Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

HỘI BIA NGẪU HỨNG 270413 (Lg Phuc)



                                                                                    Phóng sự chộp nhanh

Trước tiên phải hỏi 270413 là gì? Nghe có vẻ như Đoàn 559 – mật danh của BTL Trường Sơn nghĩa là đơn vị được thành lập 05/1959, cũng “dậy”, đơn giản là Hội bia ngày 27/04/2013 vì ngộ nhỡ sau này G có tổ chức Hội bia ngẫu hứng vào một ngày khác – đánh số thôi mà.

Một đoạn tin nhắn, một sự ngẫu hứng không dự kiến trước, phát lệnh tập hợp trước chưa đến 24 giờ mà đông mới lạ, hơn nhiều so với Hội Trà định kỳ Thứ Năm. Có phải Bia có sức hút hơn Trà hay đúng đầu kỳ nghỉ lễ dài, hoặc giả là bạn bè lâu ngày nhớ nhau cần tụ hội? Chậm 14’ so với giờ G, 11g44’ tôi – Lương Văn Phúc đến quán bia Thu Hằng ở 266 Thụy Khuê – ven Hồ Tây đã là người thứ 9+1, Hội bia mới bắt đầu chưa được 1 phùa. Một vài bạn quen việc đã vội đề nghị chụp ảnh, xin hãy từ từ, cuộc vui còn dài vì “không có mái không phải vì quán bia không có mái”

Toàn cảnh chiến trường
Chừng chục phút sau, tôi chưa kịp uống hết 1 vại bia, có Tam Xà Hổ nhẹ nhàng xuống taxi rồi hùng dũng tiến vào, đi đầu là Nguyễn Thị Ngọc – nguyên Hổ đầu, tiếp theo Phạm Liên Hương và Phạm Thúy Hạnh. Tại sao gọi là Tam Xà Hổ? Lớp G có Ngũ Hổ, nhưng hôm nay chỉ đi bộ tam, lại nhằm năm Rắn thậm chí nếu Tết không muộn gần 1 tháng thì tháng âm này cũng là tháng Tỵ rồi. Cái gì phải đến đã đến, đám hội ồn ào hẳn lên, Vũ Phú Tường rồi Nguyễn Công Điều ra tận cửa đón vào. Dồn dịch, ghép bàn, gọi bia gọi đĩa... một số “quân cờ di động” đảo chỗ. Thông tin báo về: H.Nhung mệt không đến, P.V.Bá có việc bận, mobi lại nhoay nhoáy gọi nhắn. Chưa hết, 12g06’, Nguyễn Vĩnh Thuận xuất hiện báo tin luôn: vừa đi Mai Châu về gặp xe M.Đ.Nội ở ngang đường... Tổng cộng hội nay có mặt là 13+1 người, ngoài 7 bạn đã nêu tên, còn có “Trưởng trò” Phạm Hữu Quỳ, Bùi Minh Tân, Phan Huy Phú, Đỗ Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Hùng, Dương Duy Lưu + con trai.

Tâm sự của Tường lùi về 40 năm trước thì sao nhỉ?
 Bia vào – lời ra, các cụ dạy rồi - khỏi phải nói. Sự bàn luận sôi nổi quanh việc nghỉ lễ dài, trận viễn du 2 ngày tới Ba Bể đã định hình ở Hội trà 18/04 tạm hoãn thành “án treo” như Đ.Thắng đề nghị. Một số điểm viễn ngoạn khác được khơi ra: Côn Sơn, Tuần Châu, tắm bùn Khoang Xanh, Đền Đô... rồi ngày đi co kéo từ 5/5, 12/5 cuối cùng nhất trí 18/5 và Côn Sơn! Nhâm nhi bia lạc ngẫm ngợi, khoảng ngày này 45 năm trước 27/04/1968, chúng tôi đang sơ tán nhà dân ở Xuân Đỉnh, say sưa dùi mài kinh sử chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông, hôm nay tụ họp nhau ngồi đây, an hưu với lý do chào mừng Đại thắng 30/4. Quãng thời gian 45 năm đẹp nhất của đời người như một cuốn phim có đoạn lấp lánh và cũng có đoạn mờ mờ huyền ảo, ẩn hiện trong ký ức.

