Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

60 NĂM KHÚC TRÁNG CA ANH HÙNG



                                                                                               Lương Phúc
“Đất nước quê anh, lá thắm rừng xanh, cam Mường Pồn quanh mộ anh xây đỏ…” – vâng, gần mười năm sau chiến thắng Điện Biên, 12/1963 – bài hát “Bế Văn Đàn sống mãi” đã đi vào lòng người như khắc nhớ một tấm gương hy sinh anh dũng của người anh hùng “lấy thân mình làm giá súng”.
60 năm – một lục thập hoa giáp, theo như các cụ xưa dạy là một đời người, vì qua tuổi đó tử vi lặp lại, sống thêm bao nhiêu là lộc giời. 60 năm một trận đánh then chốt nhưng với quy mô vừa phải ẩn mình trong một chiến dịch vĩ đại – Điện Biên Phủ chưa phải ai cũng nhớ, trừ ra chính những nhân chứng tham dự nó. Hơn chục năm nữa, khi những nhân vật đã về hết cõi vĩnh hằng, ai là người còn nhớ đến họ, nhớ về trận đánh đó – Mường Pồn, nhớ về liệt sĩ Bế Văn Đàn.
Mường Pồn chỉ là trận đánh bảo vệ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đầu tháng 12/1953, bị o ép mạnh quân địch ở Lai Châu tháo chạy về Điện Biên Phủ khi đó đang hình thành “con nhím” tập đoàn cứ điểm. Xung quanh Điện Biên, quân ta cũng đang hình thành thế bao vây chuẩn bị cho giờ G, nếu địch ở Lai Châu tràn qua sẽ lộ hết ý đồ quân sự. Bộ chỉ huy chiến dịch điều e174 Cao Bắc Lạng (e174) mà chủ công là tiểu đoàn 251 (e251) vận động tới chặn lại, quyết chiến điểm đã xảy ra ở Mường Pồn.
HAI LẦN KỶ NIỆM CHIẾN THẮNG MƯỜNG PỒN
Xin bắt đầu câu chuyện từ 5 năm trước. Ngày 13/12/2008 tôi có may mắn được dự kỷ niệm 55 năm chiến thắng Mường Pồn và cũng là 55 năm ngày giỗ anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn. Hôm đó có 9 đồng đội cùng đại đội 674 tiểu đoàn 251, trung đoàn 174 Cao Bắc Lạng với AHLS Bế Văn Đàn như Thiếu tướng Dũng Chi, Thiếu tướng Dũng Hà, các anh Đỗ Ca Sơn, Hoàng Tiêu Sơn, Lâm Viết Hữu, Nguyễn Ngọc Tân… và một số chiến sĩ 174 thế hệ sau.

Ngồi: 3-đ/c Dũng Chi, đ/c Tiêu Sơn, đ/c Viết Hữu. Đứng: 4-đ/c Ca Sơn, đ/c Dũng Hà
  Có một câu chuyện vui mà nhờ anh linh của liệt sĩ Bế Văn Đàn nên tôi thoát hiểm. Với cương vị là Bạn chiến đấu với e174 và làm phóng viên ảnh, tôi đến hiệu ảnh Hoàng Tuyết đối diện Daenwoo để rửa cho các đồng đội kịp nhận trước khi ra về. Khi quay lại lấy ảnh, dựng xe máy trên hè vào nhà, chừng ½ phút nhận xong quay ra đã thấy công an phường Ngọc Khánh đang định nhấc lên ô tô cùng với nhiều xe của những người khác. Thì ra hôm đó đúng ngày cao điểm công an ra quân lập lại trật tự vỉa hè theo nghị định 36CP. Rất may lúc đó tôi mặc quân phục và ảnh đã lấy xong, tôi bèn trình bày với đội trưởng tác vụ rằng mình đang làm nhiệm vụ thiêng liêng cho giỗ trận Mường Pồn và liệt sĩ Bế Văn Đàn, minh chứng là bộ ảnh có cả băng rôn “Kỷ niệm chiến thắng Mường Pồn lần thứ 55 (13/12/1953 – 13/12/2008)” với hàng chục cán bộ quân đội CCB bên bàn thờ khói hương nghi ngút. Đồng chí đội trưởng thông cảm nhưng bảo phải đợi giải quyết hết các xe khác về đồn đã để tránh bị hiểu là không công bằng. Anh linh liệt sĩ đã phù hộ nên chỉ 5 phút sau tôi lại có thể về với hội bạn chiến đấu e174. Kể lại chuyện vừa xảy ra với các anh ở e174, ai cũng bật cười.

