Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

CHUYỆN MỘT BÀI CA DAO CỔ



             Hôm nay đã 30/11, chúng ta vốn dân Toán G, LP sưu tầm bài này để các bạn xem thử dân văn vì ngứa nghề Toán đã phải "Dò tìm cho đến ngọn nguồn, mạch sông" - Kiều, Nguyễn Du - như thế nào để tính tiền qua bài ca dao cổ. Bài viết dưới đây của tác giả  PHAN VĂN CHO Khóa 4 ĐH Sư phạm Huế.

"Đi chợ tính tiền" là một bài ca dao lục bát. Bài đã được in làm Bài Học Thuộc Lòng cho học sinh lớp "sơ đẳng" (tức lớp 3) trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư năm 1948. Bài thơ kể chuyện một người phụ nữ đi chợ về, phải trình bày minh bạch, rõ ràng việc chi tiêu với chồng.

Ngày xưa khi học bài này thầy giáo chỉ nêu đại ý như rứa, đồng thời nêu bật tính đảm đang, khéo vén của người phụ nữ xưa... sau đó yêu cầu học sinh học thuộc. Thầy không giảng về bài toán ẩn trong bài thơ, có lẽ vì thời thế đã khác (Khoảng năm 1958, chưa được vào trường công lập, người viết học với Ông giáo...  ở khoảng giữa cầu An Cựu và lăng Vạn Vạn, không biết có phải là thân sinh của nhà văn Hải Triều không?) đồng tiền cũng đã đổi thay, hoặc giải bài toán chắc chi những học trò nhỏ hiểu được.
            Đã hơn năm mươi năm, bây giờ người học trò xưa đang ngồi ôm tóc trắng... một ngày mưa ngồi buồn chợt nhớ thầy đồ nơi xóm cũ ngày xưa chừ không còn, nhưng bài thơ vẫn còn đọng mãi trong đầu của bài Học thuộc lòng thửa ấy. Bèn tìm giấy giải thử.
Ngay câu thơ đầu tiên đã gặp ngay vấn nạn: "Một quan tiền tốt mang đi". Một quan là bao nhiêu? Quan là đồng tiền cổ, những người muôn năm cũ  giờ không còn, biết hỏi ai đây? Chợt nghe vang vang trong đầu một bài nhạc của nhạc sĩ Văn Phụng:
Một quan là sáu trăm đồng.
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi. (Thơ của Nguyễn Bính).
Vận dụng cả 4 phép tính cộng trừ nhân chia, đảo xuôi ngược, lên xuống... mãi vẫn không đủ 600 đồng cho một quan tiền! 
Lại phải đi tìm  trong lịch sử. Trong một ngàn năm Bắc thuộc, dân Việt không có đồng tiền riêng. Mãi đến sau khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, dân Việt vẫn còn dùng đến đồng tiền của phương Bắc. Đến năm 968, Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế với đế hiệu Đinh Tiên Hoàng, niên hiệu Thái Bình. Năm 970 nhà vua đã cho đúc những đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo. Đây chính là những đồng tiền đầu tiên của người Việt. Từ đó tiếp đến những triều đại sau đều theo.


