Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Thầy VINH dạy văn ở Xuân Đỉnh

BBT- Bài này đăng trên Blog của lớp chuyên toán Hà nội sau Lớp G 3 năm (1968-1971) có 2 năm đầu học ở Xuân Đỉnh. Đây là bài viết của bạn Nguyễn Hữu Việt Hưng (nhà toán học - giáo sư tại Trường ĐH KHTN HN vừa được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu cùng GS. Bá Ân lớp G chúng ta) về thầy Vinh dạy văn mà nhiều bạn trong Lớp G còn nhớ. BBT xin đăng lại bài này để các bạn Lớp G nhớ lại một người thầy thời Xuân Đỉnh.
(nguồn: https://cthn6871.wordpress.com/2012/08/28/53/ và http://cthn6871.wordpress.com/thong-bao-cua-bbt-2/ )


Đến Huế tìm thầy Vinh dạy văn chúng mình hồi lớp 9


28THÁNG 82012
  
Bạn Hưng vừa dự Đại hội Toán học Việt-Pháp tại Huế.  Hưng thật hạnh phúc đã được gặp lại thày Vinh sau 42 năm. BBT xin phép bạn Hưng, đăng lại đây bức thư Hưng gửi cho các bạn trong lớp kể về sự kiện này.
Mình vừa vào Huế dự Đại hội Toán học Việt-Pháp, từ 20 đến 24 tháng 8, 2012. Trước đó, qua trang web trường THPT Xuân Đỉnh, mình đã tìm được địa chỉ của thầy Trần Anh Vinh, dạy văn lớp mình hồi 9D. Đó là thầy dạy văn hay nhất trong suốt quãng đời học phổ thông của mình. Chắc các bạn còn nhớ, khi thầy giảng Kiều, nhiều nông dân vác cuốc đi làm ngang qua cửa sổ của lớp (mở về phía sân vận động), đã bỏ cả làm, há hốc miệng mà nghe. Thầy cũng khích lệ chúng ta viết ý kiến riêng của mỗi người lên báo tường, trao đổi về việc Kiều tha bổng Hoạn Thư là nên hay không nên.
Chiều Thứ Hai 20/8, khi ngày làm việc đầu tiên của Đại hội chấm dứt, mình đã tới thăm thầy tại nhà riêng, số 28/4 Hùng Vương, ngay trên trục đường cầu Trường Tiền nối dài, cách cầu 500m về phía Nam. Đó là một căn nhà 2 tầng, trên tổng diện tích 400 mét vuông, có nhiều cây cảnh, trong ngõ đủ rộng để ôtô con đỗ trước cửa.
Thầy Vinh tên thật là Trần Viết Liêu, sinh năm 1934, tuổi Giáp Tuất, năm nay 79 tuổi ta. Thầy người gốc làng Long Hưng, Hải Lăng, Quảng Trị, nhưng sinh ra và lớn lên tại Huế. Ông cụ thân sinh ra thầy, cụ Trần Viết Lượng, là Ngự Tiền văn phòng, thư ký lo việc văn, của vua Bảo Đại. (Bên cạnh Ngự Tiền văn phòng, vua còn có Đổng Lý văn phòng, là thư ký lo việc võ.) Ông cụ tham gia Kháng chiến, rồi đưa cả gia đình ra Bắc. Suốt thời gian ở miền Bắc, gia đình thầy “mai danh ẩn tích”, khai là bần nông, để tránh những hệ lụy nhãn tiền. Ông ngoại của thầy làm quan Ngự Y đến hàng Tứ phẩm dưới triều vua Thành Thái.
Thầy Vinh dạy chúng mình năm học 1969-70. Năm 1972, cô con gái chưa đầy tuổi của thầy mất. Cũng năm ấy, đã 38 tuổi, thầy phải đi bộ đội. Cùng nhập ngũ với thầy từ Sở Giáo dục Hà Nội còn có 8 thầy nữa. Sau này trong số 9 thầy, chỉ còn 3 người trở về. Thầy Vinh chiến đấu trong thành cổ Quảng Trị, đánh nhau với thuỷ quân lục chiến Sài Gòn. Thầy bị thương ở vai phải, may là nhẹ, chỉ vào phần mềm. Mình tin rằng tổ tiên của thầy đã để lại hồng phúc lớn lắm.
Sau ngày đất nước thống nhất 1975, thầy cùng gia đình trở về Huế. Từ đó thầy dạy Khoa Văn trường Cao Đẳng Sư phạm Huế. Thỉnh thoảng thầy nhận dạy chuyên đề cho khoa văn Đại học Khoa học và Đại học Sư phạm Huế. Thầy nghiên cứu sâu về Phan Bội Châu, giai đoạn cụ bị quản thúc tại Huế. Được chắt nội cụ Phan tin tưởng trao cho chìa khoá để khai thác toàn bộ thư viện mà cụ Phan để lại, thầy trở thành chuyên gia về Phan Bội Châu, gian đoạn sau 1923. Thầy đã tìm được 100 bài thơ chưa công bố của cụ Phan. Trong cuốn sách “Vẫn còn tìm thấy những dòng thơ của ông già Bến Ngự – Phan Bội Châu” thầy mới công bố 60 bài đã xác định chắc chắn của cụ Phan. 40 bài còn lại cần khảo cứu một số tồn nghi trước khi công bố. Tặng cuốn sách cho mình, thầy nói: “Người ta bảo chỗ này thừa sức làm một luận án Tiến sĩ. Nhưng tôi già rồi, không nghĩ đến chuyện ấy nữa”.
Hiện nay thầy còn rất minh mẫn, đi lại và lên xuống thang gác nhanh nhẹn. Thầy chỉ ăn mỗi ngày 2 bữa, sáng và trưa. Từ 4 giờ chiều, thầy không ăn gì nữa. Thầy đi ngủ lúc 7 giờ tối, và 2 giờ sáng đã thức dậy. Ý định mời thầy cô đi ăn tối của mình vì thế phải thay đổi. Cô là người Thái Bình, gần 80 tuổi mà cô vẫn đẹp. Năm năm trước cô bị tai biến mạch máu não nhẹ, nay chỉ đi lại được trong nhà và vườn. Cô từ chối lời mời cơm của mình. Thế là, Thứ Ba 21/8, mình mời thầy đi ăn trưa ở nhà hàng nổi trên Sông Hương. Dự bữa cơm còn có ba cựu-nghiên-cứu-sinh của mình, cũng tham gia Đại hội, cả ba đều là tiến sĩ, hai trong số ba người đã là phó giáo sư.
Bữa cơm rất vui. Mình nhắc lại những kỷ niệm hồi 9D Xuân Đỉnh (1969-70). Trong đó có chuyện dạo đầu lớp 9 thầy Vinh mở đầu môn Văn bằng việc công bố những “hằng số” soạn bài: Văn xuôi thì mỗi  trang sách in 1 trang soạn, thơ tự do thì mỗi trang in 3 trang soạn, còn thơ Đường luật thì bất kể tứ tuyệt hay thất ngôn bát cú, mỗi bài 5 hay 7 trang soạn gì đó. (Cả thầy và mình đều không còn nhớ hằng số này.) Một hôm soạn văn, bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên, mình thấy Tuấn cắm cúi viết lia lịa, mà mình thì đang cắn bút. Mình phục lắm, ngó sang xem hắn viết gì mà thanh thoát thế. Thì thấy, xen giữa bài soạn, hắn đang viết hàng tràng: “Hồ Chủ tịch muôn năm, Đảng lao động Việt Nam muôn năm. Hồ Chủ tịch muôn năm, Đảng lao động Việt Nam muôn năm…” Hắn bảo viết thế cho đủ số trang, mà nó lại “lành”, thầy có biết cũng không nỡ phạt nặng. Bây giờ, nghe kể lại chuyện này, thầy Vinh cười ngất.
Sáng Thứ Bẩy 25/8, mình đến chào thầy cô trước khi rời Huế. Mình xin thầy cho chụp lại bìa quyển vở thầy chép tay cuốn “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài nhân. Lúc dạy lớp 9D chúng mình, thầy nhiều lần đem cuốn truyện chép tay đó ra đọc, để khẳng định sự hơn hẳn về nghệ thuật của “Đoạn trường Tân thanh” của Nguyễn Du so với tác phẩm văn xuôi “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài nhân. Mình nhớ hồi đó cuốn truyện chép tay được đóng bìa mầu xanh, khổ rộng, giấy đã sờn cũ, rất dầy, cỡ 6-7 phân, trông thật ấn tượng. Thầy vẫn giữ được cuốn truyện đó, nhưng một số phần thầy đã nhờ người đánh máy lại. (Đối với tinh thần khảo cổ thì đó là một mất mát lớn.) Thầy cũng đóng lại cuốn truyện thành nhiều tập nhỏ, cho dễ mang đi dạy.
Tạm biệt mình, thầy Vinh gửi lời chúc cả lớp chúng mình vui khoẻ.
Khi viết thư này, mình vừa gọi điện vào Huế, hỏi thăm sức khoẻ thầy cô, và xác minh lại một số thông tin cho chắc chắc. (Số điện thoại của thầy: 054 382 5186)
Kính mong thầy cô mạnh khoẻ, bách niên giai lão.
Hà Nội, 28/8/2012

BBT
Đây là comment của bạn Bạch Long Giang 
Mình nhớ thày Vinh hồi dạy lớp mình qua hình ảnh sau: Thày to béo, đội mũ kiểu mũ phớt, cắp chiếc cặp da to tướng, đi vào lớp là đi thẳng đến bàn giáo viên, đặt cặp xong, ngồi nghiêm chỉnh rồi mới chào cả lớp. Thày dạy cực hay, cả lớp cứ há mồm nghe mà chả ghi chép được gì. Thày cứ phải nhắc ghi bài. Qua Hưng được biết quãng đường đầy gian khổ của thày, khi phải khoác áo lính, ở tuổi 38, chiến đấu trên chiến trường đầy khốc liệt: chiến trường Quảng Trị, năm 1972. Càng tự hào hơn với người Thày đã vượt qua gian khó, thử lửa của cuộc đời, mà vẫn đóng góp cho đời những áng văn đẹp, khi trở lại bục giảng ở thành phố Huế, quê của Thày. Sưu tầm của Thày về Cụ Phan Bội Châu là một đóng góp lớn cho văn đàn nước nhà. Văn là người, Thày Vinh đã thể hiện rõ ràng điều đó, văn là cái đẹp của con người. Chúc Thày Cô luôn mạnh khỏe.
BLGiang,