Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

THƠ "BÀI CA LỚP 10 G" - thi sĩ HƯỚNG DƯƠNG


BÀI CA LỚP 10 G
Lương văn Phúc (5.1968)

Lai láng chứa chan những ý thơ
Của niềm thương mến thuở 10G
Gửi người bạn cũ ngày ly biệt
Không có cung đàn, có tiếng thơ!

Mười gờ mến yêu hỡi có nghe
Từng tiếng người đi, bước ai về?
Chí Thành, Minh Chương, Phương, Dũng, Hiển
Thanh Hùng, Đặng Lương… nghĩa bạn bè
Thày Dân, thày Hải rồi thày Định
Trăng tròn lại khuyết… đã ba hè
Điểm mặt hôm nay còn bốn mốt (*)     (sĩ số 41)
Đỏ mùa hoa phượng, rộn tiếng ve…

                      ***

Ơi Bùi minh Thắng tuổi đương xanh
Thẹn đỏ mặt, tai, tính nhiệt thành 
Nổi tiếng Phécma, tài pháo cối
Áo màu nõn chuối, mắt tinh anh.

Đẹp trai, tai đỏ, quản lý sành
Nguyễn xuân Triểu pan – phượng hoàng xanh
Cờ làng năm xưa từng đần mặt
Yêu “trai Yên Thái, gái hàng Mành”.

Việc chung không quản, đấu rất hăng
Trưởng lớp – “đầu hổ” có ai bằng?
Tính hay quên là Nguyễn thị Ngọc
Ngồi gẫy khung xe – béo loại “tăng”.

Zét pho đấm bốc đất Cửa Nam
Minh Chính xưng danh vốn họ Hoàng
Họa sĩ lênh khênh hay đùa tếu
Con giai rộng miệng ắt là sang.

Vì bạn nhiều phen chịu tiếng gàn
Từng là cán sự Toán giỏi giang
Em út lớp ta Phạm thúy Hạnh
Xấu hổ nghịu thay: mặt úp bàn.

Tâm tình thủ thỉ, mặt hay nhăn
Đỗ thẳng, “quản”, “thủ”, kiệm lại cần
Nghị lực có thừa – Đỗ xuân Thắng
Học chăm, cởi mở, dễ quen thân.

Cây vợt bóng bàn Vũ như Lân
Đá cầu, đá bóng thật dẻo chân
Nheo nheo mí mắt cười tinh nghịch
Nổi cáu vì câu ghẹo “lũ vân”.

Máy đấm Đạt Phụng nặng đồng cân
Xứng với cha ông giống họ Trần
Thẳng như gậy gộc, từng quản lý
“An be” bạn hát ức bao lần?

Gàn dở phổi bò, máu hăng lên
Xưa phó lao động giữ “binh quyền”
Nay Nguyễn huy Lâm, đầu từng nứt
Hè về nóng nực nổi cơn điên…

Đông Anh cứng cựa Nguyễn hữu Tuyên
Da đỏ phù sa – võ lực điền
Đào giếng góp công, từng đoạt bút
Ma ranh vô địch tướng ốc sên.

Sinh ở châu Phi nước da đen?
Sức Nguyễn bá Ân dễ kiếm tiền
Hai mốt phát xà người còi nhỏ      (21)
Pha trò, tinh nghịch, giảng bài quen

Cuối hàng “ngũ hổ” có Hoàng Minh
Thu cười toe toét, mắt xếch kinh
Thích xây dựng bài, chăm phát biểu
Biệt hiệu “bi lăn” khéo vô tình.

Ái mộ, Gia lâm Nguyễn công Điều
Vạm vỡ, “mả lườn” lắm kẻ yêu
Kết nghĩa anh em, từng ghi nhớ
Tình bạn thủy chung sớm lại chiều…

Meo, meo… A ha! Một chú mèo?
Không, Nguyễn khắc Sơn vỗ tay reo
Dọa “bố mày nôn” cười vỡ bụng
Phụ trách thiếu nhi rất tin yêu.

Tròn như hạt mít, đất trồng hoa
Làm vua Bách thảo, tướng Ngọc hà
Tuổi trẻ hồn nhiên theo họ Nguyễn
Là chàng Vĩnh Thuận giỏi tiếng Nga.

Ai đó trông như một cụ già?
À… Phan văn Bá bịp nhà ta
Hùng cứ Thụy Khuê, đầu tổ bốn      ( tổ 4)
Trùm dân xe điện đất thành Hà.

Thụy Phương đúc kết một bông hoa
Nguyễn quốc bảo thơm nức tiếng nhà
Đã từng giật giải Thành hai bận
Sớm khuya chăm chỉ bậc sử gia.

Võ “khều” Văn miếu vốn xưng “ma”
Cũng tướng ốc sên, thích chơi xà
Thấp khớp, ham bơi Nguyễn vũ Phúc
Nghe diễu “tỉ beo” mặt muốn hoa!         

Chàng Mai đình Nội, một danh ca
Trưởng ban văn nghệ, tính hào hoa
Chuyên hắt xì hơi, “người cùng họ”
Đội lốt trâu cày lớp chúng ta.

Cười nhạo suốt ngày lão Trần Cao
Hiệu “rồ”, năm xưa vốn họ Đào
“Bài ca Vĩnh Linh” còn nhớ mãi
Đỏ mặt bạn trêu: - Ấy, Cô vào!

Xa xa Xuân Thắng dáng bảnh bao
Họ Nguyễn, chân voi, vốn phú hào 
Đạo diễn, kiêm vai chính, kịch giỏi
Trai lơ, hay hát, thích ồn ào…

Bé người, còi nhỏ, quyết tâm cao
Một mét hai mươi, dốc sức ào
Mệnh danh Dương duy Lưu, tắc tử
Sung hàn lâm viện tự thủa nào?

Đẹp trai, mạnh khỏe thích thể thao
Dòng dõi cha ông đỗ đạt cao
Hoạt bát tiếng đồn vang Phú tỉ
Phan huy, giải Lý, sở từng trao.

So bậc anh em tuổi là cao
Phạm quang Quý nghiện sái thuốc lào
Bốp chát, thâm nho, vua chẫu chuộc
Gân guốc, tay chơi cũng anh hào!

Nổi tiếng “cắn van” Phạm hữu Quỳ
Thắm tình tổng phụ trách thiếu nhi
Biệt hiệu “Hồng Hà” bao ý nghĩa?
Lưu luyến từng trang nhật ký ghi.

Năm xưa đã lĩnh chức “vũ sư”
Nóng nảy, cờ cao, lội loại cừ
Công tử Bạc liêu Phạm quang Tiến
Chính hiệu con voi, tính lừ khừ.

Phổng nhanh như thổi giống gà tồ
Hay làm nũng, điệu mặt tỉnh bơ
Phạm trung Nhân chè 15 bát
Hiệu “tồn”, căm tức tiếng “nhận vơ”.

Chào Đỗ bá Khôi chân bí thư
Mắt “ba lẻ bảy” thích hát hò
Ngủ lăn ngủ lóc, quen hậu vệ
Hùng hục đi đầu, dẫu nắng mưa…

Ưa ngồi một chỗ ít đi chơi
Danh Tiến “lang băm” bạn chớ cười
Ác tơ họ Nguyễn từng buôn nước
A một bông hoa đỏ chói ngời!            (A1)

Con nhà họ Võ giống thiên lôi
Trung phong mạnh tựa hổ vồ mồi
Dân biển Quý Toàn ham thuốc lá
Cháy lưng xứ Quảng, tắm nắng khơi.

Tươi trẻ hồn nhiên rất hiếu chơi
Lắm lúc sửng cồ, ít chịu người
“Cốt mập” chính tên Đặng văn Tuấn
Tam Đa, người ấy vốn hay cười.

Sái nghiện là tôi – Nguyễn tuấn Hùng
Ngày rộng tháng dài sống ung dung
Chuyên đóng quan tài cho người chết
Thẽo thượt, áo lụa rộng lùng thùng.

Thoang thoảng hương thơm đóa Hồng Nhung
 Tổ tiên Sát Thát rất anh hùng
“Chồng chéo tả bô” bao lần khóc            (tổ 3)
Một khúc dương cầm tiếng nhạc rung…

Đội bóng thủ môn Nguyễn đình Tài
Hăng say công tác trưởng tổ hai
Cũng mặt thơ ca, tay dũng sĩ
Tiếng “tụt” bây giờ đã quá sai!

The thé giọng ai, hẳn o tròn?
Nhầm rồi. O méo đất chợ Hôm
Tâm hồn nguội lạnh tanh máu cá
Chăm chỉ đích danh Phạm liên Hương.

Chàng Bùi minh Tân vẻ tươi giòn
Máu hăng Yên đổ, hẳn vì “ron”
Ân hận bao lần phi công “hụt”
Mát tươi tình bạn nghĩa vẹn tròn!

Ba tai đại quệch Vũ phú Tường
Biệt tài từ hiểm, hiệu Ngô tương
Xốc vác làm tròn chân “quản gạo”
Ghét văn, ưa hát, tính cương cường.

Trẻ người đầu hói “bánh có xương”
Cáu cục Hàng Bè, Mư pai ồm
“Chuyện đã rồi” – lời thú đầu ngõ
Họ Hoàng trầm lặng, đó Quang Chương.

Tiền đạo dẻo dai chớ coi thường
Mọt sách đây rồi Nguyễn vũ Lương
Tổng hợp, Tràng thi từng nhẵn mặt                  
Ương ngạnh, cầu chơi thuật cao cường!

Tay chơi quần lụa huyện Anh Đông
Ba vành mắt đỏ Nguyễn hữu Thông
Nổi danh “lẩy Kiều” thư kí lớp
Già dặn, hò khoan điệu “Qua sông”.

Đọ vãi, người hùng phái Sơn Đông
Xưa bán nước vối, chạy như lồng
Gánh gạo chai vai: Lương văn Phúc
Thi sĩ Hướng Dương ghét tắm sông
Chơi cờ mê say từng bỏ học
Trăm rưởi bài thơ sưởi tấm lòng
Cáu vặt quên sao tình bạn cũ?
Kể chuyện nhạt mồm:
-   Đó: “can ông”!

                            ***

Ba năm gắn bó đẹp biết bao!
Mặn nồng đượm hương vị ngọt ngào
Đi xa thầm nhắc tên bạn cũ
Nhớ nhé chớ quên những ngày nào
Những năm cuối cùng thời cắp sách
Vui sống trong tình bạn dạt dào!

Bão táp đang chờ đại bàng thử sức
Tung cánh lên đi!
                                Bạn hỡi,
                                               Xin chào !


31. V. 1968 – Xuân Đỉnh
Hướng Dương

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

HƯỚNG DẪN VIẾT BÀI TRÊN BLOG LỚP G XUÂN ĐỈNH


HƯỚNG DẪN VIẾT BÀI
http://xuandinh10g.blogspot.com
------------------------------------------
A. Những thông tin chung.

Weblog còn được viết tắt là Blog. Có thể hiểu nôm na Blog là một dạng Website cá nhân hoặc nhóm người. Mọi người có thể truy cập vào Blog của nhau để thảo luận về đủ mọi thứ trên đời, qua đó tạo thành cộng đồng những người sử dụng Blog.

       “Blog” là một thuật ngữ có nguồn gốc từ cặp từ “Web Log” hay “Weblog” dùng để chỉ một tập san cá nhân trực tuyến, một quyển nhật ký dựa trên nền web hay một bản tin trực tuyến nhằm thông báo những sự kiện xảy ra hàng ngày về một vấn đề gì đó.
        Nội dung và chủ đề của “blog” thì rất đa dạng, nhưng thông thường là những câu chuyện cá nhân, bản tin, danh sách các liên kết web, những bài tường thuật, phê bình một bộ phim hay tác phẩm văn học mới xuất bản và cuối cùng là những sự kiện xảy ra trong một nhóm người nào đó.

Blog có địa chỉ http://xuandinh10g.blogspot.com  được lập ra nhằm tạo ra một môi trường gặp gỡ và trao đổi giữa các thành viên của Lớp chuyên toán 8-9-10 G Trường PT cấp 3 Xuân Đỉnh (1966 -1968). Đây là tài sản tinh thần chung của lớp, mong được các bạn tham gia phát triển và viết bài cho weblog. 

1. Cách thể hiện.

Blog được xây dựng trên cơ sở các bài viết của các cá nhân và được truy cập/lưu trữ theo hai cách:
- Theo thời gian (tháng/năm). Các bài viết sau sẽ xuất hiện trước.
- Theo chủ đề. Ban biên tập (BBT) sẽ tạo ra các chủ đề. Người viết bài có quyền đính bài vào các chủ đề.
Như vậy một bài có thể liên quan đến bài khác theo hai cách: liên hệ theo thời gian đưa bài lên và liên hệ theo nhóm nội dung (chủ đề).

2. Thành viên.

Ai cũng có thể đọc các bài viết của chúng ta, nhưng chỉ có các thành viên của lớp G Xuân Đỉnh mới có thể viết bài và bình luận bài.
Chúng tôi đã tạo 1 tài khoản dùng chung cho cả lớp là “xuandinh10g” (trên cơ sở địa chỉ thư điện tử của Google: xuandinh10g@gmail.com).
Riêng mật khẩu chúng tôi sẽ báo cho các bạn qua một đường khác để tránh làm lộ trên mạng.
Bạn sử dụng tài khoản (email/account) nêu trên và mật khẩu (password) để đăng nhập viết bài mới hoặc viết bình luận.


B. Hướng dẫn viết bài mới và đưa ảnh vào bài.

Do thiết kế của Weblog nên các ảnh trong bài được thu nhỏ kích cỡ, để xem ảnh đúng kích cỡ thật bạn cần click vào ảnh trong bài, toàn bộ ảnh gốc trong bài sẽ hiện ra ở 1 cửa sổ riêng nền đen. Khi không xem nữa, bạn bấm vào ô “chữ X” ở góc trên bên phải của cửa sổ này để trở về bài đang coi.

1.      1. Vào Blog “xuandinh10g.blogspot.com”.
         hoặc gõ http:// xuandinh10g.blogspot.com
 Chọn mục “Đăng nhập” ở góc phải (bên trên)


 2.      2. Gõ Email: “xuandinh10g” và gõ Password: “********” (chúng tôi sẽ gửi mật khẩu qua Email của bạn hoặc tin nhắn trên di động). 
Click vào “Sign in


 3. Vào mục “Xem blog” ở bên phải “LOP G XUAN DINH 1966- 1968”


4. Chọn “Bài đăng mới” :



5. Gõ bài trực tiếp vào khung nhập bài hình chữ nhật:


hoặc Copy bài từ Word, trang Web, Blog khac và dán vào khung nhập bài.

6. Đưa hình ảnh vào bài:
Trong khung nhập bài, đưa con trỏ đến vị trí cần đăng ảnh, rồi click vào biểu tượng “Chèn hình ảnh” Description: Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket  ở phía trên khung (cạnh chữ “Liên kết” )



7. Trong khung “Chọn tệp” nhấp chuột vào ô “Chọn tệp” ở bên phải mục “Tải lên’ (để lấy tệp/file ảnh từ máy tính của bạn):


8. Xuất hiện cửa sổ “Open” để chọn ảnh. Bạn đi đến thư mục chứa ảnh và chọn ảnh cần đưa vào bài viết:



9. Ví dụ bạn chọn ảnh Thầy Dân và bấm vào ô “Open” ở bên phải phía dưới :
Ảnh được chọn sẽ hiện lên trong khung “Chọn tệp”. Bạn bấm vào ô “Thêm hình ảnh đã chọn” ở bên phải phía dưới.



10. Hình ảnh đã được đưa vào bài đang viết. Để chỉnh cỡ ảnh to nhỏ, bạn bấm vào chính giữa ảnh:
Và chọn: nhỏ/ trung bình/ lớn ….


 12. Bạn tiếp tục gõ bài và đưa các ảnh khác vào bài theo thao tác như trên.
13. Kết thúc việc soạn bài mới, bạn bấm vào ô “Xuất bản” ở bên phải phía trên.


(Bạn nên kiểm tra lại cẩn thận bài viết, để không có lỗi chính tả và văn phong)
Sau đó bạn bấm vào ô “Xem blog” để trở về màn hình chủ của Blog, 


14. Bạn bấm vào “Đăng xuất” để ra khỏi chế độ viết bài mới.


C. Một số quy định khác.

Bài viết có thể có nội dung tùy ý, tuy nhiên những điều sau đây không được chấp nhận:
- Dùng ngôn từ thiếu văn hóa,
- Xúc phạm cá nhân,
- Bàn các vấn đề chính trị, tôn giáo có tính nhạy cảm. 

Trong trường hợp có vi phạm, BBT có quyền xóa các bài viết phạm quy và thông báo cho tác giả biết.

Chúc các bạn thành công.

BAN BIÊN TẬP BLOG “Xuandinh10g”
---------------------------------------------------
(Nguyễn Vĩnh Thuận đưa lên blog: 19-3-2012)

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

MỘT BÀI THƠ CỦA THẦY ĐỊNH


THƠ CỦA THẦY ĐỊNH

Thầy Định chữ đẹp thơ hay. Tôi vẫn còn giữ được những bài kiểm tra toán thời cấp 3 có lời phê của thầy và những bài luyện ôn thi tốt nghiệp lớp 10 thầy viết với bố cục cân đối, chữ viết thì cực đẹp. Thầy Định làm nhiều bài thơ và đã đăng báo một số bài.

Thầy Định và bạn Hạnh ở Lễ kỷ niệm 50 năm Trường Xuân Đỉnh

Tôi nhớ khi tốt nghiệp cấp 3, thầy Định viết cho bạn Hạnh 1 bài thơ trong quyển sổ “Lưu niệm” của bạn ấy, không biết bây giờ Hạnh còn giữ quyển “lưu bút” đó không, để chụp lại bài thơ có bút tích của thầy.



Tôi xin chép ra đây theo trí nhớ, chắc có sai sót nhầm nhọt:

ĐÊM THÁNG NĂM
                                       Hoàng Mai Định

Đừng gấp lại
                em ơi 
                     trang vở
      Hãy cứ để nguyên
                 như khi em đang còn học dở
                                                 một bài dài 
                                                         chưa hết
Để ngày mai
       Cuộc sống sẽ thay anh
                                nối tiếp những lời
        Và bão lửa sinh sôi
                   sẽ viết thêm 
                                nhiều trang sách mới
        Rồi sẽ giảng cho em nghe
                                những bài thơ
                                                 ca ngợi
                                                          cuộc đời.                       
                                                                                    (5-1967)

Hình như bài này đã được đăng ở báo Tiền Phong tháng 9 năm 1968, bạn nào biết thì cung cấp thông tin với nhé.

Thầy với 4 bạn nữ trong Hội trường 50 năm Xuân Đỉnh


(Vĩnh Thuận – 20/3/2012)

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

HỘI LỚP 2012 TẠI ĐÔNG ANH


ẢNH HỘI LỚP G XUÂN NHÂM THÌN 2012

(xuandinh10g.blog – 13/3/2012) - Ảnh cả lớp chụp ở Vườn Xoài – xã Nam Hồng – Đông Anh hôm thứ bẩy 11-2-2012 trong chuyến du Xuân dã ngoại của lớp G về thăm Đông Anh, quê của ba bạn Tuyên, Thông và Đỗ Thắng.



Bạn Đỗ Thắng đã in ra khổ to ảnh Hội lớp G Xuân Nhâm Thìn 2012 này và giao bạn Tường đưa đến các bạn có mặt trong ảnh. 
Mình scan ảnh và đưa lên diễn đàn để mọi người chưa nhận được ảnh xem tạm.

(Ng. Vĩnh Thuận) 

THẦY NGUYỄN ĐỨC DÂN VIẾT BÁO


MỘT BÀI BÁO CỦA GS. NGÔN NGỮ

(xuandinh10g.blog) -  Thầy Dân tham gia viết bài phổ biến ngôn ngữ học cho 2 báo Sài Gòn tiếp thị và Tuổi trẻ TP. HCM. Năm 2010 khi ra Hà nội dạy cao học cho Đại học QGHN thầy đã photocopy 1 tập các bài báo và gửi thầy Hải , thầy Định cùng chục bạn lớp ta.
Tôi thường xuyên đọc 2 báo trên. Mỗi khi báo có bài của thầy là tôi copy về máy, lưu vào 1 thư mục riêng để học và dùng dần.
Xin giới thiệu 1 bài viết  của thầy Nguyễn Đức Dân để các bạn lớp G cùng coi. Dần dần tôi sẽ đưa bài của thầy lên diễn đàn lớp G chúng ta.



Ngày 05.12.2011, 08:25 (GMT+7)
Không gian tiếng Việt
Luận cao thấp

SGTT.VN - Sau khi ông nghị phản đối luật Biểu tình phân bua yêu cầu công luận phải hiểu phát biểu của ông theo logic so sánh trong tiếng... Anh, nhiều bạn đọc có lẽ do dân trí “chưa cao” đã nhờ Không gian tiếng Việt giải thích. Chính vì vậy, Sài Gòn Tiếp Thị tiếp tục đặt hàng tác giả quen thuộc là GS.TS Nguyễn Đức Dân có đôi lời về phân bua trên ở góc độ ngôn ngữ học.

Ông A nói: “Khi trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới ban hành luật Biểu tình...” Ông B phản biện: “Nói dân trí thấp là hạ thấp nền dân trí Việt Nam”.
Ông A phản ứng: Với thói quen cố hữu của một giáo viên Anh văn về các thứ bậc so sánh của tồi tệ nhất – rất tồi tệ – khá tồi tệ – khá tốt – tốt – tốt hơn – rất tốt – xuất sắc và cực thấp – rất thấp – hơi thấp – thấp – khá cao – cao – cao hơn – rất cao – cao nhất nên ông rất yên tâm nói “khi trình độ dân trí cao hơn” nghĩa là dân trí Việt Nam đã cao sẵn rồi, hàm ý khẳng định dân trí Việt Nam đã ở mức cao. Tương tự, ông không sợ bị chụp mũ phỉ báng Việt Nam kinh tế tồi tệ khi nói “kinh tế ổn định hơn” vì tin vào cái logic so sánh bắt chước kiểu tiếng Anh cực kỳ hỗn loạn – rất hỗn loạn – hơi hỗn loạn – hơi ổn định – khá ổn định – ổn định – ổn định hơn – ổn định nhất. Ông A cho rằng, nhận xét tiếp theo của ông B nói dân trí Việt Nam hiện “khá cao” nghĩa là theo bậc thang so sánh còn dưới chuẩn “cao”, tức “chưa cao”… (hết trích dẫn).
Xin có đôi lời về chuyện này.



Thang độ trong ngôn ngữ

Ngôn ngữ nào cũng có những phương tiện thể hiện sự so sánh hơn – kém. Nhiều từ so sánh được xếp trên một thang độ. Trong tiếng Việt, có nhiều cấu trúc từ ngữ thể hiện so sánh hơn – kém. Ví dụ: trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi có những câu như “Không nổi tiếng như ông Cồ mà họ khoẻ đến thế. Nếu là ông Cồ thì còn khoẻ đến đâu”, “Chồng mình tuy khờ dại nhưng cũng chưa đến nỗi này”...
Các từ cao nhất, nhỏ nhất, tốt nhất trỏ cực cấp (superlative). Có nhiều từ ngữ và cách nói cực cấp. Câu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” có nghĩa là độc lập tự do quý nhất. Vậy không có gì quý hơn, không có gì quý bằng hay quý đến thế là cùng… đều là những diễn đạt cực cấp quý nhất. “Không đâu có kiểu bệnh viện như ở Việt Nam” (lời bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến) là diễn đạt cực cấp về kiểu bệnh viện kỳ lạ trên thế gian; “Tím gan tím ruột với trời xanh” (thơ Nguyễn Khuyến) là diễn đạt cực cấp về sự tức giận.

Thang độ và từ đại diện

Mỗi thang độ được đặc trưng bằng một cặp đối lập trỏ hai vùng của nó: cao – thấp; tốt – xấu, khoẻ – yếu, ngoan – hư, giàu – nghèo, thông minh – ngu đần, ổn định – hỗn loạn… Các từ cao, tốt, khoẻ, ngoan, giàu, thông minh… lần lượt đại diện cho những thang độ đó. Nghĩa là chúng có thể trỏ bất kỳ điểm nào trên thang độ mà chúng đại diện.
Ví dụ 1: “Ngoan chán” không phải là ngoan. Một bà than phiền: “Thằng con tôi hư quá, chẳng học hành gì cả, suốt ngày chơi game…” Bà bạn thông cảm: “Nó chưa bỏ nhà đi hoang là còn ngoan chán!” Lời nói này không hề khen thằng con bạn ngoan mà chỉ là tuy nó hư nhưng “chưa hư bằng những đứa trẻ bỏ nhà đi hoang”
Ví dụ 2: “Khoẻ hơn” không phải là khoẻ. “Tháng trước ông cụ mình bị một trận thập tử nhất sinh” – “Cụ khoẻ hẳn chưa?” – “Chưa, đi lại vẫn phải có người dìu, cụ vẫn còn yếu lắm nhưng đã khoẻ hơn nhiều”. Vậy khoẻ hơn nhiều vẫn là yếu, có điều không còn yếu bằng lúc thập tử nhất sinh.
Ví dụ 3: “Ổn định hơn” không hẳn là ổn định. “Khi nghe tin tổng công ty làm ăn thua lỗ mấy chục ngàn tỉ đồng, mọi người hoang mang lo phá sản, lo thất nghiệp. Lãnh đạo trấn an thế nào tư tưởng cũng không ổn định hơn được”.
Ví dụ 4: “Cao hơn” có thể vẫn thấp. Mẹ: “Đàn ông gì mà cao mét rưỡi. Giá nó cao hơn mười phân nữa thì tạm được”. Tới đây chúng ta thấy ngay lập luận của ông A “khi trình độ dân trí cao hơn” nghĩa là dân trí Việt Nam đã cao sẵn rồi là không chuẩn. Nói cách khác: sắp xếp cao < cao hơn là không chuẩn. Nhìn hai người rất lùn, ta nói “người này cao hơn người kia một chút”. Cả hai đều vẫn rất lùn.

 GS-TSKH Nguyễn Đức Dân góp ý cho Tuổi Trẻ tại buổi giao lưu - Ảnh: MINH ĐỨC

Vùng trung gian trên thang độ

Ngoài hai vùng đối lập, trên mỗi thang độ thường có vùng trung gian, được đặc trưng bằng từ trung bình. Tuy nhiên, còn có những từ khác cho vùng này. Để nói mình chẳng nghèo nhưng cũng không giàu, trong bài Tự trào, Nguyễn Khuyến viết “chẳng gầy, chẳng béo, chỉ làng nhàng”, nghĩa là “gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung” (Truyện Kiều). Vậy là, làng nhàng, thường thường bậc trung trỏ vùng trung gian trên thang độ giàu – nghèo. Chúng còn có thể trỏ mức độ trung gian cho nhiều thang độ: trình độ, năng lực, sức khoẻ, hình thức…
Trên thang độ cao thấp có ba vùng : cao – trung bình – thấp. Chuyển từ vùng này sang vùng kia phải qua vùng trung bình.

Trong mỗi vùng lại dùng những rất, khá, hơi… để sắp xếp mức độ: rất thấp < khá thấp < hơi thấp < trung bình < hơi cao < khá cao < rất cao.
Trong vùng thấp không có từ thấp, trong vùng cao không có từ cao. Tới đây các bạn thấy ngay cách sắp xếp của ông A “với thói quen cố hữu của một giáo viên Anh văn” và “cái logic so sánh bắt chước kiểu tiếng Anh” đã quên mất vùng trung bình, lại còn đưa thêm hai từ thấp, cao vào: cực thấp – rất thấp – hơi thấp – thấp – khá cao – cao – cao hơn – rất cao.
Lại nữa, lập luận “khá cao nghĩa là theo bậc thang so sánh còn dưới chuẩn cao” cũng không đúng nốt. Từ cũng mới tạo ra so sánh còn dưới chuẩn. Ví dụ: “Mẹ thấy anh ấy thế nào?”– “Cũng được” – “Cũng được thôi à?” (phim Chỉ còn lại tình yêu). Rõ ràng, cô gái không hài lòng với câu khen “dưới chuẩn” của mẹ nên mới hỏi lại. Ông A cũng phạm sai lầm tương tự khi đề cập đến chuỗi rất hỗn loạn – hơi hỗn loạn – hơi ổn định – khá ổn định – ổn định – ổn định hơn.

GS.TS NGUYỄN ĐỨC DÂN





Xem thêm:
(VinhThuan đưa lên: 13-3-2012)