Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

TRUY CÁCH CHỨC (truyện Đình Tài)



Cuối năm sắp Tết, chuyện chạy chức chạy quyền náo động thật lực, không kém những hoạt động sôi động của thị trường sản xuất và bán hàng Tết. Nhà văn Đình Tài mới gửi BBT "Blog Xuân đỉnh 10G" truyện ngắn- tiểu phẩm hài về đề tài nhạy cảm này. 

Xin giới thiệu với Bạn Đọc và xin cám ơn nhiệt tình sáng tác của Nhà giáo-nhà văn Đình Tài !


HƠN NHAU LÀ Ở CÁI ĐẦU
Nguyễn Đình Tài



Sau vụ việc chấn động – đề bạt gần hết công chức của Sở giữ các chức vụ lãnh đạo (trừ một công chức bị đao nhẹ có nhiệm vụ trông xe và một nữ nhân viên  bị ngắn lưỡi làm tạp vụ), Trần Đại Thoáng, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội bị cách chức cho về hưu sớm. Ông cảm thấy bị oan uổng vì mọi người không chịu hiểu cho động cơ trong sáng của mình – đấy là vì lợi ích của dân! Thoạt nghe thì lý do đó khó chấp nhận, nhưng suy ngẫm thêm một tý tẹo teo nữa thì thấy có lý. Đúng là trước khi đề bạt thì hầu hết các vị trong Sở đều là dân, những người khát khao được làm quan, sau khi đề bạt họ mới  thành quan. Nhưng xét cho cùng, quan (hay nói theo cách của ta, là cán bộ) lại là đầy tớ của dân, như vậy, kiểu gì cũng có ích cho dân!
Người được Tỉnh cử về thay Trần Đại Thoáng là Võ Mạnh Đô, nguyên là Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường của tỉnh nhà. Sau buổi lễ nhậm chức hoành tráng, Tân Giám đốc bảo Trưởng phòng Tổ chức cán bộ ở lại.



- Phạm Đa Luật này, trong vụ đề bạt cán bộ vô tội vạ vừa rồi cậu cũng tội to lắm đấy. Bây giờ, sếp cũ của cậu để lại cho tớ một “đống di sản” thế này tớ biết làm gì với họ đây? – Tân Giám đốc  lo lắng.
- Sếp khỏi lo, độc gì cũng có thuốc giải. – Trưởng phòng Tổ chức đáp, má trái giật giật mỗi khi xúc động.
- Cậu nói nhanh đi, đừng úp mở nữa!
- Vâng, Sếp có biết, vừa rồi một ông bộ trưởng sau khi đã về hưu rồi còn bị “truy cách chức” 5 năm cuối lúc tại vị của mình không?
- Chuyện lạ ấy thì cả nước biết, cậu hỏi làm gì.
- Vấn đề là hệ lụy của vụ cách chức kỳ lạ này mới đáng nói. Em hỏi Sếp, nếu ông ấy bị cách chức thì các văn bản ông ấy ký trong thời gian cầm quyền đó còn có giá trị không? – Phạm Đa Luật nhếch miệng cười bí hiểm.

- Còn chứ, … à, không, dĩ nhiên là không rồi. – Giám đốc mở tròn mắt.
- Đấy, đấy, thưa Sếp, các văn bản ông ấy đã ký cũng bị coi là vô giá trị, không có hiệu lực, đặc biệt, các quyết định bổ nhiệm của Sir ấy. – Đa Luật tiếp lời.
- Vậy là, tất cả các vị mà ông Thoáng bổ nhiệm trong 5 năm gần đây trước khi ông ấy về hưu đều không có giá trị! – Giám đốc Đô chợt hiểu ra. – Thế thì tốt quá, tớ sẽ cho các vị đó về ngồi đúng chỗ cũ của mình!
- Thế còn phụ cấp trách nhiệm các vị lĩnh suốt trong thời gian lãnh đạo thì sao ạ? – Phạm Đa Luật hỏi dò Sếp.
- Truy thu chứ còn sao nữa. – Tân Giám đốc khoát tay dứt khoát.
- Khó đấy Sếp ạ, làm sao mà “móc họng” họ được. Thế theo Sếp, từ nay Sở ta cần giảm bao nhiêu lãnh đạo để em tính -  Đa Luật dò tiếp.
- Ban giám đốc 3,  một trưởng 2 phó; 9 phòng mỗi phòng 2, một trưởng một phó, vị chi là 21. Quyền hạn của tớ bổ nhiệm 18 vị trưởng phó phòng mới , còn 30 vị trưởng phó phòng khác cho nghỉ, cậu rõ chưa?
- Dạ, em hiểu ạ. – Phạm Đa Luật lấy ngón trỏ tay phải gãi nhẹ vào dái tai trái. – Vậy thì em đề nghị Sếp cho tổ chức cuộc chơi “Đấu trường 50”.



- Sao cơ? Tớ chưa hiểu? Tớ có xem “Đấu trường 100”…– Giám đốc dướn mày.
- Vâng, em lấy ý tưởng từ “Đấu trường 100”: bản chất vấn đề là dùng một người chơi chính để chọn ra trong số 50 người chơi phụ còn lại một số người ở lại. Trong trường hợp này, ngoài em ra (người chơi chính) Sếp sẽ chọn được 17 người chơi khác trụ lại được với các câu hỏi “tấn công trí não” mà Sếp đặt ra. 18 người này sẽ là 18 lãnh đạo phòng ban của Sở ta. – Trưởng phòng Phạm Đa Luật xoa hai tay vào nhau, nhìn Sếp chờ đợi.
- Tuyệt lắm, tớ hiểu rồi. Tớ sẽ đóng vai MC Thái Tuấn, cậu là người chơi chính, trừ 2 phó giám đốc ra, 50 công chức còn lại của Sở sẽ là 50 người chơi và ta sẽ loại 30 người, lấy 18 người trong đó có cậu. – Giám đốc gật gù, tay phải xoa nhẹ đầu Luật.
- À, mà cậu chuẩn bị cho tớ vài câu hỏi luôn, chắc 3 câu là đủ. – Giám đốc chỉ đạo.

          Sáng thứ hai đầu tuần, hội trường của Sở được sắp xếp thành hình vòng cung và các bàn được đánh số thứ tự từ 01 đến 50. Sân khấu được trang hoàng lộng lẫy với hàng chữ vàng trên băng-rôn đỏ “Đấu trường 50”. 50 công chức mỗi người ngồi một bàn, một số, với 50 bộ mặt đầy căng thẳng, hồi hộp.
Thủ trưởng trong bộ com-lê màu bã trầu, đầu nhuộm đen, chải gôm bóng lộn, bước vào:
- Good morning, các đồng nghiệp! Thưa các đồng nghiệp, sau khuyết điểm nghiêm trọng của đồng chí Trần Đại Thoáng, cho dù đồng chí đó đã về hưu hơn nửa năm nay, nhưng Chủ tịch tỉnh vẫn ra quyết định cách chức Giám đốc sở đối với đồng chí Thoáng trong nhiệm kỳ 5 năm vừa rồi. Việc này dẫn đến một hệ lụy là các quyết định mà đồng chí Đại Thoáng ký trong thời gian làm Giám đốc sẽ không có hiệu lực pháp lý, trong đó có các quyết định đề bạt các chức lãnh đạo cấp phòng. Chúng ta sẽ giải quyết dần hệ lụy này, nhưng trước mắt sẽ xử lý việc bổ nhiệm lãnh đạo. Từ giờ phút này, tôi cách chức tất cả 48 lãnh đạo cấp phòng ngồi đây, tất cả đều về “mo”, Sở ta chỉ cần 18 vị, 9 phòng mỗi phòng 1 trưởng, 1 phó. 18 vị lãnh đạo mới sẽ được tuyển từ cuộc chơi trí tuệ “Đấu trường 50” hôm nay. Tôi sẽ là người đặt câu hỏi, người chơi chính sẽ là nguyên Trưởng phòng Tổ chức và Cán bộ Phạm Đa Luật.  Thể lệ cuộc chơi là tôi sẽ hỏi, thực ra là “tấn công trí não”, cho đến khi còn đúng 18 người còn lại thì thôi. Các đồng chí rõ cả chưa. Ai hỏi gì không? – Giám đốc nói một hơi.


Một cánh tay run rẩy giơ lên:
- Em xin hỏi ạ, thế trong 18 người trúng thưởng, à quên, trúng tuyển, thì ai sẽ là trưởng phòng, ai là phó phòng? – Nguyên Chánh văn phòng sở hỏi, khuôn mặt căng thẳng, môi trên xệ xuống.
- 18 người trúng sẽ chia ra thành 9 cặp. 9 cặp này sẽ tham gia cuộc chơi “Đuổi hình bắt chữ”, người nào thắng sẽ là trưởng, người thua là phó, còn tôi sẽ đóng vai Xuân Bắc. Tất cả rõ chưa? – Giám đốc nhếch miệng, nhún vai, vẻ uyên bác.
- Nhưng thưa Giám đốc, - Một cánh tay khác giơ lên, - mỗi phòng có chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau, liệu lấy người ngẫu nhiên bố trí làm lãnh đạo sợ có ổn không ạ?
- Chú là ai? – Giám đốc hướng mắt về phía cánh tay mập mạp ở bàn số 09.
- Dạ, em là Tô Thành Tích, Trưởng phòng, à quên, nguyên Trưởng phòng Việc làm - An toàn Lao động. – Số 09 trả lời.
- Chú Thành Tích này, tôi hỏi chú, ai ở đây mà chẳng có việc làm! Ai ở đây mà chẳng lao động! Cho nên cái nghiệp vụ “Việc làm và An toàn lao động” của chú thì ai làm mà chả được. Với cơ chế hiện hành, ai làm lãnh đạo mà chẳng được và lãnh đạo làm cái gì mà chẳng được, “Để là đất, cất là nhà”. Chú rõ chưa!? Đúng là ngồi vào số không chín (09) hợp với chú đấy – Giám đốc cao giọng.

