Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

Chém gió (Truyện ngắn: Đình Tài)







CHÉM GIÓ
                                                     
Nguyễn Đình Tài

- Tôi đố các cụ dân nước nào sống lâu nhất?

- Ôi dào, nước Nhật, ai chả biết.

- Cả dân Bắc Âu nữa, hội ấy toàn sống ngoài tám mươi.

- Thế các cụ có biết tại sao con người  thường chỉ sống  đến ngưỡng tám mươi không?

- Tại trời!




- Chuẩn! Tại trời cả thôi. Chuyện là thế này, các cụ chịu khó nghe một tí nhé. Khi tạo ra thế giới và muôn vật, lúc đầu Chúa Trời nặn ra con Trâu và bảo “Trâu,  mi xuống hạ giới cày, bừa, làm lụng nuôi sống con Người. Ta cho mi sống 50 tuổi!”, nghe thế, Trâu đáp “Bẩm Thượng đế, xuống đấy sống lao lực như thế, con chỉ xin sống 20 năm, trả lại Ngài 30 năm.” “Thôi được, Ta đồng ý”. Vậy là từ đó Trâu thường sống đến 20 tuổi rồi già chết hoặc người thịt chết. Tiếp theo, Chúa Trời nặn con Chó và bảo “Chó, mi xuống hạ giới ăn cơm thừa, canh cặn, trông nhà, giữ cửa cho Người. Ta cho mi sống 20 tuổi”. Chó đáp “Bẩm Chúa Trời, làm cái việc khổ sở, hèn hạ ấy cũng chẳng sung sướng gì, con chỉ xin 10 năm sống, trả lại Ngài 10 năm”. “OK, Ta chuẩn y.” Tiếp đó, Chúa Trời nặn con Khỉ. “Khỉ này, ngươi xuống hạ giới chuyên nhảy nhót,  hầu hạ, mua vui cho Người, Ta cho ngươi sống 40 năm”. Ngẫm nghĩ một lúc, khỉ bẩm “Mua vui lâu cũng chẳng hay hớm gì, cực nhọc lắm, con chỉ xin Chúa Trời 20 năm thôi, còn 20 năm con trả.”. “All right, vậy thì đừng có tiếc”. Cuối cùng, Chúa Trời nặn ra con Người, một sinh vật cực đẹp và bảo “Này Người, ngươi sẽ làm bá chủ hạ giới, ăn, chơi, sung sướng, không phải làm gì cả, Ta cho ngươi sống 20 tuổi.” Nghe thế, Người chồm lên “Ấy, ấy, không được, sao lại chỉ có 20 năm?”. “Thế ngươi muốn thế nào!?”. “Bẩm Chúa Trời, đơn giản là thế này thôi: Ngài cho con xin 30 năm của thằng Trâu, 10 năm của thằng Chó và 20 năm của thằng Khỉ đã trả lại Ngài, cộng với 20 năm của con, vị chi là 80 năm được chứ!”. Chần chừ một lúc, Chúa Trời đáp “OK, nhưng sau này sướng, khổ đừng gọi Ta!”. 




- Chuyện có thế thôi à? Hoang đường!

- Lão này nghe mà không hiểu ẩn ý à? Nghe đây, sống 80 năm, nhưng chỉ có 20 năm đầu mới thật là người: sung sướng,  vui chơi, nhảy múa, không phải lo lắng gì; 30 năm lấy của con trâu là 30 năm khốn khổ “đi cày” trả nợ, hùng hục làm như trâu; 10 năm tiếp lấy của con Chó, khi đã về già, ăn cơm thừa canh cặn của lũ con, trông nhà, giữ cửa cho chúng nó đi làm đi chơi, nhục như chó; 20 năm cuối đời, lấy phần của con Khỉ, thì là lúc làm hề, làm trò khỉ, mua vui, giỗ dành cháu nội, cháu ngoại “măm măm”. Cho nên, có   sống được 80 năm thì chỉ có 20 năm đầu mới thật là người thôi, còn 60 năm sau là đời con vật.

- Tóm lại, chúng mình đang ở giai đoạn khỉ đột.

- Khỉ không đuôi mới đúng.

- Không đuôi là thế nào!? Con đực vẫn còn tý đuôi vắt vẻo phía trước.




- Thế các cụ có biết tại sao đàn bà thọ  hơn đàn ông không?

- Vì các bố  phá đời, ăn uống, chơi bời vô độ, đến vua chúa sướng thế mà chẳng mấy vị thọ được đến thất thập nữa là. Còn các bà thì biết kiềm chế, lo cho sức khỏe hơn, nên thọ  hơn.

- Cũng chỉ đúng một phần. Các cụ có biết tại sao rùa, rắn sống lâu không? Vì chúng nó lâu lâu lột xác, thay máu. Đàn bà cũng thế lâu lâu đẻ một đứa con, thay máu, thậm chí thay máu hàng tháng, nên sống lâu hơn cánh ta.

- Nghe cũng có lý, nhưng tôi biết một nguyên nhân khác.

- Là gì?

- Đàn bà sống lâu hơn nhờ có máu ghen! Họ lo chết trước thì các đức ông chồng “xổng chuồng”, đi léng phéng, nên tìm mọi cách sống dai hơn để giám sát.

- Cụ nói thế nào ấy, khối bà chồng chết rồi mà vẫn ghen. Có bà, mấy năm đầu giỗ chồng, mua cả núi vàng mã, nào tiền đồng, tiền đô, vàng, biệt thự, xe con,  máy tính, TV, điều hòa, tủ lạnh, mobile phone,…, sau có người nhắc bà mua nhiều thế, ở dưới ấy, ông ta đem cho gái, cặp bồ thì khốn.

- Vậy nên, bây giờ bà ấy  chỉ cúng chay ông nhà, không gửi gì xuống, cho ông ấy hết đường chứ gì!?

- Tôi nghiệp cho các bọ già. Tôi có ông bạn, có lần cùng bà lão và thằng cháu nội 15 tuổi đi nghỉ mát, phơi nắng ngoài bãi biển. Mỗi lần có một em Bikini đi ngang, cả thằng bé và ông già mắt sáng lên, ngoái cổ ngó theo. Bà già ngoảnh sang ông lão nói “Ông thấy không, thằng cháu chúng mình đã trưởng thành, ra dáng đàn ông rồi đấy!”. “Ừ, đúng”. Ông già tán thưởng. “Ừ ừ đúng đúng cái gì! Già khú đế rồi mà như thằng nhãi ranh, thấy gái cứ nhấp nha nhấp nhổm, rõ ghét!”. “Khổ tôi chưa, đã phải ăn kiêng rồi mà đến xem thực đơn cũng bị cấm” Ông lão làu bàu.




- Hai cụ ấy còn cặp kè được với cháu con còn là may, nhiều cụ cô đơn, dặt dẹo còn phải vào trại dưỡng lão mới khổ.

- Cụ nhắc đến trại dưỡng lão làm tôi nhớ đến chuyện ở một nhà dưỡng lão nọ, có hai bà lão ở cùng phòng với nhau. Một lần, sau bữa ăn tối, một bà bảo bà kia “Hôm nay đừng chốt cửa, tôi đi dạo với ông lão phòng bên đến trước 10 giờ đêm tôi về nhé.” Vậy mà, mới đi chưa được một giờ đồng hồ, bà ta đã trở về với vẻ mặt bực  tức và nói “Tôi vừa tát cho lão mấy cái”. “Sao thế?” - Bà bạn hỏi, - “Lão ấy chạy làng à, hay sàm sỡ bà quá giới hạn?”. “Đâu có, chuyện là, ngồi ghế đá được 10 phút, thấy mắt lão nhắm tịt, mồm há hốc, nước dãi chảy ròng ròng, đầu gật gật. Tôi sợ lão bị hôn mê nên tát vào má mấy cái cho tỉnh lại. Hóa ra, ngồi cạnh người yêu mà lão ngủ gật, chán chưa.”

- Buồn cười nhỉ, đúng là tình yêu “thời răng rụng”.

- Chưa hết, tỉnh ngủ, lão rút trong túi ra một cái nhẫn inox, quỳ trước mặt tôi và lắp bắp “Anh cầu xin em hai điều.” “Được ông nói đi!”. “Một là, xin em hãy là vợ anh, em hãy đưa ngón tay cho anh lồng chiếc nhẫn thời chiến trường vào”. “Ông nói nốt điều thứ hai đi!” – Tôi đã bắt đầu điên tiết. “Điều thứ hai là xin em hãy đỡ anh đứng dậy”. ” Đấy, bà bảo có chán đời không!?”




- Tội nghiệp bố già si tình, chẳng bù, tôi có ông bạn đại gia, bảy mươi tuổi, vẫn phong độ, vừa kiếm được một baby trẻ măng, xinh như mộng.

- Chắc cụ ấy phải lừa, nói với hot girl là mình U 50 nhỉ?

- Ngược lại thì có, lão ấy khai tăng, nói ngoài 80 nó mới chịu lấy đấy!

- Này, chém thế đủ rồi các cụ! Bây giờ, cụ nào rỗi ta vào bệnh viện thăm lão ga lăng Bùi Đại Cấn đi!

- Lão làm sao mà phải nằm viện? Mới tuần trước còn đi dancing với các em tuổi “xồn xồn” ở Câu lạc bộ ACCC  (Ăn Chơi Chờ Chết) cơ mà?

- Đấy là chuyện tuần trước. Mới cách đây ba hôm, nhân đón bà vợ yêu đi thăm mẹ ở Sài Gòn về và mừng sinh nhật bả luôn, lão chuẩn bị một mâm thịnh soạn, có cả bánh ga tô, rượu vang và một bó hoa Phong Lan thơm ngát. Vợ chưa về, bỗng bà bạn đồng niên phổ thông, góa chồng  ghé thăm. Hai người đang vui vẻ trò chuyện thì “Sư tử” xuất hiện. “Á, à, ghê chưa, tưởng bà này chậm máy bay nên tranh thủ đưa gái về nhà à? Lại còn hoa, rượu, ga tô nữa!”. “Ấy chết, ấy chết, không phải thế, anh  làm mâm này đón em về và mừng sinh nhật em nữa” – Ông Đại Cấn cuống lên. “Sinh nhật tôi ngày này tháng sau cơ mà, ông đừng có bịp tôi!”. “Ôi, thế thì anh nhầm. Đây là chị bạn phổ thông của anh tình cờ đến chơi thôi mà!”. Mới nói đến đấy, thì bộp, bộp, bà vợ lao vào tát, đấm tới tấp ông chồng đáng thương. Và hậu quả là đồng chí gãy  3 cái răng, đầu vỡ mảng lớn vì đập vào cạnh bàn.




- May mà “bộ âm tích” còn nguyên nhỉ. Ghen như bà ấy ăn thua gì, bà nhà tôi có lần năm mơ thấy tôi đang dạy bơi cho một em chân dài, thế là giận tôi hơn một tuần, thế có điên không!

- Thôi chém gió thế đủ rồi, ta đi thăm đồng chí “thương binh” quả cảm Bùi Đại Cấn đi các cụ!


Đình Tài – Lớp G Xuân Đỉnh - 8/2017




Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

VẠN VẬT KẾT NỐI (sáng tác Đình Tài)

BBT--- Blog "Xuandinh10G"- Cuối năm con Khỉ sắp Tết Gà, ông bạn già Chí Phèo làng Đặng bỗng dưng đột quỵ, may mắn đàn em kịp thời đánh xe con lên khu công nghiệp lò gạch đưa lão về cấp cứu Khoa Nội Thần kinh A9  Bệnh viện Kinh Đô 333. Lũ bạn già thời bơi ao đánh đáo bàn tán lý do, nào là lão Chí đắm đuối Thị Nở, hay là say mê lướt mạng, có lẽ do mê mải nghiền... chủ nghĩa Mờ Lờ Tờ Bờ vân vân và vân vân. Đang bí thì lão Tẻo bảo "tớ biết rồi, tại XXYY..." và thì thầm vào tai các lão A, Bờ, Nờ, Pờ, Tờ... Tai vách mạch dừng, nhà văn trẻ U7 Đình Tài nghe được, về trăn trở suy tư cả đêm nhân dịp bà xã đi du lịch Thung Nai với các bà bạn thời cắn chấy, viết ra truyện ngắn "Kết Nối Vạn Vật" gửi gắm tình cảm CCCP (các chú cứ phá / các cụ cứ phán) của Câu lạc bộ Chém Gió Thứ Sáu:



VẠN VẬT KẾT NỐI
           
                        Nguyễn Đình Tài

Cuộc vui quanh bàn nhậu của các thành viên Câu lạc bộ “chém gió” ACCC (ĂN CHƠI CHỜ CHẾT /Ăn chơi các cụ) sôi lên sùng sục sau câu chuyện của ông Mai. Ông Mai kể rằng năm ngoái có ông bạn đồng niên bị đột quị vì không cắt bao qui đầu ! (sau đây gọi tắt là “Bao”)
- Ông nói vô lý chết đi được, - Bà Hường ngồi cạnh lên tiếng, - bao thì có liên quan gì đến tim mà bị đột quị.


- Ấy là phụ nữ nên chẳng hiểu gì cả, tớ không chấp. Bao không mở thì nhất định là bị ách tắc, mà ách tắc lâu quá thì đột quị chứ sao. – Ông Mai cao giọng, ngửa cổ tợp hết ly rượu Ba kích tím Quảng ninh chính gốc.

( Chị Hường nhậu với anh Mai / Ba chai chưa cạn không ai được về...)

- Ồ, thế nhưng tôi biết một ông nọ hẹp bao mà có đến 3 đứa con đấy. – Ông Lương Đức góp chuyện.
- Thật á?! Bốc phét ! – Bà Hường trợn tròn mắt.
- Thôi thôi, con xin bố, làm gì có chuyện lạ ấy. – Ông Phạm xua tay, - chắc ba đứa con ấy là của hàng xóm rồi.
- Thật mà, trông 3 đứa ấy giống bố nó như đúc, - Ông Lương Đức cãi.
- Nếu thế thì “Mặt mũi giống cha ngã ba giống mẹ” chứ gì. – Ông Bùi nói kháy.
- Sao lão biết cả 3 đứa ấy là con gái? – Ông Lương Đức ngạc nhiên.


- Có thế mà không biết. – Mít tơ Bùi nhăn trán tỏ vẻ uyên bác. (1) – Sim-bờn là “quân đoàn Y” (2), cánh quân có nhiệm vụ tiến nhanh chọc thủng phòng tuyến để tạo nên hotboy bị bao chặn đứng. Một số chiến sĩ vượt qua được thì đã oải nên đi bộ lừ đừ, số khác thì sứt đầu, mẻ trán, đứt đuôi nên không tên nào còn sức vượt qua phòng tuyến. Còn “quân đoàn X”, cánh quân có nhiệm vụ tạo nên hotgirl, thì tình trạng không khá hơn, nhưng hội này sức dẻo dai hơn, cho dù chạy chậm hơn. Và kết quả là 1 chiến sĩ quân đoàn X vượt phòng tuyến! Nhưng tôi cũng đồng ý với bà Hường, hai chuyện chẳng có gì liên quan với nhau.
- Để tôi kể cho các vị nghe câu chuyện bọ chét của cháu tôi. – Ông Vũ tham chiến.
- Kể đi xem nào! Chắc chuyện về bao của bọ chét à? – Cụ Bùi tủm tỉm.


- Bố này, chỉ được cái trí tưởng tượng quá đà. Chuyện là thế này, - Lão Vũ bốc một nắm lạc rang đưa vào mồm, rồi vừa nhai vừa kể, - tại giờ kiểm tra tập làm văn lớp 3, cô giáo ra đề học sinh tả con chó của nhà con. Trong lúc cả lớp lúi húi lia bút, cô giáo bước đến chỗ thằng cháu ngoại tôi ở nhà gọi là Bíp thấy nó viết “Nhà con nuôi một con chó xồm. Con chó này nhiều lông và rất bẩn, nên trên người nó có rất nhiều bọ chét. Con bọ chét nhỏ li ti như hạt vừng, nó có 6 chân, có thân dẹt, không có cánh, nhưng có cái ngòi rất sắc dùng để hút máu…”. “Hùng Anh, riêng con không phải tả chó nữa, con tả cho cô con mèo!”. Thằng Bíp “vâng ạ”, còn cô bước tiếp đến bàn sau. Nó viết “Nhà con có nuôi một con mèo mướp gầy nhom. Con mèo này lại chơi thân với con chó xồm nên nó bị lây bọ chét từ chó xồm.  Con bọ chét nhỏ li ti như hạt vừng, nó có 6 chân, có thân dẹt, không có cánh, nhưng có cái ngòi rất sắc dùng để hút máu…”. Cô quay lại “Sao thế này, ông tướng, thôi ông tả con cá chép cho tôi nhờ!” (Lần này thì hết đường bọ chét, cô nghĩ). Bíp hí hoáy viết  “Hôm qua mẹ  con đi chợ mua về một con cá chép đen to đùng. Con cá này có rất nhiều vẩy, giá như nó sống trên bờ thì mỗi vẩy sẽ là một cái lông, mà có nhiều lông thì thế nào cũng có bọ chét. Con bọ chét nhỏ li ti như hạt vừng, nó có 6 chân, có thân dẹt, không có cánh, nhưng có cái ngòi rất sắc dùng để hút máu…”.
          Cả hội nhậu phì cười.


          - Cười thì các vị cứ cười cho nở phổi, ngon miệng, nhưng chuyện tếu này mang một triết lý cuộc đời là “Vạn vật kết nối”. - Lão Vũ chốt lại và quay sang lão Nguyễn, -   Ông là người đi lắm, hiểu rộng, biết tuốt, ông thấy có đúng không?
          - Không chỉ đúng, mà quá đúng! – Ông Nguyễn lên tiếng. – Tôi sẽ chứng minh cho các vị biết, cuộc nhậu của hội mình đây sẽ tác động đến nước Mỹ!
          - Thôi xin cụ, cụ say rồi, đừng ba hoa nữa! – Bà Hường cắt lời.
          - Say là say thế nào, tửu lượng thằng này vô biên, chấp cả hội! – Ông Nguyễn tự ái.
          - Cứ để cha ấy nói, người say nói mới hay. – Cả hội khích lệ.


          - Này nhá,  với cuộc nhậu này, nhà hàng sẽ tăng thu nhập vài triệu đồng. Thấy đông khách, ông chủ nhà hàng sẽ tuyển thêm nhân viên chạy bàn. Vậy là, cô Đào tơ mơ nào đó đang định ngày mai đi bán thân vì có mẹ già nằm ốm lết bết, nay được tuyển vào làm. Có tiền, cứu được mẹ, cứu được mình, xã hội thêm một công dân lương thiện. Rồi một gã thanh niên, tạm gọi tên là Đô, tốt nghiệp khoa nấu ăn Đại học Du lịch, đã hơn một năm nay thất nghiệp, túi rỗng, đói mềm người, đang chuẩn bị ngày mai cùng mấy đứa bạn đi cướp ngân hàng, thì được ông chủ gọi đến cho làm chân đầu bếp. Thế là cu cậu có măm-ly (3). Ba tháng sau, chàng ta cưới cô Đào sau cú sét ái tình ở nhà hàng. Sau mấy năm làm ăn chăm chỉ, sinh con đẻ cái, tích cóp, nhờ có tay nghề cao, hai vợ chồng mở nhà hàng riêng, rồi mua sắm ô tô, biệt thự, mở chuỗi nhà hàng lớn với thương hiệu “Đào & Đô”. Sau một thời gian, ẩm thực thương hiệu Đào&Đô lan rộng sang Mỹ, đánh bật McDonald. – Ông Nguyễn ngừng giọng, mắt trái nháy nháy, cười nhe hàm răng vắng một chiếc.


- Ông đạo chuyện “Cô gái vắt sữa” của La Phông tiên sinh chứ gì!? (4). Cô nàng mơ bán được sữa, rồi mua nhiều trứng về ấp, rồi trứng sẽ nở ra một đàn gà lớn, rồi nhảy cẫng lên làm đổ hết sữa.  – Bà Hường bắt mẽ.
- Đạo một tý cũng được, tôi ủng hộ cha Nguyễn, - Ông Phan lên tiếng, - vấn đề là cú hích. Hàng tỷ số phận, hàng tỷ cuộc đời, nhiều khi chỉ cần một cú hích nhỏ làm thay đổi tất cả. Bạn ông Mai đột quỵ vì không cắt bao nghe cũng có lý. Đúng là vạn vật kết nối!  Thôi, Nâu-tây-bờn! (5)
- Thôi, thôi, muộn rồi, giải tán thôi các vị, ông nào chưa cắt bao thì về xử lý ngay đi. Nhà hàng đâu, cho thanh toán! – Ông Nguyễn nhổm người, ngoái đầu nhìn về phía quầy lễ tân.


- Lần sau bố nói “tính tiền” như dân Nam bộ, đừng nói “thanh toán”, nghe ghê bỏ mẹ. – Mít tơ Bùi ngửa cổ uống nốt vại bia rồi đứng dậy.
Thôi, thứ sáu tuần sau lại gặp nhau nhé các cụ, gút-bai đời đẹp như con nai!!! (6)
--------------------------------
(1)- Mr.                  (4) La Fontaine (nhà thơ/văn ngụ ngôn Pháp)
(2)- Simple             (5) No table! (= Miễn bàn !)

(3)- Money             (6) Goodbye


Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

TRUY CÁCH CHỨC (truyện Đình Tài)



Cuối năm sắp Tết, chuyện chạy chức chạy quyền náo động thật lực, không kém những hoạt động sôi động của thị trường sản xuất và bán hàng Tết. Nhà văn Đình Tài mới gửi BBT "Blog Xuân đỉnh 10G" truyện ngắn- tiểu phẩm hài về đề tài nhạy cảm này. 

Xin giới thiệu với Bạn Đọc và xin cám ơn nhiệt tình sáng tác của Nhà giáo-nhà văn Đình Tài !


HƠN NHAU LÀ Ở CÁI ĐẦU
Nguyễn Đình Tài



Sau vụ việc chấn động – đề bạt gần hết công chức của Sở giữ các chức vụ lãnh đạo (trừ một công chức bị đao nhẹ có nhiệm vụ trông xe và một nữ nhân viên  bị ngắn lưỡi làm tạp vụ), Trần Đại Thoáng, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội bị cách chức cho về hưu sớm. Ông cảm thấy bị oan uổng vì mọi người không chịu hiểu cho động cơ trong sáng của mình – đấy là vì lợi ích của dân! Thoạt nghe thì lý do đó khó chấp nhận, nhưng suy ngẫm thêm một tý tẹo teo nữa thì thấy có lý. Đúng là trước khi đề bạt thì hầu hết các vị trong Sở đều là dân, những người khát khao được làm quan, sau khi đề bạt họ mới  thành quan. Nhưng xét cho cùng, quan (hay nói theo cách của ta, là cán bộ) lại là đầy tớ của dân, như vậy, kiểu gì cũng có ích cho dân!
Người được Tỉnh cử về thay Trần Đại Thoáng là Võ Mạnh Đô, nguyên là Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường của tỉnh nhà. Sau buổi lễ nhậm chức hoành tráng, Tân Giám đốc bảo Trưởng phòng Tổ chức cán bộ ở lại.



- Phạm Đa Luật này, trong vụ đề bạt cán bộ vô tội vạ vừa rồi cậu cũng tội to lắm đấy. Bây giờ, sếp cũ của cậu để lại cho tớ một “đống di sản” thế này tớ biết làm gì với họ đây? – Tân Giám đốc  lo lắng.
- Sếp khỏi lo, độc gì cũng có thuốc giải. – Trưởng phòng Tổ chức đáp, má trái giật giật mỗi khi xúc động.
- Cậu nói nhanh đi, đừng úp mở nữa!
- Vâng, Sếp có biết, vừa rồi một ông bộ trưởng sau khi đã về hưu rồi còn bị “truy cách chức” 5 năm cuối lúc tại vị của mình không?
- Chuyện lạ ấy thì cả nước biết, cậu hỏi làm gì.
- Vấn đề là hệ lụy của vụ cách chức kỳ lạ này mới đáng nói. Em hỏi Sếp, nếu ông ấy bị cách chức thì các văn bản ông ấy ký trong thời gian cầm quyền đó còn có giá trị không? – Phạm Đa Luật nhếch miệng cười bí hiểm.

- Còn chứ, … à, không, dĩ nhiên là không rồi. – Giám đốc mở tròn mắt.
- Đấy, đấy, thưa Sếp, các văn bản ông ấy đã ký cũng bị coi là vô giá trị, không có hiệu lực, đặc biệt, các quyết định bổ nhiệm của Sir ấy. – Đa Luật tiếp lời.
- Vậy là, tất cả các vị mà ông Thoáng bổ nhiệm trong 5 năm gần đây trước khi ông ấy về hưu đều không có giá trị! – Giám đốc Đô chợt hiểu ra. – Thế thì tốt quá, tớ sẽ cho các vị đó về ngồi đúng chỗ cũ của mình!
- Thế còn phụ cấp trách nhiệm các vị lĩnh suốt trong thời gian lãnh đạo thì sao ạ? – Phạm Đa Luật hỏi dò Sếp.
- Truy thu chứ còn sao nữa. – Tân Giám đốc khoát tay dứt khoát.
- Khó đấy Sếp ạ, làm sao mà “móc họng” họ được. Thế theo Sếp, từ nay Sở ta cần giảm bao nhiêu lãnh đạo để em tính -  Đa Luật dò tiếp.
- Ban giám đốc 3,  một trưởng 2 phó; 9 phòng mỗi phòng 2, một trưởng một phó, vị chi là 21. Quyền hạn của tớ bổ nhiệm 18 vị trưởng phó phòng mới , còn 30 vị trưởng phó phòng khác cho nghỉ, cậu rõ chưa?
- Dạ, em hiểu ạ. – Phạm Đa Luật lấy ngón trỏ tay phải gãi nhẹ vào dái tai trái. – Vậy thì em đề nghị Sếp cho tổ chức cuộc chơi “Đấu trường 50”.



- Sao cơ? Tớ chưa hiểu? Tớ có xem “Đấu trường 100”…– Giám đốc dướn mày.
- Vâng, em lấy ý tưởng từ “Đấu trường 100”: bản chất vấn đề là dùng một người chơi chính để chọn ra trong số 50 người chơi phụ còn lại một số người ở lại. Trong trường hợp này, ngoài em ra (người chơi chính) Sếp sẽ chọn được 17 người chơi khác trụ lại được với các câu hỏi “tấn công trí não” mà Sếp đặt ra. 18 người này sẽ là 18 lãnh đạo phòng ban của Sở ta. – Trưởng phòng Phạm Đa Luật xoa hai tay vào nhau, nhìn Sếp chờ đợi.
- Tuyệt lắm, tớ hiểu rồi. Tớ sẽ đóng vai MC Thái Tuấn, cậu là người chơi chính, trừ 2 phó giám đốc ra, 50 công chức còn lại của Sở sẽ là 50 người chơi và ta sẽ loại 30 người, lấy 18 người trong đó có cậu. – Giám đốc gật gù, tay phải xoa nhẹ đầu Luật.
- À, mà cậu chuẩn bị cho tớ vài câu hỏi luôn, chắc 3 câu là đủ. – Giám đốc chỉ đạo.

          Sáng thứ hai đầu tuần, hội trường của Sở được sắp xếp thành hình vòng cung và các bàn được đánh số thứ tự từ 01 đến 50. Sân khấu được trang hoàng lộng lẫy với hàng chữ vàng trên băng-rôn đỏ “Đấu trường 50”. 50 công chức mỗi người ngồi một bàn, một số, với 50 bộ mặt đầy căng thẳng, hồi hộp.
Thủ trưởng trong bộ com-lê màu bã trầu, đầu nhuộm đen, chải gôm bóng lộn, bước vào:
- Good morning, các đồng nghiệp! Thưa các đồng nghiệp, sau khuyết điểm nghiêm trọng của đồng chí Trần Đại Thoáng, cho dù đồng chí đó đã về hưu hơn nửa năm nay, nhưng Chủ tịch tỉnh vẫn ra quyết định cách chức Giám đốc sở đối với đồng chí Thoáng trong nhiệm kỳ 5 năm vừa rồi. Việc này dẫn đến một hệ lụy là các quyết định mà đồng chí Đại Thoáng ký trong thời gian làm Giám đốc sẽ không có hiệu lực pháp lý, trong đó có các quyết định đề bạt các chức lãnh đạo cấp phòng. Chúng ta sẽ giải quyết dần hệ lụy này, nhưng trước mắt sẽ xử lý việc bổ nhiệm lãnh đạo. Từ giờ phút này, tôi cách chức tất cả 48 lãnh đạo cấp phòng ngồi đây, tất cả đều về “mo”, Sở ta chỉ cần 18 vị, 9 phòng mỗi phòng 1 trưởng, 1 phó. 18 vị lãnh đạo mới sẽ được tuyển từ cuộc chơi trí tuệ “Đấu trường 50” hôm nay. Tôi sẽ là người đặt câu hỏi, người chơi chính sẽ là nguyên Trưởng phòng Tổ chức và Cán bộ Phạm Đa Luật.  Thể lệ cuộc chơi là tôi sẽ hỏi, thực ra là “tấn công trí não”, cho đến khi còn đúng 18 người còn lại thì thôi. Các đồng chí rõ cả chưa. Ai hỏi gì không? – Giám đốc nói một hơi.


Một cánh tay run rẩy giơ lên:
- Em xin hỏi ạ, thế trong 18 người trúng thưởng, à quên, trúng tuyển, thì ai sẽ là trưởng phòng, ai là phó phòng? – Nguyên Chánh văn phòng sở hỏi, khuôn mặt căng thẳng, môi trên xệ xuống.
- 18 người trúng sẽ chia ra thành 9 cặp. 9 cặp này sẽ tham gia cuộc chơi “Đuổi hình bắt chữ”, người nào thắng sẽ là trưởng, người thua là phó, còn tôi sẽ đóng vai Xuân Bắc. Tất cả rõ chưa? – Giám đốc nhếch miệng, nhún vai, vẻ uyên bác.
- Nhưng thưa Giám đốc, - Một cánh tay khác giơ lên, - mỗi phòng có chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau, liệu lấy người ngẫu nhiên bố trí làm lãnh đạo sợ có ổn không ạ?
- Chú là ai? – Giám đốc hướng mắt về phía cánh tay mập mạp ở bàn số 09.
- Dạ, em là Tô Thành Tích, Trưởng phòng, à quên, nguyên Trưởng phòng Việc làm - An toàn Lao động. – Số 09 trả lời.
- Chú Thành Tích này, tôi hỏi chú, ai ở đây mà chẳng có việc làm! Ai ở đây mà chẳng lao động! Cho nên cái nghiệp vụ “Việc làm và An toàn lao động” của chú thì ai làm mà chả được. Với cơ chế hiện hành, ai làm lãnh đạo mà chẳng được và lãnh đạo làm cái gì mà chẳng được, “Để là đất, cất là nhà”. Chú rõ chưa!? Đúng là ngồi vào số không chín (09) hợp với chú đấy – Giám đốc cao giọng.

Cuộc thi bắt đầu. Câu hỏi đầu tiên được “MC” Võ Mạnh Đô đặt ra cho người chơi Phạm Đa Luật là “Trong 3 thứ có cùng chữ Chức: Viên chức, Công chức, Quan chức, thứ nào ít quan trọng nhất?” Câu trả lời đúng là Công chức ít quan trọng nhất,  vì nếu ghép 2 chữ đầu của Viên chức và Quan chức ta sẽ có Viên quan và Quan viên, còn ghép với chữ Công ta sẽ chỉ có Quan công , Công quan và Công viên (rất ít quan trọng). Với câu hỏi đầu này có 20 người trả lời sai, còn lại 30 người.
Câu hỏi thứ hai là: “Trong 3 thứ cùng có chung chữ Lương: Lương thưởng, Lương bổng, Lương lậu, 2 lương nào quan trọng nhất?”.   Câu trả lời đúng là Lương thưởng và Lương lậu quan trọng nhất, vì nếu ghép 2 chữ sau của Lương thưởng và Lương lậu ta sẽ có Thưởng lậu. Rất may và cũng rất tình cờ, câu hỏi số 2 đã loại đúng 12 người, để lại 18 người bao gồm người chơi Phạm Đa Luật (người có công ra đáp án).

Ngay sau khi Đấu trường 50 kết thúc, 9 cặp chơi đuổi hình bắt chữ lần lượt thi đấu dưới sự điều hành sắc sảo, hóm hỉnh của MC-Giám đốc Võ Mạnh Đô. Chẳng hạn, để tìm ra Trưởng phòng Việc làm – An toàn Lao động, thì từ Lao động được ông minh họa bằng hình một người bệnh lao đang động đậy  chân tay; để chọn ra được Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội, cụm từ Tiền tử tuất có hình một con chó (Tuất) nằm chết (Tử) trên đống tiền; Trưởng phòng Người có công là người đoán đúng hình ảnh hai người đàn ông không mặc quần cõng nhau chính là Gậy ông lại đập lung ông; hay người đoán được hình một con dê đang vùng vẫy bơi dưới biển Hải Dương sẽ là Chánh văn phòng sở; v.v.




Nhờ có cách làm sáng tạo, nên Tân Giám đốc Võ Mạnh Đô chỉ trong một thời gian cực ngắn đã xử lý ngon vấn đề cán bộ, lựa chọn ra được những công chức sáng ý như chuột chí, nhanh hiểu như đà điểu. Đúng là, trên đời này, độc nào cũng có thuốc giải, hơn nhau là ở cái đầu!



Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

Thầy DÂN cho sách mới 11-2016






Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú NGUYỄN ĐỨC DÂN sinh ngày 23 tháng 6 năm 1936 tại Hà Nội nhưng nguyên quán của Giáo sư là làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam
Thân phụ của Giáo sư là cụ Nguyễn Đức Chung, nguyên Trưởng ty kinh tế Hà Nam thời kì kháng chiến chống Pháp. Thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Nga - cháu ngoại của cụ Tam Nguyên Yên Đổ - nhà thơ Nguyễn Khuyến. 

 


Vào đại học năm 1954, hè năm 1957, Thầy Nguyễn Đức Dân tốt nghiệp cử nhân ban Toán (khoa Toán – Lý, ĐHSP Hà Nội), tháng 8/1957 thầy được nhận quyết định về dạy Toán tại trường Bưởi (nay là Trường THPT chuyên Chu Văn An – Hà Nội). Từ đó Thầy theo đuổi và tận tuỵ với sự nghiệp “trồng người”. Từ năm 1963 đến năm 1966, Thầy được phân công phụ trách lớp “Bồi dưỡng Toán của Hà Nội” thi học sinh giỏi toàn miền Bắc. Nhiều học trò do Thầy bồi dưỡng đã trở thành các nhà toán học, vật lý có tiếng như: GS.TS. Phan Quốc Khánh, GS.TS. Đào Văn Lượng, GS.TS Nguyễn Bá Ân

Năm 1970, Thầy bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học hình thức (formal linguistics) với đề tài “Minh họa câu đơn tiếng Việt bằng ngữ pháp phạm trù” tại Warszawa, Ba Lan. Đây là bước chuyển hướng quan trọng từ Toán học sang Ngôn ngữ học trong sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu của Thầy.


Sau khi từ Ba Lan về, Thầy giảng dạy Ngôn ngữ học tại khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG Hà Nội).
Năm học 1979-1980, Thầy làm giáo sư thỉnh giảng môn “Tiếng Việt và Văn minh Việt Nam” tại ĐH Paris 7 (Cộng hòa Pháp).
 
Từ năm 1986, Thầy chuyển vào Nam công tác tại Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM. Trong thời gian công tác tại đây, Thầy được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư năm 1991, học hàm Giáo sư năm 1996. Thầy đã liên tục là Tổ trưởng tổ bộ môn Ngôn ngữ, Khoa Ngữ văn-Báo chí, là Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Thầy nghỉ hưu vào năm 2002.

Tháng 6 năm 2016, Nxb Trẻ TP Hồ Chí Minh đã in và phát hành cuốn sách “Lô gích – ngữ nghĩa từ hư tiếng Việt” của GS. TS Nguyễn Đức Dân



Cuốn sách này được viết dựa vào các bài viết đã đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ và các công trình khác từ 40 năm qua trên cơ sở có chỉnh lý, bổ sung và viết cho liền mạch lại từng vấn đề theo một định hướng nhất định. Sách khổ 14 cm x20cm, dày 384 trang có 4 chương và các phần: tài liệu tham khảo, dẫn liệu ngôn ngữ và một phụ lục ngắn.

Đầu tháng 11/2016 Người Thầy kính yêu 80 tuổi ra Hà Nội, mang sách mới cho các học trò cũ “Lớp toán đặc biệt” 8-9-10 G Trường PT cấp 3 Xuân Đỉnh mà Thầy là Giáo viên Chủ nhiệm đầu tiên (Lớp 8G - trước khi Thầy đi nghiên cứu tiến sĩ tại Ba Lan 9-1966).








Xin có vài câu nôm na kính tặng Thầy:

Thày mang cho sách mới tươi,
Tám mươi viết khỏe toàn lời ngọc châu,
Lớp G nhớ mãi ơn sâu,
Chúc Thầy mạnh khỏe sống lâu dài dài. ./.

 (Mỹ đình - Hà nội - 10/11/2016)


 (Hà nội --- 16-5-2013)