Nồi ốc chuối đậu kèm bún lá càng tạo thêm phấn kích. P.L.Hương tung chiêu độc nhất sàn: bài thơ tỏ tình của 1 “phi công trẻ hơn” đầy cảm xúc có tên “Trái tim chưa ngủ yên” viết ngẫu hứng trên tờ giấy một mặt từ ngày đã xa 7/7/2006 (P đã chụp ảnh kèm theo). Tờ thơ đã gập làm 8, hơi nhàu nhưng PLH vẫn giữ kỹ (7 năm rồi nhé, có lẽ vì nó hay quá, tứ thi vị quá, hay vì gì?...) để đến hôm nay dẫu PLH có nói rằng đã xem tử vi hoặc nhắc lại ý thơ LP viết “tâm hồn lạnh tanh máu cá” thì cũng không thể không bâng khuâng... trong khi BMT tỏ ý sẽ đến huấn thị con PLH đã không cho may quần trắng, áo trắng. Không khí ở đây ồn ào quá, LP định ghi âm cuộc nói chuyện và cho các bạn nghe bài hát “Võng đay trưa hè” mà không thể được, đành cầm lòng chụp vài pô ảnh vậy.

                                                          Bảo vật của Hương


 Hơn 13g, ĐT ra về trước vì vợ con chờ ngoài xe, DDL cũng phải đứng dậy do cậu con đòi về. Cuộc vui nào cũng phải kết thúc, 13g35 tất cả đứng lên, ai oto thì oto, ai xe gì thì xe đó, ai bộ thì bộ... Thành công hội bia đã vượt quá mong đợi, chúng tôi ra về trong lòng vui vẻ.
Hẹn gặp lại, cho một sức sống G vui tươi, dào dạt!

Hà Nội 17g40, 27/04/2013. L. Phúc.

TB: Khi lớp trưởng N.T.N đến tuyên bố không bao tiêu, mọi người không ai phản đối và dều sẵn sàng Campuchia hoặc mời nghệ sĩ Lệ Quyên chủ trì hội nghị. Cuối buổi hỏi ý thấy “Trưởng trò” Phạm Hữu Quỳ chỉ cười, tinh thần sảng khoái quá, LP về ngồi máy lọc ảnh chụp rồi viết 1 hơi xong bài này không chỉnh sửa mà văn quá lưu loát (tự khen đấy, đừng cười!) đúng không? Xin cám ơn!

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

NG XUÂN THẮNG nói về Quốc hoa



Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam:

Tại sao phải bầu chọn Đại sứ du lịch và quốc hoa?

Báo Đất Việt - 04/04/2013

(ĐVO)- "Đối với cuộc bình chọn Đại sứ du lịch, đó chỉ là một cuộc chơi. Cuộc chơi đó, ngoài việc gây ồn áo náo nhiệt, tốn công, tốn giấy bút, tốn công của, lãng phí  thời gian của nhân dân chưa chắc sẽ mang lợi ích thiết thực cho ngành du lịch", ông Nguyễn Xuân Thắng- Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam khẳng định.

Thật ngớ ngẩn khi cần một nữ Đại sứ du lịch xinh đẹp 

Theo lời nhận xét chuyên môn của ông Nguyễn Xuân Thắng, Hoa hậu tràn ngập, các cuộc thi, trò chơi trực tuyến nhập ngoại phát sóng triền miên, khắp nơi người ta nô nức tranh giành kỷ lục... đó không phải là sự đi lên mà là tụt hậu của đời sống văn hoá, càng làm nghèo nàn đi các giá trị căn bản của văn hoá. 
"Tôi xin lưu ý là các cuộc thi hoa hậu, người đẹp ở các nước đều không được gọi là các hoạt động văn hoá. Thế giới người ta coi đây chỉ là các hoạt động thương mại hoặc phục vụ cho các mục đích thương mại. Rất khác với nước ta, ở hầu hết các quốc gia văn minh các vị lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các bộ ngành đều tuyệt đối tránh hiện xuất chính thức tại các sinh hoạt mang tính thương mại và giải trí này", ông cho biết. 
Họ càng ít khi khoác lên vai các người đẹp gánh nặng mang các giá trị quốc gia hay dân tộc, dù các người đẹp mặc phục trang dân tộc đẹp đến bao nhiêu... thì xét về mọi nhẽ bản thân các người đẹp đó đều không đủ tầm để gánh vác các giá trị mang ý nghĩa chính trị mà quốc gia kỳ vọng. 
Những ứng cử viên cho vị trí Đại sứ du lịch năm nay
Những ứng cử viên cho vị trí Đại sứ du lịch năm nay

Đối với cuộc bình chọn Đại sứ du lịch, đó chỉ là một cuộc chơi. Cuộc chơi đó, ngoài việc gây ồn áo náo nhiệt, tốn công, tốn giấy bút, tốn của, lãng phí thời gian của nhân dân chưa chắc sẽ mang lợi ích thiết thực cho ngành du lịch. Thật ngớ ngẩn nếu ai đó ảo tưởng rằng có được một nữ Đại sứ du lịch xinh đẹp thì sẽ cải thiện được ngành du lịch Việt Nam. 
Có một, chứ có đến một nghìn Đại sứ du lịch đẹp như tiên, có đến hàng trăm địa danh mang nhãn hiệu kỳ quan và kỷ lục... mà chất lượng dịch vụ du lịch vẫn cứ ì cạch, lạc hậu, hệ thống giá cả thì thiếu sức cạnh tranh như hiện nay thì du lịch Việt Nam sẽ khó mà trở mình khởi sắc được.
Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: "Thành quả của ngành du lịch Việt Nam thực chất không nằm trong tay cá nhân ai hoặc một nhóm người nào mà trong sự nỗ lực của toàn dân, của hàng ngàn đơn vị đang lao động trên lĩnh vực khai thác du lịch đang rất cần được khích lệ bởi những chính sách đổi mới của ngành quản lý du lịch. Cái đó đòi hỏi phải dày công học hỏi và lao động miệt mài chứ không phải được sinh ra từ những sinh hoạt phù phiếm và hình thức".
Nên thận trọng khi vẽ ra một hoạt động tốn kém công quỹ
Trước quan điểm của lãnh đạo du lịch khi cho rằng "các quốc gia khác có Đại sứ du lịch nên nước ta cũng cần phải có", ông thẳng thắn cho biết: "Có lẽ nên hỏi rõ vị quan chức của ngành du lịch đó là nước nào làm và đã có bao nhiêu nước bày vẽ ra các cuộc bình chọn Đại sứ du lịch? Ở đây chúng ta nên dựa vào truyền thống và thông lệ quốc gia và quốc tế. Chúng ta nên rất thận trọng khi vẽ vời ra một hình thức hoạt động tốn kém công quỹ và thời gian nếu việc làm đó chưa có từng có trong truyền thống và tiền lệ quốc gia". 
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Thắng cũng nói rõ, ở đây một loạt câu hỏi liên quan đến lợi ích và hậu quả cần được giải đáp trước khi đưa ra quyết định. Còn đối với thông lệ quốc tế, nhà chức trách có trình độ và trách nhiệm phải trả lời được là đã có bao nhiêu quốc gia đang làm như vậy. Hiện nay trên thế giới có khoảng 200 quốc gia và lãnh thổ có chủ quyền. Nếu khoảng 50% số quốc gia (tức là khoảng một trăm nước) đã làm việc đó thì chúng ta có thể coi là đã có một thông lệ quốc tế.
Nếu chỉ có vài nước thì đó là cá biệt và bất bình thường, chưa thể gọi là thông lệ. Với việc công, đôi khi thông lệ quốc tế lâu đời cũng chỉ là căn cứ để nhà quản lý tham khảo trước khi ra quyết định chứ chưa đủ làm lý cớ để hành động. Tôi không tin là có ai đó ở ngành du lịch mà lại lấy tấm gương của vài nước cá biật ra để học đòi tiêu tốn công của để... "cho vui". Hy vọng đó cũng chỉ là một câu nói đùa vô thưởng vô phạt "cho vui"  mà thôi. 
Tại sao lại phải bầu chọn quốc hoa?
Bày tỏ quan điểm trước việc bầu chọn quốc hoa, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết: "Đối với việc bình chọn Quốc hoa cũng vậy. Câu hỏi đầu tiên vẫn là: Tại sao lại phải bầu Quốc hoa? Để làm gì? Liệu đời sống văn hoá đất nước có được cải thiện hơn sau khi xuất hiện Quốc hoa, hay cuộc sống của nhân dân sẽ thêm rườm rà, phiền hà hơn? Lẽ ra câu hỏi đó đã phải được trưng cầu dân ý đầu tiên, trước khi lấy ý dân để chọn hoa sen hay hoa đào, hoa mai..."
Tại sao lại phải bầu chọn quốc hoa
Tại sao lại phải bầu chọn Quốc hoa
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, trên đời này chỉ có ba thứ xứng đáng được gắn với chữ "Quốc", đó là: Quốc kỳ, Quốc ca và Quốc huy. Đó là những thông điệp tối hậu và thiêng liêng nhất. Nếu có ai đó có ý đồ gắn hoa, rượu và bất cứ vật thể nào lên những khái niệm tối thượng đó, theo tôi, đều là lạm dụng và xuất phát từ những ý đồ thiển cận, tác hại sẽ khó lường. 
Về thông lệ quốc tế, thử hỏi đã có bao nhiêu quốc gia có cơ quan nhà nước đứng ra tổ chức trưng cầu ý dân để biến một loại cây cỏ thành một thứ nghi thức quốc gia? Theo tôi biết, có lẽ không có. Có chăng, người ta gọi hoa Tuy líp là biểu tượng của Hà Lan, hoa Anh đào là biểu tượng của Nhật Bàn... là do tự nhiên mà có, là do "hữu xạ", là truyền thống chứ không phải nhờ các chủ trương hành chính và các con số bầu chọn trên mạng. 
Quả thật tôi đã rất hoang mang khi đến dự một cuộc ra mắt chủ trương chọn hoa sen là Quốc hoa do Bộ Văn hoá tổ chức cách đây hai năm tại Triển lãm Vân Hồ, Hà Nội. Tôi nhìn thấy đâu đâu cũng chỉ là toàn là hoa sen: Những bông sen to tướng xếp dày đặc trên sân khấu, trên cánh gà, trên phông màn, trên những váy áo của tất cả các nghệ sĩ của hơn mười tiết mục văn nghệ hôm đó. 
Theo lời ông Nguyễn Xuân Thắng kể, trên mặt mấy chục chiếc bàn tiếp khách là những bình hoa sen ngất ngưởng, là những đĩa mứt sen được bày biện cẩu thả và những tách trà sen được pha chế đắng chát như thuốc bắc... Tôi chợt hỏi: Dân tộc của chúng ta, giang sơn gấm vóc của chúng ta chả lẽ chỉ có mỗi một thứ - và chỉ bấy nhiêu? Bản chất nhân văn, nhân bản của văn hoá là nằm trong chính sợi dây nối kết hài hoà giữa con người với thiên nhiên muôn hình vạn trạng. 
Ngày nay, UNESCO đang tuyên ngôn cho nền một nền văn hoá nhân bản mang tính đa dạng để giúp giải phóng con người, giải phóng các dân tộc khỏi xích xiềng gò bó, kỳ thị, lấy đó làm cơ sở để con người phát huy tiềm năng lao động sáng tạo và làm cho các dân tộc xích lại gần nhau hơn. 
Hôm nay Liên Hợp quốc cũng đang kêu gọi mọi người hãy bảo vệ thế giới này bằng một sự phát triển cân bằng theo đúng quy luật phát triển tự nhiên. Vậy sẽ ra sao nếu từ nay chúng ta chỉ tôn thờ một loài hoa, khánh tiết quốc gia, lễ hội, sự kiện cơ quan đoàn thể, hiếu hỉ cộng đồng chỉ sử dụng một loài hoa cho “chính thống”, bởi chỉ vì loài hoa đó bỗng một ngày được gắn hai chữ "Quốc hoa"? Lợi ích này dành cho ai? Thành tích này thuộc về ai? Kỷ lục này do ai lập ra? Để làm gì và vì sao?
Ông Nguyễn Xuân Thắng kết luận: "Tôi xin đề nghị đã đến lúc Quốc hội, Chính  phủ cần quan tâm nghiên cứu để đưa ra những chủ trương nhằm hướng dẫn cho nhân dân và quy định cho các ngành hữu quan về các vấn đề liên quan đến những hoạt động xác lập thành tích về văn hoá và thi đua bầu chọn để tránh gây ra những tổn thất đáng tiếc cho sự nghiệp xây dựng đất nước". 
Thanh Huyền (thực hiện)

----------------------------------------------


Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội Liên hiệp các Hội UNESCO toàn Thế giới lần thứ 8 năm 2011

Từ ngày 13 - 15/8/2010, tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã diễn ra Hội nghị Ban chấp hành các hội UNESCO Thế giới (WFUCA) với sự tham dự của các đại biểu đến từ trên 70 quốc gia thành viên.


Tại Đại hội, các quốc gia thành viên Ban chấp hành đã thông qua nghị quyết với số phiếu tuyệt đối bầu cho Việt Nam là nước đăng cai tổ chức Đại hội Liên hiệp các Hội UNESCO toàn Thế giới lần thứ 8 vào tháng 8/2011.

Cũng tại Hội nghị lần này, Nhà ngoại giao Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã được bổ nhiệm vào chức danh Tổng thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới với số phiếu biểu quyết là 100%.

Ông Nguyễn Xuân Thắng là nhà ngoại giao kỳ cựu với 30 năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc, ông cũng từng là Tổng thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam từ năm 1991 đến năm 1993.
 
Nguồn Hội Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Anh LƯƠNG PHÚC với CLB TRÀ ngày 11-4



Sau ngày 1-4 mươi ngày, hôm qua thứ năm 11-4 chúng tôi gặp nhau tại "Cà phê PHỐ HỒ" số 18 Trấn Vũ - ven hồ Trúc Bạch, đối diện "Nhà Khách Trúc Bạch" số 1 Trấn Vũ (nơi tổ chức đám cưới con trai anh Mai Đình Nội). Anh Bùi Minh Tân, Lương Văn Phúc và tôi - Thuận mít hàn huyên trong gió lạnh bên hồ, có ly cà phê nóng làm ấm lòng (anh Nội đã về từ trước).

(Phóng viên Lương Phúc tham dự CLB Trà tại Bách Thảo 28/2/2013)


Anh Lương Phúc đang theo nghiệp phóng viên, sẵn có máy ghi âm và máy ảnh bên mình, anh tác nghiệp luôn. Một cuộc phỏng vấn và thu âm biểu diễn tác phẩm âm nhạc mới được thực hiện ngay tắp lự. Bài hát mới nhất của Nhạc sỹ Lê Mây được anh Phúc trình bầy gây ấn tượng và xúc động không chỉ đối với anh Bùi Minh Tân và tôi, mà cả nhà bà chủ quán đều trầm trồ với giọng ca nuột của Đoàn trưởng Văn công CCB Việt Lào - cựu Đại tá.

Anh Lương Phúc gửi cho tôi đoạn ghi âm bài hát trên, tôi đang tìm cách đưa lên Blog để các anh chị cùng nghe.




Vĩnh Thuận - Ngọc hà - 12/4/2013 - 9h30