Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

CÂU LẠC BỘ TRÀ BÁCH THẢO

Theo thông lệ, sáng hôm nay thứ năm 30 tháng 8 chúng tôi lại ra quán "Cafe Bách Thảo" để sinh hoạt CLB Trà - Cà phê. Hôm nay trời nắng đẹp, cái nắng thu nao lòng người.  Bữa nay có anh Bùi Minh Tân và Phạm Hữu Quỳ cùng tôi, để đảm bảo như các cụ nói "trà tam tửu tứ". (Xin bấm vào giữa ảnh để xem với kích thước thật).

Một góc quán Trà 

Anh Bùi Minh Tân đến dự sinh hoạt CLB sau 2 tuần vất vả trên công trường thủy điện ở Lào Cai 

Bên bàn Trà Cà phê 

Phút thư giãn trong công viên Bách Thảo. Rít hơi thuốc lá nào. 

Anh Tân lại trầm ngâm lo tính kế hoạch triển khai công trường sau nghỉ lễ 2-9 

Hai cựu cán bộ lãnh đạo lo lắng cho tinh hình kinh tế đất nước gần đây

Nắng trải trong công viên. Chúng tôi chuyện trò đến trưa mới chia tay. Hẹn tuần sau nhé

(Vĩnh Thuận - Ngọc Hà - 30/8/2012)

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba


04:08-22/08/2012   
Theo The Economist

Khi chế tác trở thành chế tác số, nó sẽ thay đổi đến mức không còn thể nhận ra được nữa, Paul Markillie, biên tập viên mảng đổi mới sáng tạo của The Economist, nói. Và một số doanh nghiệp chế tạo sẽ quay về các nước giàu.
Bên ngoài Hội chợ Frankfurt ngổn ngang, nơi diễn ra vô số hội chợ thương mại Đức, một tượng “Người quai Búa” cao 21 mét đứng lừng lững, giơ và hạ cách tay đều đặn để đập một tấm kim loại với một chiếc búa. Jonathan Borofsky, nghệ sĩ dựng tượng này, nói đó là sự ca ngợi người công nhân dùng trí óc và bàn tay mình để tạo ra thế giới mà chúng ta sống. Đó là một câu chuyện quen thuộc. Nhưng bây giờ các công cụ đang thay đổi theo nhiều cách phi thường mà sẽ biến đổi tương lai của chế tác.

Một trong những hội chợ thương mại lớn đó ở Frankfurt là EuroMold về khuôn mẫu, giới thiệu các máy chế tạo các nguyên mẫu của các sản phẩm, các công cụ cần thiết để đưa những thứ đó vào sản xuất và tất cả các bộ đồ lề chế tác khác. Các kỹ sư truyền thống làm việc với các máy tiện, máy khoan, các quá trình dập và các máy làm khuôn. Những thứ này vẫn tồn tại, nhưng EuroMold không trưng bày máy móc được tra dầu và được chăm sóc bởi thợ mặc quần yếm nào cả. Hết gian này đến gian khác đầy các máy công cụ Mỹ, Á châu và Âu châu sạch bong, được tự động hóa cao. Hầu hết những người vận hành chúng, nam và nữ, ngồi trước các màn hình máy tính. Bạn sẽ chẳng tìm thấy một chiếc búa ở đâu cả.

Số đặc biệt về Chế tác và Đổi mới (Manufacturing and Innovation) của The Economist ra ngày 21/4/2012 gồm tám bài giới thiệu những sáng tạo đang và sẽ làm thay đổi ngành chế tác. Tia Sángtrân trọng giới thiệu tới bạn đọc loạt bài này qua bản dịch củaTS Nguyễn Quang A.
Và tại hội chợ EuroMold gần đây nhất, tháng 11 vừa qua, một nhóm máy khác đã được trưng bày: các máy in ba-chiều (3D printer). Thay cho việc đập, uốn và cắt vật liệu theo cách đã luôn luôn được tiến hành, các 3D printer tạo ra các thứ bằng phủ vật liệu, từng lớp một. Vì lý do đó quá trình được mô tả thỏa đáng hơn như quá trình chế tác bồi thêm (additive manufacturing). Một hãng Mỹ, 3D Systems, đã dùng một trong các máy in 3D của mình để in một chiếc búa cho phóng viên của bạn, hoàn tất với chiếc cán như gỗ thật đẹp và một đầu búa kim loại.

Việc chế tác sẽ giống như thế trong tương lai. Ngày nay yêu cầu một nhà máy làm cho bạn một chiếc búa duy nhất theo thiết kế riêng của bạn và người ta sẽ đưa cho bạn một hóa đơn đòi hàng ngàn dollar. Các nhà sản xuất sẽ phải tạo ra một cái khuôn, đúc cái đầu búa, gia công giai đoạn cuối cho hợp, tiện một chiếc cán gỗ và rồi lắp các phần lại với nhau. Làm việc đó cho một chiếc búa sẽ hết sức đắt. Nếu bạn sản xuất hàng ngàn chiếc búa, thì mỗi chiếc sẽ rẻ hơn nhiều, nhờ sự tiết kiệm (tính kinh tế) theo quy mô. Đối với một 3D printer, tuy vậy, sự tiết kiệm theo quy mô có ý nghĩa ít hơn rất nhiều. Phần mềm của nó có thể được chỉnh vô tận và nó có thể tạo ra hầu như bất cứ thứ gì. Chi phí lắp đặt máy vẫn thế bất luận nó sản xuất một thứ hay bao nhiêu thứ [mà nguyên liệu] có thể chứa vừa bên trong máy; như một máy in 2 chiều đẩy ra một lá thư hay nhiều lá thư khác nhau cho đến khi hộp mực và hộp giấy cần phải thay, nó tiếp tục hoạt động, với chi phí hầu như bằng nhau cho mỗi cái [thư].

Chế tác bồi thêm vẫn chưa đủ tốt để làm ra một chiếc xe hơi hay một chiếc iPhone, nhưng nó đã được dùng rồi để làm ra các bộ phận đặc biệt cho các ô tô và vỏ theo đặt hàng riêng cho các iPhone. Mặc dù vẫn là một công nghệ còn tương đối trẻ, hầu hết mọi người có lẽ đã sở hữu cái gì đó được làm ra với sự trợ giúp của một 3D printer. Có thể là một đôi giầy, được in ra ở dạng đặc như một nguyên mẫu thiết kế trước khi được sản xuất hàng loạt. Có thể là một máy trợ thính, được may đo cho vừa hình dạng tai của người dùng. Hay có thể là một món trang sức, được đúc từ một khuôn được làm nhờ một 3D printer hay được sản xuất trực tiếp bằng sử dụng ngày càng nhiều vật liệu có thể in được.

Nhưng chế tác bồi thêm chỉ là một trong nhiều đột phá dẫn đến nhà máy của tương lai, và thiết bị sản xuất truyền thống cũng đang trở nên thông minh hơn và linh hoạt hơn. Volkswagen có một chiến lược sản xuất mới được gọi là Modularer Querbaukasten (Hộp xây dựng chéo modul hóa), hay MQB. Bằng cách quy chuẩn các thông số của các cấu thành nhất định, như các điểm gắn động cơ, nhà sản xuất ô tô Đức hy vọng có khả năng sản xuất tất cả các model xe của nó trên cùng một dây chuyền. Quy trình này được đưa vào năm nay, nhưng sẽ lấy nhịp độ khi các model mới được đưa ra trong thập niên tiếp theo. Cuối cùng nó sẽ cho phép các nhà máy của nó ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc sản xuất tại địa phương bất cứ thứ xe nào mà mỗi thị trường đòi hỏi.

Họ không còn sản xuất chúng giống thế nữa


Các nhà máy đang trở nên hiệu quả hơn rất nhiều, nhờ các máy phay có thể đổi các công cụ riêng của chúng, cắt trong nhiều chiều và “cảm thấy” nếu cái gì đó hỏng, cùng với các robot có các hệ thống nhìn và cảm biến khác. Nhà máy Anh của Nissan ở Sunderland, bắt đầu năm 1986, bây giờ là một trong những nhà máy có năng suất nhất ở châu Âu. Năm 1999 nó sản xuất 271.157 xe với 4.594 người. Năm vừa qua nó sản xuất 480.485 xe - nhiều hơn bất cứ nhà máy ô tô nào ở Anh đã từng sản xuất - với chỉ 5.462 người.

“Bạn không thể làm một số thứ hiện đại này bằng dùng các công cụ bằng tay cũ,” Colin Smith, giám đốc kỹ thuật và công nghệ cho Rolls-Royce, một công ty Anh sản xuất động cơ phản lực và các hệ thống động lực khác, nói. “Ngày của các nhà máy khổng lồ đầy người không còn nữa.”

Do số người trực tiếp sản xuất các thứ giảm đi, tỷ lệ chi phí lao động trong tổng chi phí sản xuất cũng sẽ giảm. Việc này sẽ khuyến khích các nhà sản xuất chuyển một số công việc quay lại các nước giàu, nhất là bởi vì các kỹ thuật chế tác mới khiến cho nó rẻ hơn và nhanh hơn để đáp ứng với sự thay đổi sở thích địa phương.

Các vật liệu được dùng để làm các thứ cũng đang thay đổi. Các composite sợi-carbon, chẳng hạn, đang thay thế thép và nhôm trong các sản phẩm từ xe đạp leo núi đến máy bay. Và đôi khi sẽ không phải là máy làm công việc chế tạo, mà là các vi sinh thể được biến đổi gen để làm nhiệm vụ đó.

Mọi thứ trong các nhà máy tương lai sẽ được vận hành bằng phần mềm thông minh hơn. Số hóa trong chế tác sẽ có tác động phá hủy lớn chính xác như ở các ngành khác đã được số hóa, như thiết bị văn phòng, viễn thông, nhiếp ảnh, âm nhạc, xuất bản và phim. Và các tác động sẽ không chỉ giới hạn ở các nhà chế tác lớn; quả thực, họ sẽ cần coi chừng bởi vì phần lớn cái đang đến sẽ trao quyền cho các hãng nhỏ và vừa và các nhà khởi nghiệp kinh doanh cá thể. Việc khởi đầu các sản phẩm mới sẽ trở nên dễ hơn và rẻ hơn. Các cộng đồng chào mời dịch vụ in 3D và các dịch vụ sản xuất khác mà hơi giống Facebook đang hình thành rồi trên mạng trực tuyến - một hiện tượng mới mà có thể được gọi là chế tác xã hội (social manufacturing).

Các hệ quả của tất cả những thay đổi này, báo cáo này cho rằng chẳng khác gì một cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba. Cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất đã bắt đầu ở Anh vào cuối thế kỷ thứ 18 với việc cơ giới hóa ngành dệt. Trong các thập niên tiếp theo việc dùng máy để sản xuất các thứ, thay cho làm chúng bằng tay, đã lan ra khắp thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp thứ hai bắt đầu ở Mỹ vào đầu thế kỷ thứ 20 với dây chuyền sản xuất, mở ra thời đại sản xuất hàng loạt.

Khi việc chế tác trở thành số (digital), một sự thay đổi lớn thứ ba bây giờ đang lấy nhịp độ. Nó sẽ cho phép các thứ được sản xuất một cách kinh tế với số lượng ít hơn nhiều, một cách linh hoạt hơn và với đầu vào lao động thấp hơn rất nhiều, nhờ các vật liệu mới, các quy trình hoàn toàn mới như in 3D, các robot dễ dùng và các dịch vụ chế tác cộng tác mới sẵn có online. Chiếc đĩa (bay được liệng ra) hầu như đang quay lại chỗ ban đầu, bỏ chế tác hàng loạt và hướng nhiều hơn đến sản xuất cá nhân hóa. Và điều đó đến lượt có thể mang một số việc làm quay về các nước giàu mà họ đã đánh mất chúng từ lâu cho thế giới đang nổi lên.

Nguyễn Quang A dịch

(Vinh Thuan suu tam - 23/8/2012)

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

TÌM HIỂU “LỖ HỔNG THỜI GIAN”


http://thienviet.wordpress.com/

KỶ NIỆM 100 NĂM TÀU TITANIC CHÌM (4/1912 – 4/2012)

BÍ ẨN CỦA

“LỖ HỔNG THỜI GIAN”

Bí ẩn trở về của Smith và Coutts của tàu Titanic sau 80 năm (1912-1990). Đây là hiện tượng khoa học không phải hoang đường…
Những năm gần đây, giới học giả chuyên nghiên cứu bí ẩn siêu nhiên ở châu Âu và Mỹ xôn xao bàn tán về các hiện tượng có liên quan đến “lỗ hổng thời gian” và “sự mất tích – tái hiện” một cách thần bí. Người ta cố gắng vận dụng mọi kiến thức để giải thích cho được những hiện tượng này.
Ngày 14/04/1912, con tàu thủy siêu cấp Titanic trong chuyến đi đầu tiên đã gặp nạn do va phải băng, khiến 1.500 người mất tích. Vậy mà vào giữa năm 1990 và 1991, tại khu vực gần núi băng Bắc Đại Tây Dương, người ta đã phát hiện và cứu sống hai nhân vật đã biến mất cùng con tàu Titanic gần 80 năm về trước.
Sự trở về của Winnie Coutts
Ngày 24/09/1990, con tàu Foshogen đang đi trên vùng biển bắc Đại Tây Dương. Thuyền trưởng Karl đột nhiên phát hiện một bóng người từ vách núi. Qua kính viễn vọng, ông nhìn rõ một phụ nữ đang dùng tay ra hiệu cấp cứu. Người phụ nữ này mặc trang phục quý tộc Anh thời kỳ đầu thế kỷ 20, toàn thân ướt sũng và rét run cầm cập. Khi được cứu lên tàu, trả lời câu hỏi của thủy thủ, cô nói : “Tôi tên là Winnnie Coutts, 29 tuổi, một hành khách trên con tàu Titanic. Khi tàu đắm, một con sóng lớn đánh giạt tôi lên núi băng này, thật may mắn là các ngài đã kịp cứu giúp”.
Nghe câu trả lời đó, mọi người đều cảm thấy hết sức kỳ lạ, không hiểu chuyện gì đã xảy ra và họ nghĩ rằng có lẽ do sốt cao, cô gái này đã nói nhảm. Coutts được đưa đến bệnh viện để kiểm tra. Sức khỏe của cô không có gì đáng ngại ngoài việc cô quá sợ hãi do bị lạc nhiều ngày, thần kinh cũng không có dấu hiệu rối loạn.
Các xét nghiệm về máu, tóc, cho thấy cô khoảng chừng 30 tuổi. Vậy là nảy sinh một vấn đề khó tin đến kinh người : chẳng lẽ Coutts từ năm 1912 đến nay, trải qua gần 80 năm mà không hề già đi chút nào ? Thẩm tra, đối chiếu với bản danh sách hành khách trên tàu Titanic, người ta nhận thấy mọi nội dung đều trùng khớp với những gì Coutts đang nói. Trong khi mọi người đang tranh luận thì sự việc thứ hai xảy ra.
Sự trở về của thuyền trưởng Smith
Ngày 09/08/1991, một tổ khảo sát khoa học hải dương trong khi khảo sát tại khu vực phía tây nam cách một núi băng Bắc Đại Tây Dương chừng 387 km, đã phát hiện và cứu sống một người đàn ông 60 tuổi. Lúc đó người đàn ông này đang ngồi bình thản bên rìa nước. Ông ta mặc bộ quần áo màu trắng, khá gọn gàng, rít sâu điếu thuốc và rút điếu thứ hai, mắt nhìn về phía biển khơi, mặt lộ vẻ dạn dày sương gió. Không ai có thể nghĩ rằng đó chính là thuyền trưởng danh tiếng Smith của con tàu Titanic.
Nhà hải dương học nổi tiếng, tiến sĩ Marwen Halant, sau khi cứu được Smith đã phát biểu trước báo chí rằng không thể có sự việc nào đáng kinh ngạc hơn. Người đàn ông này không thể là tên lừa đảo, ông ta đích thực là thuyền trưởng của con tàu Titanic, người cuối cùng cùng với con tàu chìm xuống biển. Khó tin hơn nữa là Smith đến nay đã 140 tuổi nhưng trên thực tế mới chỉ là một ông già 60. Khi được cứu, ông một mực khẳng định rằng hôm đó là ngày 15/09/1912
Sau khi được cứu, ông được đưa đến Viện tâm thần Oslo (Nauy) để chữa trị. Nhà tâm lý học Jale Halant đã tiến hành hàng loạt thử nghiệm và kết quả là Smith hoàn toàn bình thường. Ngày 18/09/1991, trong một đoạn tin vắn, Halant khẳng định người được cứu đích xác là thuyền trưởng Smith vì ngay việc đối chiếu vân tay cũng đã cho thấy điều đó.
Sự việc cần được giải thích rõ ràng. Một số cơ quan hải dương Âu – Mỹ cho rằng thuyền trưởng Smith và hành khách Coutts đã bị rơi vào “hiện tượng mất tích – tái hiện xuyên thời gian”. Theo đó, một số chuyên gia phán đoán có khả năng trên biển vẫn còn một số hành khách Titanic sống sót đang chờ được cứu giúp, vì trong lịch sử cũng đã có không ít trường hợp mất tích – tái hiện một cách thần bí.
Sự mất tích của 25 lính hải quân Mỹ
Theo hồ sơ của bộ hải quân Mỹ, trong chiến dịch Thái Bình Dương thời kỳ chiến tranh thế giới thứ 2, chiến hạm Indiana Bolis của Mỹ bị tàu ngầm của Nhật đánh chìm. Lúc đó, hải quân Mỹ đã thu được tín hiệu cấp cứu của 25 binh lính và sĩ quan rời khỏi chiến hạm bằng thuyền cứu hộ. Nhưng sau nhiều lần tìm kiếm, 25 quân nhân kia vẫn bặt vô âm tín. Cuối cùng, nhà chức trách đành phải tuyên bố họ đã mất tích.
Nhưng sau nhiều lần tìm kiếm, 25 quân nhân kia vẫn bặt vô âm tín. Cuối cùng, nhà chức trách đành phải tuyên bố họ đã mất tích. Nhưng một ngày tháng 07/1991, một đội thuyền đánh cá của Philippines trên hải phận Sibis, phía nam quần đảo Philippines, đột nhiên phát hiện một chiếc thuyền cứu sinh, trên thuyền có 25 binh lính đang trong tâm trạng hoảng loạn, dù cơ thể vẫn còn cường tráng.
Phát hiện này làm cho các nhà chức trách Mỹ vô cùng kinh ngạc. Điều khó hiểu hơn cả là chiến hạm Indiana Bolis bị đánh chìm từ năm 1945, và mãi 46 năm sau đó, người ta mới thấy họ, nhưng họ không hề thay đổi so với trước kia, thậm chí cả râu, tóc… cũng không dài thêm chút nào. 25 người một mực khẳng định họ chỉ lênh đênh trên biển một ngày đêm. 46 năm tương đương với một ngày, điều gì đã xảy ra ? Nhà thiên văn học, tiến sĩ Semesijians cho rằng, có khả năng họ đã bị rơi vào “lỗ hổng của thời gian”, mấy chục năm sau mới xuất hiện trở lại và hoàn toàn không biết mình đang ở thời điểm nào.
Chiếc khí cầu của Hary
Năm 1954, trong một cuộc thi biểu diễn khinh khí cầu, chiếc khí cầu của Hary Rogen và Derick Noidon đột nhiên mất tích. Sau nhiều năm tìm kiếm họ vẫn không tìm thấy xác chiếc khinh khí cầu bị rơi. Kỳ lạ là năm 1990, trong một cuộc thi khinh khí cầu khác tại Cuba, chiếc khinh khí cầu mất tích 36 năm về trước đột nhiên xuất hiện tại nơi mà nó đã mất tích năm 1954 trước hàng nghìn con mắt kinh ngạc của khán giả.
Khi đó người Cuba cho rằng đây là vũ khí bí mật của Mỹ nên đã cho máy bay bắn hạ khí cầu, còn Rogen và Derick thì bị đưa đến một căn cứ quân sự. Tại đây, họ khai rằng trong cuộc thi khinh khí cầu năm 1954 tại Bodorigo Saint Juan, họ đột nhiên bị kích thích vào vùng não, toàn thân đau buốt như có một luồng điện chạy qua người. Tất cả mọi thứ xung quanh từ bầu trời cho đến mặt biển đều biến thành một màu đỏ. Việc tiếp theo mà họ cảm nhận được là bị một chiếc máy bay chiến đấu tấn công. Họ không hề biết chỉ trong khoảng khắc màu đỏ ấy mà thời gian đã trôi qua 36 năm.
