Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

LIÊN HOAN TẤT NIÊN của CLB TRÀ BÁCH THẢO 2014

Ngày thứ sáu 26/12/2014 CLB Trà Bách Thảo đã tổ chức gặp mặt tất niên năm 2014.

Cuộc liên hoan nhẹ được anh Phùng Quang Nhượng (anh em cọc chèo với Võ Quý Toàn) tài trợ. Hơn mười anh em (Quỳ, Quý Phương, Tường, Lân, Tân, Điều, Thuận, Đỗ Thắng, Lương Phúc, Lê Vĩnh Thọ cùng anh Sở - ĐHQGHN, anh Khánh - báo Nhân Dân và anh Mai Huy Tân - GĐ Cty ĐứcViệt) có mặt tuy thời tiết có đợt gió lạnh bổ sung. Chúng tôi nhâm nhi bên cốc bia HN nhắm với mực nướng anh Nhượng mang đến, cùng xúc xích Đức và lạc rang húng lìu. Trà San tuyết và nước lá vối tươi với kẹo lạc làm đậm đà chất quê hương.



Câu chuyện râm ran từ Kinh Dịch, bói toán đến chăm sóc sức khỏe nhờ tài liệu anh Lân mang đến tặng bạn bè về cây Lược vàng quý giá (sách "Tự chữa bệnh bằng cây Lược vàng" do Bùi Huy Bằng biên soạn, NXB Lao động, 166 trg, HN 2014 - http://buihuybang.blogtiengviet.net/2011/06/08/cacy_ladarpc_vanng_quaf_nhad_vanng  và http://song-khoe.blogspot.com/2013/04/cay-luoc-vang-va-nhung-ieu-ki-dieu.html)


Như mọi năm, bạn Đỗ Xuân Thắng lại mời anh em liên hoan trưa tại nhà hàng 19C Ngọc hà. Bên vại bia hơi, chúng tôi bàn kế hoạch đi sang Thụy Lâm - Đông Anh dự đám cưới con trai bạn Thông.












Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

HẬU MỸ TRINH - KỶ NIỆM CUỘC ĐỜI



                                                                                                 Lương Phúc
          Con người ta có những kỷ niệm đầy hoa thơm quả ngọt, có những kỷ niệm xót xa, cay đắng và cũng có những kỷ niệm luôn day dứt, trăn trở mà mỗi khi nhớ lại thường hiển hiện những dấu ? lớn về kết cục cuối cùng ta chưa được biết. Suốt mấy chục năm làm việc sau này, bất chợt có khi đêm khuya tĩnh tâm nhìn lại cuộc đời đã đi qua, tôi thường nhớ về một kỷ niệm khắc khoải như một món nợ lớn mà chưa trả được. Sau khi nghỉ hưu, cảm giác về kỷ niệm nợ vay này trong tôi càng day dứt hơn bao giờ hết.
Hậu Mỹ Trinh - mảnh đất ân tình năm ấy
Tháng 3 năm 1972, đơn vị chúng tôi tham gia chiến dịch Lộc Ninh. Ngày 7/5/1972, Lộc Ninh hoàn toàn giải phóng, đơn vị tiếp tục nhận lệnh đánh chiếm Thị xã Phước Long. Đúng ngày kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ 19/05/1972, Thị xã Phước Long được giải phóng thì đến 22/05/1972 Trung đoàn (e)3- sư đoàn (f)5 được lệnh xuống Miền Tây Nam Bộ chiến đấu tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang ngày nay.
Trong một trận chiến đấu, tôi và anh Quách Đại Liên – khi đó là tham mưu trưởng e3 cùng 10 đồng chí khác thuộc Hậu cần, Thông tin, Trinh sát, Đặc công mang tiền và thiết bị thông tin xuống bổ sung cho d8-e3. Khoảng hơn 10 giờ đêm ngày 20/07/1972 chúng tôi rơi vào ổ phục kích tại ngã ba kênh Xéo với kênh Cà Răm, 2 đồng chí hy sinh tại chỗ, 8 đồng chí bị địch bắt, tôi bị thương vào đùi và bụng cùng anh Quách Đại Liên chém vè chống trả quyết liệt, hơn 2 giờ sau đã thoát khỏi vòng vây. Tôi và anh Quách Đại Liên bò lên được vườn chuối Ba Oanh thuộc ấp Hậu Mỹ Trinh A, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang ngày nay, sau đó được cô Bé Hai là du kích xã, con của tía Nguyễn Văn Tư và má Đồng Thị Tươi đem về nhà đào hầm cất giấu và chạy chữa vết thương.
Suốt 7 tháng trời tôi được cô Bé Hai và gia đình má Tươi chăm sóc (anh Quách Đại Liên chỉ bị thương nhẹ đã tìm về đơn vị trước), ngày thì cõng ra vườn chuối, tối lại đưa về nhà xuống hầm. Có lần giặc càn vào bất ngờ, cô Bé Hai đã phải đưa tôi xuống kênh giấu trong các đám lục bình. Vết thương chưa kịp phục hồi lại bị nhiễm trùng, cô Bé Hai đã phải tốn bao công sức để điều trị tiếp. Thời gian này, nhà má Tươi là trạm phẫu dã chiến của e24- phân khu Miền Tây, lúc cao điểm nuôi dưỡng và điều trị 12 thương binh. Để đảm bảo đủ thuốc men điều trị, có đợt cô Bé Hai đã chèo xuồng ra thị xã thu gom thuốc tây giấu kín trong 9 bao trấu chở về qua bao bốt gác của địch an toàn. Tôi biết hiện nay có nhiều đơn vị hàng năm vẫn về tổ chức giỗ cho 22 đồng chí thương binh đã điều trị và mất tại đây.
Cuối tháng 2 năm 1973 vết thương đã lành, tôi bắt được liên lạc và được gia đình má Tươi giúp đỡ trở về đơn vị. Tôi tiếp tục tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Ninh cho đến khi bị thương lần thứ hai vào cột sống và được chuyển ra điều trị ở Miền Bắc. Kể từ đó tôi hoàn toàn mất liên lạc với gia đình má Tươi, những người ân nhân đã cứu sống tôi mà suốt đời này tôi không thể nào quên.

Kênh rạch miền Đông Nam bộ
 Tìm kiếm và trở về
Nhiều năm sau tôi luôn nhớ về những người dân đã cưu mang, đùm bọc tôi trong tháng ngày chiến đấu năm xưa ở Hậu Mỹ Trinh, lại càng đau đáu hơn khi nghe lời hát “Miền Nam ơi, Miền Nam! Hỡi những dòng sông soi bóng dừa xanh...” (Đường chúng ta đi - Huy Du). Năm 2004 tôi có liên lạc với người thân là ông Tân, biên tập viên của Đài truyền hình Cần Thơ để tìm địa chỉ ông Tư, bà Tươi và cô Bé Hai. Sau thời gian dài tìm kiếm, chắp nối với sự giúp đỡ của rất nhiều đồng đội, bạn bè và chính quyền địa phương, chúng tôi đã liên lạc được với gia đình má Tươi. Do hoàn cảnh bản thân và khoảng cách địa lý, đến 07/2009 tôi mới thu xếp được thời gian để vào thăm lại mảnh đất ân tình và những ân nhân của mình. Trước ngày trở lại, tôi đã tìm hiểu và nhận được thông tin về hoàn cảnh gia đình của họ. Tôi chuẩn bị khá nhiều quà là thuốc bổ, quần áo, đồ dùng sinh hoạt... dù biết rằng chẳng có quà tặng nào sánh được ân nghĩa năm xưa của gia đình má Tươi đã dành cho tôi.       
Tôi có mặt tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 10/7/2009, tìm gặp bạn chiến đấu f5 và chuẩn bị mọi thứ trước khi về Hậu Mỹ Trinh. Trong 2 ngày chờ đợi cuối cùng của thời gian dằng dặc 37 năm kia mà lòng tôi nôn nao, khắc khoải tưởng tượng mãi cảnh ngày hội ngộ sẽ ra sao? Thế rồi cái gì phải đến đã đến.
Cuộc hội ngộ của tôi, anh Quách Đại Liên và gia đình má Tươi với sự có mặt của chính quyền địa phương, bà con xóm giềng và cả anh Sáu Coọc nguyên Trung đoàn phó e3-f5 nữa, đã diễn ra đầy xúc động, nghẹn ngào, “Nước mắt” đã “chỉ dành cho ngày gặp mặt”(thơ Nam Hà). Càng xúc động, nghẹn ngào hơn khi chúng tôi được biết những sự việc xảy ra tiếp theo với gia đình má Tươi.
Vài ngày sau khi chúng tôi rời về đơn vị, quân địch bất ngờ ập vào khám nhà và phát hiện một số dấu vết, hiện vật Quân giải phóng còn sót lại đã bắn chết luôn cô Năm Mỹ là em ruột cô Bé Hai. Nhà cửa bị đốt, đồ đạc bị đập phá hết. Ông Tư bị bắt về chi khu đánh đập tra khảo dã man: nhổ hết răng bằng kìm, đóng đinh vào hai đầu gối và bị giam giữ cho đến ngày Giải phóng Miền Nam 30/04/1975.
Hiện tại cụ ông Tư đã 87 tuổi, cụ bà Tươi ở tuổi 84, được con cháu dựng cho một ngôi nhà lợp ngói, tường che bằng tàu lá dừa để ở, gia đình được công nhận là có công với cách mạng. Cô Năm Mỹ được công nhận là liệt sĩ. Còn cô Bé Hai, từ một thiếu nữ duyên dáng đằm thắm năm xưa nay trở thành là một phụ nữ nghèo, nét mặt in đậm nỗi gian truân vật lộn với cuộc sống mà chưa được nhận chút danh hiệu nào từ cuộc kháng chiến đầy hy sinh gian khổ của dân tộc. Có một con gái đã xây dựng gia đình nhưng hai vợ chồng bà Bé Hai không có nhà, hàng ngày phải sống trên ghe, lênh đênh mưu sinh khắp sông nước quanh vùng.
Chúng tôi đề nghị với UBND xã Hậu Mỹ Trinh cần tạo điều kiện giúp đỡ gia đình bà Bé Hai - thành viên của một gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng được vào diện hộ nghèo. Chúng tôi cũng đã vận động Hội CCB và bạn chiến đấu, tìm kiếm các đơn vị quân đội liên quan cùng cơ quan chính sách để đề nghị công nhận bà Bé Hai - người tham gia nuôi dưỡng, chữa trị nhiều thương binh Quân giải phóng là người có công với cách mạng. Với những việc nhỏ này, chúng tôi mong sao trả lại sự công bằng và phần nào bù đắp cho tinh thần hy sinh dũng cảm của bà Bé Hai đã góp sức mình trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.
Vĩ thanh
Khi kể lại chuyện này, chúng tôi được biết UBND xã Hậu Mỹ Trinh đã xác nhận các văn bản mà chúng tôi đề xuất và gửi lên cơ quan có trách nhiệm huyện Cái Bè và tỉnh Tiền Giang để xem xét giải quyết chế độ chính sách cho bà Bé Hai.
Trong lần trở về này, chúng tôi cũng đã rất vất vả tìm lại được mộ phần và xác định danh tính của 5 đồng đội đã hy sinh ngày ấy. Câu chuyện đi tìm đồng đội xin được kể lại vào một dịp khác.
                                                                         CCB Lương Văn Phúc
Ghi lại theo lời kể của: Vũ Ngọc Bút, CCB e3(e174A1), f5 QK7
                   21 ngõ 512 Đường Láng, 04.35620462, 0913.021248
Tái bút:
Người viết bài này xin được thông báo thêm: Ngày 30/04/2010, đồng chí Bút cùng đồng đội f5 đã bàn giao ngôi nhà tình nghĩa rộng 70 m2 – xây dựng bằng tiền cá nhân và đồng đội quyên góp cho cô Trúc là con của bà Bé Hai tại huyện Cai Lậy, Tiền Giang. Ngày 29/05/2010, chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” trên VTV3 nói về f5-QK7, đã đưa toàn bộ tin này. Vào dịp 27/7/2012, câu chuyện trên đây về CCB Vũ Ngọc Bút đã được kể trên chuyên mục Cà phê Sáng của VTV3.
Chúng tôi được biết đồng chí Bút cùng đồng đội f5 đã tiếp tục quyên góp đã xây ngôi nhà tình nghĩa thứ 2.  Hội Bạn chiến đấu f5 cắt băng khánh thành và bàn giao năm 2013 cho gia đình bà Bé Hai tại Hậu Mỹ Trinh.. 
Nhân dịp Ngày Hội Quốc phòng toàn dân, Ngày kỷ niệm 70 năm thành lập QĐ NDVN, xin đăng lại bài viết này như một nén tâm nhang kính viếng hương hồn nữ liệt sĩ Năm Mỹ và những người dân, chiến sĩ đồng đội của tôi đã hy sinh, đổ máu trên mảnh đất Hậu Mỹ Trinh ân tình năm ấy.
Chúng tôi vừa được biết cụ ông Tư và cụ bà Tươi mới mất, xin thành tâm kính viếng và khắc ghi công lao của gia đình đối với đồng đội của chúng tôi trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc.
          Cũng nhân dịp này chúc sức khỏe các CCB của lớp G cùng gia đình mãi mãi hạnh phúc gặp nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Bài đã đăng trên http://trianlietsi.vn/new-vn/goc-luu-niem/4286/hau-my-trinh---tham-duom-tinh-nguoi.vhtm
VP BLL Hội Bạn chiến đấu e174A1 (e3-f5) phía Bắc: 04.37320184, 0904.730739
          Nguyễn Cao Phong, 51/23 ngõ Thông Phong, Hàng Bột, Hà Nội