Cuộc thi bắt đầu. Câu hỏi đầu tiên được “MC” Võ Mạnh Đô đặt ra cho người chơi Phạm Đa Luật là “Trong 3 thứ có cùng chữ Chức: Viên chức, Công chức, Quan chức, thứ nào ít quan trọng nhất?” Câu trả lời đúng là Công chức ít quan trọng nhất,  vì nếu ghép 2 chữ đầu của Viên chức và Quan chức ta sẽ có Viên quan và Quan viên, còn ghép với chữ Công ta sẽ chỉ có Quan công , Công quan và Công viên (rất ít quan trọng). Với câu hỏi đầu này có 20 người trả lời sai, còn lại 30 người.
Câu hỏi thứ hai là: “Trong 3 thứ cùng có chung chữ Lương: Lương thưởng, Lương bổng, Lương lậu, 2 lương nào quan trọng nhất?”.   Câu trả lời đúng là Lương thưởng và Lương lậu quan trọng nhất, vì nếu ghép 2 chữ sau của Lương thưởng và Lương lậu ta sẽ có Thưởng lậu. Rất may và cũng rất tình cờ, câu hỏi số 2 đã loại đúng 12 người, để lại 18 người bao gồm người chơi Phạm Đa Luật (người có công ra đáp án).

Ngay sau khi Đấu trường 50 kết thúc, 9 cặp chơi đuổi hình bắt chữ lần lượt thi đấu dưới sự điều hành sắc sảo, hóm hỉnh của MC-Giám đốc Võ Mạnh Đô. Chẳng hạn, để tìm ra Trưởng phòng Việc làm – An toàn Lao động, thì từ Lao động được ông minh họa bằng hình một người bệnh lao đang động đậy  chân tay; để chọn ra được Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội, cụm từ Tiền tử tuất có hình một con chó (Tuất) nằm chết (Tử) trên đống tiền; Trưởng phòng Người có công là người đoán đúng hình ảnh hai người đàn ông không mặc quần cõng nhau chính là Gậy ông lại đập lung ông; hay người đoán được hình một con dê đang vùng vẫy bơi dưới biển Hải Dương sẽ là Chánh văn phòng sở; v.v.




Nhờ có cách làm sáng tạo, nên Tân Giám đốc Võ Mạnh Đô chỉ trong một thời gian cực ngắn đã xử lý ngon vấn đề cán bộ, lựa chọn ra được những công chức sáng ý như chuột chí, nhanh hiểu như đà điểu. Đúng là, trên đời này, độc nào cũng có thuốc giải, hơn nhau là ở cái đầu!



Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

Thầy DÂN cho sách mới 11-2016






Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú NGUYỄN ĐỨC DÂN sinh ngày 23 tháng 6 năm 1936 tại Hà Nội nhưng nguyên quán của Giáo sư là làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam
Thân phụ của Giáo sư là cụ Nguyễn Đức Chung, nguyên Trưởng ty kinh tế Hà Nam thời kì kháng chiến chống Pháp. Thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Nga - cháu ngoại của cụ Tam Nguyên Yên Đổ - nhà thơ Nguyễn Khuyến. 

 


Vào đại học năm 1954, hè năm 1957, Thầy Nguyễn Đức Dân tốt nghiệp cử nhân ban Toán (khoa Toán – Lý, ĐHSP Hà Nội), tháng 8/1957 thầy được nhận quyết định về dạy Toán tại trường Bưởi (nay là Trường THPT chuyên Chu Văn An – Hà Nội). Từ đó Thầy theo đuổi và tận tuỵ với sự nghiệp “trồng người”. Từ năm 1963 đến năm 1966, Thầy được phân công phụ trách lớp “Bồi dưỡng Toán của Hà Nội” thi học sinh giỏi toàn miền Bắc. Nhiều học trò do Thầy bồi dưỡng đã trở thành các nhà toán học, vật lý có tiếng như: GS.TS. Phan Quốc Khánh, GS.TS. Đào Văn Lượng, GS.TS Nguyễn Bá Ân

Năm 1970, Thầy bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học hình thức (formal linguistics) với đề tài “Minh họa câu đơn tiếng Việt bằng ngữ pháp phạm trù” tại Warszawa, Ba Lan. Đây là bước chuyển hướng quan trọng từ Toán học sang Ngôn ngữ học trong sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu của Thầy.


Sau khi từ Ba Lan về, Thầy giảng dạy Ngôn ngữ học tại khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG Hà Nội).
Năm học 1979-1980, Thầy làm giáo sư thỉnh giảng môn “Tiếng Việt và Văn minh Việt Nam” tại ĐH Paris 7 (Cộng hòa Pháp).
 
Từ năm 1986, Thầy chuyển vào Nam công tác tại Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM. Trong thời gian công tác tại đây, Thầy được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư năm 1991, học hàm Giáo sư năm 1996. Thầy đã liên tục là Tổ trưởng tổ bộ môn Ngôn ngữ, Khoa Ngữ văn-Báo chí, là Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Thầy nghỉ hưu vào năm 2002.

Tháng 6 năm 2016, Nxb Trẻ TP Hồ Chí Minh đã in và phát hành cuốn sách “Lô gích – ngữ nghĩa từ hư tiếng Việt” của GS. TS Nguyễn Đức Dân



Cuốn sách này được viết dựa vào các bài viết đã đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ và các công trình khác từ 40 năm qua trên cơ sở có chỉnh lý, bổ sung và viết cho liền mạch lại từng vấn đề theo một định hướng nhất định. Sách khổ 14 cm x20cm, dày 384 trang có 4 chương và các phần: tài liệu tham khảo, dẫn liệu ngôn ngữ và một phụ lục ngắn.

Đầu tháng 11/2016 Người Thầy kính yêu 80 tuổi ra Hà Nội, mang sách mới cho các học trò cũ “Lớp toán đặc biệt” 8-9-10 G Trường PT cấp 3 Xuân Đỉnh mà Thầy là Giáo viên Chủ nhiệm đầu tiên (Lớp 8G - trước khi Thầy đi nghiên cứu tiến sĩ tại Ba Lan 9-1966).








Xin có vài câu nôm na kính tặng Thầy:

Thày mang cho sách mới tươi,
Tám mươi viết khỏe toàn lời ngọc châu,
Lớp G nhớ mãi ơn sâu,
Chúc Thầy mạnh khỏe sống lâu dài dài. ./.

 (Mỹ đình - Hà nội - 10/11/2016)


 (Hà nội --- 16-5-2013)

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

May mà kịp bôi trơn (truyện hài - Đình Tài)

MAY MÀ KỊP BÔI TRƠN





Đường vào trung tâm thành phố tắc khủng khiếp. Có ba chục cây số mà đi xe máy từ sáng sớm mà mãi đến 10 giờ mới tới Sở Công thương. Tiếp tôi là một thanh niên  có đôi mắt hiếng và khuôn mặt lưỡi cày.
- Ông cần gì? – Công chức hỏi.
- À, bác đến xin Chứng nhận an toàn thực phẩm cho cá Tra. – Tôi vội đáp.
- Ở đây, nơi công sở, không bác cháu gì nhá. Thế cá “Cha” ông  nuôi hay của ai? Có biên bản kiểm tra cá và điều kiện nuôi cá chưa? – Thanh niên lên giọng.
- Dạ, tôi nuôi ạ. Nói đúng hơn là lúc đầu tôi nuôi nó, rồi đoạn sau nó lại nuôi tôi. Mà là cá Tra chứ không phải Cha, chờ nặng chứ không phải chờ nhẹ, anh ạ. Biên bản, giấy tờ đầy đủ cả. – Tôi nhũn giọng.



- Biết rồi, chờ nặng, chờ lâu, chờ đấy! Đáng ra phải gọi là “cha” mới đúng vì bây giờ nó nuôi ông. Mà hôm nay không cấp giấy được ông nhé, cơ quan bận.
- Nhưng cách đây bốn hôm, sáng thứ hai, một chị tóc đỏ, môi đỏ, móng đỏ ngồi chỗ anh bảo tôi cả cơ quan bận đi ăn hỏi, đến hôm khác. Mà làm sao lại cả cơ quan cùng đi ăn hỏi anh nhỉ? – Tôi nhăn nhó.
- Là vì, trong Sở này, ai cũng có họ gần với chú rể cả! Bố cậu ta là Giám đốc sở. – Công chức đáp, mắt nhìn phía cửa sổ (mà cũng có thể đang nhìn tôi vì mắt cậu ta lác).
- Sáng hôm kia, thứ tư, tôi đến trước 10 giờ, mà trước cửa phòng đã treo biển “Hôm nay không tiếp khách, cả cơ quan đi ăn cưới”. Sao lại phải cả cơ quan ăn cưới hả anh? – Tôi khó chịu.
- Ông này hỏi buồn cười nhỉ! Đã bảo cả cơ quan đều họ hàng với Giám đốc thì ai dám không đi dự cưới chứ! Mà không chỉ riêng Sở này đâu, hễ có đám cưới công chức là tất cả các sở, ban, ngành trong tỉnh đều đóng cửa đi dự tuốt! Tục lệ lâu nay vẫn thế rồi mà còn tra hỏi lằng nhằng. -   Cậu ta khó chịu, mặt lưỡi cày bắt đầu ửng màu đỏ.
- Thế hôm nay, thứ sáu cuối tuần rồi, cưới xin đã xong chưa mà cơ quan vẫn bận? – Tôi bắt đầu điên tiết.



- Chốc nữa cả Sở phải đi đám ma bố đẻ Giám đốc. Cấm có đứa nào được vắng, ông hiểu chưa? Mười ngày nữa mời ông quay lại!
- Ra là đám cưới chạy tang! Mà sao lại làm đám ma đến 10 ngày hả ông con giời!? – Tôi gào lên.
- Vậy tôi nói cho ông nghe nhá: thứ hai tới là cụ mất được 7 ngày, phải cúng cầu siêu cả ngày. Từ thứ ba đến hết chủ nhật tuần tới chú rể và cô dâu sẽ đi nước ngoài hưởng tuần trăng mật. – Giọng công chức dịu lại vì thấy mắt tôi bắt đầu xung huyết.
- Hai vị ấy đi trăng mật thì liên quan gì đến Giấy chứng nhận mà phải chờ, hả giời? – Tôi cáu.
Vừa lúc ấy, một chị mập, trắng có đôi môi dày đỏ chót, từ phòng bên đẩy cửa bước vào.
- Thôi, Hách, chị nghe thấy cả rồi, để chị làm việc với bác đây. Em đi pha ấm trà ngon mời bác nhé. – Nói rồi chị ta quay sang tôi, đon đả. – Thưa bác, cháu tên là Lại Thu Ngân, cháu là trưởng Phòng Hành chính của Sở. Trước hết, cháu xin lỗi bác vì thái độ không đúng mực của cậu nhân viên vừa rồi. Để cháu giải thích bác rõ tại sao phải chờ tiếp 10 ngày. Đó là vì chú rể, con trai Thủ trưởng của cháu, là Giám đốc Trung tâm Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản. Cậu ấy là người có quyền ký vào Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản của bác.



- Chờ thêm 10 ngày nữa là các vị làm khó cho tôi quá. Không xuất khẩu được cá, tôi lại phải bổ sung bao nhiêu là thức ăn, rồi cá to quá cỡ, tốn chỗ, lỡ lứa khác. – Tôi phân trần, thần kinh đã dịu lại.
- Ai cũng có cái khó, nỗi khổ riêng bác ạ. Như cháu đây, sinh cháu bé mới được hơn 6 tháng đã phải đi làm, sữa đã ít lại còn tắc nên phải mua sữa ngoài, cháu cũng phải bổ sung, mà có phải ít tiền đâu. – Chị Trưởng phòng động viên tôi.
Con người ta thật lạ, nhiều người rất thông minh, nhưng lúc cần lóe sáng thì lại tậm tịt, ngược lại, có người học ít, suốt đời tăm tối thế mà có lúc lại lóe sáng đúng chỗ. Tôi thuộc loại thứ hai. Chữ “Tiền” trong câu nói của chị ta làm óc tôi lóe sáng.
- Phụ nữ đúng là khổ thật, vừa mang nặng lại vừa đẻ đau, mà rồi con lại mang họ chồng. Đấy là lỗi tạo hóa. Cho nên, có một ngày, họ kéo nhau lên thiên đình kiện Chúa trời. Họ đòi sự công bằng: vợ đẻ  - chồng đau! Chúa trời nghe có lý, bèn trả lời OK. Thế là từ đó công bằng được thiết lập. Nhưng một thời gian sau, lại chính những người phụ nữ đó lên xin Chúa trời cho quay lại cơ chế cũ: vừa đẻ vừa đau. Chúa trời hỏi lý do, họ nói thật là phiền toái khó xử và “lộ thiên cơ” khi vợ đẻ, chồng không đau mà ông hàng xóm đau. – Tôi kể câu chuyện vui, liếc thấy mấy công chức trẻ ngồi bàn bên đang chơi game trên máy tính phì cười.
- Hay, hay, bác vui tính thật! – Chị Trưởng phòng cười tít, - Thôi thì mình chịu đau một vài lần trong đời cũng được, nhưng đã đẻ đau rồi lại cho con bú hàng năm trời khổ thế mà các ông ấy vẫn cứ nhởn nhơ, chẳng có trách nhiệm gì.
Được đà, tôi thao thao:  
- Đấy cũng là lỗi tạo hóa. Bởi vậy, lần khác, chị em lại kéo nhau lên kiện Chúa trời, họ đề nghị: mẹ đẻ còn bố cho con bú. Chúa trời OK, và chuyển đôi vú của phụ nữ đặt vào ngực đàn ông (trước đó đàn ông không có ti đâu nhá). Một thời gian sau, lại chính các mẹ lên xin chúa trời cho quay lại như cũ: mẹ vừa đẻ vừa cho con bú. Trời hỏi tại sao, các bà nói vì các ông ấy ham vui, hay quên, để con đói, khóc rả rich suốt ngày, không chịu được. Thế là Chúa trời cho chuyển lại đôi vú từ các ông trả lại các bà. Chuyện này dẫn đến 3 hệ lụy…



Lần này thì mấy công chức trẻ, cả nam, cả nữ đồng loạt ngoảnh mặt về phía tôi, dỏng tai lên nghe.
- Hệ lụy thứ nhất là trên ngực đàn ông có dấu vết 2 núm ti, từ khi sinh ra cho đến chết chẳng hề dùng để làm gì. Hệ lụy thứ hai là cứ hễ thấy đàn bà hở ti ra là các ông có xu hướng  thò tay ra đòi. Còn hệ lụy thứ ba là từ đó trở đi, để các ông khỏi “lăn tăn, tiếc rẻ”, phụ nữ họ phải che ngực khi đi ra đường. – Tôi kết thúc câu chuyện trong trận cười của cả phòng.
- Tôi kể  tiếu lâm vui thế thôi, không có ý gì đâu. Thế chồng chị công tác ở đâu?
 - Chồng cháu là Phó giám đốc sở này, anh ấy là em trai Giám đốc.
- Ồ thế à! Thế còn cậu Hách?
- À, cậu ấy là em vợ Giám đốc.
Tôi rút 2 tờ 500 nghìn từ túi quần sau ra, đặt nhanh vào tay chị ta.
- Tôi thật sơ ý, không biết chị sinh cháu bé để chuẩn bị quà. Chị cầm giúp chút ít mua sữa cho cháu bé giúp tôi. – Tôi nói giọng thiết tha, đôi mắt chớp chớp.
- Ấy chết, ấy chết, bác đừng, …kìa bác… Thôi thì cháu xin vậy. – Nói rồi, chị ta nhét nhanh 2 tờ pô-li-me vào túi xách mở sẵn (chắc quên cài phéc-mơ-tuya!).
Đúng lúc đó, chị tóc đỏ, môi đỏ, móng đỏ xuất hiện.
- Dì Ngân, khăn tang cháu đã phát đủ cho các phòng ban, riêng 10 chiếc của phòng ta cháu để trên bàn làm việc của dì. – Cô ta ghé mồm vào tai sếp nói.
- Thế có đặt mua cả 20 khăn vàng không? – Trưởng phòng hỏi.
- Dạ, có đủ rồi dì ạ.
Công chức Hách mang khay nước chè vào.
- Hách, em mang gấp Giấy chứng nhận này đến Mai Lượn, nhờ anh ấy ký cho bác này nhé, rồi quay lại đây đóng dấu. – Vừa nói, chị Trưởng phòng vừa chìa tờ giấy về phía Hách.
- Nhưng chú rể và cô dâu đang uốn éo chụp thêm ảnh nghệ thuật và hoàn thiện clip cưới ở công viên thành phố mà. – Hách cự nự.



- Không sao cả, em chạy ù xe máy đến, bảo nó: cô Ngân nhờ. Cầm sẵn cái bút bi đi, còn gần một giờ nữa mới đám cơ mà. Bác chịu khó ngồi uống chén nước trà sen này là em nó về ngay thôi. – Nói xong, chị ta đứng dậy, bắt tay tôi và đi vào phòng bên.
Nửa  tiếng sau, cầm tờ Chứng nhận trong tay, tôi bước ra khỏi công sở, nhẹ cả người. “May mà kịp bôi trơn” – tôi thầm nghĩ. Bỗng khự, khự,…Chiếc xe cà tàng chết máy đúng giờ chính ngọ ngay dưới “chảo lửa úp sấp” tháng bảy. “Khốn nạn, họa vô đơn chí!” – Tôi rên rỉ, hai tay dắt xe, mắt ngó tìm chỗ sửa. Gần một tiếng vật vã, rồi cũng gặp được anh thợ cởi trần, tay phe phẩy quạt nan, tay cầm điếu cày.
- Bugi ẩm, bám muội, xích khô, máy bó, khô, đã lâu không đổ dầu nhờn. Thỉnh thoảng phải chịu khó bôi trơn, bố ạ. – Anh ta phán.
- Lại bôi trơn, sao đời này lắm thứ phải bôi trơn thế, đến cả cá da trơn cũng phải bôi trơn thì hết cách rồi! – Tôi lẩm bẩm.
– Mà tốt nhất bố nên thay xe mới đi, xe nát thế bôi bao nhiêu dầu mỡ cho vừa!
- Thay là thay thế nào? Cứ bảo thay là thay được à? Có đến mùa quýt! – Tôi làu bàu.
- Ông bảo ai ăn quỵt hả!? – Anh ta trừng mắt.
- Ấy chết, không phải tôi nói anh, tôi nói cái lũ con hư của tôi. Xin gửi anh tiền, chào anh.

Nguyễn Đình Tài – Hà Nội - 10/2016



Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

TS. Phan Huy Phú với phần mềm tuyển sinh ĐHCĐ 2016


http://vnexpress.net/photo/giao-duc/ngoi-truong-dai-hoc-hien-dai-bac-nhat-viet-nam-3378878.html



Giải pháp phần mềm cho Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng 2016

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giai-phap-phan-mem-cho-Ky-tuyen-sinh-dai-hoc-cao-dang-2016-post167970.gd


Đại học Thăng Long giới thiệu một “Chương trình xét tuyển” có nền tảng là thuật toán chấp nhận trì hoãn.


Bộ GD&ĐT đã có chủ trương cho phép các trường có thể xét tuyển theo nhóm để làm giảm các trường hợp “ảo” trong điều kiện là thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường, và phần mềm của Đại học Thăng Long có thể là một giải pháp hữu hiệu nhất.
Ngày 18/5/2016, lãnh đạo đại học Thăng Long đã một lần nữa báo cáo về phần mềm xét tuyển dựa trên thuật toán chấp nhận trì hoãn với lãnh đạo Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Tại đây, lãnh đạo nhà trường khẳng định, phần mềm này dùng cho nhóm tuyển sinh có quy mô càng lớn thì tỷ lệ ảo sẽ được giảm ở mức thấp nhất.
Vậy đâu là cơ sở khoa học để cho phần mềm này có tính khả thi. Thực tế, phần mềm này đã được trường Đại học Thăng Long giới thiệu với lãnh đạo Bộ GD&ĐT từ những năm 2014, cho tới năm 2015 không hiểu lí do gì phần mềm chưa được thử nghiệm trên diện rộng, mặc dù được đánh giá có tính ưu việt.
Vậy tính ưu việt ở đây được nhìn nhận như thế nào? Theo TS Phan Huy Phú – Hiệu trưởng Đại học Thăng Long, tính ưu việt thể hiện ở chỗ: Thí sinh trúng tuyển tối đa một nguyện vọng và đó là nguyện vọng tốt nhất có thể được trong mối tương quan với các thí sinh khác.
Mỗi trường đều có được danh sách trúng tuyển tốt nhất  có thể được trong khuôn khổ các nguyện vọng và kết quả của thí sinh.
TS. Phan Huy Phú trình bày về phần mềm xét tuyển chung của Đại học Thăng Long.

Các trường không bị hạn chế trong việc phân bổ chỉ tiêu cho các ngành hay nhóm ngành, không bị hạn chế về các tiêu chí xét tuyển (có thể sử dụng kết quả học phổ thông của thí sinh, kết quả thi theo ĐHQG Hà Nội, có sơ tuyển…). Thời gian xét tuyển nhanh.
Nếu Bộ GD&ĐT cho phép (chẳng hạn từ năm sau), thí sinh có thể đăng ký nhiều hơn 4 nguyện vọng (ví dụ 10 nguyện vọng), chương trình vẫn xử lý tốt.
Thực hiện như thế nào?
Theo TS. Phan Huy Phú, cách tổ chức xét tuyển thì các trường xác định các “Mã xét tuyển” của trường. Mỗi trường có một số Mã xét tuyển, mã xét tuyển gồm các yếu tố: các ngành, tiêu chí đánh giá thí sinh, điều kiện tối thiểu và chỉ tiêu.
Một Mã xét tuyển có thể gồm 1 hay nhiều ngành. Một ngành cũng có thể thuộc một số Mã xét tuyển.
VD: Trường A có các Mã xét tuyển như sau: Mã xét tuyển T1 chỉ có 1 ngành là Toán; tiêu chí đánh giá là tổng điểm thi 3 môn Toán (hệ số 2), Lý, Hóa; điểm tối thiểu là 25; chỉ tiêu là 50. Mã xét tuyển T2 cũng chỉ có một ngành Toán, tiêu chí đánh giá là Điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; điểm tối thiểu là 210; chỉ tiêu là 30.
Mã xét tuyển K1 gồm 3 ngành Kế toán, Tài chính - Ngân hàng và Quản trị kinh doanh; tiêu chí đánh giá là max(Tổng điểm thi Toán, Văn, Tiếng Anh; Tổng điểm thi Toán, Lý, Hóa + 1); điểm tối thiểu là 16; chỉ tiêu là 150.

Bộ Giáo dục yêu cầu phối hợp chỉ đạo tổ chức thi quốc gia năm 2016

(GDVN) - Ngày 17/5, Bộ GD&ĐT có công văn về việc phối hợp chỉ đạo tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.
Mã xét tuyển K2 gồm 3 ngành Kế toán, Tài chính - Ngân hàng và Quản trị kinh doanh; tiêu chí đánh giá là tổng điểm các môn Toán, Văn, Tiếng Anh trong Học bạ; điểm tối thiểu là 20; chỉ tiêu là 150.
Mã xét tuyển N1 gồm 1 ngành nghệ thuật; tiêu chí đánh giá là tổng điểm thi 3 môn Toán, Lý, Hoá; điều kiện là đã qua vòng sơ tuyển; chỉ tiêu là 100.
Thí sinh đăng ký nguyện vọng như thế nào? TS Phan Huy Phú cho biết, sau khi tìm hiểu thông tin của các trường, thí sinh đăng ký nguyện vọng theo cách thức và thời gian do Bộ qui định.
Điều cốt yếu là thí sinh phải xếp thứ tự ưu tiên cho các nguyện vọng trong nhóm của bản thân. Phần mềm xét tuyển sẽ lần lượt xét các nguyện vọng của thí sinh theo thứ tự thí sinh đã đăng ký. Khi một nguyện vọng đã trúng thì các nguyện vọng sau không được xét nữa. Thí sinh chỉ trúng tuyển không quá một nguyện vọng trong nhóm. 
Xử lí dữ liệu; Dữ liệu về các Mã xét tuyển của các trường trong nhóm: do các trường cung cấp; Kết quả học ở phổ thông (trường hợp xét học bạ): thí sinh nộp khi đăng ký; Kết quả sơ tuyển (nếu có yêu cầu): do trường cung cấp.
Dữ liệu trong bản đăng ký của thí sinh: Bộ chuyển giao; Kết quả kỳ thi Quốc gia: Bộ chuyển giao. Kết quả sau khi chạy chương trình xét tuyển là các Danh sách trúng tuyển của các Mã xét tuyển của các trường trong nhóm.
Độ tin cậy của phần mềm tới đâu?
TS. Phan Huy Phú cho biết, dư luận vẫn còn nhiều hoài nghi hoặc chưa hiểu hết được tính ưu việt của phần mềm này, và còn nhiều câu hỏi đặt ra. 
Ví như về độ tin cậy và thời gian chạy của chương trình xét tuyển. Theo TS. Phan Huy Phú, từ cuối năm 2014, Trường Đại học Thăng Long đã chạy thử chương trình xét tuyển với một dữ liệu giả lập gồm khoảng 1 triệu thí sinh (mỗi thí sinh có thể có 6 nguyện vọng) và khoảng 1.000 “Mã xét tuyển”. Chương trình kết thúc sau khoảng 120 phút với kết quả phù hợp với lý thuyết.
Bộ Giáo dục đã mời một đơn vị xây dựng một chương trình xét tuyễn mà cốt lõi chính là thuật toán nêu trên. Bộ đã chuyển cho các trường phần mềm này để sử dụng (trong phạm vi từng trường) trong kỳ tuyển sinh năm 2015 và được các trường đánh giá tốt.
Sau kỳ tuyển sinh 2015, Bộ đã dùng chính dữ liệu của kỳ tuyển sinh để chạy thử lại chương trình và thu được kết quả tốt. 
Thắc mắc về quyền tự chủ của các trường khi tham gia xét tuyển chung. Theo TS. Phan Huy Phú, các trường không bị hạn chế trong việc phân bổ chỉ tiêu cho các ngành hay nhóm ngành, không bị hạn chế về các tiêu chí xét tuyển (có thể sử dụng kết quả học phổ thông của thí sinh, kết quả thi theo Đại học Quốc gia Hà Nội, có sơ tuyển…). Mỗi trường có thể cử đại diện theo dõi và kiểm tra mọi khâu trong quá trình xét tuyển.

Những điểm làm nên thành công của Kỳ thi đánh giá năng lực

(GDVN) - Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội có thể sẽ còn được nhân rộng hơn nữa vì tính khả thi và trách nhiệm xã hội của kỳ thi này mang lại.
Biện pháp chống ảo của phần mềm này như thế nào? TS. Phan Huy Phú cho rằng, các trường thường đối phó với “ảo” bằng cách gọi lượng thí sinh dôi ra để “trừ hao”, có khi gọi quá đến 50%, thậm chí còn nhiều hơn.
Hậu quả là có trường tuyển vượt quá chỉ tiêu đăng ký rất nhiều (mà Bộ cũng khó phạt), gây khó khăn cho bản thân trường trong tổ chức đào tạo và đặc biệt là góp phần làm cho một số trường tuyển được rất ít so với chỉ tiêu đăng ký.
Nếu xét tuyển theo nhóm thì tỉ lệ “ảo” sẽ giảm vì thí sinh chỉ trúng tuyển nhiều nhất một nguyện vọng trong nhóm, dù đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường trong nhóm. Càng nhiều trường tham gia vào các nhóm thì càng bớt được “ảo”. 
Trường hợp tối ưu là tất cả các trường đều thuộc một nhóm, khi đó hiện tượng “ảo” bị triệt tiêu hoàn toàn. Tuy nhiên, không thể bắt buộc các trường vào một nhóm vì điều đó làm mất quyền tự chủ của các trường. Mỗi trường phải tự quyết định  có tham gia nhóm hay không và tham gia nhóm nào. 
Khi gặp trường hợp có nhiều thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau thì phần mềm xử lí thế nào? TS. Phan Huy Phú cho biết, mỗi trường có thể đưa thêm tiêu chí phụ cho từng Mã xét tuyển.
Cách xử lý trường hợp tuyển không đủ chỉ tiêu thì các trường kết thúc mỗi đợt xét tuyển, tổng kết và xác định số chỉ tiêu cần tuyển tiếp đối với mỗi Mã xét tuyển, công bố để thí sinh đăng ký, sau đó chương trình xét tuyển lại được thực hiện.
Liên quan tới công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016, ngày 18/5 Bộ GD&ĐT có đề nghị Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cùng phối hợp, chỉ đạo tuyển sinh.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT đề nghị hai bên cùng thông tin kịp thời, đầy đủ các quy định về tuyển sinh, kết quả tuyển sinh của trường theo đúng quy định tại Quy chế tuyển sinh.
Tạo điều kiện hỗ trợ cho các trường liên kết thành nhóm xét tuyển chung, hạn chế bất cập của thí sinh ảo, tạo thuận lợi cho nhà trường và thí sinh. Nắm bắt được các vướng mắc phát sinh trong quá trình xét tuyển đại học, cao đẳng, cùng tư vấn đưa ra các biện pháp hữu hiệu để xử lí kịp thời các tình huống…

Bài và ảnh Phương Thảo

Đọc thêm - trích từ FB của https://www.facebook.com/thuan.nguyenvinh.39/posts/776841865785932 và https://www.facebook.com/groups/705480259485870/?fref=ts ) :
4 bình luận
Bình luận
Đào Kiến Quốc Giải pháp này được thực hiện theo một thuật toán mà nhiều người trong giới tin học biết trong bài toán "Hôn nhân bền vững".
Tuy nhiên vấn đề tuyển sinh có hơi khác một chút là một đơn vị đào tạo (ngành học của một trường) có thể chấp nhận nhiều thí sinh.
Sau này một GS Mỹ đã áp dụng để giải quyết một vấn đề khớp cung cầu trong kinh tế và được giải Nobel năm 2012,
Xem thêm ở đây nhé http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=114&CategoryID=7....
Bộ GD ĐT nên sử dụng phần mềm này cho tuyển sinh của cả nước. Các trường top dưới sẽ không mặn mà vì cơ hội để có sinh viên tốt sẽ giảm. Thí sinh sẽ mạnh dạn đăng ký các trường top cao nếu không hạn chế số nguyện vọng


Giải Nobel Kinh tế 2012: Thuật toán cứu người
TIASANG.COM.VN|BỞI TẠP CHÍ TIA SÁNG
Nguyễn Vĩnh Thuận Bài viết của GS. Hà Huy Khoái trên Tạp chí Tia Sáng :http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&CategoryID=6...

Kinh tế, toán học và tuyển sinh
TIASANG.COM.VN|BỞI TẠP CHÍ TIA SÁNG
Nguyễn Vĩnh Thuận GS. Hoàng Tụy phát biểu về thi cử và tuyển sinh :http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113...

Không thể quay lại kiểu thi cũ
TIASANG.COM.VN|BỞI TẠP CHÍ TIA SÁNG