Hồi ức kỷ niệm
Vâng, người bạn
đó của chúng ta là Võ Quý Toàn, anh sinh 01-01-1950, ra đi mãi mãi ngày
03-10-2001 (nhằm 17/08 Tân Tỵ), hưởng dương 53 tuổi.
Thuở Toán G, anh
nhanh nhẹn, xông xáo, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè, đôi lần đã “kiến ngãi bất vi vô
dũng dã” mà một lần đó chắc H.N không thể quên. Anh là bí thư chi đoàn 8G đầu
tiên được đoàn viên mến yêu nể phục, một trung phong càn lướt của đội bóng đá
từng vô địch trường. Bao kỷ niệm về anh thuở ấy khó ai quên, nhưng trong quãng đời sau
này tôi có lẽ là một trong những người gắn bó nhất, có nhiều kỷ niệm nhất về
anh.
Những năm anh
sang Tiệp Khắc, tôi học ĐHBK sơ tán ở Lạng Sơn, xa xôi cách nẻo vẫn thư từ
thường xuyên động viên nhau. Anh gửi về tặng tôi thước logarit Tiệp để làm công
cụ học tập - thời đó là món quà quý, tiếc rằng sau này gặp lúc khó khăn tôi đã
phải bán đi. Anh thường tâm sự bản thân thấy có lỗi khi được học hành ở nước
XHCN, trong khi đất nước quê hương đang từng ngày đổ máu vì Độc lập tự do và vài
lần làm đơn xin trở về Việt Nam chiến đấu. Nỗi đau đáu ấy làm anh học sút kém
và phải về nước tiếp tục học ở ĐH Tổng hợp. Biết tôi thích bóng đá, anh mang về
tặng tôi quyển báo ảnh tổng hợp toàn cảnh giải World Cup 1972 tại CHLBĐ, có dân
ghiền từng gạ mua 1 chỉ vàng song tôi không bán giữ lại để xem mãi, về sau thất
lạc do nhiều lần chuyển nhà. Ngày đi bộ đội, tôi gửi lại anh giữ 1 tập tướng
báo Φутбoл и Xokkéй đã mua sưu tập vài năm ở nhà sách ngoại văn Tràng Tiền. Anh còn
tặng tôi 1 đôi giày đinh thể thao, 1 áo đấu màu đỏ số 4 của đội Sparta Praha mà
anh là fan, chúng đã gắn bó với tôi khắp các sân đấu đơn vị Nam Bắc...
Ngày còn đang
yêu, anh và Mai thường đến nhà tôi ở Hàng Cân chơi và xem phim rạp Long Biên,
lúc đó em gái tôi là cộng tác viên chuyên lo vé. Đôi lần kéo theo cả Chi (em
gái Mai, vợ Nhượng bây giờ) với một âm mưu tình yêu - về sau anh mới hé lộ bí mật
và tôi đã từng đến nhà gia đình Mai ở ngõ trên phố Trần Nhân Tông gần hồ Thuyền
Quang, rồi tôi đi công tác biền biệt miền Nam nên “cách mặt, xa lòng”.
Gia đình
Toàn coi tôi như con cái trong nhà, bố mẹ anh xưng với tôi là cô chú, tôi coi
các em của anh: Thắng, Tiến, Vân, Thống như em mình. Sau ngày Toàn Mai cưới,
tôi có đến chơi, khi đó tổ đôi uyên ương là cái ban công được cơi nới, che chắn
ở nhà B1 KTT Kim Liên vì cả bố mẹ, vợ chồng anh và 4 đứa em chỉ có 1 căn hộ
24m2, mà khu bếp+vệ sinh chung cho 2 nhà. Mãi sau này khi Mai được cơ quan phân
½ gian nhà cấp 4 ở KTT cục Cơ yếu quãng gần cuối phố Láng Hạ bây giờ mới được
tự do thoải mái đôi chút, vợ chồng tôi đã đến thăm. Thời gian biệt phái ở TP Hồ
Chí Minh, tôi có đến nhà chị của Mai tại đường Lý Thường Kiệt và thường xuyên
đến thăm bác Tuệ - bố của anh khi đó là Phân viện trưởng phía Nam của Viện GTVT
tại cơ quan cuối đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa gần chợ Bến Thành hoặc nhà riêng có
bác gái theo vào, ở khu Bàn Cờ. Ngày bác Tuệ hoàn thành nhiệm vụ về miền Bắc,
tôi tìm mua giúp 1 cái sit-von-tơ to đùng, khuân đồ và đưa tiễn hai bác tại ga
Bình Triệu...
Cả tôi và anh
cùng nhiều lần thay đổi chỗ ở. Khi tôi ở KTT Nhân Chính của cơ quan (nhà cấp 4,
sau lưng cơ khí Trung quy mô) vợ chồng anh có đến chơi và lúc anh chuyển tới C10
Thành Công, KTT cục Cơ Yếu, vợ chồng tôi cũng đã lên nhà. Con tạo xoay vần,
suốt 10 năm sau đó 1991-2000, chúng tôi lại sống rất gần nhau: tôi ở KTT TCKT
59 Ngọc Khánh (đối chếch KS Daenwo, 455 Kim Mã bây giờ), anh ở B3 KTT Cơ yếu
(nay ở tầng 1 là CA phường Ngọc Khánh, đường N.C.Thanh). Anh và tôi cùng ở tầng
5, tôi cửa sổ hướng Tây, nhà anh hướng Đông, mở ra là thấy nhau đường chim bay
tầm 200m, phía dưới toàn căn nhà lụp sụp, chưa có đường đi to đẹp như bây giờ.
Mỗi lần sang nhau đi qua con ngõ hẹp bẩn và tối, khúc đường từ nhà anh ra đường
Kim Mã chưa có. Lùi sâu phía trong gần trường học là nhà P.Q.Quý, 3 nhà gần như
3 đỉnh tam giác đều, tôi và anh có đôi lần cùng đến đó. Thời gian này chúng tôi
thường qua nhau chơi kể cả các cháu, mỗi khi Tết đến xuân về hoặc có sự vui
trong nhà cần chia sẻ, tầm 2 tháng 1 lần. Tôi và Mai công tác ở 2 cơ quan trong
thành cũng hay trao đổi, hợp tác về chuyên môn. Khi N.H.Lâm có yêu cầu, anh đã
cùng tôi đề xuất phương án và vận động bạn bè trong lớp cho Lâm vay tiền với
mục đích mua nhà riêng để ở. Tiếc rằng dù đã có kết quả khả quan, song cuối
cùng Lâm vẫn không đạt mục đích. Sau này khi đã bị bệnh, anh cứ trăn trở tâm sự
với tôi là đã không giúp được bạn mình.
Mùa Thu năm 2000,
gia đình tôi chuyển về Láng Thượng, anh làm ở Viện Thiết kế Giao thông gần Cầu
Giấy, cách nhà tôi khoảng 300m vẫn thường vào chơi, đôi khi kéo theo bạn
N.H.Lâm hay đánh cầu lông ở sân Viện anh, 3 người bạn lại ngồi nhậu tại nhà tôi
hoặc ra quán. Xuân Tân Tỵ 2001, vợ chồng anh đến chơi chúc Tết, trông anh đã
hơi yếu, không ngờ đó là lần cuối cùng. Vài tháng sau nghe tin anh đã nghỉ
việc, tôi và P.V.Bá đến nhà thăm mới biết anh bị con ung xâm nhập và đang chữa
bệnh theo giải pháp nhịn ăn. Phác đồ
điều trị là lặp lại chu kỳ [Nhịn Ăn (có cầm hơi bằng nước khoáng) – Ăn Cầm cự
(bằng thực phẩm chức năng)], theo thời gian giảm dần 1/2, lần đầu Nhịn 20 ngày,
Ăn 10 ngày... Anh cho biết đã chữa bằng
nhiều cách song không hiệu quả, có một số ca bệnh đã khỏi theo giải pháp này
giới thiệu nên thử theo. Thực chất của vấn đề là người bệnh và con ung tầm gửi
cùng bị nhịn chất nuôi và cùng teo dần, sau đó cùng hồi phục một chút rồi lại
cùng teo dần... kẻ nào đi trước là thua – nói chung là đánh cược 50-50. Ít
tháng sau đến thăm thấy anh tươi cười có vẻ khỏe ra đã mừng, rất mong anh
thắng, ngờ đâu đó là ngọn nến sắp tắt bùng lên lượt cuối cùng (viết đến những
dòng này mắt tôi đã nhòa lệ). Đưa tiễn vĩnh biệt anh – đứa con đầu tiên của G
ra đi, cả lớp ai cũng buồn riêng tôi cứ ngẫm ngợi: giá như anh không điều trị
theo cách đó, vài năm sau chúng tôi mới có thể mất anh.
Mộ V.Q.T ở Yên Kỳ |
Hàng năm sau đó
cứ đến sinh nhật anh - ngày 01/01 dương lịch, tôi lại đến nhà thắp hương cho
anh, vì chỉ nghĩ rằng anh vắng đâu đó. Mộ anh ở Yên Kỳ, mộ bố mẹ tôi cũng đặt
trên đó, mỗi năm 2, 3 lượt lên thăm dù tôi nhớ hay không mấy cô em đều nhắc tôi
đến thắp hương và hóa mã cho anh. Bức ảnh mộ anh tôi chụp năm 2005, có đưa 1
tấm cho Mai đặt ở nhà. Năm 2006, tôi có đứng ra tổ chức một số bạn trong lớp
cùng đi với Mai-vợ anh lên viếng anh ở Yên Kỳ. Chuyến đi xuất phát từ nhà Phú ở
Hoàng Quốc Việt bằng xe cơ quan Phú, có thêm các bạn Bá, Tân, Tường...bây giờ
tôi không nhớ hết. Đi vào dịp hè nên trời nóng, người thưa, hầu như chỉ có đoàn
mình, mà ngày đó nghĩa trang còn sơ sài lộn xộn chưa quy củ như bây giờ, thành
thử bị dân bản địa quây, quậy, vòi vĩnh đủ kiểu. Cuối cùng tôi phải nhờ gọi người
quen đã xây mộ và cậy trông nom phần mộ của bố mẹ ra giúp mới tạm ổn, âu cũng
là một chuyến đi đáng nhớ, tiếc rằng không chụp được bức ảnh nào.
Hôm nay, khi lửa
phượng đã bắt đầu lập lòe trên cây báo hiệu năm học sắp kết thúc, tôi chợt nhớ
lại Mùa hè 1968 - Mùa hè cuối cùng - Mùa hè chia tay của lớp G, những ký ức xa
xưa tái hiện. Bỗng nghĩ đến anh, người bạn “mãi mãi tuổi 53” đã ra đi sắp tròn
1 giáp. Nếu bạn G nào có dịp thăm viếng ở nghĩa trang Yên Kỳ, hãy một lần ghé
qua ngôi mộ số 232/khu D22 thắp nhớ anh một nén nhang.
Xin viết lại những cảm
xúc này, như một chút tâm linh tưởng nhớ về anh - bạn của chúng ta - Võ Quý Toàn!
Hà
Nội, 03/05/2013, Lương Phúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét