Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

MỘT THỜI “MŨ RƠM, CƠM ĐÓI, HỌC VẪN SAY”




Bốn Mươi Lăm năm đã qua cái ngày chúng tôi rời Xuân Đỉnh. Là những học sinh của 4 khu (quận) nội thành và 2 huyện Từ Liêm, Đông Anh được tập hợp vào Lớp Toán Đặc biệt của Hà Nội về sơ tán tại trường cấp 3 Xuân Đỉnh, chúng tôi bắt đầu bằng công việc đánh gianh, trát vách dựng lớp học, nhà bếp, đào hầm hào phòng không, tết mũ rơm – việc không thể thiếu trước khi được học. Có thể nói đó là thời kỳ đẹp nhất của tuổi học sinh khi con người ta đang chập chững trước ngưỡng cửa vào đời, đang còn hồn nhiên, vô tư, trong trắng, đang bước đầu tìm tòi khám phá, chưa có độ suy tư, cân nhắc, toan tính, cạnh tranh như giai đoạn sinh viên sau này.
 Có hàng trăm, sự kiện, kỷ niệm không quên nếu như bây giờ ngồi tâm sự, cùng nhau hồi tưởng. Cùng nhớ với các bạn, xin được nhắc lại vài kỷ niệm xưa mà tôi đã ghi lại từ ngày ấy, có gì khiếm khuyết mong thông cảm.
       
BÊN GIẾNG ĐÀO                                   THĂM GIẾNG
Bạn về thăm bạn 9G,                                                  Ai về thăm lớp 9G,
Có ra xem giếng bây giờ đã sâu,                                 Mà xem đào giếng đến giờ nông, sâu?
Việc chung đâu kể lấm đầu                                         Giếng sâu đã ngập mấy đầu,
Giếng sâu mặc giếng – cùng nhau cứ đào.                  Vẫn còn mải miết thay nhau xuống đào.
Trông lên một hỏm trời cao,                                       Ngước trông chỉ thấy trời cao,
Đèn khuya đã tắt mà sao chưa về?                             Mãi khi trời trổ hoa sao mới về
Nước trong, mạch ngọt đồng quê                               Mai ngày bạn ghé về quê
Giếng khô mơ uống nước chè xanh trong.(*)             Ta mời bạn uống nước chè giếng trong.

9G bạn có ghé qua,
Mà xem giếng khởi công ba bốn tuần,
Buồn ngồi mép giếng nghỉ chân,
Thấy chăng mép giếng lăn tăn nước rồi.
Giếng chưa nước – chí chưa nguôi!
Tối mù trời có điện cười giúp ta.
Bao giờ lửa lựu ra hoa,
Bạn về ta có giếng nhà nước ngon.
                        Xuân Đỉnh, 04/04/1967
(*) Họa vần bài “Thăm giếng” của thày Định, P nhớ gần đúng, bạn nào rõ hơn sửa lại hộ.
Trong công cuộc đào giếng này, một sự kiện không thể quên: bạn N.H.Lâm đang vét đất ở dưới đã bị một xô rỗng thả xuống rơi trúng đầu.  

KỂ CHUYỆN ANH “CẢ GÒ”
Tôi là Cả Gò – tức “cỏ gà”,
Đất bạc màu hoang chính là nhà,
Hầm hố phòng không nơi sinh trưởng,
Họ hàng chen chúc, sống chan hòa...
            Nhưng bởi chúng tôi mang tiếng “gà”
            Dù là thân cỏ, xấu hơn hoa,
            Cho nên dồn dập bao tai họa,
            Nhất bọn “người con” giết chẳng tha.
Báo động ngứa tay chúng chạy qua,
Bắt bọn chúng tôi để chọi “gà”,
Họ hàng giết nhau đau đớn quá,
Tiếng nổi xong rồi lại hóa ma.
            Hàng lệ tuôn ra mắt đã mờ,
            Mà đồng bào tôi cứ làm ngơ,
            Thương thay hàng vạn đầu “gà cỏ”
            Rụng xuống bởi tay bọn Chín Gờ.
Tiêu khiển chúng cười thân ta đổ,
Nóng nực ngồi chơi giết thì giờ,
Yên rồi chúng ta đâu hết khổ?
Chúng bắt ta lên quẳng bơ vơ...
            Tôi là “cỏ gà” tức Cả Gò,
Đất bạc màu hoang sống vật vờ,
Kể lại chuyện này mong con cháu,
Nhớ mãi thù này, chớ làm ngơ!
                        Xuân Đỉnh, 27/05/1967
Câu chuyện vừa kể trên, chắc hẳn nhiều bạn chưa quên?

BÁNH SỐNG, ĐÊM XUÂN
Vất vả đường trơn tới nhà ăn,
Bánh sống!
- nuốt trôi thật khó khăn!
Ngắc ngứ cố mong ăn cho hết,
Không về “meo” ruột lại băn khoăn.
Tối bụng biểu tình sôi sùng sục,
Cầu tiêu nhấp nhỏm – khách “du xuân”!
Ngoài kia trời nổi cơn gió lạnh,
Trong này: thum thủm - bạn tri âm!
                        Xuân Đỉnh, 01/03/1968
Kỷ niệm này là của riêng tôi, không biết có bạn nào cùng “bị” chia buồn không?

Còn rất nhiều kỷ niệm, song chúng ta hiện nay ở cỡ U70 rồi, “tiêu hóa” phải từ từ, xin hẹn gặp lại vào tháng sau. Cám ơn các bạn để mắt tới, nếu có nhận xét xin cảm ơn thêm.
                                                       Hà Nội, 6/2013.  Lương Phúc.

Sách "Ngàn năm áo mũ"

Học giả 27 tuổi ra sách về ngàn năm trang phục Việt


Thứ sáu, 28/06/2013 - 07:28 PM (GMT+7)



NDĐT - Được dư luận quan tâm trong tháng qua, cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, hiện công tác tại Viện Văn học vừa được tổ chức ra mắt với nhiều thông tin thú vị.

Công trình này bao quát lịch sử trang phục Việt Nam từ triều Lý cho đến khi kết thúc triều Nguyễn (năm 1009 đến 1945), được NXB Thế giới và công ty Nhã Nam liên kết ấn hành.
Trần Quang Đức đã bắt tay thực hiện tác phẩm từ năm 2010 đến 2012, bằng việc khai thác, tham khảo, đối sánh nhiều nguồn tư liệu của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên…
Qua quy mô quan sát rộng, dài và những tìm tòi tỉ mỉ, lý giải chi tiết, trình bày có hệ thống, “ngàn năm áo mũ” của Việt Nam hiện lên sinh động, đậm màu sắc tiếp biến văn hoá và tinh thần tự chủ.

Theo đó, chế độ trang phục cung đình Việt Nam đã chủ động mô phỏng Trung Quốc để có được sự uy nghiêm, chuẩn mực tương tự. Tuy nhiên, theo quy luật sáng tạo văn hoá, trang phục cung đình Việt Nam ở nhiều thời kỳ đã có những nét cách tân độc đáo.

Với nhiều tranh, ảnh minh họa sinh động, nhiều màu sắc, nhiều bức hình được đặt cạnh nhau trong sách để người đọc tiện theo dõi và nhận thấy những nét khác biệt, độc đáo riêng của trang phục triều đình Việt Nam so với các nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản… Nhiều tranh ảnh trang phục, đầu tóc thường dân được thể hiện chân thực qua con mắt các giáo sĩ, nhà buôn nước ngoài đến Việt Nam thời phong kiến, cũng được tác giả chọn lựa đưa vào sách cùng những kiến giải súc tích.