Đơn vị để tính tiền xưa gồm có : quan, tiền , đồng. Mỗi quan có giá trị là 10 tiền, mỗi tiền bằng bao nhiêu đồng tùy theo quy định của mỗi thời đại. Theo sử sách giá trị đồng tiền các thời đại như sau:
1/ Năm 1225, vua Trần Thái Tông định phép dùng tiền: 1 quan bằng 10 tiền, 1 tiền bằng 70 đồng.
2/ Năm 1428 vua Lê Thái Tổ cho đúc tiền Thuận Thiên: 1 quan bằng 10 tiền, 1 tiền bằng 50 đồng.
3/ Năm 1439, vua Lê Thái Tông quy định: 1 quan bằng 10 tiền, 1 tiền bằng 60 đồng.
            Như vậy 1 quan= 10 tiền = 600 đồng.
Từ đó các triều đại về sau, mỗi khi đúc một loại tiền mới đều theo tỷ lệ này, cho đến cuối triều Nguyễn năm 1945. Chỉ có tên đồng tiền là thay đổi theo tên hiệu.
Năm 1905, chính quyền bảo hộ Bắc kỳ cho phát hành loại tiền đúc bằng hợp kim kẽm. Loại tiền này mặt trước in chữ Pháp, mặt sau ghi chữ Hán, có giá trị tương đương các loại tiền đồng như Gia Long Thông Bảo, Minh Mệnh Thông Bảo, Thiệu Trị Thông Bảo và Tự Đức Thông Bảo.
Trong những đời vua sau của nhà Nguyễn còn có thêm hai đồng tiền khác là Khải Định Thông Bảo và Bảo Đại Thông Bảo, hai loại tiền này không đúc như những đồng tiền xưa mà được dập bằng máy dập nhập từ nước Pháp.
Đến đây chắc chắn là bài toán ẩn bên trong bài ca dao đã giải được. Ghi lại như sau, bên phải là các phép tính đã giải.
ĐI CHỢ TÍNH TIỀN
Một quan tiền tốt mang đi,                                                   =          600   
Nàng mua những gì chàng tính chẳng ra.
Thoạt tiên mua ba tiền gà,                                         3x60   =          180
Tiền rưỡi gạo nếp với ba đồng trầu.                    60+30+3   =            93
Trở lại mua sáu đồng cau,                                                    =              6
Tiền rưỡi miếng thịt, giá rau mười đồng.           (1,5x60)+10 =           100
Có gì mà tính chẳng thông?
Tiền rưỡi gạo tẻ, sáu đồng chè tươi.                 60+30+6     =             96
Ba mươi đồng rượu chàng ơi,                                              =             30
Ba mươi đồng mật, hai mươi đồng vàng.                 30+20   =            50 
Hai chén nước mắm rõ ràng,
Hai bảy mười bốn, kẻo chàng hồ nghi.                      2x7     =             14
Hăm mốt (21) đồng bột nấu chè,                                         =             21
Mười đồng nải chuối, chẵn thì một quan.                              =            10
                                                                            CỘNG   =           600


Trong sách QVGKT, bên dưới bài học thuộc lòng này có 3 từ giải nghĩa, ghi nguyên văn như sau:
"GIẢI NGHĨA:
  - Tiền tốt       = tiền tiêu được.
  - Vàng          = đồ làm bằng giấy cúng rồi đốt đi.
  - Hồ nghi      = ngờ vực, không biết rõ".

Những giải nghĩa này chỉ để giải thích cho lớp học trò tóc còn để chỏm, dễ hiểu,dễ nhớ. Đi chợ tất phải đem theo tiền, tiền phải có giá trị trong mua bán... là chuyện đương nhiên. Nhưng sao gọi là tiền tốt? Một bài ca dao được lưu truyền, được in trong sách giáo khoa từ lúc ra đời (Bản in đầu tiên năm 1927) đến lúc cải tiến thay đổi, không lẽ vì bí vần mà viết vụng thế sao! Thế là người viết phải đi tìm tiếp.
            Có một giai thoại trong văn học về Bà Chúa thơ Nôm.Chuyện kể rằng Hồ Xuân Hương thiếu tiền bèn hỏi mượn của Chiêu Hổ 5 quan để tiêu tạm. Chiêu Hổ gởi tiền đến, đếm hoài vẫn chỉ thấy có  3 quan. Nữ sĩ bèn làm bài thơ trách người cho mượn tiền:
Sao nói rằng năm chỉ có ba.
            Trách người quân tử hẹn sai ra.
            Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt.
            Nhớ hái cho xin nắm lá đa.
Chiêu Hổ họa lại:
Rằng gián thì năm, quý có ba.
Bởi người thục nữ tính không ra.
Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt.
Cho cả cành đa lẫn củ đa.
Trong bài họa của Chiêu Hổ có chữ gián và quý. Đây là cơ sở dẫn người viết đi tìm tiếp. Đã "có công tất ... chồng không phụ", kết quả đã tìm được:
Khoảng thế kỷ 18, dưới triều vua Minh Mạng có hai loại tiền lưu hành. Đó là tiền quý và tiền gián, tỷ lệ như sau: 1quan quý = 600đồng.   1 quan gián chỉ bằng 360 đồng.
            Khi hỏi mượn tiền, Hồ Xuân Hương chỉ nói mượn 5 quan, không nói là quan gì. Gặp lúc Chiêu Hổ chắc cũng đang thiếu nên chỉ cho mượn số tiền thấp xuống, nhưng vẫn đủ 5 quan:
                        Quan quý :      3x600  =  1800 đồng
                                           1800:360 =   5 quan gián
      Giá trị của các loại tiền xưa như thế nào? Đây là những số liệu về lương tiền dưới triều vua Minh Mạng:
      - Quan Nhất Phẩm lãnh mỗi năm 400 quan, 300 phương gạo, 70 quan tiền Xuân Phục, tức tiền áo quần.
      - Quan Chánh ngũ phẩm, hàng tri phủ mỗi năm lương 40 quan, 43 phương gạo, 9 quan tiền Xuân Phục.
      - Lính, thơ lại, phục dịch... lương mỗi tháng 1quan tiền, 1 phương gạo.
           Đồng quan ngày xưa nó to thế. Chẳng trách người ta bỏ... quan ra để mua phẩm hàm ,chức tước... để được làm quan!  Chẳng trách người phụ nữ "thời xưa" (tên khác của bài thơ Trăng sáng vườn chè) quên cả thanh xuân, gác tạm những ẩn ức, dồn nén để một ngày chồng vinh qui về làng... cùng nhau trải trọn trong một đêm trăng!
Qua những số liệu vừa tìm được, ta có thể thấy rõ bài ca dao "Đi chợ tính tiền" xuất hiện sớm nhất phải từ thời Minh Mạng. Bởi từ lúc này mới có "Một quan tiền  TỐT"mang đi. Tiền tốt chính là tiền quý, phân biệt với tiền gián có giá trị thấp hơn. Cũng thấy được,người phụ nữ trong một buổi chợ quê đã tiêu số tiền bằng lương tháng một người lính. Nhà nàng chắc phải có chuyện quan hôn, kỵ giỗ chi đây!
Thật thú vị, để giải bài toán ẩn bên trong bài ca dao, đã phải đi loanh quanh, lòng vòng. Gặp những bài thơ hay, giai thoại đẹp, biết thêm vài điều về lịch sử... Nếu không có Internet chắc gì người viết đã giải được bài toán ẩn bên trong bài ca dao cổ? Chỉ nghĩ đến kho sách phải lục tìm, những thư viện phải đi đến... đã thấy chồn chân chẳng muốn trèo !
                                                                                                    PVC (Pleiku 22-8-2011)



Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

CHÚC MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VN

Ngày 20-11
Kính chúc ba thầy chủ nhiệm lớp G: 
Nguyễn Đức DÂN, Hàn Liên HẢI và Hoàng Mai ĐỊNH
mạnh khỏe sống lâu.


Thầy DÂN - Năm 2008 - Hà nội 



 Thầy HẢI - năm 2012 - Đền Sái (Đông Anh)


Thầy ĐỊNH - năm 2012 - Nam Hồng (Đông Anh)

Chúc mừng các bạn trong lớp G Xuân Đỉnh đã là nhà giáo và đang làm nhiệm vụ cao cả: trồng người.

DANH SÁCH NHÀ GIÁO của Lớp G  XUÂN  ĐỈNH
File đầy đủ địa chỉ : Danh sach XD03a.xls
STT
Họ và tên
Trường / Cơ sở đào tạo
1

PGS. Nguyễn Bá Ân

Viện Vật lý –
Viện Hàn lâm KH&CN
2
Nguyễn Quốc Bảo

Cao đẳng Sư phạm HN

3
GS. Đào Trần Cao

Viện KH Vật liệu –
Viện Hàn lâm KH&CN

4
TS. Nguyễn Công Điều

- Đại học Thăng Long
- Viện Hàn lâm KH&CN

5

Phạm Thuý Hạnh

- Trường THCS Kim Chung - Đông Anh
- Trường THCS Thống Nhất – Ba Đình
 6
Đỗ Bá Khôi


Trường PTTH Hà Nội - Amxtecđam
(Phó Hiệu trưởng)

7

Nguyễn Huy Lâm

Trường THCS Ái Mộ - Gia Lâm
8

TS. Vũ Như Lân

- Viện Hàn lâm KHCN QG
- Đại học Thăng Long

9
PGS. Nguyễn Vũ Lương

Trường PTTH chuyên (Hiệu trưởng) -
ĐH Khoa học TN – ĐHQG HN

10

Nguyễn Thị Ngọc

Trường PTTH Bình Xuyên – Vĩnh Phú
11
PGS. Trần Hồng Nhung

Viện Vật lý - Viện Hàn lâm KH&CN

12
Mai Đình Nội

Trường Đại học Mỏ - Địa chất

13
TS. Phan Huy Phú

- Đại học Thăng Long (Hiệu trưởng)
- Đại học Sư phạm HN

14

Trần Đạt Phụng

Trường THPT Văn Giang – Hưng Yên
15

Lương Văn Phúc


Đại học Bách Khoa HN

16

Phạm Hữu Quỳ

Trường PT Nguyễn Đình Chiểu HN
(Hiệu trưởng)
17

PGS. Nguyễn Đình Tài

- Viện NC Quản lý Kinh tế TW
- Đại học Thăng Long
18

Bùi Minh Thắng

Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Thông tin – Nha Trang
19

Nguyễn Hữu Thông

- Trường THCS Uy Nỗ - Đông Anh
- Trường THCS Thụy Lâm - Đông Anh
20

Nguyễn Xuân Triểu

Khoa Toán - ĐH Khoa học TN –
ĐHQG HN
21

Nguyễn Hữu Tuyên


Trường Thương nghiệp TW

22

Lê Vĩnh Thọ


Đại học QL&CN Hữu Nghị
(Phó Hiệu trưởng)

23

TS. Hoàng Minh Chương

Khoa Toán - ĐH Tổng hợp HN


(BBT - Hà Nội - 20/11/2013)

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

TẢN MẠN NHÂN NGÀY 20-11



Một số chuyện ùa đến làm cảm xúc nhà giáo bừng dậy trong tôi, khiến không thể không viết. Xin được chia sẻ với các bạn, đặc biệt là giáo giới Họ G.
CHUYỆN HÔM NAY
Hà Nội là thành phố lớn nhưng phố thường là nhỏ. Cách đây vài ngày công việc dạy hát thường kỳ – tháng 3 lần dẫn tôi đến một phố lớn, song lại vào một ngõ nhỏ. Trong ngõ này có ngôi trường lớn nhưng lại mang danh nhỏ – tiểu học. Tôi bước vào một lớp học lớn nhưng toàn bàn ghế nhỏ, đổi lại học sinh lại toàn người lớn cỡ tuổi U60, U70… Một bà học sinh lớn cả về thể hình thay mặt lớp tặng tôi một “bông hoa nhỏ” ẩn mình dưới một đồng tiền mệnh giá lớn và nằm trong một phong bì nhỏ với những dòng chữ lớn – đó là quà tặng dành cho tôi nhân ngày QTHC các nhà giáo… Các bạn chắc đã quá mệt về những lớn và nhỏ rồi, vậy xin vào chuyện ngay.
Đối với tôi đã từng đứng trên bục giảng 2 trường ĐHBK HN và ĐHKTQS cũng như nhiều trường lớp dạy nghề quân đội, nhiều lần được tặng quà nhân ngày 20-11 nhưng chợt nhớ lại ngày xưa. Dịp này tầm hơn 50 năm trước, lũ học sinh cấp 1, cấp 2 chúng tôi túm tụm kéo nhau đến thăm các thày cô giáo. Thời cấp 1 trong tay chả có gì, cấp 2 góp nhau ít tiền mua cam, đi bộ đến nhà thày cô lại được thày cô cho ăn kẹo, bánh, cam… quá vui và vô tư trong sáng, nhớ mãi đến bây giờ. Thời đó, học sinh nào kém còn được thày cô kết hợp với gia đình bổ túc thêm kiến thức mà không đòi hỏi bất cứ bồi dưỡng gì.
Một thời sau đó bao cấp và khó khăn, nghề giáo viên giữ nhân cách người thày phải vật lộn với cuộc sống nên khá (nếu không muốn nói là rất) đạm bạc và tằn tiện. Đã từng có đôi câu đối vui không rõ tác giả là ai, thế này:
Nhà trường – nhường trà, uống nước sôi,
Thày giáo – tháo giày, đi chân đất.
Thời nay, khi kinh tế thị trường đang tràn ngập, một số người hành nghề giáo dục như “con sâu làm rầu nồi canh” trở nên vô cảm, vì đồng tiền mất hết nhân cách người thày. Không ít “bảo mẫu” hành hạ thậm chí đạp chết trẻ em như ở khu phố 6, P.Linh Trung, Q,Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh. Vài trường ăn bớt khẩu phần học sinh bán trú. Mới đây một bé học sinh lớp 2 mới 7 tuổi học bán trú trường Tiểu học Hùng Vương phường 8, quận 6 Tp HCM, giữa buổi trưa nắng nóng bị đuổi ra đường 2 ngày liền vì gia đình chưa nộp tiền ăn – họ không cần quan tâm đến sự an toàn của cháu thế nào, vô cảm và bất nhẫn đến thế ở một mái trường công lập?
Tôi có một con đang học đại học, dịp 20-11 cháu xin tiền để góp cùng các bạn tặng thày. Cả lớp hiện có 5, 6 thày cô đang dạy, với hơn 20 sinh viên thì mỗi “bông hoa nhỏ” tặng cho thày cô tầm 2,5 – 3 triệu. Tôi tự hỏi chả nhẽ nhân cách người thày rẻ thế sao?
CHUYỆN THỜI XUÂN ĐỈNH
Thời chiến tranh, sơ tán học ở Xuân Đỉnh, nhiều mẫu người thày cả ở trong trường cũng như ngoài đời và trên báo chí đã tác động đến tôi. Tôi có viết một bài thơ theo cảm xúc lúc đó và đã được đăng trên báo Tiền Phong, nay xin viết lại ở đây.

NGƯỜI THÀY GIÁO
Mái tranh le lói đèn dầu,
Bóng ai cặm cụi canh thâu mọt mình?
Đó người thày giáo tận tình,
Quên giấc ngủ, soạn giáo trình ngày mai.
Gà eo óc gáy canh hai
Lần theo hàng chữ chấm bài say sưa,
Miệt mài soát lại từng tờ,
Trăng nhòm cửa sổ ngẩn ngơ nhìn thày…
Gió đông tê cóng hàng cây,
Nhớ đàn chim nhỏ - lòng thày ấm hơn.

Kìa ai vác gỗ dựng trường,
Vai gầy vẫn cố đảm đương không lùi?
Đâu khó khăn – thấy mặt rồi
Chung tay góp sức,
Đó – Người giáo viên!  
         
          Bỗng đâu lửa cháy, súng rền,
Ai như thày giáo: xuống, lên, ra, vào,
Cứu đàn em nhỏ xuống hào
Thân che bảo vệ mái đầu tóc xanh,
Mặc cho bom đạn xung quanh,
Học sinh gặp nạn sao đành ngồi yên?

Tiếng ai ấm áp dịu hiền
Ngọt ngào giảng giải, nhủ khuyên nhẹ nhàng:
- Học chăm em nhé!
- Sẵn sàng!
- Thế mới xứng đáng “Cháu ngoan Bác Hồ”
Đó người thày giáo từng giờ,
Ước mong dạy dỗ học trò lớn khôn,
Kỹ sư nhào nặn tâm hồn,
Lớp măng mọc thẳng chẳng còn vết nhơ,
Sáng trong như ngọc không mờ,
Như trang giấy trắng,
Ngây thơ, yêu đời…
Để ngày mai tới muôn nơi,
Dựng xây Xã hội sáng tươi huy hoàng.