L.Phúc và g.đ đ/c Cao Phong
 Năm năm sau 14/12/2013, tôi lại có dịp dự kỷ niệm 60 năm chiến thắng Mường Pồn và giỗ anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn, vẫn tại địa điểm cũ, ở ngõ Thông Phong phường Quốc Tử Giám nhà của Trung tá Nguyễn Cao Phong – một CCB của Trung đoàn 174A1 thế hệ sau của e174 chiến đấu trên chiến trường Miền Đông Nam Bộ. 5 năm qua rồi, thế hệ xưa toàn những U90, ai còn ai mất, gặp lại nhau đơn giản, gọn nhẹ, tay bắt mặt mừng, nhớ về người đồng đội liệt sĩ và những kỷ niệm quá khứ oai hùng thuở ấy.

Anh hùng La Văn Cầu(5), CCB Nguyễn Trung, e trưởng 174 Đặng Văn Việt
 Đặc biệt hơn lần này có Trung tá Đặng Văn Việt, “con hùm xám đường số 4” – danh hiệu do quân viễn chinh Pháp suy tôn, là Trung đoàn trưởng đầu tiên (khi đó đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy) của e174. Ông Việt vừa tròn tuổi 95 mấy ngày trước nhưng còn rất khỏe và minh mẫn, vẫn đi xe máy và viết nhiều hồi ký…, cho đến hôm nay e174 đã tới đời Trung đoàn trưởng thứ 32. Còn có Anh hùng La Văn Cầu, người đã từng chặt cánh tay bị thương để tiếp tục chiến đấu phá lô cốt trong trận Đông Khê, chiến dịch Biên giới 9/1950 mà sách tập đọc cấp 1 những năm 50, 60 thế kỷ trước có bài vè “Anh La Văn Cầu, anh Cầu ra trận…”. Song có điều ít ai biết là Đại tá La Văn Cầu là một trong 7 người được vinh danh là Anh Hùng Toàn Quốc tại Đại hội thi đua năm 1952 do chính tay Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định. Bảy người lúc đó là: Liệt sĩ Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Thị Chiên, Hoành Hanh, Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm, hiện nay chỉ có ông La Văn Cầu và bà Nguyễn Thị Chiên còn sống.
Tôi cũng được gặp và phỏng vấn bà Lê Thị Điền trong trận Mường Pồn là y tá Đội điều trị của f316 - đơn vị phối thuộc phục vụ e174 đã trực tiếp tham gia cứu chữa cho đồng chí đại đội trưởng Vũ Thế Châu và nhiều thương binh của đại đội 674. Bà cho biết anh Pù đã mất cách đây 9 năm. Chồng bà Điền sau này là đồng chí Nguyễn Trọng Quỳnh, trong trận Mường Pồn là Chính trị viên kiêm bí thư chi bộ đại đội 674 – người đã ôm trong tay mình liệt sĩ Bế Văn Đàn lúc hy sinh.
KHÚC TRÁNG CA ANH HÙNG
Ông Nguyễn Trọng Quỳnh (nay đã mất), từng kể lại thời khắc chiến đấu oanh liệt của liệt sĩ Bế Văn Đàn như sau:
Tôi nhìn thấy thân hình Đàn nằm lộ hẳn trên công sự giữa tầm đạn. Tôi vô cùng lo lắng cho tính mạng của Đàn. Lúc này hàng ngũ địch đang lộn xộn, chúng bắn trả rất dữ dội hỏa điểm của Pù và Đàn bị lộ. Từng loạt đại liên bắn xối xả, nhưng khẩu trung liên trên lưng Đàn vẫn ròn rã nhả đạn. Anh ngước mắt nhìn lên nói với Pù là xạ thủ trung liên đang kề súng trên vai mình: “Pù bắn mạnh vào!”