Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

TẢN MẠN NHÂN NGÀY 20-11



Một số chuyện ùa đến làm cảm xúc nhà giáo bừng dậy trong tôi, khiến không thể không viết. Xin được chia sẻ với các bạn, đặc biệt là giáo giới Họ G.
CHUYỆN HÔM NAY
Hà Nội là thành phố lớn nhưng phố thường là nhỏ. Cách đây vài ngày công việc dạy hát thường kỳ – tháng 3 lần dẫn tôi đến một phố lớn, song lại vào một ngõ nhỏ. Trong ngõ này có ngôi trường lớn nhưng lại mang danh nhỏ – tiểu học. Tôi bước vào một lớp học lớn nhưng toàn bàn ghế nhỏ, đổi lại học sinh lại toàn người lớn cỡ tuổi U60, U70… Một bà học sinh lớn cả về thể hình thay mặt lớp tặng tôi một “bông hoa nhỏ” ẩn mình dưới một đồng tiền mệnh giá lớn và nằm trong một phong bì nhỏ với những dòng chữ lớn – đó là quà tặng dành cho tôi nhân ngày QTHC các nhà giáo… Các bạn chắc đã quá mệt về những lớn và nhỏ rồi, vậy xin vào chuyện ngay.
Đối với tôi đã từng đứng trên bục giảng 2 trường ĐHBK HN và ĐHKTQS cũng như nhiều trường lớp dạy nghề quân đội, nhiều lần được tặng quà nhân ngày 20-11 nhưng chợt nhớ lại ngày xưa. Dịp này tầm hơn 50 năm trước, lũ học sinh cấp 1, cấp 2 chúng tôi túm tụm kéo nhau đến thăm các thày cô giáo. Thời cấp 1 trong tay chả có gì, cấp 2 góp nhau ít tiền mua cam, đi bộ đến nhà thày cô lại được thày cô cho ăn kẹo, bánh, cam… quá vui và vô tư trong sáng, nhớ mãi đến bây giờ. Thời đó, học sinh nào kém còn được thày cô kết hợp với gia đình bổ túc thêm kiến thức mà không đòi hỏi bất cứ bồi dưỡng gì.
Một thời sau đó bao cấp và khó khăn, nghề giáo viên giữ nhân cách người thày phải vật lộn với cuộc sống nên khá (nếu không muốn nói là rất) đạm bạc và tằn tiện. Đã từng có đôi câu đối vui không rõ tác giả là ai, thế này:
Nhà trường – nhường trà, uống nước sôi,
Thày giáo – tháo giày, đi chân đất.
Thời nay, khi kinh tế thị trường đang tràn ngập, một số người hành nghề giáo dục như “con sâu làm rầu nồi canh” trở nên vô cảm, vì đồng tiền mất hết nhân cách người thày. Không ít “bảo mẫu” hành hạ thậm chí đạp chết trẻ em như ở khu phố 6, P.Linh Trung, Q,Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh. Vài trường ăn bớt khẩu phần học sinh bán trú. Mới đây một bé học sinh lớp 2 mới 7 tuổi học bán trú trường Tiểu học Hùng Vương phường 8, quận 6 Tp HCM, giữa buổi trưa nắng nóng bị đuổi ra đường 2 ngày liền vì gia đình chưa nộp tiền ăn – họ không cần quan tâm đến sự an toàn của cháu thế nào, vô cảm và bất nhẫn đến thế ở một mái trường công lập?
Tôi có một con đang học đại học, dịp 20-11 cháu xin tiền để góp cùng các bạn tặng thày. Cả lớp hiện có 5, 6 thày cô đang dạy, với hơn 20 sinh viên thì mỗi “bông hoa nhỏ” tặng cho thày cô tầm 2,5 – 3 triệu. Tôi tự hỏi chả nhẽ nhân cách người thày rẻ thế sao?
CHUYỆN THỜI XUÂN ĐỈNH
Thời chiến tranh, sơ tán học ở Xuân Đỉnh, nhiều mẫu người thày cả ở trong trường cũng như ngoài đời và trên báo chí đã tác động đến tôi. Tôi có viết một bài thơ theo cảm xúc lúc đó và đã được đăng trên báo Tiền Phong, nay xin viết lại ở đây.

NGƯỜI THÀY GIÁO
Mái tranh le lói đèn dầu,
Bóng ai cặm cụi canh thâu mọt mình?
Đó người thày giáo tận tình,
Quên giấc ngủ, soạn giáo trình ngày mai.
Gà eo óc gáy canh hai
Lần theo hàng chữ chấm bài say sưa,
Miệt mài soát lại từng tờ,
Trăng nhòm cửa sổ ngẩn ngơ nhìn thày…
Gió đông tê cóng hàng cây,
Nhớ đàn chim nhỏ - lòng thày ấm hơn.

Kìa ai vác gỗ dựng trường,
Vai gầy vẫn cố đảm đương không lùi?
Đâu khó khăn – thấy mặt rồi
Chung tay góp sức,
Đó – Người giáo viên!  
         
