Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

MỘT THỜI “MŨ RƠM, CƠM ĐÓI, HỌC VẪN SAY”




Bốn Mươi Lăm năm đã qua cái ngày chúng tôi rời Xuân Đỉnh. Là những học sinh của 4 khu (quận) nội thành và 2 huyện Từ Liêm, Đông Anh được tập hợp vào Lớp Toán Đặc biệt của Hà Nội về sơ tán tại trường cấp 3 Xuân Đỉnh, chúng tôi bắt đầu bằng công việc đánh gianh, trát vách dựng lớp học, nhà bếp, đào hầm hào phòng không, tết mũ rơm – việc không thể thiếu trước khi được học. Có thể nói đó là thời kỳ đẹp nhất của tuổi học sinh khi con người ta đang chập chững trước ngưỡng cửa vào đời, đang còn hồn nhiên, vô tư, trong trắng, đang bước đầu tìm tòi khám phá, chưa có độ suy tư, cân nhắc, toan tính, cạnh tranh như giai đoạn sinh viên sau này.
 Có hàng trăm, sự kiện, kỷ niệm không quên nếu như bây giờ ngồi tâm sự, cùng nhau hồi tưởng. Cùng nhớ với các bạn, xin được nhắc lại vài kỷ niệm xưa mà tôi đã ghi lại từ ngày ấy, có gì khiếm khuyết mong thông cảm.
       
BÊN GIẾNG ĐÀO                                   THĂM GIẾNG
Bạn về thăm bạn 9G,                                                  Ai về thăm lớp 9G,
Có ra xem giếng bây giờ đã sâu,                                 Mà xem đào giếng đến giờ nông, sâu?
Việc chung đâu kể lấm đầu                                         Giếng sâu đã ngập mấy đầu,
Giếng sâu mặc giếng – cùng nhau cứ đào.                  Vẫn còn mải miết thay nhau xuống đào.
Trông lên một hỏm trời cao,                                       Ngước trông chỉ thấy trời cao,
Đèn khuya đã tắt mà sao chưa về?                             Mãi khi trời trổ hoa sao mới về
Nước trong, mạch ngọt đồng quê                               Mai ngày bạn ghé về quê
Giếng khô mơ uống nước chè xanh trong.(*)             Ta mời bạn uống nước chè giếng trong.

9G bạn có ghé qua,
Mà xem giếng khởi công ba bốn tuần,
Buồn ngồi mép giếng nghỉ chân,
Thấy chăng mép giếng lăn tăn nước rồi.
Giếng chưa nước – chí chưa nguôi!
Tối mù trời có điện cười giúp ta.
Bao giờ lửa lựu ra hoa,
Bạn về ta có giếng nhà nước ngon.
                        Xuân Đỉnh, 04/04/1967
(*) Họa vần bài “Thăm giếng” của thày Định, P nhớ gần đúng, bạn nào rõ hơn sửa lại hộ.
Trong công cuộc đào giếng này, một sự kiện không thể quên: bạn N.H.Lâm đang vét đất ở dưới đã bị một xô rỗng thả xuống rơi trúng đầu.  

KỂ CHUYỆN ANH “CẢ GÒ”
Tôi là Cả Gò – tức “cỏ gà”,
Đất bạc màu hoang chính là nhà,
Hầm hố phòng không nơi sinh trưởng,
Họ hàng chen chúc, sống chan hòa...
            Nhưng bởi chúng tôi mang tiếng “gà”
            Dù là thân cỏ, xấu hơn hoa,
            Cho nên dồn dập bao tai họa,
            Nhất bọn “người con” giết chẳng tha.
Báo động ngứa tay chúng chạy qua,
Bắt bọn chúng tôi để chọi “gà”,
Họ hàng giết nhau đau đớn quá,
Tiếng nổi xong rồi lại hóa ma.
            Hàng lệ tuôn ra mắt đã mờ,
            Mà đồng bào tôi cứ làm ngơ,
            Thương thay hàng vạn đầu “gà cỏ”
            Rụng xuống bởi tay bọn Chín Gờ.
Tiêu khiển chúng cười thân ta đổ,
Nóng nực ngồi chơi giết thì giờ,
Yên rồi chúng ta đâu hết khổ?
Chúng bắt ta lên quẳng bơ vơ...
            Tôi là “cỏ gà” tức Cả Gò,
Đất bạc màu hoang sống vật vờ,
Kể lại chuyện này mong con cháu,
Nhớ mãi thù này, chớ làm ngơ!
                        Xuân Đỉnh, 27/05/1967
Câu chuyện vừa kể trên, chắc hẳn nhiều bạn chưa quên?

BÁNH SỐNG, ĐÊM XUÂN
Vất vả đường trơn tới nhà ăn,
Bánh sống!
- nuốt trôi thật khó khăn!
Ngắc ngứ cố mong ăn cho hết,
Không về “meo” ruột lại băn khoăn.
Tối bụng biểu tình sôi sùng sục,
Cầu tiêu nhấp nhỏm – khách “du xuân”!
Ngoài kia trời nổi cơn gió lạnh,
Trong này: thum thủm - bạn tri âm!
                        Xuân Đỉnh, 01/03/1968
Kỷ niệm này là của riêng tôi, không biết có bạn nào cùng “bị” chia buồn không?

Còn rất nhiều kỷ niệm, song chúng ta hiện nay ở cỡ U70 rồi, “tiêu hóa” phải từ từ, xin hẹn gặp lại vào tháng sau. Cám ơn các bạn để mắt tới, nếu có nhận xét xin cảm ơn thêm.
                                                       Hà Nội, 6/2013.  Lương Phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét