BBT quên mất, giờ đây giở lại hộp thư "xuandinh10g@gmail.com" thấy bài "Ra Bắc vào Nam" của Thầy.
Ban biên tập chúng em xin lỗi Thầy và xin đăng bài của Thầy Dân lên Blog lớp G:


Mười ngày sau, Thầy gửi tiếp bài "Làm trai cứ nước hai mà nói", bạn Lương Phúc đã đăng lên Blog (xin xem "Tật xấu người Việt qua tục ngữ" ngày 14/5/2014  )


------------------------------------------------------------

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Lớp G với lớp học tình thương ở An Dương

Dù đã 82 tuổi, bà giáo Hồ Hương Nam (cựu giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám -Hà Nội) vẫn theo đuổi nghiệp cầm phấn với tâm nguyện giúp những học sinh mắc chứng bệnh tự kỷ, đao, rối loạn vận động hòa nhập cộng đồng. 17 năm đứng lớp, không thu một đồng học phí, bà giáo Nam được nhiều người ghi nhận như “người lái đò” chở “thuyền chữ” đến với những cuộc đời khó khăn, bất hạnh.


Sau nhiều lần chuyển địa điểm lớp học, trường THCS An Dương đã dành 1 lớp học để bà giáo Hồ Hương Nam dạy cho các cháu bị khuyết tật.

Năm 2010, lần đầu tiên Hà Nội tổ chức vinh danh 10 “Công dân Thủ đô ưu tú”. Danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” được xét tặng dựa trên các tiêu chí: cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu, tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo trên mọi lĩnh vực như: an ninh - quốc phòng, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, văn hóa - nghệ thuật, y tế, giáo dục và đào tạo... Từ đó đến nay, cứ vào dịp kỉ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10-10, lại có thêm 10 Công dân Thủ đô ưu tú được vinh danh.
Năm nay, trong danh sách 10 cá nhân dự kiến đề nghị xét “Công dân Thủ đô ưu tú” có: Bà Hồ Hương Nam (1932), phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, nguyên là giáo viên trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám; hiện nay là giáo viên lớp học tình thương tại trường THCS An Dương (Hà Nội). 
 co-giao-4-1354191386_500x0.jpg

Trích bài trên báo Lao động ngày 16/9/2014:
10 cá nhân được đề cử xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2014

Có 10 cá nhân được đề xuất xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2014 và sẽ trao tặng danh hiệu cho các công dân ưu tú này vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10.10.2014


5. Bà Hồ Hương Nam - phường Yên Phụ, quận Tây Hồ (SN 1932): Nguyên là giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám. Sau khi nghỉ hưu, bà tham gia công tác xã hội. Học sinh của bà đều thuộc dạng khuyết tật như trẻ em câm, điếc bẩm sinh, trẻ em tự kỷ.
Bà đã được Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen năm 2013; kỷ niệm chương “Vì trẻ em khuyết tật” do Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam tặng; UBND TP.Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, Việc tốt” tiêu biểu năm 2013; nhiều năm liền bà được UBND phường Yên Phụ, quận Tây Hồ tặng giấy khen.



Nhân dịp đầu năm học 2014-2015 đoàn đại diện cựu học sinh Lớp toán đặc biệt Xuân Đỉnh (khóa 1966-1968) do anh Phạm Hữu Quỳ dẫn đầu đã đến thăm lớp học tình thương đặc biệt của 18 cháu tại Trường THCS An Dương và tặng quà cho các cháu. Món quà khiêm tốn gồm 1 chiếc đài cát xét chạy đĩa VCD, các sách vở bút truyện phục vụ học tập và bánh Trung Thu để bà giáo cùng các cháu học sinh liên hoan mừng năm học mới.


Bà giáo Nam cùng cháu lớp trưởng đại diện nhận quà và phát biểu cám ơn tấm lòng của các bác cựu học sinh Xuân Đỉnh trong sự chứng kiến của các cha mẹ học sinh đặc biệt này.



Hòa cùng không khí vui vẻ đầu năm học, các cháu đã hát tặng bà giáo, cha mẹ và các bác cựu học sinh Lớp G một bài hát.





(An Dương 4/9/2014 – Ngọc hà 5/10/2014)

------------------------------------------
Ghi chú: Xin đưa tài chính công khai về việc tặng quà các cháu:

1-     Thu: 2.720.000 (hai triệu. bẩy trăm hai mươi ngàn đồng – xem bài "GS Bá ÂN gặp mặt Thầy và Bạn Lớp G Xuân Đỉnhhttp://xuandinh10g.blogspot.com/2014_08_01_archive.html )

2-     Chi: Đài cát xét 1,7 triệu – Sách vở bút truyện 600.000 đồng – Bánh Trung Thu 395.000
Còn lại 25.000 đưa vào Quỹ CLB Trà Café Bách Thảo



BTC xin cảm ơn tấm lòng của các bác cựu học sinh Lớp toán G đặc biệt Xuân Đỉnh đối với các cháu hoàn cảnh đặc biệt và bà giáo già 82 tuổi.