          Bỗng đâu lửa cháy, súng rền,
Ai như thày giáo: xuống, lên, ra, vào,
Cứu đàn em nhỏ xuống hào
Thân che bảo vệ mái đầu tóc xanh,
Mặc cho bom đạn xung quanh,
Học sinh gặp nạn sao đành ngồi yên?

Tiếng ai ấm áp dịu hiền
Ngọt ngào giảng giải, nhủ khuyên nhẹ nhàng:
- Học chăm em nhé!
- Sẵn sàng!
- Thế mới xứng đáng “Cháu ngoan Bác Hồ”
Đó người thày giáo từng giờ,
Ước mong dạy dỗ học trò lớn khôn,
Kỹ sư nhào nặn tâm hồn,
Lớp măng mọc thẳng chẳng còn vết nhơ,
Sáng trong như ngọc không mờ,
Như trang giấy trắng,
Ngây thơ, yêu đời…
Để ngày mai tới muôn nơi,
Dựng xây Xã hội sáng tươi huy hoàng.

Ôi người thày giáo vinh quang,
Bình thường giản dị, vẻ vang vô cùng.
Tình thương dào dạt thành dòng
Thơ tặng thày giáo – anh hùng của em.
Mai sau đi khắp trăm miền,
Ngoái về trường cũ càng thêm yêu thày.
                              Xuân Đỉnh 19/11/1967
Tam hổ tặng hoa thày Dân

Lớp G quấn quít quanh thày Dân. HN 12/11/2008

Cách đây 5 năm, Thày Dân ra Hà Nội đúng dịp 20/11, lớp G đã họp chúc sức khỏe thày. Tình cờ đúng hôm đó tôi vừa nhận quyết định nghỉ hưu, còn nguyên quân phục đến họp mặt. Xin đăng lại mấy tấm ảnh này.

NHỚ ƠN GIÁO GIỚI HY SINH VÌ TỔ QUỐC
Tháng 7 năm 2007, tôi hành hương về “R” – căn cứ Trung ương cục Miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ và viếng mộ các liệt sĩ ở Nghĩa trang Tây Ninh. Tại đây có một Đài tưởng niệm các liệt sĩ ngành giáo dục cả nước rất trang trọng, hoành tráng. Có nhiều câu đối và bài văn bia súc tích cảm động do Giáo sư Anh hùng Lao động Vũ Khiêu soạn. Là người cùng giới nên tôi đã chụp ảnh và chép lại một số lời văn, nay xin mời các bạn xem:
 
Viếng mộ liệt sĩ ở Tây Ninh

Bên Đài Tưởng niệm giáo giới hy sinh vì Tổ quốc

Hai đôi câu đối:
Xưa Trường Sơn kiếm bút hai vai, đạn nổ bom rơi cùng vững chí,
Nay nghĩa địa tuyết sương một nấm, kẻ còn người mất luống thương tâm.

Tổ quốc thuở lâm nguy, giáo giới xót thương người ngã xuống,
Nhân dân thời đổi mới, học đường chờ đợi bước đi lên.

Bài văn bia có 5 chương, tôi xin chỉ chép ra chương cuối và ảnh.
 
Chương 5.
 Chương 5. NGÀN THU SỐNG MÃI
Đỉnh Trường Sơn bát ngát mây trời!
Dòng Bến Hải dạt dào sóng vỗ!  
Cây xanh cỏ đẹp trên đất Tây Ninh
Khói tỏa hương thơm dưới trời Nam Bộ.
Một đài tưởng niệm dựng rất khang trang
Trăm mối tâm giao tìm về hội ngộ.
Bâng khuâng kẻ mất người còn,
Man mác tình xưa nghĩa cũ!
Chúng tôi nay
Dâng bó hoa: khó nén lòng đau,
Rót ly rượu: khôn cầm lệ rỏ,
Vươn cao bút nọ hướng đỉnh trời xanh
Mở rộng sách này ghi dòng chữ đỏ
Hiến thân cho Nước: sống đã vinh mà thác cũng vinh,
Hết dạ vì Dân: mệnh chẳng thọ mà danh lại thọ.
Đạo làm thày mãi mãi nêu cao!
Gương trí thức đời đời sáng tỏ!
          Bộ GD ĐT cùng đồng đội, đồng nghiệp xây đài tưởng niệm
                                        Tây Ninh tháng 7 năm 2004

Nhân dịp này chúc giáo giới Họ G dồi dào sức khỏe và giáo dục con cháu giỏi ngoan, chúc giáo giới Đất Việt loại bỏ được những con sâu để sự nghiệp giáo dục như cây đời mãi mãi xanh tươi, trồng được nhiều người con ưu tú đặng dựng xây non nước đẹp giàu. Cuối cùng nội dung phần 3 xin được như một nén nhang thơm kính hương các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho Độc lập Tự do của Tổ quốc mà trong đó có hàng ngàn cán bộ làm công tác giáo dục.
Hà Nội, 07g46' ngày 20/11/2013. Lương Phúc 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét