Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

LƯU ĐỒN Ở ĐÂU?


            Ai đã từng học Văn ở trường phổ thông miền Bắc những năm 60-70 đều biết bài ca dao có câu đầu “Ba năm trấn thủ lưu đồn…” nói về nỗi lòng của người lính đồn trú xưa. Mọi người cũng chỉ cảm nhận ở đó như một tác phẩm văn chương truyền miệng có giá trị nhân văn chứ không ai quan tâm đến các vấn đề như là: nó ra đời khoảng thời gian nào, nó có tác giả không và Lưu đồn nói đến trong bài nằm ở địa phương nào?... Và hình như vào những năm 60-70 đó cũng chưa có câu trả lời.
Tháng 11-2010, trong một lần đi làm việc thiện ở xã Thụy Hồng, Thái Thụy, Thái Bình, vào thăm ngôi đình làng tôi nhìn thấy một tấm bia đá đặt trên lưng rùa, thấy hay hay vì tôi thường sưu tầm các văn thư tịch cổ bèn chụp ảnh và xem kỹ. Thật tình cờ trên bia đá khắc chữ nho và bản dịch bằng chữ quốc ngữ bài ca dao “Trấn thủ lưu đồn” khi xưa đã học mà có lẽ nếu không đọc lại trên bia chắc tôi cũng quên rồi. Sau đó tôi có hỏi các bậc túc nho trong làng thì được biết: Thứ nhất tác giả của nó là Tướng Nguyễn Phúc Hiền (không rõ năm sinh, năm mất) – đã trấn thủ ở đây 1257-1287 (30 năm, nghĩa là từ cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ nhất đến lần thứ ba đời nhà Trần), thứ hai vùng này thời đó là rừng tre nứa và là một trong các lưu đồn của quân đội nhà Trần. Còn nguyên do vì sao một bài thơ có tác giả bỗng biến thành ca dao truyền miệng để biến thể từ 30 năm thành 3 năm thì không ai rõ.
Bản dịch chữ quốc ngữ gốc xin được chép ra dưới đây để bạn đọc tham khảo. Bạn có thể phóng to ảnh lên để xem rõ bản dịch trên bia.

(Ảnh văn bia - Lương Phúc 11/2010)

Một chút tìm hiểu, mong rằng góp vui và có ích cho những ai yêu văn học cổ nước nhà. Rất mong được những ý kiến trao đổi, mạn đàm bổ ích về những vấn đề tương tự.

TRẤN THỦ LƯU ĐỒN

Ba mươi năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan,
Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai?
Miệng ăn măng trúc măng mai,
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng?
Nước giếng trong con cá vẫy vùng...


                                 Lương Phúc, 0985.693768, 5-2012.

1 nhận xét:

  1. Cám ơn tác giả về phát hiện lý thú này!
    Chắc câu "Ba mươi năm trấn thủ lưu đồn" gồm 7 tiêng nên hậu nhân không biết rõ xuất xứ bài thơ nên biến thành " Ba năm trấn thủ lưu đồn"

    Trả lờiXóa