. Bỗng một viên đạn của địch bắn trúng loa chắn lửa làm khẩu trung liên văng xuống, Đàn lại lôi súng kê lên lưng. Ngay lúc ấy, một viên đạn khác xuyên qua vai Đàn. Anh kêu lên rồi từ từ gục xuống, khẩu trung liên ngã về một bên, máu trên vai Đàn chảy ướt đẫm một bên áo. “Đàn, Đàn ơi, có việc gì không?”. Pù kéo Đàn xuống, thì thừa cơ bọn địch lại gào lên “A la xô”. Nghe tiếng hò hét của bọn xâm lược, Đàn lại nhoai lên, mím chặt môi, lấy hết sức cố nhỏm người lên nói: “Kê lên Pù! Kê lên, quyết chiến đấu tiêu diệt chúng, Đảng kêu gọi chúng ta”.
Bà Lê Thị Điền kể lại trận Mường Pồn
 Trên lưng Đàn, tiếng trung liên lại nổ rền rền, Pù vừa bắn vừa khóc. Bọn giặc đứa chết, đứa bị thương, rồi bỏ chạy tán loạn. Mặt Đàn tái dần, lưng máu đầm đìa. Lúc đó là 12 giờ 30 phút, tôi nhẩy lên cùng Pù vực Đàn xuống ven suối, mắt Đàn từ từ mở rồi nói nhỏ dần: “Giá tôi không mắc khuyết điểm ấy, thì tôi cũng được vào Đảng rồi đấy, Bí thư nhỉ?”. Nghe Đàn nói, tôi run cả người. Tôi ôm chặt Đàn vào lòng rồi gào thét lên để Đàn nghe rõ: “Đồng chí Đàn yêu quý! Tôi thay mặt Đảng tuyên bố kết nạp đồng chí Bế Văn Đàn vào Đảng Lao động Việt Nam từ giờ phút này. Đồng chí Đàn hãy nhận lấy danh hiệu vinh quang của Đảng!”. Đàn dùng hết hơi sức ôm chặt lấy tôi và nói: “Tôi! Tôi được… kết… nạp … Đảng!”. Trên môi anh nở một nụ cười rồi ngả lưng thiếp đi, ngực và một bên áo của tôi ướt đẫm máu người anh hùng Mường Pồn.
 ...
Đáng lẽ kết nạp Đàn trước ngày đi chiến dịch. Tất cả các thủ tục, nguyên tắc giấy tờ đã làm xong, nhưng chi bộ đã nhất trí để sẽ kết nạp trong chiến đấu, vì lẽ Đàn quá nhớ mẹ đã bỏ về nhà thăm và biếu mẹ tấm áo bông trước lúc lên đường. Lễ kết nạp tại trận địa không có cờ Đảng  và bàn thờ Tổ quốc, nhưng thật thiêng liêng. Với tất cả đồng đội của Liệt sĩ Bế Văn Đàn được chứng kiến, lễ kết nạp đó như một hiệu kèn xung trận cổ vũ mọi người bước vào cuộc chiến đấu mới.
Vĩ thanh
Hôm nay, nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Mường Pồn và ngày mất của Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn, kỷ niệm 69 năm ngày thành lập QĐNDVN 22/12/1944 – 22/12/2013, tôi một chiến sĩ thế hệ đàn em của Anh, xin viết lại những dòng này thay một nén nhang tưởng nhớ Anh và bao liệt sĩ đã hy sinh, cũng là có dịp nhắc lại những trận chiến oanh liệt của quân đội nhân dân ta! Đây cũng là quà tặng cho các CCB họ G. Cuối cùng chúc sức khỏe tất cả họ G cùng gia đình.

1 nhận xét:

  1. Viết về các CCB thời chống Pháp cần rất có tâm. Cám ơn nhà báo Lương Phúc đã để rất nhiều tâm huyết và công sức viết bài này.
    Cám ơn món quà của cựu Đại tá Lương Phúc kỷ niệm ngày 22-12 đối với các đồng đội CCB Lớp G Xuân Đỉnh. (Vĩnh Thuận - 22h20 22/12/2013 - sau khi dự CLB NCT&CCB 34G Trần Phú)

    Trả lờiXóa