Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

IBS - THAM VỌNG MỞ ĐƯỜNG

Tham vọng mở đường

Tia Sáng - 02:13-29/10/2012 

Chủ tịch Oh Se-Jung của IBS
Tháng 5 vừa qua, Hàn Quốc đã khai trương một viện nghiên cứu mới, Viện Khoa học Cơ bản (IBS), với tham vọng rằng cơ sở này sẽ trở thành một trong những tổ chức nghiên cứu cơ bản hàng đầu thế giới, có thể xếp ngang hàng với Viện Max Planck Society của Đức và RIKEN của Nhật Bản.


Mục tiêu đưa ra cho Viện Khoa học cơ bản (IBS), có trụ sở đặt tại Daejeon, là trở thành một tổ chức khoa học đủ sức định hướng cho Hàn Quốc trong phát triển các công nghệ mới. “Cho đến nay chúng ta chỉ mới sao chép và chạy theo những công nghệ tiên tiến”, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak nói trong bài phát biểu tại lễ khai trương viện. “Tuy nhiên, để thực hiện bước nhảy vọt vào hàng ngũ các quốc gia tiên tiến hàng đầu, chúng ta phải phát triển một nền tảng sáng tạo dựa trên khoa học cơ bản và công nghệ cơ bản”. Và ông Lee hứa sẽ hỗ trợ tốt nhất có thể để IBS trở thành “viện đáng mơ ước” thu hút được các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới.

Trong quá khứ, “những những người có nhiều công bố khoa học thường được đánh giá tốt. Tuy nhiên, bây giờ là thời điểm để thúc đẩy các nghiên cứu mạo hiểm và sáng tạo để có thể đi khai phá trong một lĩnh vực mới, và chúng tôi sẽ không còn đánh giá kết quả đạt được thuần túy dựa trên đếm số lượng ấn phẩm nữa. Và hơn nữa, chúng tôi cho phép họ thất bại. Chúng tôi chỉ muốn họ phải liều lĩnh hơn”.
       Chủ tịch Oh Se-Jung của IBS
Năm 2011, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành một đạo luật để phát triển Dự án vành đai khoa học và kinh doanh quốc tế (ISBB), trong đó IBS sẽ được đầu tư 5,17 nghìn tỷ won (4,4 tỷ USD) cho tới năm 2017, đồng thời xây dựng trung tâm gia tốc đồng vị hiếm đầu tiên của quốc gia, cùng với các dự án khác.

Tham vọng lớn 

Thách thức lớn đối với những người tổ chức và quản lý Viện Khoa học Cơ bản là lựa chọn nhân sự. Theo George Sawatzky – nhà vật lý từ Đại học British Columbia của Mỹ, đồng thời là thành viên hội đồng tuyển chọn của IBS – tuy quá trình tuyển chọn nhân sự diễn ra nhanh chóng nhưng “những người được chọn đầu tiên chắc chắn đều là những ‘siêu sao’ đẳng cấp thế giới”.
IBS có kế hoạch thu hút 3.000 nhà nghiên cứu và nhân viên cho 50 trung tâm nghiên cứu ở Daejeon và trên khắp đất nước. Mỗi trung tâm sẽ có ngân sách trung bình hằng năm là 10 tỷ Won (xấp xỉ 9 triệu USD) và sẽ được quản lý bởi một nhà khoa học đẳng cấp thế giới làm việc theo một hợp đồng 10 năm. Giám đốc sẽ có quyền tự chủ rất lớn trong quyết định trọng tâm nghiên cứu, tuyển dụng nhân sự và điều hành trung tâm của mình.

Oh Se-Jung, nhà vật lý học là chủ tịch của IBS cho biết, viện sẽ khuyến khích sáng tạo và chấp nhận rủi ro. Ông nói, trong quá khứ, “những nhà khoa học có những nghiên cứu thất bại thường phải chịu sự trừng phạt nặng nề. Và những người có nhiều công bố khoa học thường được đánh giá tốt. Tuy nhiên, bây giờ là thời điểm để thúc đẩy các nghiên cứu mạo hiểm và sáng tạo để có thể đi khai phá trong một lĩnh vực mới, và chúng tôi sẽ không còn đánh giá kết quả đạt được thuần túy dựa trên đếm số lượng ấn phẩm nữa. Và hơn nữa, chúng tôi cho phép họ thất bại. Chúng tôi chỉ muốn họ phải liều lĩnh hơn”.



Khai trương Trung tâm Hợp tác gia tốc Hàn Quốc – Mỹ (KUCC) ngày 27/8/2012


KUCC mới thành lập sẽ đặt nền tảng cho Viện Khoa học Cơ bản/RISP hợp tác với một trong những phòng thí nghiệm gia tốc hàng đầu thế giới tại Bắc Mỹ để xây dựng một máy gia tốc ion nặng, cũng như thúc đẩy quá trình trao đổi công nghệ và chuyên gia.

IBS sẽ chuyên thực hiện các dự án dài hạn đòi hỏi những nhóm lớn các nhà nghiên cứu, và như vậy không thể được thực hiện tại các trường đại học hay các trung tâm nghiên cứu khác. “Chúng tôi sẽ tập trung vào các lĩnh vực mà mình có thế mạnh và đủ sức cạnh tranh giành top đầu trên thế giới”, ông Oh nói. “Chúng tôi cũng sẽ chọn những lĩnh vực quan trọng đối với quốc gia và cả thế giới, ví dụ như biến đổi khí hậu”.

Để theo đuổi xu hướng toàn cầu, Viện sẽ đặt ưu tiên hàng đầu cho khoa học sự sống, với số lượng các trung tâm dành riêng cho lĩnh vực này nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác. Sau đó là các lĩnh vực yêu cầu những thí nghiệm trên quy mô lớn như thiên văn học và vật lý, và tiếp theo là hóa học, toán học và khoa học trái đất, ông Oh cho biết.

Mô hình quản lý của IBS được tổ chức tương tự như mô hình Hội Max Planck của Đức và Viện RIKEN của Nhật, nhưng tính thứ bậc cao hơn. IBS dự kiến thành lập được 25 trung tâm vào giữa năm 2013. Một nửa các trung tâm sẽ nằm ở Daejeon, một đô thị khoa học cách Seoul 150 km. Các trung tâm khác sẽ nằm rải rác ở nhiều nơi, đa số nằm ở các trường đại học. “Cách bố trí này nhằm tránh sự thiên lệch quá nhiều cho một miền nào đó của đất nước”, ông Oh nói.

Độc chiếm nguồn lực

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu trong nước lo lắng trước quy mô đầu tư quá lớn của IBS. Han Woong Yeom, nhà vật lý tại Đại học KH&CN Pohang, cảnh báo rằng tập trung quá nhiều kinh phí vào một nhóm nhỏ các nhà khoa học được ưu tiên đặc biệt có thể sẽ ngốn hết nguồn lực cho các dự án nghiên cứu khác.

Ông nói, “mức hỗ trợ tài chính lớn nhất cho mỗi nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học cơ bản cho đến nay là 1,5 tỷ Won, ít hơn rất nhiều so với ở các trung tâm của IBS. Vì vậy, các trung tâm nghiên cứu của IBS có thể độc chiếm các nguồn nhân lực và làm phá sản các dự án nghiên cứu quy mô nhỏ bên ngoài IBS”. Yeom còn cho rằng vấn đề chính hiện nay mà các nhà nghiên cứu Hàn Quốc phải đối mặt không phải là thiếu đầu tư mà là tình trạng thiếu hụt nhân lực.

Oh thừa nhận rằng những lo lắng như vậy có thể chuyển thành những phê phán về sự mất cân đối giữa các chuyên ngành ở IBS, và về sự phân bố địa lý rải rác trên diện rộng của các trung tâm nghiên cứu. “Đây là một dự án quốc gia, do đó, cần một sự đồng thuận chính trị về sự mất cân bằng như vậy, và đây là điều làm tôi ít nhiều quan ngại. Nhưng nếu viện thành công, các nhà khoa học của đất nước cuối cùng sẽ chấp nhận”, ông nói.

Thu Quỳnh tổng hợp

Các nguồn:
http://www.nature.com/news/south-korean-research-centre-seeks-place-at-the-top-1.10667
http://newsline.linearcollider.org/2012/09/20/korea-us-collaboration-center-for-accelerator-science-opens-at-fermilab/
http://www.physicstoday.org/resource/1/phtoad/v65/i10/p26_s1?view=print&bypassSSO=1

-------------------------------------------------
(Vĩnh Thuận sưu tầm - 30/10/2012 - http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&CategoryID=36&News=5801 )
Xin xem thêm bài về quan hệ An Nam - Cao Ly từ quá khứ trên tạp chí Tia Sáng:

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

CÂU LẠC BỘ TRÀ tháng 10

Tháng 10 cuối thu nắng vừa gió mát, chúng tôi họp CLB Trà Cà phê ở Bách Thảo. Mải đi chơi cháu ngoại, hôm nay mới đưa ảnh từ hôm thứ Năm 11-10-2012 lên Blog được. Xin mời bà con Xuân Đỉnh vừa ăn hồng vừa coi ảnh nha:




Ba ảnh trên: Quang cảnh Quán Cà phê Bách Thảo ở 1B đường Hoàng Hoa Thám 

Các cụ nói "Trà tam Tửu tứ" chỉ có đúng. 

Ba cụ hưu trà lá cùng cô tượng đồng trẻ 

Chị Nhung cùng anh Nội và anh Tường - photo: Thuận 




Xin kèm thêm 2 ảnh hôm đi Thiên Sơn Suối Ngà (trong chuyến thăm nhà anh Nội ở Ba Trại)

Chị Nhung và cô Vân - phu nhân anh Tường chụp ở cây "Đa lá lệch" 

Chị Nhung ở khu vực Ngoạn Sơn


(Vĩnh Thuận - Ngọc hà - đưa lên: 23/10/2012)



Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

ĐÔI ĐIỀU nước PHÁP


Chị Hồng Nhung vừa đi Pháp về và kể cho chúng tôi nhiều chuyện xứ Tây tại CLB Trà-Cafe Bách Thảo. Xin gửi đến các bạn đôi điều về nước Pháp:


Tia Sáng - 09:47-04/10/2012 

Pháp - dân tộc "khó chịu" nhất thế giới

Hoàng Nhu

Cây cầu này khiến tôi liên tưởng ngay tới cầu Long Biên

Bạn tôi làm điều phối cho một tổ chức tình nguyện ở Việt Nam khăng khăng quả quyết rằng “Pháp là một trong những dân tộc khó chịu nhất thế giới”! Tôi ở Hà Nội, ít khi gặp và tiếp xúc với người Pháp và do sự quả quyết tuyệt đối của cô bạn, tôi đã… rất đồng tình về điều mà tôi còn chưa từng mắt thấy tai nghe.





May mắn giành được suất học bổng tình nguyện qua Pháp, để chuẩn bị cho chuyến đi, tôi cũng “google” về Pháp, về đi lại, về ăn uống, mua sắm, con người, văn hóa, tất tần tật… Tôi cũng đọc cả những kinh nghiệm của những người từng du lịch Pháp, rằng ở Paris bạn phải thật cẩn thận với nạn móc túi, gây gổ, cướp giật..., phần lớn liên quan đến người da màu...

Cảm xúc đầu tiên của tôi khi đặt chân tới Paris là... chuếnh choáng như vừa uống phải rượu. Từng con đường, từng căn nhà ở nơi đây sao mà đẹp và thơ mộng tới vậy. Những căn nhà với ban-công treo đầy giọ hoa lãng mạn theo một lối rất cổ điển. Mặc dù va-li hành lý lỉnh kỉnh nhưng tôi sống chết vẫn phải mở túi, lấy máy ảnh ra chụp vài kiểu mở hàng. Đang mải mê chụp choẹt, tôi bỗng nghe có tiếng người như nói với mình “Shut your bag” (Khóa túi đồ của bạn lại), tôi nhìn xuống túi thì đúng là tôi vẫn chưa kéo khóa lại vì nghĩ để trước bụng rồi, ai lấy được nữa, tính chụp vài kiểu ảnh rồi lại cất đi, mở ra đóng vào phiền chết. Tôi quay lại nhìn người vừa nói với mình thì đó là một phụ nữ da màu. Trong lúc tôi còn mải nghĩ tới lời nhận xét của những người bạn về người da màu ở Paris thì người phụ nữ kia đã quay lưng bỏ đi. Chợt nhận ra mình chưa nói lời cám ơn, tôi vội rối rít nói với theo “merci, merci”.

Paris có hệ thống tàu điện ngầm chằng chịt với tổng số bến tàu nhiều thứ 3 thế giới, chỉ sau hệ thống tàu điện ngầm ở New York và Seoul. Metro Paris phục vụ đi lại cho khoảng 4,5 triệu lượt người mỗi ngày và do đó đường phố trên mặt đất ở Paris khá thông thoáng bởi mọi người đều… chui hết xuống lòng đất rồi! Một điều rất ngạc nhiên và thú vị ở Paris là dù tín hiệu báo người đi bộ phải dừng lại, nhưng các phương tiện như ô tô, xe máy đều dừng lại nhường cho người đi bộ qua hết họ mới đi. Tôi nói chuyện với một người bạn Pháp về điều này, anh kể tôi nghe rằng dân Thụy Sĩ còn “khủng khiếp” hơn thế. Dù cho bạn chả buồn sang đường và cứ muốn đứng ì một chỗ thì ô tô cũng “thi gan” đứng lì một chỗ cho tới khi bạn băng qua đường mới chịu đi. Tôi tưởng tượng nếu người Pháp hay Thụy Sĩ sang Việt Nam, họ buộc phải học cách... cướp đường, giành đường hoặc không thì công an sẽ hỏi thăm bạn bởi bạn đang là nguyên nhân gây ra tắc đường cục bộ…

Người Pháp nổi tiếng thế giới về lòng tự tôn ngôn ngữ của mình và do vậy không thèm học, không thèm nói, không chịu nói tiếng Anh, hoặc nếu có nói thì “như một người Pháp nói tiếng Anh”. Trước chuyến đi tôi lại chẳng chịu update mấy câu tiếng Pháp vì cứ nghĩ, ôi dào, chẳng nhẽ dân Pháp không một ai biết nói tiếng Anh, mà đâu phải khách du lịch nào cũng nói được tiếng Pháp. Vâng, đúng là tôi đã có những trải nghiệm vô cùng thú vị khi tôi hỏi một người Pháp một câu bằng tiếng Anh, họ trả lời tôi một tràng bằng tiếng Pháp. Tôi ngẩn người vì… có hiểu gì đâu, họ thấy tôi vậy thì nói bằng tiếng Anh rằng “I don’t speak English, sorry”. Rõ ràng họ phải hiểu được câu nói của con bé tội nghiệp như tôi đang lớ ngớ tìm đường thì mới nói được một tràng dài bất tận như thế chứ. Nhưng sau khi thấy bộ mặt quá ư tội nghiệp của tôi thì họ chỉ tôi ra một quầy thông tin ở gần đó và nói rằng “you go there for information”. Vâng, người Pháp “khó chịu” một cách đáng yêu như thế đấy ạ! Tôi lại luống cuống “merci, merci beaucoup”.

Vâng, còn đàn ông Pháp thì lãng mạn đến mức “khó chịu” ạ! Nhưng đó lại là câu chuyện của cá nhân tôi rồi. Nếu các bạn vẫn còn hoài nghi về những điều tôi kể, hãy tới Pháp để cảm nhận và trải nghiệm sự “khó chịu” đáng yêu đó của người Pháp!


Metro Paris - Ligne 5 - Pont d'Austerlitz

BÀI HỌC ĐÔNG & TÂY ĐỨC THỐNG NHẤT



Tạp chí Tia Sáng - 01:42-11/10/2012 

Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường

TS Nguyễn Sỹ Phương (CHLB Đức)

Bản đồ nước Đức với hai phần tách biệt:
Đông Đức màu nghệ và Tây Đức màu tím
Khác với Việt Nam, Trung Quốc, Nga và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũ, chuyển đổi hoàn toàn tự lực, và không có đối chứng so sánh, khó định lượng được mức độ gian nan và trường kỳ của quá trình chuyển đổi, nền kinh tế Đông Đức được Tây Đức đổ bao nhân, tài, vật lực, công cụ luật pháp hỗ trợ, nhưng tới nay vẫn còn cần tiếp 50 năm nữa mới đuổi kịp đối chứng Tây Đức, vốn cả hai cùng xuất phát điểm năm 1945 hoàn toàn tương đương nhau về mọi mặt.
Để có sơ sở xây dựng đối sách chuyển đổi tối ưu, kể từ năm 1997, hàng năm, nhân ngày tái thống nhất 3/10, Chính phủ Đức đều đưa ra báo cáo tổng kết về thực trạng phát triển kinh tế Đức, phân tích đánh giá so sánh giữa hai miền, bao gồm cả quá trình lũy kế tính từ năm thống nhất lẫn năm hiện tại. 

Kết quả báo cáo năm nay, công bố đầu tháng này cho thấy, sau 23 năm tái thống nhất nước Đức kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ, kinh tế Đông Đức vẫn đình trệ, thậm chí tụt nhiều so với các tiểu bang Tây Đức. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người năm 2011 tại Đông Đức chỉ bằng 71% Tây Đức. Về tốc độ tăng trưởng, nếu loại bỏ yếu tố lạm phát 2,5%, thì các tiểu bang Đông Đức nằm dưới mức trung bình toàn Liên bang tới 3%. Sang nửa đầu năm nay, kinh tế Đông Đức tăng trưởng 0,5% trong khi kinh tế Tây Đức tăng tới 1,2%, tức trên gấp đôi. Thu nhập từng hộ gia đình tại Đông Đức thấp hơn 1/5 Tây Đức. Sức mua tại các tiểu bang Đông Đức thấp hơn mức trung bình toàn Liên bang 16%. Về lao động, số người có việc làm tại Đông Đức không ngừng tăng kể từ năm 2005, tới năm 2011, tỷ lệ thất nghiệp xuống cực tiểu chỉ còn 11,3%, mức thấp nhất kể từ sau tái thống nhất, nhưng so với Tây Đức vẫn cao gấp đôi!

Sau 23 năm, GDP đầu người Đông Đức mới chỉ tương đương hơn 2/3 Tây Đức, mặc dù tổng cộng đã có khoảng từ 1 tới 2,5 nghìn tỷ Euro được đổ vào đây để giúp chuyển đổi nền kinh tế.
Hệ quả chênh lệch các chỉ số trên, dẫn tới thay đổi cơ cấu địa kinh tế. Trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến 2008, dân số Đông Đức giảm 11,7% do chuyển sang Tây Đức sinh sống, và xu hướng này dự báo còn giảm tiếp tục trong những năm tới. 


Nếu biết rằng nước Đức đã phải đổ vào Đông Đức tổng cộng tới nay ước chừng từ 1 tới 2,5 nghìn tỷ Euro, mà sau 23 năm chỉ mới đưa được GDP đầu người Đông Đức lên tương đương hơn 2/3 Tây Đức, mới thấy cái giá vực dậy nền kinh tế quản lý tập trung, chuyển đổi nó sang nền kinh tế thị trường tốn kém khủng khiếp ở mức độ nào, đằng đẵng tới bao lâu.

Về tài chính, chỉ riêng người lao động, theo luật SolZG họ phải trích lương đóng khoản tiền tái kiến thiết Đông Đức được gọi là phí đoàn kết từ năm 1991 ở mức 7,5% thuế lương, và từ năm 1998 mới giảm xuống còn 5,5%. Tính ra, hàng năm, nhân dân cả nước Đức đã đóng góp tài chính cho Đông Đức thông qua Quỹ trên lên tới trên dưới 10 tỷ Euro ngang ngửa thu ngân sách Việt Nam, liên tục từ 23 năm qua. Quỹ thống nhất nước Đức FDE thành lập năm 1990 để đầu tư trang bị cho cơ quan nhà nước phía Đông từ 1990-1994 là 115 tỷ DM, sau đó được nâng lên 146,3 tỷ, và tháng 3/1993 nâng lên mức cuối cùng 160,7 tỷ. Tổng cộng 5 tiểu bang Đông Đức nhận từ Liên bang Đức mỗi năm 20,6 tỷ Euro. Quỹ thống nhất nước Đức lần 2 đổ tiếp vào Đông Đức, bắt đầu từ năm 2004, có giá trị tới 2019 với mức 156,5 tỷ Euro, trong đó có 105,3 tỷ Euro được dùng đầu tư cơ sở hạ tầng.

Chỉ 9% người dân Đông Đức muốn trở lại thời Đông Đức, trong khi 11% dân Tây Đức muốn dựng lại tường thành chia đôi Berlin trước kia do họ không muốn chịu đựng hơn nữa gánh nặng Đông Đức – theo điều tra nới đây của Trung tâm Nghiên cứu khoa học xã hội Berlin và Brandenburg
Trong khi ở Việt Nam, doanh nghiệp phải loay hoay học hỏi tìm kiếm thử nghiệm mô hình tập đoàn trên thế giới để mong “tạo ra những cú đấm thép“ cạnh tranh toàn cầu, và hệ quả chục năm sau vẫn phải tìm kiếm giải pháp tái cơ cấu lại nó, thì doanh nghiệp Đông Đức đã có sẵn mô hình áp dụng cùng hành lang pháp lý Tây Đức điều chỉnh, đó là một lợi thế độc nhất trên thế giới không một quốc gia nào chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường có thể có được. Nghĩa là Đông Đức không chỉ được đầu tư nhân, tài, vật lực tối đa cho quá trình chuyển đổi, mà còn tránh được, không phải trả giá mầy mò cho quá trình đó, ấy thế mà con đường phấn đấu nhắm đích ngang ngửa trình độ phát triển Tây Đức còn phải trông đợi những 50 năm tới. Nền kinh tế Việt Nam, Trung Quốc, Nga, và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũ không có được cơ may như Đông Đức, liệu có đủ nỗ lực gấp bội họ nhiều lần để có thể đuổi kịp thế giới trong cùng quãng thời gian như họ? Nếu không, sẽ đằng đẵng tới bao giờ?


Thống nhất đất nước là khát vọng chung của mọi quốc gia chia cắt, nhưng cái giá phải trả dẫn tới sự nhìn nhận về nó không phải người nào cũng giống người nào. Kết qủa khảo cứu mang tên: “Điều tra xã hội học năm 2012, nước Đức thống nhất từ năm 1990-2012, chỗ đứng của công dân„ do Trung tâm Nghiên cứu khoa học xã hội Berlin và Brandenburg, Đức, tiến hành, công bố đầu tháng này, cho thấy: 37% công dân Tây Đức cho rằng mình bị thiệt thòi bởi thống nhất, trong khi phía Đông chỉ 24%. Ngược lại 42% công dân phía Đông coi thống nhất là thắng lợi vẻ vang, trong khi phía Tây chỉ 37%. Có hơn một nửa vừa không muốn quay trở lại nước Đức, nhưng cũng không coi cuộc sống hiện tại đã thực sự hạnh phúc, nghĩa là không thể bằng lòng với nó mà còn phải phấn đấu. Chỉ 9% người dân Đông Đức muốn trở lại thời Đông Đức, bởi số này đã quen thích nghi với nền kinh tế đó như máu thịt, trong khi 11% dân Tây Đức muốn dựng lại tường thành chia đôi Berlin trước kia do họ không muốn chịu đựng hơn nữa gánh nặng Đông Đức. Dù tư tưởng ngược lại khát vọng chung của dân tộc, nhưng họ cũng là nhân dân, đồng chủ nhân đất nước, được quyền bày tỏ chính kiến riêng mình và là một căn cứ không thể bất chấp khi nhà nước hoạch định chính sách.

(Vĩnh Thuận sưu tầm - Mỹ Đình - 12/10/2012)