Ôi người thày giáo vinh quang,
Bình thường giản dị, vẻ vang vô cùng.
Tình thương dào dạt thành dòng
Thơ tặng thày giáo – anh hùng của em.
Mai sau đi khắp trăm miền,
Ngoái về trường cũ càng thêm yêu thày.
                              Xuân Đỉnh 19/11/1967
Tam hổ tặng hoa thày Dân

Lớp G quấn quít quanh thày Dân. HN 12/11/2008

Cách đây 5 năm, Thày Dân ra Hà Nội đúng dịp 20/11, lớp G đã họp chúc sức khỏe thày. Tình cờ đúng hôm đó tôi vừa nhận quyết định nghỉ hưu, còn nguyên quân phục đến họp mặt. Xin đăng lại mấy tấm ảnh này.

NHỚ ƠN GIÁO GIỚI HY SINH VÌ TỔ QUỐC
Tháng 7 năm 2007, tôi hành hương về “R” – căn cứ Trung ương cục Miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ và viếng mộ các liệt sĩ ở Nghĩa trang Tây Ninh. Tại đây có một Đài tưởng niệm các liệt sĩ ngành giáo dục cả nước rất trang trọng, hoành tráng. Có nhiều câu đối và bài văn bia súc tích cảm động do Giáo sư Anh hùng Lao động Vũ Khiêu soạn. Là người cùng giới nên tôi đã chụp ảnh và chép lại một số lời văn, nay xin mời các bạn xem:
 
Viếng mộ liệt sĩ ở Tây Ninh

Bên Đài Tưởng niệm giáo giới hy sinh vì Tổ quốc

Hai đôi câu đối:
Xưa Trường Sơn kiếm bút hai vai, đạn nổ bom rơi cùng vững chí,
Nay nghĩa địa tuyết sương một nấm, kẻ còn người mất luống thương tâm.

Tổ quốc thuở lâm nguy, giáo giới xót thương người ngã xuống,
Nhân dân thời đổi mới, học đường chờ đợi bước đi lên.

Bài văn bia có 5 chương, tôi xin chỉ chép ra chương cuối và ảnh.
 
Chương 5.
 Chương 5. NGÀN THU SỐNG MÃI
Đỉnh Trường Sơn bát ngát mây trời!
Dòng Bến Hải dạt dào sóng vỗ!  
Cây xanh cỏ đẹp trên đất Tây Ninh
Khói tỏa hương thơm dưới trời Nam Bộ.
Một đài tưởng niệm dựng rất khang trang
Trăm mối tâm giao tìm về hội ngộ.
Bâng khuâng kẻ mất người còn,
Man mác tình xưa nghĩa cũ!
Chúng tôi nay
Dâng bó hoa: khó nén lòng đau,
Rót ly rượu: khôn cầm lệ rỏ,
Vươn cao bút nọ hướng đỉnh trời xanh
Mở rộng sách này ghi dòng chữ đỏ
Hiến thân cho Nước: sống đã vinh mà thác cũng vinh,
Hết dạ vì Dân: mệnh chẳng thọ mà danh lại thọ.
Đạo làm thày mãi mãi nêu cao!
Gương trí thức đời đời sáng tỏ!
          Bộ GD ĐT cùng đồng đội, đồng nghiệp xây đài tưởng niệm
                                        Tây Ninh tháng 7 năm 2004

Nhân dịp này chúc giáo giới Họ G dồi dào sức khỏe và giáo dục con cháu giỏi ngoan, chúc giáo giới Đất Việt loại bỏ được những con sâu để sự nghiệp giáo dục như cây đời mãi mãi xanh tươi, trồng được nhiều người con ưu tú đặng dựng xây non nước đẹp giàu. Cuối cùng nội dung phần 3 xin được như một nén nhang thơm kính hương các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho Độc lập Tự do của Tổ quốc mà trong đó có hàng ngàn cán bộ làm công tác giáo dục.
Hà Nội, 07g46' ngày 20/11/2013. Lương Phúc