Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

May mà kịp bôi trơn (truyện hài - Đình Tài)

MAY MÀ KỊP BÔI TRƠN





Đường vào trung tâm thành phố tắc khủng khiếp. Có ba chục cây số mà đi xe máy từ sáng sớm mà mãi đến 10 giờ mới tới Sở Công thương. Tiếp tôi là một thanh niên  có đôi mắt hiếng và khuôn mặt lưỡi cày.
- Ông cần gì? – Công chức hỏi.
- À, bác đến xin Chứng nhận an toàn thực phẩm cho cá Tra. – Tôi vội đáp.
- Ở đây, nơi công sở, không bác cháu gì nhá. Thế cá “Cha” ông  nuôi hay của ai? Có biên bản kiểm tra cá và điều kiện nuôi cá chưa? – Thanh niên lên giọng.
- Dạ, tôi nuôi ạ. Nói đúng hơn là lúc đầu tôi nuôi nó, rồi đoạn sau nó lại nuôi tôi. Mà là cá Tra chứ không phải Cha, chờ nặng chứ không phải chờ nhẹ, anh ạ. Biên bản, giấy tờ đầy đủ cả. – Tôi nhũn giọng.



- Biết rồi, chờ nặng, chờ lâu, chờ đấy! Đáng ra phải gọi là “cha” mới đúng vì bây giờ nó nuôi ông. Mà hôm nay không cấp giấy được ông nhé, cơ quan bận.
- Nhưng cách đây bốn hôm, sáng thứ hai, một chị tóc đỏ, môi đỏ, móng đỏ ngồi chỗ anh bảo tôi cả cơ quan bận đi ăn hỏi, đến hôm khác. Mà làm sao lại cả cơ quan cùng đi ăn hỏi anh nhỉ? – Tôi nhăn nhó.
- Là vì, trong Sở này, ai cũng có họ gần với chú rể cả! Bố cậu ta là Giám đốc sở. – Công chức đáp, mắt nhìn phía cửa sổ (mà cũng có thể đang nhìn tôi vì mắt cậu ta lác).
- Sáng hôm kia, thứ tư, tôi đến trước 10 giờ, mà trước cửa phòng đã treo biển “Hôm nay không tiếp khách, cả cơ quan đi ăn cưới”. Sao lại phải cả cơ quan ăn cưới hả anh? – Tôi khó chịu.
- Ông này hỏi buồn cười nhỉ! Đã bảo cả cơ quan đều họ hàng với Giám đốc thì ai dám không đi dự cưới chứ! Mà không chỉ riêng Sở này đâu, hễ có đám cưới công chức là tất cả các sở, ban, ngành trong tỉnh đều đóng cửa đi dự tuốt! Tục lệ lâu nay vẫn thế rồi mà còn tra hỏi lằng nhằng. -   Cậu ta khó chịu, mặt lưỡi cày bắt đầu ửng màu đỏ.
- Thế hôm nay, thứ sáu cuối tuần rồi, cưới xin đã xong chưa mà cơ quan vẫn bận? – Tôi bắt đầu điên tiết.



- Chốc nữa cả Sở phải đi đám ma bố đẻ Giám đốc. Cấm có đứa nào được vắng, ông hiểu chưa? Mười ngày nữa mời ông quay lại!
- Ra là đám cưới chạy tang! Mà sao lại làm đám ma đến 10 ngày hả ông con giời!? – Tôi gào lên.
- Vậy tôi nói cho ông nghe nhá: thứ hai tới là cụ mất được 7 ngày, phải cúng cầu siêu cả ngày. Từ thứ ba đến hết chủ nhật tuần tới chú rể và cô dâu sẽ đi nước ngoài hưởng tuần trăng mật. – Giọng công chức dịu lại vì thấy mắt tôi bắt đầu xung huyết.
- Hai vị ấy đi trăng mật thì liên quan gì đến Giấy chứng nhận mà phải chờ, hả giời? – Tôi cáu.
Vừa lúc ấy, một chị mập, trắng có đôi môi dày đỏ chót, từ phòng bên đẩy cửa bước vào.
- Thôi, Hách, chị nghe thấy cả rồi, để chị làm việc với bác đây. Em đi pha ấm trà ngon mời bác nhé. – Nói rồi chị ta quay sang tôi, đon đả. – Thưa bác, cháu tên là Lại Thu Ngân, cháu là trưởng Phòng Hành chính của Sở. Trước hết, cháu xin lỗi bác vì thái độ không đúng mực của cậu nhân viên vừa rồi. Để cháu giải thích bác rõ tại sao phải chờ tiếp 10 ngày. Đó là vì chú rể, con trai Thủ trưởng của cháu, là Giám đốc Trung tâm Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản. Cậu ấy là người có quyền ký vào Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản của bác.



- Chờ thêm 10 ngày nữa là các vị làm khó cho tôi quá. Không xuất khẩu được cá, tôi lại phải bổ sung bao nhiêu là thức ăn, rồi cá to quá cỡ, tốn chỗ, lỡ lứa khác. – Tôi phân trần, thần kinh đã dịu lại.
- Ai cũng có cái khó, nỗi khổ riêng bác ạ. Như cháu đây, sinh cháu bé mới được hơn 6 tháng đã phải đi làm, sữa đã ít lại còn tắc nên phải mua sữa ngoài, cháu cũng phải bổ sung, mà có phải ít tiền đâu. – Chị Trưởng phòng động viên tôi.
Con người ta thật lạ, nhiều người rất thông minh, nhưng lúc cần lóe sáng thì lại tậm tịt, ngược lại, có người học ít, suốt đời tăm tối thế mà có lúc lại lóe sáng đúng chỗ. Tôi thuộc loại thứ hai. Chữ “Tiền” trong câu nói của chị ta làm óc tôi lóe sáng.
- Phụ nữ đúng là khổ thật, vừa mang nặng lại vừa đẻ đau, mà rồi con lại mang họ chồng. Đấy là lỗi tạo hóa. Cho nên, có một ngày, họ kéo nhau lên thiên đình kiện Chúa trời. Họ đòi sự công bằng: vợ đẻ  - chồng đau! Chúa trời nghe có lý, bèn trả lời OK. Thế là từ đó công bằng được thiết lập. Nhưng một thời gian sau, lại chính những người phụ nữ đó lên xin Chúa trời cho quay lại cơ chế cũ: vừa đẻ vừa đau. Chúa trời hỏi lý do, họ nói thật là phiền toái khó xử và “lộ thiên cơ” khi vợ đẻ, chồng không đau mà ông hàng xóm đau. – Tôi kể câu chuyện vui, liếc thấy mấy công chức trẻ ngồi bàn bên đang chơi game trên máy tính phì cười.
- Hay, hay, bác vui tính thật! – Chị Trưởng phòng cười tít, - Thôi thì mình chịu đau một vài lần trong đời cũng được, nhưng đã đẻ đau rồi lại cho con bú hàng năm trời khổ thế mà các ông ấy vẫn cứ nhởn nhơ, chẳng có trách nhiệm gì.
Được đà, tôi thao thao:  
- Đấy cũng là lỗi tạo hóa. Bởi vậy, lần khác, chị em lại kéo nhau lên kiện Chúa trời, họ đề nghị: mẹ đẻ còn bố cho con bú. Chúa trời OK, và chuyển đôi vú của phụ nữ đặt vào ngực đàn ông (trước đó đàn ông không có ti đâu nhá). Một thời gian sau, lại chính các mẹ lên xin chúa trời cho quay lại như cũ: mẹ vừa đẻ vừa cho con bú. Trời hỏi tại sao, các bà nói vì các ông ấy ham vui, hay quên, để con đói, khóc rả rich suốt ngày, không chịu được. Thế là Chúa trời cho chuyển lại đôi vú từ các ông trả lại các bà. Chuyện này dẫn đến 3 hệ lụy…



Lần này thì mấy công chức trẻ, cả nam, cả nữ đồng loạt ngoảnh mặt về phía tôi, dỏng tai lên nghe.
- Hệ lụy thứ nhất là trên ngực đàn ông có dấu vết 2 núm ti, từ khi sinh ra cho đến chết chẳng hề dùng để làm gì. Hệ lụy thứ hai là cứ hễ thấy đàn bà hở ti ra là các ông có xu hướng  thò tay ra đòi. Còn hệ lụy thứ ba là từ đó trở đi, để các ông khỏi “lăn tăn, tiếc rẻ”, phụ nữ họ phải che ngực khi đi ra đường. – Tôi kết thúc câu chuyện trong trận cười của cả phòng.
- Tôi kể  tiếu lâm vui thế thôi, không có ý gì đâu. Thế chồng chị công tác ở đâu?
 - Chồng cháu là Phó giám đốc sở này, anh ấy là em trai Giám đốc.
- Ồ thế à! Thế còn cậu Hách?
- À, cậu ấy là em vợ Giám đốc.
Tôi rút 2 tờ 500 nghìn từ túi quần sau ra, đặt nhanh vào tay chị ta.
- Tôi thật sơ ý, không biết chị sinh cháu bé để chuẩn bị quà. Chị cầm giúp chút ít mua sữa cho cháu bé giúp tôi. – Tôi nói giọng thiết tha, đôi mắt chớp chớp.
- Ấy chết, ấy chết, bác đừng, …kìa bác… Thôi thì cháu xin vậy. – Nói rồi, chị ta nhét nhanh 2 tờ pô-li-me vào túi xách mở sẵn (chắc quên cài phéc-mơ-tuya!).
Đúng lúc đó, chị tóc đỏ, môi đỏ, móng đỏ xuất hiện.
- Dì Ngân, khăn tang cháu đã phát đủ cho các phòng ban, riêng 10 chiếc của phòng ta cháu để trên bàn làm việc của dì. – Cô ta ghé mồm vào tai sếp nói.
- Thế có đặt mua cả 20 khăn vàng không? – Trưởng phòng hỏi.
- Dạ, có đủ rồi dì ạ.
Công chức Hách mang khay nước chè vào.
- Hách, em mang gấp Giấy chứng nhận này đến Mai Lượn, nhờ anh ấy ký cho bác này nhé, rồi quay lại đây đóng dấu. – Vừa nói, chị Trưởng phòng vừa chìa tờ giấy về phía Hách.
- Nhưng chú rể và cô dâu đang uốn éo chụp thêm ảnh nghệ thuật và hoàn thiện clip cưới ở công viên thành phố mà. – Hách cự nự.



- Không sao cả, em chạy ù xe máy đến, bảo nó: cô Ngân nhờ. Cầm sẵn cái bút bi đi, còn gần một giờ nữa mới đám cơ mà. Bác chịu khó ngồi uống chén nước trà sen này là em nó về ngay thôi. – Nói xong, chị ta đứng dậy, bắt tay tôi và đi vào phòng bên.
Nửa  tiếng sau, cầm tờ Chứng nhận trong tay, tôi bước ra khỏi công sở, nhẹ cả người. “May mà kịp bôi trơn” – tôi thầm nghĩ. Bỗng khự, khự,…Chiếc xe cà tàng chết máy đúng giờ chính ngọ ngay dưới “chảo lửa úp sấp” tháng bảy. “Khốn nạn, họa vô đơn chí!” – Tôi rên rỉ, hai tay dắt xe, mắt ngó tìm chỗ sửa. Gần một tiếng vật vã, rồi cũng gặp được anh thợ cởi trần, tay phe phẩy quạt nan, tay cầm điếu cày.
- Bugi ẩm, bám muội, xích khô, máy bó, khô, đã lâu không đổ dầu nhờn. Thỉnh thoảng phải chịu khó bôi trơn, bố ạ. – Anh ta phán.
- Lại bôi trơn, sao đời này lắm thứ phải bôi trơn thế, đến cả cá da trơn cũng phải bôi trơn thì hết cách rồi! – Tôi lẩm bẩm.
– Mà tốt nhất bố nên thay xe mới đi, xe nát thế bôi bao nhiêu dầu mỡ cho vừa!
- Thay là thay thế nào? Cứ bảo thay là thay được à? Có đến mùa quýt! – Tôi làu bàu.
- Ông bảo ai ăn quỵt hả!? – Anh ta trừng mắt.
- Ấy chết, không phải tôi nói anh, tôi nói cái lũ con hư của tôi. Xin gửi anh tiền, chào anh.

Nguyễn Đình Tài – Hà Nội - 10/2016