Đoàn tàu mất tích bí ẩn
Ở Trung Quốc, năm 1945, một đoàn tàu chở hàng trăm khách từ Quảng Đông đi Thượng Hải đã biến mất khỏi hành trình khi gần đến ga cuối, không để lại bất kỳ một dấu tích nhỏ nào.
Mất tích cả một đội quân 800 người
Trong Đại chiến Thế giới lần thứ nhất, vào ngày 21/8/1915, hơn 800 lính thuộc Trung đoàn Norfolk 5 của quân đội Anh được lệnh cơ động lên một ngọn núi cao thuộc vùng Dardanelles, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo lời kể của các nhân chứng, có một đám mây lớn bay sà xuống và bao phủ lên đoàn quân, lúc đó đang tiến vào thung lũng. Đội quân càng lên cao thì càng chìm dần vào trong khối mây mờ.
Khi người cuối cùng khuất hẳn, cả khối mây đã bốc lên cao và biến mất, người ta không thấy bất kỳ người lính nào bước ra khỏi đám mây đã bay đi đó. Từng ngọn cây, bụi rậm trên đỉnh núi đều có thể nhìn rõ, nhưng một đội quân hơn 800 người đã mất tích hoàn toàn. Khi đó, 22 người lính của New Zealand cũng đang tập cùng trận địa với đội quân này, trên một ngọn đồi nhỏ khác cách đó khoảng 600 m. Họ đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng bí hiểm trên.
Có giả thuyết cho rằng toàn bộ đội quân đã bị lực lượng đặc nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ bắt làm tù binh.Tuy nhiên, sau chiến tranh, phía Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết khẳng định rằng họ chưa từng nhìn thấy đội quân này. 800 người lính đã bị mất tích không nằm trong danh sách những lính Anh bị tử trận, đồng thời cũng không có trong danh sách tù binh chiến tranh được Thổ Nhĩ Kỳ trao trả sau khi chiến tranh kết thúc.
Hàng trăm lính Pháp “không cánh mà bay”
Cũng trong Thế chiến I, cả một đội quân của Pháp cũng gặp mất tích đầy kỳ bí.
Quân số của đội lính Pháp này lên đến hàng trăm người lúc đó đang đóng quân trên đồi Malden. Bỗng một ngày, cả đội quân này mất tích không sót một ai và cũng không để lại dấu vết gì.
Chính phủ Pháp đã mở một cuộc tìm kiếm lớn nhưng đành trở về với kết quả là số 0.
2.000 lính Trung Quốc “bốc khói”
Vào năm 1937 trong cuộc chiến bảo vệ thành Nam Kinh trước quân đội Nhật, Quốc Dân đảng đã huy động một lực lượng hơn 200.000 để chốt giữ thành Nam Kinh. Cuộc chiến này khiến quân Trung Quốc đã thất bại nặng nề, nhất là một sư đoàn trợ chiến 2.000 người của Tứ Xuyên.
Để bảo toàn lực lượng, đội quân hơn 2.000 người được lệnh rút về vùng núi Thanh Long nhưng khi họ tiến vào Thanh Long thì không ai còn thấy một bóng dáng binh sỹ nào của sư đoàn này nữa.
Sau khi cuộc chiến kết thúc, có nhiều lý giải cho rằng, sư đoàn này có thể đã tự chia nhỏ ra để phá vỡ vòng vây của Nhật nhưng giả thuyết này không được chấp nhận vì thời điểm đánh thành Nam Kinh, quân Nhật bao vây từ ba hướng và không một đội quân nào có thể “chọc thủng” được thế bao vây này để thoát ra ngoài.
Đến năm 1939, Quốc Dân Đảng đã ghi vào hồ sơ lưu trữ rằng đội quân này đã mất tích. Một cuộc điều tra do Tổng bộ Quốc Dân đảng được tiến hành nhưng cho đến nay, vụ việc vẫn nằm trong vòng bí ẩn mà không ai tìm được nguyên nhân.
Quan điểm của các học giả
Một số người cho rằng “lỗ hổng thời gian” thực chất là “thế giới phản vật chất” đang tồn tại trong vũ trụ. Họ dựa vào công thức tổng năng lượng vật chất của Einstein, theo đó tổng năng lượng vật chất có hai trị là chính và phụ. Vậy khi trị phụ xuất hiện, chúng ta cần phải làm thế nào ? Nhận thức nó ra sao ? Một số học giả liền đưa nó vào mối liên hệ với “thế giới phản vật chất”. Trước mắt, chúng ta mới hiểu biết được chưa đầy một nửa vũ trụ chúng ta đang sống, là phạm vi thế giới vật chất, còn nửa kia là một hệ thống tạo thành từ phản vật chất.
Hai bộ phận này tiếp cận với nhau dưới tác động qua lại của lực hấp dẫn. Khi tiếp cận đến một mức độ nhất định, tác dụng “đổ vỡ” do thế giới vật chất và phản vật chất sinh ra sẽ tạo ra một nguồn năng lượng vô cùng lớn, tạo thành một áp lực tách đôi hai hệ thống. Theo đó, có thể thấy rằng mất tích chính là hiện tượng phát sinh khi hai hệ thống vật chất và phản vật chất tiếp cận ở mức độ cao nhất, sinh ra năng lượng tạo nên áp lực phân tách. Khi hiện tượng “đổ vỡ” kết thúc, trường lực hấp dẫn trở lại trạng thái ban đầu, hiện tượng tái hiện xảy ra.
Trong cuộc tranh cãi giữa các nhà khoa học, nhiều giả thuyết khác cũng được đưa ra. Một trong số đó là thuyết Thời gian đứng lại. Thế giới vật chất sau khi tiến vào “lỗ hổng thời gian” đồng nghĩa với việc mất tích, và từ đó đi ra cũng có nghĩa là được tái hiện.Như vậy, “lỗ hổng thời gian” và trái đất không cùng một hệ thống, và thời gian trong “lỗ hổng” là tương đối tĩnh. Do đó dù có mất tích 3-5 hay vài chục năm đi nữa, người ta sẽ không có gì thay đổi so với lúc ban đầu.
Giả thuyết thứ hai được đưa ra là thuyết Thời gian ngược, cho rằng thời gian trong “lỗ hổng thời gian” là quay ngược so với bình thường. Người mất tích sau khi rơi vào đó có khả năng sẽ quay ngược về quá khứ. Tuy nhiên, khi thời gian quay ngược một lần nữa, người này lại được đưa trở về thời điểm họ bị mất tích, kết quả là xảy ra hiện tượng tái hiện thần bí.
Trong thuyết thứ ba Đóng cửa thời gian, “lỗ hổng thời gian” là hiện tượng tồn tại khách quan trong thế giới vật chất, không nhìn thấy và cũng không thể sờ thấy. Đối với thế giới vật chất mà con người đang tồn tại, nó vừa đóng lại vừa mở. Thỉnh thoảng khi nó mở ra một lần, kết quả là xuất hiện hiện tượng mất tích. Mở thêm một lần nữa, người mất tích tái hiện.
Trước mắt, quanh vấn đề “lỗ hổng thời gian” vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa có một học thuyết nào có sức thuyết phục vì chưa đưa ra được những chứng cứ xác thực. Hiện tượng “mất tích – tái hiện” vẫn còn là bí ẩn đang chờ con người khám phá.
Huỳnh Văn Yên post (theo LangDu lụm về)

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

BẢN ĐỒ CỔ và TEM TRUNG QUỐC




Trung Quốc bối rối trước tấm bản đồ cổ

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120729/trung-quoc-boi-roi-truoc-tam-ban-do-co.aspx

Thông tin về tấm bản đồ đời nhà Thanh không có Hoàng Sa, Trường Sa do truyền thông Trung Quốc đăng tải thu hút chú ý của dư luận nước này.

Mấy ngày qua, trên các diễn đàn mạng Trung Quốc liên tục nổ ra tranh luận về Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do nhà Thanh xuất bản năm 1905. Như các báo Việt Nam đã đưa tin, tấm bản đồ thể hiện rõ biên giới phía nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam là hết. Đây là một bằng chứng không thể chối cãi, có giá trị lịch sử, pháp lý để phản bác các tuyên bố sai trái lâu nay của Trung Quốc về 2 quần đảo của Việt Nam. Mới đây, tấm bản đồ vừa được TS Mai Hồng, nguyên Trưởng phòng Tư liệu Viện Hán Nôm, trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Sau đó, hàng loạt cơ quan truyền thông Trung Quốc, lớn có Đài Phượng Hoàng, mạng tin Sina, nhỏ có báo mạng Stockstar, mạng Tân Lãng, đều đăng lại thông tin về Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ. Theo thống kê, bản tin kèm video của Đài Phượng Hoàng và Sina tường thuật quang cảnh buổi lễ trao tặng nói trên đã thu hút gần nửa triệu lượt xem chỉ sau 2 ngày. Các báo đài này còn giới thiệu tỉ mỉ về tấm bản đồ cũng như dẫn lời TS Mai Hồng và các chuyên gia, học giả Việt Nam về giá trị, ý nghĩa của nó. Trong bản tin, Stockstar dùng cả tên Hoàng Sa và Trường Sa thay vì những cách gọi ngụy xưng Tây Sa, Nam Sa. 
Đến nay, chính quyền và giới học giả Trung Quốc vẫn im lặng về vấn đề trên nhưng các cư dân mạng nước này bàn luận rất sôi nổi. Trên diễn đàn Lt.cjdby.net/thread-1425902-1-1.html, một số người Trung Quốc thừa nhận rằng với nội dung bản đồ như vậy thì đúng là Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Một số khác vẫn còn ngờ vực và đề nghị tìm kiếm thêm các bản đồ cũ hơn nữa của Trung Quốc để đối chiếu. Tuy nhiên cũng có một bộ phận ngạo mạn thách thức: “Trên thế giới này có ai dám cùng Trung Quốc chơi lịch sử nào?”. Một số khác cho rằng việc Việt Nam đòi chứng minh chủ quyền bằng bản đồ là “ngụy tạo bắt chước những gì Hàn Quốc từng làm đối với tranh chấp đảo đá Ieodo/Tô Nham Tiêu”…
 Bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ
Bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ - Ảnh: Ngô Vương Anh
 Bản tin về bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ trên Đài Phượng Hoàng - Ảnh: chụp từ website Phượng Hoàng
Bản tin về bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ trên Đài Phượng Hoàng - Ảnh: chụp từ website Phượng Hoàng
Đủ cách “đầu độc”
Sở dĩ vẫn còn những ý kiến mù quáng phản bác một bằng chứng rõ ràng như Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ là do chính quyền Trung Quốc trong một thời gian dài đã tiêm nhiễm dư luận về “chủ quyền không thể chối cãi” ở biển Đông. Điều này đã được học giả Lý Lệnh Hoa, chuyên viên Trung tâm thông tin hải dương Trung Quốc, nhiều lần chỉ rõ khi khẳng định giáo trình và truyền thông đã khiến người dân hiểu sai về chủ quyền ở biển Đông.
Ngoài tài liệu ngụy tạo, tuyên bố của nhà nước, phát biểu của các học giả, nước này còn tuyên truyền thông qua những phương tiện thu hút rất đông thanh niên, cư dân mạng thiếu hiểu biết như tiểu thuyết trên mạng, trò chơi trực tuyến… Trong đó có tiểu thuyết Chiến tranh biển Đông Trung - Việt của tác giả giấu mặt có nickname Văn Võ 428 đăng trên Readnovel.com và được nhiều diễn đàn khác lấy lại. Hồi tháng 6, Trung Quốc lợi dụng trò chơi trực tuyến World of Tanks để kêu gọi “liên hiệp hành động Nam Hải, bảo vệ chủ quyền” tại biển Đông, quyên tiền của người chơi để tặng cho binh lính đang chiếm đóng phi pháp ở Hoàng Sa và một số đảo thuộc Trường Sa.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tung ra trò chơi Bảo vệ đảo Điếu Ngư để kích động về tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản. Lời lẽ trong đó vô cùng hung hăng, hiếu chiến khi quảng cáo là người chơi sẽ “tận hưởng cảm giác tiêu diệt lũ quỷ Nhật xâm lược”.
Lập trang web Tam Sa sai trái
Bất chấp những phản đối gay gắt của quốc tế về việc thành lập phi pháp cái gọi là TP.Tam Sa, Trung Quốc còn leo thang trắng trợn trong việc lập ra vô số trang web thông tin riêng về Tam Sa như Sansha.hinews.cn (thuộc Tập đoàn nhật báo Hải Nam), Hq.xinhuanet.com/sansha (thuộc Tân Hoa xã).
Với hình ảnh đảo Phú Lâm, nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, làm hình nền trang chủ, trang Tam Sa của Tân Hoa xã có nhiều mục như: tin nóng, văn hóa, du lịch, cuộc sống, quan sát, quan điểm, phỏng vấn chuyên đề… Đây là nơi những thông tin tuyên truyền sai trái, những hành động phi pháp của Trung Quốc được phát tán, càng khiến người dân nước này bị “đầu độc” về vấn đề biển Đông.
Ngọc Bi
Tokyo đăng quảng cáo về đảo tranh chấp
Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản vừa tìm ra một kênh mới để quảng bá, tuyên truyền cho chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc: quảng cáo. Ngày 27.7, giới chức cho đăng quảng cáo chiếm 2/3 trang trên tờ báo nổi tiếng Wall Street Journal của Mỹ với tựa To the American people from Tokyo, Japan (tạm dịch: Gửi đến người Mỹ từ Tokyo, Nhật Bản).
Trong đó, nội dung cho rằng Trung Quốc đang gia tăng áp lực ở Senkaku/Điếu Ngư và cảnh báo “Mỹ mất cả Thái Bình Dương nếu không ủng hộ các quốc gia châu Á ứng phó Trung Quốc”. Bài quảng cáo cũng kêu gọi Mỹ ủng hộ kế hoạch của chính quyền Tokyo mua lại 4 đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư. Hồi tháng 4, Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara lập quỹ góp tiền mua đảo và tính đến đầu tháng 7, quỹ này đã thu được 16,3 triệu USD, theo AFP. Bắc Kinh chưa có phản ứng về bài quảng cáo trên Wall Street Journal.
Minh Trung
Lucy Nguyễn

Sự thật về Hoàng Sa, Trường Sa trên tem Đài Loan

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120801/su-that-ve-hoang-sa-truong-sa-tren-tem-dai-loan.aspx

Một nhà sưu tầm tem Việt Nam vừa đưa ra bộ tem thời Trung Hoa dân quốc với hình bản đồ Trung Quốc không hề có Trường Sa - Hoàng Sa.

Sự thật về Hoàng Sa, Trường Sa trên tem Đài Loan
Ảnh bộ tem 
Những con tem không chỉ đơn thuần là vật trang trí trên các bì thư, mà còn là những minh chứng lịch sử hùng hồn nhất.
Tính từ năm 1878-2012, tem Trung Quốc đã có 134 năm lịch sử. Trong đó riêng thời Trung Hoa dân quốc (1912-1949) đã phát hành hơn 1.300 loại tem. Trong đó bộ tem của nhà sưu tầm tem Việt Nam Nguyễn Văn Anh có được gồm 6 con, thuộc bộ tem Tưởng Giới Thạch - Quang Phục đại lục, được phát hành năm 1957 tại Đài Loan. Trên tem có dòng chữ Tem quốc dân hoa trung trên hoa văn bên dưới con tem, và dòng chữ Quang phục đại lục trên hình bản đồ toàn Trung Quốc.
Bộ tem này ra đời trong bối cảnh Tưởng Giới Thạch có ý định tìm cách lấy lại đại lục và đổi cách nói “phản công đại lục” thành “quang phục đại lục”. Cách nói thay đổi này được áp dụng từ năm 1954 và mang lại cảm giác mới lạ, nhưng mang hàm nghĩa tương đương. Vì vậy hầu hết các diễn đàn, trang mạng đại lục hiện nay đều không bình phẩm về nội dung của bộ tem này, trong khi nhiều nội dung cũ đưa lên đều bị kiểm soát xóa bỏ. Tuy nhiên, nếu chịu khó tìm kiếm trên những trang web của các nhà sưu tầm tem ở đại lục vẫn có thể tìm mua lại được bộ tem trên, như:www.artww.com/29257/Auction/Show-115302... Một số hình của bộ tem này vẫn được lưu tại các trang web và diễn đàn như: blog.sina.com.cn, bbs.artxun.com, www.artww.comwww.artdb.cn, tupian.hudong.com, www.gucn.comwww.chinau.cc...
Điều đáng nói là hình bản đồ toàn Trung Quốc trên 6 con tem này không hề có sự xuất hiện của Trường Sa, Hoàng Sa. Và chúng vẫn được sử dụng bình thường như một sự thừa nhận của chính quyền Đài Loan ngay từ năm 1957.
Sáng 1.8, VPĐD Báo Thanh Niên tại Đà Nẵng nhận được thông tin từ một bạn đọc cho biết người em ruột của mình đang cất giữ một bộ tem xuất phát từ Trung Quốc, thể hiện đảo Hải Nam là điểm cuối cùng của lãnh thổ Trung Quốc. Chúng tôi đã liên lạc với anh Nguyễn Văn Anh, Phó giám đốc Trung tâm kỹ thuật môi trường là chủ nhân những con tem quý trên và được anh chia sẻ với PV Báo Thanh Niênvề cơ duyên có được bộ tem quý.
Anh cho biết ngay từ khi còn là đứa trẻ, anh và các anh em trong gia đình rất thích sưu tập, chơi tem. Năm 10 tuổi, anh đã phải xa gia đình từ Hội An (Quảng Nam) vào Sài Gòn ở với bà ngoại. “Trước ngày giải phóng mấy ngày, một thiếu tướng chế độ cũ ở Sài Gòn bỏ chạy, để lại nhà cửa và các vật dụng trong gia đình. Nhiều người dân lúc đó đã kéo đến tranh thủ lấy những đồ còn sót lại như ti vi, gạo, xe đạp... Lúc đó tôi hãy còn là đứa trẻ cũng tò mò đến xem. Thấy họ vứt lại 1 album tem trong đống đồ bỏ đi, tôi liền xin về. Bộ tem trên nằm trong cuốn album tem này”, anh Văn Anh nhớ như in.
Vừa rồi, thấy TS Mai Ngọc Hồng hiến tặng bản đồ cổ nhà Thanh, anh mới sực nhớ trong bộ sưu tập tem của mình có 6 con tem bằng tiếng Trung in hình bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa và Trường Sa. “Tôi không có chuyên môn để thẩm định giá trị lịch sử của những con tem này, nên thông qua Báo Thanh Niên, nhờ xác minh giúp. Nếu nó thực sự là một trong những tư liệu phục vụ được cho đất nước trong bối cảnh hiện nay, tôi xin hiến tặng”, anh Anh tâm sự.
Vũ Phương Thảo
Ngọc Bi
(Vĩnh Thuận sưu tầm - 8/8/2012)

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

VỀ VĂN HÓA "HÀ LỘI" NGHÌN NĂM



Thủ đô nghìn năm văn hiến và... "văn hóa bãi bia"

 Hà Nội đang diễn ra một quá trình tích hợp văn hóa trong bối cảnh của một nền kinh tế thị trường "hoang dã" và sự lên ngôi của đồng tiền.  (01/8/2012)
LTS: Văn hóa Hà Nội luôn là một đề tài gây tranh cãi, của những người vốn yêu quý, hoặc quan tâm đến Hà Nội. Mới đây, Tuần Việt Nam nhận được bài viết của tác giả Nguyễn Hòa. Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin đăng tải bài viết dưới đây.
Và rất mong nhận được nhiều ý kiến tham góp, những giải pháp xung quanh chủ đề này, làm sao để Hà Nội thực sự là Thủ đô, với văn hóa Tràng An vốn đẹp và đáng trân trọng. Xin cảm ơn.
Hà Nội- cái... làng lớn
Năm 2010, Hà Nội tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sự kiện này nhanh chóng trở thành niềm phấn khích của cả nước, hầu như tuần nào cũng thấy đâu đó diễn ra một sự kiện "hướng tới Đại lễ". Các sự kiện nhiều đến mức khó có thể không băn khoăn mà hỏi rằng: Nếu không có Đại lễ thì sự kiện nọ có tổ chức hay không?
Phải chăng Đại lễ là cái cớ để sự kiện kia ra đời, như cổ nhân từng nói về "cơ hội nghìn năm có một"?
Riêng với Hà Nội, các sự kiện, công việc mang tính "hướng tới" có vẻ xôm tụ. Trong đó có một số sự kiện, công việc chứa đựng khả năng chứng minh "khủng hoảng lựa chọn văn hóa" là có cơ sở.
Ấy là khi cả Hà Nội trở thành một công trường bề bộn, bẩn thỉu với những đoạn vỉa hè vừa lát năm trước, năm nay lại vội vàng dỡ ra lát lại. Với những con đường nhấp nhô, lồi lõm vì người ta đào bới để làm một cái gì đó. Ấy là khi người ta nghĩ ra chuyện gửi "1000 vật phẩm tiêu biểu cho thế hệ sau" (hẳn là phải tự tin lắm mới nghĩ tới chuyện "khoe" với hậu thế "vật phẩm tiêu biểu" của mình?)...
Nhưng xét từ lịch sử hình thành, thì Hà Nội và rộng hơn là các đô thị khác ở Việt Nam, tới hôm nay hình như vẫn chỉ là 1..."cái làng lớn"? Câu hỏi này có thể lạ tai nếu nhìn từ các phương tiện văn minh, nhưng sẽ là thuận tai nếu nhìn từ lối sống, thói quen, tác phong..., của cư dân Hà Nội.
Xưa kia, kinh tế thương nghiệp còn trong tình trạng sơ khai vốn không cần tới quy mô lớn, trao đổi hàng hóa thường dừng lại ở phạm vi địa phương. Bởi thế, ngoài các trung tâm quyền lực như kinh đô, các trung tâm hành chính ở địa phương, thì sự xuất hiện đô thị với tính cách là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa dường như không thật sự là đòi hỏi cấp thiết.
Sự phồn thịnh rồi suy tàn của kiểu đô thị - kinh tế như Phố Hiến, Hội An là một ví dụ điển hình.
Khi đô thị không ra đời như kết quả tất yếu của sự phát triển đô thị - kinh tế, thì việc tổ chức để đô thị vận hành theo quy củ sẽ dễ lỏng lẻo. Cho nên, với quá trình phình ra của đô thị ở 1 quốc gia nông nghiệp lúa nước, xét đến cùng là hệ quả của sự tích hợp dân cư.
Người ta đến đô thị từ mọi miền, người ta định cư nhưng không thể cắt đứt mối liên hệ với cộng đồng làng xã. Ngay đến tầng lớp quan lại, các vị đại khoa,... cũng không dám thoái thác nghĩa vụ với nguồn gốc xuất thân (về quê để giỗ chạp, để dự hội làng, họp "giáp", nhận phần ruộng...).
Theo thời gian, sự tích hợp này cũng biến động với sự xuất hiện của cư dân từ các địa phương khác đến sau, rồi sự xuất hiện của các ngành nghề mới... Và thế là các đô thị dần dà phai nhạt tính chất nguyên hợp ban đầu, thậm chí phai nhạt cả một vài đặc điểm riêng để thay thế bằng sự tích hợp văn hóa từ nhiều cộng đồng không cùng nguồn gốc, với nền nếp, thói quen, lối sống... khác nhau, với những nét bản sắc khác nhau.
Tất cả cùng phối kết làm nên 1 diện mạo văn hóa mới cho đô thị. Văn hóa Hà Nội là 1 ví dụ điển hình cho tình thế này, bởi điều chúng ta gọi là văn hóa Hà Nội đâu phải ra đời trong một sớm một chiều. Đó là kết quả của 1 quá trình tích hợp lâu dài để làm nên bản sắc.
Để có văn hóa Hà Nội, cha ông phải mất rất nhiều thời gian tạo lập và xây đắp, làm nên điều chúng ta thường nhắc tới trong câu ca dao: "Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".
Hàng nghìn năm trôi qua, lịch sử thăng trầm của đất nước luôn trực tiếp đưa tới các biến động ở kinh thành Thăng Long, sau này là Thủ đô Hà Nội, nhưng văn hóa Tràng An hầu như không biến động lớn, vẫn giữ được vai trò 1 biểu tượng trung tâm của văn hóa dân tộc.
Tháp Rùa Hà Nội
Khi người Pháp đến Việt Nam, họ đã làm cho diện mạo tự ngàn xưa của Hà Nội bị biến đổi, với các biệt thự và đường phố được tổ chức theo kiểu Pháp, với sự ra đời của nhiều thói quen mới trong sinh hoạt hàng ngày. Phong cách phương Tây cùng thói quen mới đã không làm biến đổi cái bất biến của văn hóa Hà Nội, và có phần còn tôn lên sự thanh lịch, đến thập kỷ 60 - 70 của thế kỷ trước, thanh lịch vẫn còn là một giá trị để người Hà Nội tự hào.
Và dần dà, Hà Nội cũng bắt đầu diễn ra quá trình tích hợp dân cư mới. Tuy nhiên, người 4 phương đến định cư ở Hà Nội với tâm thế nhập thân để trở thành một bộ phận của văn hóa Hà Thành hơn là tác động để văn hóa Hà Thành phải biến đổi.
Chưa nói đến một khả năng nữa là tâm lý tự ti của người từ làng xã hay tỉnh lẻ về đất nghìn năm văn vật. Có một sự thật là, kể cả những người giàu có, địa vị cao ở các địa phương, khi đến Hà Nội thường thấy mình "nhỏ bé", nhiều người coi Hà Nội như một thế giới khác mình, không thuộc về mình. Và cũng có một sự thật là có người sau khi định cư ở Hà Nội lại tỏ ra hợm hĩnh về "tư cách người Hà Nội" để... vây vo với bà con ở nơi bản quán.
Các chuẩn mực cơ bản trong cách thức tổ chức cuộc sống, trong nếp sống, trong ứng xử gia đình, ứng xử cộng đồng vẫn được duy trì; thậm chí cách ăn mặc, nói năng vẫn khá ổn định... Các chuẩn mực ấy được duy trì, một phần là do các thế hệ được đào tạo từ cái nôi văn hóa Hà Nội vẫn chiếm đa số.
Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ XX, trong lối sống của người Hà Nội còn xuất hiện cả những hiện tượng lố bịch, đã trở thành đề tài cho tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan... Đó là khi thói "phàm phu tục tử", thói phô phang sự giàu có theo kiểu trọc phú, lối học đòi lố lăng, kiểu cách "rởm đời" và các "ông Tây An Nam"... bắt đầu có mặt giữa 1 cộng đồng văn hóa.
Trên thực tế, sau mấy chục năm, quá trình đô thị hóa theo kiểu phương Tây vẫn chưa thể phá vỡ sự cố kết của cộng đồng dân cư ở mỗi con phố, mỗi xóm ngõ tại Hà Nội. Cùng quê hương bản quán, cùng sống trên 1 khu vực, dù ở phố thì quan hệ vẫn mang dấu vết của kiểu quan hệ... làng xã.
Người sống ở đầu phố không chỉ biết người sống ở cuối phố mà còn tường tận cả gia thế, con cái, hoàn cảnh riêng. Đôi khi việc cưới xin, ma chay hoặc giỗ chạp của một gia đình cũng là việc của nhiều gia đình khác cùng phố. Đến đầu những năm 60 của thế kỷ trước, vẫn thấy tình trạng này còn khá phổ biến, được mọi người coi là việc bình thường.


Hà Nội... mới và "văn hóa bãi bia"
Rồi chính vào lúc các giá trị văn hóa mới chưa lộ hình hài thì ở Hà Nội diễn ra một quá trình tích tụ dân cư mới.
Từ năm 1975 đến nay, dân số Hà Nội tăng thêm mấy triệu người. Thủ đô phải đối diện với các thay đổi diễn ra hàng ngày. Sự thay đổi không chỉ xảy ra với chính cư dân của Thủ đô, mà sự thay đổi còn đến từ hàng triệu công dân tứ xứ mới nhập cư.
Và khác với những thế hệ trước, những công dân mới này đến Hà Nội với tư cách "người làm chủ", họ không e dè mà chủ động phóng chiếu các giá trị văn hóa vùng - miền đã đào tạo nên phẩm chất văn hóa của họ. Từ đó, ở Hà Nội diễn ra một quá trình tích hợp văn hóa trong bối cảnh của một nền kinh tế thị trường "hoang dã" và sự lên ngôi của đồng tiền.
Hà Nội đã là một hình ảnh khác lạ. Hối hả và nhộn nhạo. Mới mẻ và xô bồ. Văn minh công nghiệp và văn minh nông nghiệp. Lịch lãm và lố lăng. Thói hợm của và lối sống giản dị... Có lẽ chỉ còn gặp lại hình ảnh "người Tràng An chính hiệu" ở một số khu phố cổ. Các cô các cậu con nhà gia giáo ngày xưa nay đã già lắm rồi. Cái thú vui vào tối thứ 7 rủ nhau đi xem tuồng hay xem cải lương ở rạpChuông Vàng hay rạp Quảng Lạc đã bị triệt tiêu từ lâu.
Hàng ngày các cụ chỉ còn mỗi việc xem TV và ra vào trên gác, thi thoảng ngó xuống đường - nơi con phố nhỏ hẹp chen chúc xe cộ, tiếng còi xe inh tai, tiếng phanh xe kin kít, cùng tiếng chửi thề mà ngày còn trẻ, chỉ nghĩ đến là các cụ đã thấy... đỏ mặt.
Văn hóa đất kinh kỳ đang... khủng hoảng lựa chọn!
Bên sự vắng bóng của những gánh phở đêm khói thơm nghi ngút, của những chị bán la-gim (légume- rau quả) trên hè, là sự xuất hiện ồ ạt, tràn lan của những restaurant và "bãi bia" mà đến đó, không cần từ điển, vẫn có thể hiểu thế nào là khái niệm "vỡ chợ" vì sự nhồm nhoàm, ồn ào, dung tục... tràn trề, áp đảo thói quen ăn uống nhẹ nhàng, lịch lãm vốn có của người Hà Nội.

Trong tiếng quạt vù vù, dưới các chiếc ô xanh đỏ, bên dãy nồi lẩu được chế biến theo các cung cách lạ lẫm là những gương mặt đỏ bự, là tiếng "zô, zô..." như muốn thi nhau hét càng to càng tốt. Rồi vô khối ngôn từ tục tằn liên tục thốt ra như thứ ngôn ngữ "tiền văn hóa" đang được ưa chuộng.
Rồi người ta gọi món ăn thật to để tỏ ra sành sỏi. Rồi người ta quát mắng nhân viên nhà hàng để chứng tỏ tư cách "thượng đế". Tức là ở các "bãi bia" đang mọc lên như nấm, đối với nhiều người vốn vẫn tự hào là người Hà Nội thì đôi khi, sự lịch lãm như đã trở thành một... sáo ngữ nhiều hơn là một giá trị thực hành.
Cũng không còn là ngạc nhiên nếu đang ngồi tại một cửa hàng giải khát mà nghe ai đó thánh thót: "Cho hai lâu lóng nhé!". Hoặc từ các khuôn trăng đầy đặn, phấn son xanh đỏ, áo quần đúng mode, lại phát ra từ ngôn ngữ mà nếu là người có văn hóa sẽ thấy ngượng ngùng. Rồi ở Hà Nội, người ta không chỉ được xơi phở ngon mà còn được xơi cả "phở mắng", "phở quát".
Nhiều khi mua bán thì buộc phải giao tiếp với mấy cô bán hàng mắt xanh mỏ đỏ luôn luôn tỏ thái độ "khinh người rẻ của" với người đến mua hàng mà ăn mặc xuềnh xoàng. Hoặc sẵn sàng mắng chửi xơi xơi nếu "thượng đế" mặc cả rồi không mua.
Người Hà Nội thanh lịch xưa kia đã vắng bóng, để thay thế bằng lớp người Hà Nội lấy nói tục làm ngôn ngữ... hàng ngày. Một thời, nói tục bị coi là thiếu văn hóa, nhưng đà này tiếp tục, phải chăng tới ngày nào đó, người không nói tục sẽ bị coi là "thiếu văn hóa". Còn người văng tục suốt ngày sẽ được coi là... có văn hóa hay sao?
Dường như đang có một thứ "hội chứng" phô diễn sự thiếu văn hóa của vô số người đang có mặt tại Hà Nội. Người ta "diễn", người ta gồng mình lên, người ta cố tình tỏ ra bất cần văn hóa, chẳng lẽ đó lại là phong cách mới của người Hà Thành?
Nghe tin về kinh phí hơn 11,5 tỷ đồng ngân sách để thực hiện Đề án Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội, trong đó 7 tỷ đồng cấp cho năm 2010 mà vừa mừng, vừa xấu hổ. Mừng, vì người ta nghĩ đến việc một việc như vậy. Xấu hổ vì nếu được quan tâm, nếu có sự làm gương của người lớn, của người có trách nhiệm, đâu đến mức phải chi hơn chục tỷ đồng cho một việc đương nhiên.
Văn hóa đất kinh kỳ đang... khủng hoảng lựa chọn!
Vào những ngày này, người Hà Nội như đang mơ về một thời yên ả, cái tĩnh lặng êm đềm lúc 9- 10 giờ tối trở đi nay đã là quá vãng. Những khu phố mới tinh không kịp nhớ tên. Các chung cư cao ngất ngưởng. Các cửa hàng fastfood dành cho công chức trẻ vào lúc giữa trưa với sự ồn ào như đang cố gào cho hả, bù cho lúc phải ngồi yên trong phòng kính.
Rồi bên quán cafe wifi có người "cắm rễ" ở đó suốt ngày, là các biển hiệu bank, bên các shop thời trang có "cô mannequin" giống tây nhiều hơn giống ta. Rồi xe máy. Rồi ôtô. Rồi karaoke. Rồi massage. Rồi "tẩm quất đèn mờ". Rồi sơn móng tay, sửa móng chân. Rồi "cắt tóc thanh nữ"...
Tất cả làm nên một diện mạo mới của Hà Nội mà dù là người hoài cổ thì cũng biết rằng, 1 thành phố trên đường hiện đại hóa hiển nhiên không tránh khỏi sự nhộn nhịp và ồn ào. Nhưng sự nhộn nhịp, ồn ào của Hà Nội hôm nay như thiếu vắng sự thanh lịch, như đứng trước nguy cơ phai nhạt bản sắc.
Sự tăng lên của dân cư Hà Nội trong thời gian qua đồng nghĩa với một quá trình tích hợp văn hóa mới. Song, muốn làm chủ một văn hóa, trước hết phải biết sống bằng (với) những giá trị của chính nó và bắt đầu từ những việc nhỏ.
Vì chỉ một vài việc nhỏ còn chưa thể (chưa muốn?) sửa chữa, liệu có thể hy vọng ở việc lớn hơn?
Tỷ như, trong cuốn sách Nhớ và ghi, Nguyễn Công Hoan kể ở Hà Nội ngày trước, mỗi buổi sáng, các anh cu-lít (police - cảnh sát) đạp xe dọc các phố, thấy trước nhà nào còn vương rác rưởi là anh ta dán lên cửa một cái hóa đơn, nhà ấy tự giác ra "bốt" nộp phạt.
Còn bây giờ, cùng với nỗ lực xông ra "mặt tiền" một cách nhanh chóng, bất chấp hệ lụy, việc xả rác bừa bãi đã trở thành... thói quen của người Hà Nội. Rác có mặt khắp nơi, rác xuất hiện bất kỳ nơi nào người ta muốn vứt, kinh dị nhất là ném xác chuột chết ra đường. Rồi túi ni-lông, cọng rau muống, nước vo gạo, nước rửa bát của các hàng phở, hàng cơm bình dân,... tràn lan trên cống rãnh, mặt đường.
Ngoài cửa nhà mình là thuộc thiên hạ, tha hồ ném, tha hồ vứt. Như thế phải chăng, thói ích kỷ đang có xu hướng trở thành bộ phận hữu cơ của văn hóa Hà Thành? Nên thật đáng lo ngại khi tiếp xúc với thông tin: "Ngày 20/9, UBND Hà Nội tổng kết thực hiện Nghị quyết 09 của Chính phủ và Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm giai đoạn 1998 - 2010.
Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, 12 năm qua, thành phố phát hiện gần 90.000 vụ phạm pháp hình sự... Phó CT cho rằng, trong quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh những huyện mới sáp nhập vào Hà Nội như Phúc Thọ, Hoài Đức, Ứng Hòa, Thạch Thất, Mê Linh và những địa bàn giáp ranh, tình hình tội phạm có chiều hướng phức tạp. Đáng lưu ý, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ giết người thể hiện sự suy thoái về đạo đức, mang tính chất tàn bạo và tinh vi như phân thây hay đốt xác..."!
Một Hà Nội mới đây chăng?
Nguyễn Hòa

(Vĩnh Thuận sưu tầm 8/8/2012)