Và như vậy, bước vào “Ngàn năm áo mũ” của Trần Quang Đức, người đọc được quan sát tỉ mỉ từ chiếc mũ cho tới tay áo bào của các vị vua, đến những kiểu loại hoa văn rồng, phượng, chim chóc, núi non… dành cho áo của hoàng hậu, công chúa, vương tôn công tử…., rồi phong tục đi chân đất, cắt tóc ngắn của người Việt một thời. Chung quanh mỗi chi tiết ấy là những lề luật, quy định, ứng xử, là cả một dòng chảy văn hoá trong triều chính, trong dân gian Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách cho rằng, trong sự thiếu hụt về tư liệu, sự không chính xác và sai lệch của ngày hôm nay trong các hình dung và thể hiện các bộ trang phục xa xưa, cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” ra đời là một sự may mắn. “Có lẽ đây là một trong những tập tài liệu văn hoá, lịch sử trang phục được nghiên cứu sâu và được biên soạn kỹ nhất ở Việt Nam, nếu không nói là quốc tế cho đến nay”.

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức sinh năm 1985 tại Hải Phòng. Được biết, năm 2004, khi đang là sinh viên năm thứ nhất ĐH Quốc gia Hà Nội, anh đã đạt giải Nhất cuộc thi Cầu Hán Ngữ lần thứ ba, dành cho sinh viên chuyên ngành tiếng Hán trên toàn thế giới. Năm 2009, Trần Quang Đức đã tốt nghiệp ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc). Thời gian qua, anh đã dịch một số tác phẩm như “Trà kinh” (2008), “Chuyện tình giai nhân” (2011) và “Trường An loạn” (2012).





Một số hình ảnh trong sách.
LƯU NGUYỄN





Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

TRỐN VỢ ĐI NHẬU (thơ vui st)



Vợ đâu có phải cai tù
Mà chồng cứ phải trốn như thế này
Đọc báo mắt vợ cay cay
Tủi thân chỉ biết lên face trải lòng...

Chồng ơi vợ chỉ mong chồng
Nếu sống cùng đến răng long bạc đầu
Thì chồng chẳng phải trốn đâu
Cứ thoải mái nhé đỡ đau vợ mà...

Vợ biết thân phận đàn bà
Tam tòng, tứ đức.. mãi là cùm gông
Lấy chồng thì phải theo chồng
Đẻ con là sẽ trói xong đời mình...

Chồng ơi nếu quý gia đình
Mỗi khi đi nhậu mang hình con theo
Ở nhà con khóc ngặt nghèo
Chồng vui bạn nhậu hò reo vang trời...

Từ sau đừng trốn chồng ơi
Đàn ông mạnh mẽ phải chơi đàng hoàng
Chém gió chém bão nhà hàng
Về đừng giả dối càng làm buồn thêm…

Vợ đây cũng phải kiếm tiền
Nếu Sếp vợ gọi, vợ liền đi ăn
Thì chồng liệu có băn khoăn
Hay là vui vẻ chẳng lăn tăn gì…

Chồng ơi, vợ chẳng so bì
Những dòng này viết cũng vì chồng thôi
Ung thư gan, mõ máu rồi
Chồng bệnh, bạn nhậu có mời nữa không?

Chồng nằm liệt chiếu ai trông
Chồng đi, để vợ... phần ông láng giềng
Con hai đứa đẹp như tiên
Không còn gọi tiếng “cha hiền” … buồn ghê…

Chồng ơi, mấy lời nhắn nhe
Mong chồng đọc được quay về mau thôi
Trốn vợ đâu trốn được trời
Mệnh trời lại chính do người tạo ra…

Bạn bè facebook gần xa
Nếu cùng cảnh ngộ chúng ta xúm vào
Chung tay cùng với Ca Dao
Giúp những ông xã đang hao phí đời…

Vợ đợi cơm đấy, chồng ơi
Chồng về ăn sớm rồi chơi đoán hình
Hai con với hai đứa mình
Bốn người là cả gia đình … chồng ơi…

(Tớ dán lên tường bạn face
Nhờ các bạn gửi bài này cho nhau
Để các ông thức tỉnh mau
Trốn vợ đi nhậu… trước sau… cũng tèo!)


(Trốn vợ đi nhậu tận Tứ Kỳ - Hải Dương - ảnh minh họa của BBT)


--------------------
ThuanNV sưu tầm 25-6-2013 theo: